Thursday, May 16, 2024

Không chỉ là cái tên, nó là báu vật của dân Sài Gòn

Kim Ngữ

“Ga tàu thủy Bạch Đằng” là cụm từ bị cộng đồng mạng soi rất kỹ qua nhiều ngày. Soi vì chính bản thân cụm từ này vừa sai vừa chói, nó làm cho dư luận đánh giá là chính quyền Cộng Sản muốn dần dần triệt tiêu tiếng Việt để thay vào đó những từ vô nghĩa, lệch lạc và ngô nghê. Cộng đồng mạng vạch ra sự ác ý khi chính quyền muốn xóa bỏ mọi chứng tích tốt đẹp của miền Nam Việt Nam mà trong đó có khu vực Bến Bạch Đằng, nơi mà người Sài Gòn dính vào như cái nhau rốn với cơ thể khi mới sinh ra.

“Bến tàu thủy Bạch Đằng” trước khi bị tháo xuống và thay đổi vì bị công chúng Sài Gòn phản ứng. (Hình: Thanh Niên)

Bến Bạch Đằng là nơi có tượng Trần Hưng Đạo, có xưởng Ba Son một thời lừng lẫy. Nơi đây đã đón hàng ngàn đồng bào bỏ nước ra đi và cũng chính nơi đây ông Hồ Chí Minh lên tàu sang Pháp bắt đầu một cuộc phân ly giữa hai miền Nam Bắc. Bến Nhà Rồng tự bản thân nó là một di tích lịch sử và văn hóa, nó không thể bị thay tên đổi họ như trước đây một ông bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải từng đổi chữ “thu phí” bằng “thu giá.” Cái bệnh sính chữ khi tư duy hạn hẹp luôn nảy sinh trong hệ thống chính quyền và câu chuyện “Ga tàu thủy Bạch Đằng” là một mảnh ghép “puzzle” trong toàn cảnh văn hóa chính trị của Việt Nam.

Sự chống đối gay gắt ngày một nhiều bởi vì ai là người Việt đều biết chữ “bến” và “ga” khác nhau thế nào. “Bến” gắn với tàu bè, xe cộ hay trong văn chương chữ “bến” còn dùng cho nơi sinh hoạt với sông nước như “trên bến dưới thuyền’ hoặc “mười hai bến nước.” Chữ “bến” dùng cho những nơi đưa đón khách tại những con sông khi ấy nó có tên “bến đò” “bến phà…” Vị trí riêng của nó trong tiếng Việt để phân biệt với những từ cũng dính dáng đến sông nước có tàu bè trọng tải lớn cặp vào, khi ấy “bến” sẽ biến thành “cảng” như “hải cảng” hay “cảng nước sâu,” “cảng Bến Nghé.”

Về “ga” cũng rất rạch ròi trong tiếng Việt. Nó dùng để chỉ những khu vực mà phương tiện giao thông trên bộ là chính như “nhà ga,” “ga xe lửa,” “ga xe điện.” Chữ ga trong văn chương có rất nhiều từ chỉ dấu cho chia ly, buồn bã….chưa bao giờ ga và thuyền song song bên nhau như cụm từ “Ga tàu thủy Bạch Đằng” cả. Vì vậy, người ta chống đối cật lực và sự chống đối ấy trong vòng một tuần lễ đã có kết quả. Công ty gắn tấm bảng “Ga tàu thủy Bạch Đằng” chính thức thông báo sẽ gỡ bỏ chữ “ga tàu thủy” để trả về nguyên bản của nó là “Bến tàu thủy Bạch Đằng.”

Tin tức từ báo chí cho biết ông Nguyễn Kim Toản, giám đốc công ty TNHH Thường Nhật (chủ đầu tư tuyến buýt sông số 1), đã nắm thông tin về vấn đề trên. Ông Toản giải thích tên gọi “ga tàu thủy” có từ khi tư vấn lập đề án và đặt tên khi đưa vào vận hành khai thác.

“Khi đặt tên và khai thác các bến, thấy không ai nói gì nên chúng tôi sử dụng luôn. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang lắng nghe với tinh thần luôn hướng về điều đúng. Do đó, tư vấn sai thì giờ chúng tôi bắt đầu sửa lại,” ông Toản nói.

Vậy là có sửa sai và cộng đồng mạng rất hả hê vì đã lên tiếng cho một vấn đề “chữ nghĩa.”
Nhưng vấn đề không đơn giản. Tại sao ông Toản nhận sai và sửa trong khi Bộ Giao Thông Vận Tải cũng sai, mà còn tệ hơn, nhưng chưa bao giờ lên tiếng nhận sai và sửa?

Ông Nguyễn Văn Thể, cựu bộ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải, là tác giả của cụm từ “thu giá” thay vì “thu phí.” Từ khoảng năm 2018, các trạm thu phí BOT bị biến thành trạm “thu giá” và bản thân cái từ quái gở này cho đến nay vẫn còn nằm trong cuốn sổ đen của cách dùng từ sai trái mà chính quyền nghĩ ra. Nó vẫn lang thang trên mọi cuộc bàn cãi nhưng nó chưa bao giờ được người sáng tạo ra nó chính thức nhận lỗi.

Trong tiếng Việt, dù là hiện đại hay cổ sơ, chữ “phí” là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ. Phí gắn với tiền cụ thể, nộp phí là nộp tiền, thu phí là thu tiền. Miễn phí là không phải trả tiền dịch vụ.

Còn giá là số tiền ấn định cho mức phí, thí dụ phí vận chuyển 100kg thịt từ Sài Gòn ra Hà Nội là 250,000 đồng. Giá không bao giờ thay thế cho phí được, vì ngữ nghĩa của nó quá rõ ràng, trừ một đứa trẻ đang học lớp năm cũng phải biết. Ông Bộ Trưởng Nguyễn Văn Thể không cần biết, cứ bảo nhân viên của ông áp đặt chữ “thu giá” vào tất cả trạm thu phí BOT trên cả nước bất kể Quốc Hội, chính phủ, hay thủ tướng tứng nhắc nhở ông. Vì sao? Vì tính kiêu ngạo cộng sản không cho phép ông nhận sai mặc dù trong thâm tâm ông tự biết mình đã sai rất nặng nề từ cốt lõi của tiếng Việt trong sáng.

Ông Nguyễn Kim Toản không phải là cán bộ nhà nước nên chuyện ông lên tiếng sửa sai là đúng, bởi lẽ, nếu không sửa thì công ty của ông sẽ bị nhà nước điểm mặt vì đã làm công luận chống đối. Khi công luận đã lên tiếng thì sự ổn định xã hội sẽ bị đe dọa, mà đây là cái tội rất lớn có thể đi tù như chơi, vậy là ông Toản tự sửa đổi, đồng nghĩa với tự thú chứ không là gì khác.

Còn ông Thể vẫn im lặng vì nhà nước không muốn khuấy động một vũng bùn do thể chế tạo ra. Đánh bùn sang ao là tài nghệ của nhà nước không ai tranh cãi được.

Cái mừng này chỉ dân Sài Gòn mới thấm thía. Kỷ vật mà người Sài Gòn gìn giữ vẫn chưa bị mất, tức là họ vẫn có Bến Bạch Đằng để chiều chiều ra hóng gió và hóng…hớt cái tên vừa giữ lại được. [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT