Thursday, May 16, 2024

48 cánh chim tha phương tưởng niệm 48 năm viễn xứ

Nam Lộc

Vào ngày 30 Tháng Tư, vừa qua, để tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 48, ngày Cộng Sản Hà Nội cưỡng chiếm miền Nam Việt Nam, một buổi họp mặt thật ý nghĩa và cảm động do tổ chức V-RAP (Vietnamese Refugees Assistance Project) thực hiện diễn ra tại “Nhà Thờ Nhỏ” của Linh Mục Peter Prayoon Namwong, thuộc tỉnh Korat, Thái Lan, cách Bangkok khoảng 300 km.

Linh Mục Peter Prayoon Namwong, một số người Việt tị nạn, và vài thành viên V-RAP tại buổi họp mặt ở tỉnh Korat, Thái Lan, hôm 30 Tháng Tư. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

V-RAP là một tổ chức thiện nguyện, bất vụ lợi, có thành viên ở nhiều quốc gia lớn như Hoa Kỳ, Úc, Canada, và ngay tại Thái Lan, được thành lập với mục đích hỗ trợ việc định cư người Việt tị nạn đang tạm trú tại các nước Đông Nam Á.

Bốn mươi tám người Việt tị nạn, như những cánh chim tha phương, phiêu bạt khắp bốn phương trời, đã tụ tập về ngôi giáo đường thân yêu của Linh Mục Namwong, để cùng nhau ôn lại 48 năm viễn xứ, với bao ký ức buồn đau, cùng những kỷ niệm xót xa. Nhưng họ cũng không quên nhắc đến niềm hy vọng đang hé mở của một tương lai, mà theo đó, cộng đồng người Việt hải ngoại sẽ cùng tiếp tay nhau để giúp định cư những đồng hương bất hạnh, hầu đóng lại trang sử thuyền nhân trong công bằng và danh dự.

Mở đầu là lời chào mừng của cô Grace Bùi, giám đốc điều hành V-RAP, một thiện nguyện viên từ thành phố Seattle, Washington, cùng ông Phạm Văn Nam, cựu phụ tá bộ trưởng Bộ Kinh Tế Massachusetts, từ Boston đến, đại diện Hội Đồng Quản Trị V-RAP.

Kế đến là một chương trình văn nghệ tưởng niệm 30 Tháng Tư diễn ra trong tâm tình của những người Việt tha hương, do chính các đồng bào tị nạn còn vất vưởng tại Thái Lan hiện nay thực hiện và đảm trách. Với tiếng hát, tiếng đàn mộc mạc, đơn sơ, nhưng chân thành và tràn đầy tình cảm, họ đã làm cho nhiều khách tham dự phải rơi lệ qua những ca khúc lưu vong, mà cứ mỗi Tháng Tư về lại vang lên ở khắp các thành phố trên thế giới, nơi có sự hiện diện của cộng đồng người Việt tị nạn.

Vị khách danh dự của chương trình này, dĩ nhiên chính là vị linh mục hiền từ và đầy lòng nhân ái, Linh Mục Namwong, mà suốt 48 năm liên tục, đã hy sinh cũng như bỏ ra bao công sức và tâm huyết để giúp người Việt tị nạn tại Thái Lan, thậm chí cho đến ngày hôm nay, vẫn chưa được nghỉ ngơi, mặc dù ngài đã về hưu.

Bên cạnh đó, còn có sự hiện diện của một số người như ông bà Tiến Sĩ Nguyễn Võ Long, chủ tịch Phong Trào Việt Hưng, với chủ trương “Đuổi Tàu, Cứu Nước,” từ Virginia, Hoa Kỳ, đến; Luật Sư Lưu Tường Quang, cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Liên Bang Úc Châu, cựu tổng giám đốc hệ thống truyền thông SBS tại Úc Châu; bà Lam Châu Nguyễn, chủ tịch Hội Cao Niên Á Mỹ tại California, Hoa Kỳ.

Nhạc sĩ Nam Lộc ôm đàn hát với một số người Việt tị nạn tại bãi biển Tel Aviv, Israel, ngày 30 Tháng Tư, 1988. (Hình: Nam Lộc cung cấp)

Buổi họp mặt cũng có anh Sean Lê, chủ nhân kênh Youtube có tên Tiếng Nói Tự Do; cô Nguyễn Kim Hoàng, hệ thống truyền hình ViệtFaceTV Úc Châu; cùng nhiều tình nguyện viên và một số nhà bảo trợ người tị nạn thuộc chương trình Welcome Corps.

Mục đích của họ là được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi cùng tìm hiểu hoàn cảnh của đồng bào, hầu tạo ra một sợi dây liên kết, mà trong tương lai gần, họ sẽ có thể đứng ra bảo trợ, hay giúp đỡ những người Việt đã có quy chế tị nạn, cũng như hội đủ các điều kiện đòi hỏi của chương trình “Bảo Lãnh Tư Nhân,” mà chính phủ Mỹ vừa phát động, được có cơ hội định cư tại Hoa Kỳ.

Cá nhân tôi cũng được ban tổ chức cho góp tiếng trong một vài ca khúc tị nạn do chính mình sáng tác. Thú thật với quý vị, mặc dù đã có cơ hội được tham dự nhiều chương trình tưởng niệm Quốc Hận 30 Tháng Tư trong suốt gần 50 năm qua, nhưng có lẽ đây là một trong những chương trình đã để lại cho tôi nỗi xúc động lớn lao.

Nó nhắc tôi nhớ về kỷ niệm mà hơn 30 năm trước, tôi cũng đã được Cộng Đồng Người Việt Tị Nạn Việt Nam tại Israel cho tham dự một đêm không ngủ, tưởng niệm Tháng Tư Đen, ngay trên bãi biển của thành phố Tel Aviv. Hàng chục người Việt tị nạn đã ngồi bên nhau để cùng khóc cho thân phận của những người “Do Thái Da Vàng!”

Chương trình tưởng niệm chấm dứt vào chiều tối. Tôi trở về lại Bangkok vào lúc nửa đêm, chuẩn bị cho một chuyến công tác dài với bao cuộc hẹn, tiếp xúc, và gặp gỡ với các cơ quan chính quyền Mỹ, Thái Lan, với các viên chức thuộc Cao Ủy Tị Nạn LHQ, các tổ chức nhân quyền, các bộ phận bảo vệ an ninh cho người tị nạn v..v…

Nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc tháp tùng phái đoàn thiện nguyện họp mặt cùng các nhóm đồng bào tị nạn, thuộc nhiều thành phần cũng như hoàn cảnh khác nhau như cựu thuyền nhân tị nạn, cựu tù nhân lương tâm, các nhà đối kháng ở trong nước đang bị nguy hiểm đến tỉnh mạng, nạn nhân Formosa, hay những dân oan bị cướp đất…, các nhóm thiểu số từ Tây Nguyên, đồng bào Thượng, hoặc những người Việt gốc Hmong từ các vùng Thượng Du Bắc Việt.

Đây là các nạn nhân đã phải hứng chịu sự đàn áp tôn giáo mạnh bạo nhất của nhà cầm quyền CSVN.

Cho đến giờ phút ngồi ôn vội một vài chi tiết của ngày 30 Tháng Tư năm nay, Trong tâm trí tôi vẫn còn vang vọng tiếng hát của 48 cánh chim tha phương trong buổi tưởng niệm 48 năm viễn xứ!

Đàn chim tha phương, lạc loài đôi cánh nhỏ,
Hẹn nhau, ngày trở về cố hương…!

Và tôi cũng xin hẹn quý vị trong bản tường trình lần tới. [đ.d.]

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT