Friday, April 26, 2024

Hội Nghị An Ninh Munich lần thứ 55

Nguyễn Đạt Thịnh

Hội Nghị An Ninh Munich – The Munich Security Conference (MSC) – là một sinh hoạt quốc tế thường niên; các quốc gia trên khắp thế giới – không phân biệt xu hướng chính trị – đều gửi phái đoàn tới dự.

Năm nay phái đoàn Mỹ do Phó Tổng Thống Mike Pence hướng dẫn, gồm trên 50 thành viên quốc hội và vợ chồng cô đệ nhất công nương Ivanka Trump. Do lập trường mới của Mỹ – buông bỏ vai trò bảo vệ khối Tây Âu – nên 2 nhân vật được chú ý nhất là bà thủ tướng Đức Angela Merkel và Phó Tổng Thống Mỹ Mike Pence.

Trong 3 cường quốc Tây Âu – Anh, Pháp, và Đức – thì Đức là quốc gia mạnh hơn hai nước kia; cho nên thái độ của bà Merkel thôi không thân thiện với Mỹ nữa, được coi là thái độ chính thức của Tây Âu. Từ 70 năm nay – sau Thế Chiến Thứ Nhì – Mỹ vẫn  giữ vai trò bảo vệ Tây Âu; vai trò này chỉ thay đổi từ ngày ông Trump đắc cử, lên cầm quyền tại Mỹ.

Đệ nhất công nương Ivanka Trump tại Hội Nghị An Ninh Munich lần thứ 55 hôm 16 Tháng Hai, 2019. (Hình: Getty Images)

Trump thay đổi chính sách ngoại giao – buông bỏ, xỉ nhục các thành viên của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO- North Atlantic Treaty Organisation)

Hôm Thứ Bảy, 16 Tháng Hai, 2019, bà Merkel chính thức và bốp chát khước từ lời kêu gọi của ông Pence – nhân danh Hoa Kỳ- yêu cầu các quốc gia Âu Châu cũng theo Mỹ rút ra khỏi thỏa ước nguyên tử Ngũ Cường + Đức ký với Iran.  Thái độ cứng rắn của bà Merkel, là phản ứng của Tây Âu đối với việc Mỹ buông bỏ những cam kết bảo vệ Tây Âu, chống lại mọi hình thức xâm lấn của Nga.

Thái độ xé lẻ của Trump trong việc Mỹ tách riêng ra khỏi khối Ngũ Cường + Đức, một mình xé thỏa ước với Iran đã làm Âu Châu phẫn nộ.

Một viên chức Đức giấu tên nói với truyền thông, “Không ai còn tin vào liên minh Âu-Mỹ nữa, người đầu tiên là Trump; ổng cố tình đập vỡ nó.”

Trước kia, trước ngày Trump âm thầm chủ trương chính sách ngoại giao mới – thân Nga – thì thế giới chia làm 3 thành phần: Nga, Tàu, và Mỹ; Nga và Tàu; chủ trương bành trướng thế lực bằng cách xâm chiếm các lân quốc, điển hình là Tầu cai trị Việt Nam qua hệ thống các thái thú cộng sản gốc Việt, và Nga chiếm Crimea bằng chiến tranh nổi loạn.

Cho đến ngày cuối cùng của chế độ Barack Obama, Mỹ vẫn không thay đổi chính sách bảo vệ Tây Âu, ngăn chặn không để Nga “chiếm” các quốc gia Âu Châu qua hình thức các chính phủ Âu Châu theo cộng sản và thân Nga, như kiểu liên bang Nga Xô Viết ngày xưa.

Trong 2 năm Trump cầm quyền, ông bốp chát chỉ trích Tây Âu ỷ lại vào Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, phó thác số phận quốc gia vào sự che chở của Mỹ để không tiêu xài đến 2% tổng sản lượng quốc gia vào việc quốc phòng. Trump cho là các nước trong Minh Ước BĐTD thiếu nợ Mỹ vì Mỹ phải duy trì một khả năng quân sự lớn để bảo vệ Tây Âu.

Điều này không đúng, vì dù bảo vệ Tây Âu hay không, nhu cầu tự vệ vẫn buộc Mỹ phải duy trì một lực lượng quân sự mạnh hơn khả năng tấn công của Nga và Trung Cộng.

Thái độ Mỹ buông bỏ Tây Âu đang làm tình hình an ninh thế giới căng thẳng, với khối Tây Âu bỏ ngỏ, không phòng thủ; nên nhiều nước lo lắng gửi phái đoàn tới Munich, tham dự phiên họp thứ 55 của tổ chức Munich Security Conference (MSC) , kéo dài 3 ngày – từ 15 đến 17 Tháng Hai, 2019. Tổng số người tham dư MSC 2019 lên đến trên 600 người.

Tiềm năng quân sự lớn nhất thế giới vẫn là Mỹ; thái độ của vị tổng tư lệnh quân lực Mỹ nghiêng về hướng thân Nga, thì những lân quốc của Nga khó tránh khỏi một hình thức lệ thuộc nào đó – như Việt Nam đang lệ thuộc Tàu.

Vấn đề quan trọng đến mức trong số người tham dự có đến 35 nhân vật ngang cấp nguyên thủ quốc gia, và trên 100 tổng bộ trưởng. Trong số những chính khách quan trọng có bà Merkel, ông Pence, ông Yang Jiechi, cố vấn tối cao của chính phủ Trung Cộng, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đại diện ngoại giao Liên Âu Federica Mogherini, 2 vị khôi nguyên Tawakkol Karman và Beatrice Fihn giải hòa bình Nobel…

Câu hỏi được nêu lên trong cuộc hội nghị MSC là “thế lực nào sẽ nhặt nhạnh những mảnh vỡ của thế giới hôm nay; và sau khi chắp nối những mảnh đó lại với nhau, bộ mặt của thế giới mới sẽ như thế nào?”

Chủ tịch tổ chức MSC – ông Wolfgan Ischinger, nhận định, “Liên Âu – như một đứa bé hốt hoảng – chân tay dẫy dụa, miệng khóc thét lên.”

Tổng Trưởng Quốc Phòng Đức Ursula von der Leyen xác nhận tình trạng khó khăn; bà nói, “Dù muốn hay không Đức và Âu Châu cũng vẫn phải tham dự cuộc thi đua võ trang; chúng ta không đứng ngoài được nữa.”


Tổng Trưởng Quốc Phòng Đức Ursula von der Leyen tại Hội Nghị An Ninh Munich lần thứ 55 hôm 16 Tháng Hai, 2019. (Hình: Getty Images)

Bà Ursula và các viên chức cầm quyền tại các quốc gia thành viên Liên Âu đang tìm cách tạo một quân lực chung cho Liên Âu, để giảm thiểu tốn kém mà vẫn có được một sức mạnh đáng kể.

Tổng trưởng ngoại giao Nhật Tarō Kōno góp ý, “Nhu cầu võ trang tự vệ của Liên Âu, cũng là nhu cầu của Nhật và nhiều quốc gia Á, Âu khác; lực lượng võ trang của chúng ta đặt nặng trên đặc tính phòng thủ, nhất là phòng không và chống hỏa tiễn.”

Tổng thư ký Liên Âu Jens Stoltenberg cho rằng, giải pháp tốt nhất vẫn là cộng tác với Mỹ; ông tin là Liên Âu không có khả năng tự tổ chức một quân đội đủ sức mạnh để tự vệ.

Stoltenberg nhắc lại là Trump chỉ đòi Tây Âu đóng góp xứng đáng, và như vậy thì vấn đề chỉ là giá cả.

Có thể Stoltenberg nhận xét chính xác; Liên Âu nên tăng giá mướn “cây dù” quân sự. Nếu cần vấn kế, họ nên tìm hỏi Saudi Arabia. Trump đang cho phép thiết lập nhiều nhà máy chế tạo nguyên tử tại quốc gia Trung Đông đó. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT