Thursday, May 16, 2024

Người tài sao bằng con vua?

Thanh Hà

Bất kể quốc gia nào, dẫu khác nhau về thể chế hay mô hình chính trị, thì việc trọng dụng nhân tài để đưa họ tham gia lãnh đạo quốc gia là chuyện quan trọng hàng đầu.

Ông Trần Tuấn Anh, từng là ủy viên Bộ Chính Trị kiêm trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương. Ông là con cựu Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương. (Hình minh họa: Kham/AFP via Getty Images)

Từ thời Vua Lê Thánh Tông (1442) trên văn bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội đã ghi rõ, “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh; nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn.”

Ban lãnh đạo CSVN luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút và sử dụng người tài, nhưng trên thực tế quy trình tuyển chọn nhân sự của họ hiện nay có quá nhiều vấn đề bất cập. Đó là lý do CSVN không thể chọn lựa và sử dụng nhân tài là những người có năng lực nhất của đất nước.

Với nhiều quy định khắt khe, thậm chí được coi là những điều đang ngăn cản đã khiến cho người tài ở Việt Nam không có chỗ đứng trong bộ máy nhà nước.

Báo Tuổi Trẻ từ năm 2012, trong bản tin “Chạy làm công chức thủ đô không dưới 100 triệu đồng” đã khẳng định điều vừa kể. Bản tin cho hay, ông Trần Trọng Dực, chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Thành Ủy Hà Nội, trong phiên thảo luận về tổng biên chế hành chính, sự nghiệp khẳng định: “…bây giờ người ta nói dưới 100 triệu đồng không có chuyện đỗ đâu. Còn ‘chạy’ vào đâu? Đó là chỗ trưởng phòng nội vụ các quận huyện.”

Trước hết, đó là các quy định “khắt khe” khi nhà nước Việt Nam đòi hỏi về phẩm chất chính trị đối với các ứng viên thi tuyển vào nghạch công chức, ưu tiên cho thành phần là đảng viên hay đoàn viên cộng sản. Hơn thế nữa việc bổ nhiệm lãnh đạo ở cấp phó trưởng phòng trở lên, bắt buộc phải là đảng viên và càng lên cao, tiêu chuẩn càng nhiều hơn và khắt khe hơn. Đó là lý do những người tài ngoài đảng đã mất đi động lực phấn đấu.

Theo giới chuyên gia, số lượng đảng viên CSVN hiện nay ước chừng 5 triệu người, chỉ tương đương với 5% dân số. Điều đó có nghĩa là người tài trong tổng số 95 triệu dân đã bị họ loại “từ vòng gửi xe,” không có cơ hội trở thành lãnh đạo đất nước ở mọi cấp.

Theo Tiến Sĩ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam thuộc Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á (ISEAS) có trụ sở tại Singapore, nhận xét: “Đảng chỉ sự dụng người tài trong số đảng viên. Bây giờ đến mức độ là bộ trưởng còn đòi hỏi phải là ủy viên trung ương đảng, đảng viên bình thường cũng không được.” Theo ông Hợp, những quy định này đang làm mất đi cơ hội có nhân tài cho nhà nước Việt Nam, vì không có gì bảo đảm số đảng viên hiện tại, giỏi giang hay tinh túy hơn những người ngoài đảng.

Đáng chú ý, vẫn theo ông Hà Hoàng Hợp tiết lộ, nếu so với trước thì thấy rõ việc sử dụng người tài của đảng CSVN từ đại hội 7 (1991) cho đến nay, đã có những bước lùi rất lớn. Cụ thể, “Từ Đại Hội 7 đến giờ, không có một ai không phải đảng viên mà được làm tổ trưởng hay trưởng phòng, đừng nói đến thứ trưởng, bộ trưởng. Nhưng trước đây, thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa của CSVN, vẫn có lãnh đạo cấp cao của bộ máy nhà nước không phải đảng viên. Ví dụ như Phó Thủ Tướng Phan Kế Toại, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Nguyễn Văn Huyên hay ông Phan Anh, bộ trưởng Bộ Quốc Phòng đầu tiên cũng không phải đảng viên.”

Ngoài ra, một vấn đề cản trở nhân tài ở Việt Nam tham gia quản lý nhà nước là tình trạng con ông cháu cha chen ngang làm mất cơ hội của không ít người tài.

Việc con cái nối nghiệp cha trong chính trị thì ở bất kỳ chế độ hay thể chế chính trị nào cũng có, như gia đình cố Thủ Tướng Lý Quang Diệu ở Singapore, gia đình cựu Thủ Tướng Thaksin Shinawatra ở Thái Lan, kể cả ở Hoa Kỳ như trường hợp gia đình cố Tổng Thống George H. W. Bush…

Điều khác ở đây là những người con nối nghiệp cha trong việc nắm quyền lực chính trị ở các quốc gia tự do như vừa kể được xã hội và quần chúng chấp nhận, thông qua các cuộc bầu cử tự do và bình đẳng. Họ là những người thực sự có tài năng, có đầy đủ kinh nghiệm và đức độ để nối nghiệp chính trị của cha mẹ.

Điều đó khác hoàn toàn việc sử dụng quyền uy, thế lực của cha mẹ hay dùng tiền bạc để chạy chức mua quyền như ở Việt Nam hiện nay. Đó là hành động vô đạo đức, có thể coi đó là ăn cướp cơ hội của người khác, là điều không thể chấp nhận được trong một xã hội văn minh.

Vấn nạn lãnh đạo cao cấp CSVN lợi dụng chức vụ quyền lực, quyền hạn để bổ nhiệm con cái hay người thân của họ, thực ra cũng chỉ mới xuất hiện công khai và phổ biến dưới thời ông Nông Đức Mạnh, người giữ chức vụ tổng bí thư đảng CSVN từ 2001 đến 2011.

Bắt đầu từ việc ông Mạnh đưa con trai là Nông Quốc Tuấn, một người được cho là từng bị đưa đi xuất khẩu lao động ở Đức để cai nghiện ma túy, lên giữ chức bí thư tỉnh ủy Bắc Giang năm 2012 với sự hậu thuẫn của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Kể từ đó tệ nạn con ông cháu cha của các quan chức cấp cao được bổ nhiệm những chức vụ cao trong bộ máy nhà nước trở nên phổ biến hơn lúc nào hết. Người tranh thủ và hưởng lợi được nhiều nhất không ai khác đó là ông Nguyễn Tấn Dũng, với hai người con trai, Nguyễn Thanh Nghị, đương kim bộ trưởng Bộ Xây Dựng, và Nguyễn Minh Triết, bí thư Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh. Kể cả ông Trần Sĩ Thanh, đương kim chủ tịch Hà Nội, là cháu của cựu Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Sinh Hùng, hay như ông Trần Tuấn Anh, người vừa được cho “hạ cánh an toàn,” trong lúc là ủy viên Bộ Chính Trị kiêm trưởng Ban Kinh Tế Trung Ương. Ông Anh là con ông Trần Đức Lương, cựu chủ tịch nước.

Đây là những biểu hiện cho chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, điều mà những thế hệ lãnh đạo tiền nhiệm CSVN không có hoặc rất ít. Bốn mươi năm trước, con cái của những cán bộ lãnh đạo cấp cao như Lê Duẩn, Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, hay trước đó như Trần Duy Hưng, Nguyễn Văn Huyên… tại sao họ không bố trí con cái họ vào những vị trí lãnh đạo đất nước?

Câu trả lời là thế hệ lãnh đạo CSVN trước đây dù họ khát máu nhưng cũng không vô liêm sỉ như lớp lãnh đạo đạo CSVN hiện nay có thể là một trong những lý do.

Cố Tiến Sĩ Sử Học Hà Văn Thịnh của Đại Học Khoa Học Huế, lúc sinh thời đã hết sức bức xúc khi viết trên trang facebook cá nhân về tình trạng con ông cháu cha ở Việt Nam: “Tàn tệ hơn cả thời phong kiến, mục ruỗng hơn cả ngôi nhà mục nát nhất, là sự thật không thể nào chối cãi!” [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT