Friday, April 26, 2024

Những vấn nạn khiến Sài Gòn tụt hậu

Văn Lang

Thời gian gần đây, không ít người Việt ở hải ngoại khi về Sài Gòn đều từ ngạc nhiên tới… kinh hoàng. Là vì, Sài Gòn bây giờ nạn kẹt xe trở nên khủng khiếp quá. Kẹt xe không chỉ những giờ cao điểm như đi làm buổi sáng hoặc lúc tan trường, tan sở buổi chiều mà ngay cả khi tầm vào 2-3 giờ chiều, trong cơn mưa, xe cộ Sài Gòn vẫn xếp hàng dài, “nhúc nhích” từng chút, từng chút dưới mưa…

Theo thống kê mới đây của giới chức Sài Gòn thì thành phố này hiện có 8 triệu dân, nhưng con số trên thực tế lên tới… 13 triệu người.

Cũng theo thống kê mới nhất, Sài Gòn hiện có 7 triệu 600 ngàn xe gắn máy (2 bánh), và 700 ngàn chiếc xe hơi. Mỗi tháng lại có 30 ngàn xe cơ giới đăng ký mới, chưa kể lượng xe vãng lai, của các tỉnh thành qua Sài Gòn để đi miền Tây, miền Ðông, miền Trung…

Trong khi tân bí thư của Sài Gòn, ông Nguyễn Thiện Nhân, phải có lời kêu gọi “chị em phụ nữ” vì tinh thần “ái quốc”phải cố gắng sinh đẻ nhiều hơn nữa cho thành phố. Lý do, là Sài Gòn hiện nay có tỉ lệ sinh đẻ thấp nhất trong cả nước. Như vậy nạn nhân mãn ở Sài Gòn không phải là do cư dân “bản địa” sinh đẻ nhiều, mà do lượng dân nhập cư ngày càng ồ ạt vô Sài Gòn. Tiếp theo sự khủng hoảng vụ cá chết 4 tỉnh miền Trung, miền Tây qua đợt hạn hán kỷ lục hồi năm rồi… Và sẽ còn tiếp tục tăng theo những vấn nạn kinh tế…

Dân nhập cư vô Sài Gòn, khi đi họ không những mang theo “hình ảnh của quê hương” mà còn đem theo mỗi người một… xe Honda, và dĩ nhiên kèm theo luôn là “tập tục” sinh hoạt của người miền quê.

Sài Gòn “trương phình” lên về dân số (tăng gần gấp 6 lần trước 1975), nhưng đường sá, cầu cống thì hầu như tăng không đáng kể. Chưa kể nạn cán bộ (một thời) tự do lấn chiếm kênh rạch, cống thoát nước (sau đều đã được hợp thức hóa). Theo đúng tinh thần câu ngạn ngữ của người Việt: “Ðể lâu, cứt trâu hóa bùn.” Làm gia tăng nghiêm trọng vấn nạn kẹt xe và nạn ngập lụt lan tràn trên toàn thành phố.

Tân bí thư Sài Gòn, kêu gọi “giải gấp” bài toán kẹt xe ở Sài Gòn, vì chỉ có hết kẹt xe mới đưa Sài Gòn phát triển được.

Hơn 20 năm nay, ban lãnh đạo Sài Gòn không xin trung ương tiền, mà chỉ xin một cơ chế hợp lý để có thể tiến tới một đô thị văn minh. Nhưng chỉ có những lời đáp rất mơ hồ về cơ chế, kiểu như: Trung ương sẽ xem xét, sẽ nghiên cứu và hứa là sẽ… họp, và cho ý kiến… chỉ đạo. Sự thật thì những lời hứa, những cuộc họp chỉ có tính chất… câu giờ, để lợi dụng việc “đánh bùn sang ao.”

Việc lấn chiếm san lấp kênh rạch tự nhiên, cùng với việc thiếu tiền xây dựng cơ sở hạ tầng khiến Sài Gòn luôn trong tình trạng ngập “mọi lúc,” “mọi nơi”… (Hình: Văn Lang)

Trong khi giao thông Sài Gòn “gồng mình” chịu đựng nạn nhân mãn và quá tải về xe cộ. Ban lãnh đạo, cũng như ngân sách eo hẹp của Sài Gòn “oằn mình” gánh những vấn nạn kinh tế-xã hội mà di dân tứ xứ trong cả nước đổ về. Vấn nạn của Sài Gòn là vấn nạn quốc gia chứ không chỉ còn riêng là vấn đề của Sài Gòn.

Lâu nay giới chức lãnh đạo Cộng Sản của các tỉnh thành miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn muốn trung ương phải công khai sự đóng góp cho ngân sách của toàn bộ 63 tỉnh thành. Là vì, các vị trong Nam luôn “ấm ức” vì sự thiếu minh bạch, có nhiều tỉnh (đặc biệt là phía Bắc) hầu như chẳng đóng góp gì, mà năm nào cũng “ngửa tay” xin ngân sách “cứu đói” từ trung ương (thực ra là tiền đóng góp của phe… miền Nam).

Một số thông tin cho thấy, năm 2016 tổng thu ngân sách cả nước là 1 triệu tỷ đồng, riêng Sài Gòn đã nộp cho trung ương hết thảy là 305 ngàn tỷ đồng (chiếm hơn 1/3 ngân sách cả nước).

Nhưng càng nộp ngân sách trung ương nhiều thì Sài Gòn càng… nghèo.

Vì, trước kia Sài Gòn phải nộp ngân sách trung ương là 67% (tổng thu nhập) và được giữ lại 23% để phát triển hạ tầng. Nhưng nay thì tiền nộp ngân sách cho trung ương tăng lên tới 82% và chỉ còn được giữ lại có 18% để duy trì hạ tầng (chứ đừng nói tới phát triển).

Trong khi Hà Nội đóng góp cho ngân sách chỉ bằng một nửa (1/2) của Sài Gòn, nhưng hàng năm được phép giữ lại tới 42% tổng thu nhập để phát triển (đó là chỉ riêng cho thành phố Hà Nội), chưa kể tới những chương trình của các bộ, ngành ở trung ương.

Nhưng tiền chỉ là một chuyện, mà chính cái cơ chế “xin-cho” kiểu trung ương tập quyền mới chính là cái vòng “kim cô” kềm hãm sự phát triển của Sài Gòn.

Nhiều câu chuyện thật mà nghe cứ như chuyện… “xịa,” quanh cơ chế xin-cho.

Trước kia, để “đổi mới” hệ thống xe buýt ở Sài Gòn, toàn bộ xe do một công ty của nhà nước ở Hà Nội đóng thùng (còn máy thì nhập từ Nam Hàn, mà thực ra nhiều khi nhập từ Trung Quốc). Nhà xe tư nhân mua trả góp (thông qua ngân hàng), nhưng để thay đổi “cơ cấu” xe, như thêm hoặc bớt đi (dù chỉ là một chiếc ghế) cũng phải đem xe (tức chạy xe buýt từ Sài Gòn ra tận Hà Nội) để xin phép… trung ương.

Một vị giám đốc xây dựng cho chúng tôi biết, để xây một tòa nhà cao tầng ở Sài Gòn, ngoài việc được Sở Xây Dựng ở Sài Gòn cấp phép. Thì còn phải ra tận trung ương, xin Bộ Quốc Phòng phê duyệt độ cao của tòa nhà “đảm bảo an ninh quốc phòng-hàng không.” Và vị này kể cho chúng tôi nghe chuyện ra trung ương xin giấy phép.

Tới cơ quan thẩm quyền cấp phép thì được thông báo là vị “ủy viên trách nhiệm” bận đi dự một hội nghị đặc biệt, chưa biết bao giờ mới về. Vị giám đốc xây dựng bèn vận dụng hết tất cả các mối quan hệ có được để “truy tìm” số phone của vị ủy viên kia. Cuối cùng liên lạc được, qua điện thoại, vị ủy viên kia cười hì hì: “Họp hành gì đâu, anh đang chơi golf, chú tới thẳng sân golf luôn nhá!”

Tới sân golf với một bao thư đã được chuẩn bị sẵn, toàn là Mỹ kim. Trao tận tay cho vị ủy viên, cầm phong bì dày cộm liếc một cái qua “xấp” tiền 20 ngàn Mỹ kim, chẳng thèm đếm vị ủy viên đút túi, rồi vui vẻ: “Chú cần xây mười mấy tầng, đưa hồ sơ anh ký luôn, khỏi mất công bay tới bay lui, rách việc.”

Trung ương tập quyền được là nhờ cơ chế xin-cho, nếu bỏ điều đó đi thì trung ương tập quyền với ai?

Nhiều cơ chế cũ đang được nới lỏng dần, như tuy chưa bỏ chế độ hộ khẩu, nhưng không còn kiểm soát cư trú nữa nên dân nhập cư mới vô Sài Gòn đông như vậy được. Nhưng Sài Gòn không có tiền xây dựng cơ sở hạ tầng nên càng ngày càng xuống cấp trầm trọng vì quá tải. Vì không thể “phân biệt đối xử” với người nhập cư. Nên dẫn tới một tình trạng nghịch lý là Sài Gòn đóng góp ngân sách cao nhất nước (trên 1/3 GDP), nhưng tiền đầu tư cho mỗi cá nhân lại thấp nhất trong cả nước. Chỉ riêng nghịch lý này đủ để Sài Gòn không bao giờ có thể “ngẩng đầu” lên cùng với các đô thị trong khu vực, chứ mơ gì đến chuyện trở lại là… Hòn Ngọc Viễn Ðông.

Mời độc giả xem phóng sự “Sài Gòn ngổn ngang vì dự án metro”

MỚI CẬP NHẬT