Monday, March 18, 2024

Tư thế chiến tranh

Nguyễn Đạt Thịnh

Hôm Thứ Tư mùng 7 Tháng Mười Một, 2018 – một ngày sau ngày đảng Cộng Hòa mất quyền kiểm soát tại Hạ Viện – tổng thống đe tân Hạ Viện là ông sẽ thủ thế giống như tư thế chiến tranh chống các chính khách Dân Chủ, nếu các chính khách này sử dụng quyền kiểm soát Hạ Viện để điều tra những thỏa thuận tài chính và chính trị của ông (President Trump threatened on Wednesday to adopt a “warlike posture” against Democrats if they use their newly won control of the House to investigate his financial and political dealings)

Chỉ bằng một câu tuyên bố này, tổng thống đã nêu lên hàng chục câu hỏi, hàng chục nghi vấn cho công dân Hoa Kỳ.

Nghi vấn thứ nhất

Tổng thống ký những thỏa thuận tài chính và chính trị nào? Có mờ ám không? Mà sợ các dân biểu Dân Chủ điều tra?

Nghi vấn thứ hai

Tổng thống ký những thỏa thuận đó với những quốc gia nào? Có ký với Nga, với Tầu, với Saudi Arabia – những nước có nhu cầu lợi dụng tổng thống hay không?

Nghi vấn thứ ba

Những thỏa thuận đó đem lại những lợi nhuận nào cho cá nhân, hoặc cho gia đình tổng thống mà tổng thống sẵn sàng thủ thế chiến tranh (warlike posture) chống những dân biểu Dân Chủ nào đụng vào đó?

Nghi vấn thứ tư

Quốc Hội Cộng Hòa có đồng lõa với tổng thống hay không? Và nếu những thỏa thuận tổng thống ký đó bất hợp pháp, thành viên quốc hội có bị truy tố không?

Nghi vấn thứ năm, sáu, bảy…

… và rất nhiều nghi vấn khác nữa.

Bên cạnh “tư thế chiến tranh” tổng thống còn bắt tổng trưởng tư pháp Jeff Sessions từ chức để cử một nhân vật tay chân vào thay thế hầu chấm dứt cuộc điều tra của công tố viên Robert Mueller – một nguy cơ khác, đe dọa sự an toàn của tổng thống.

Lý do khiến tổng thống phải lên tiếng trước, đe các dân biểu đừng tò mò, đừng điều tra, là chính cán dân biểu này đã hứa hẹn với cử tri là nếu đắc cử, họ sẽ điều tra những việc làm mờ ám của tổng thống và cậu con rể ông ta trong suốt 2 năm nắm toàn quyền cả 2 ngành hành pháp và lập pháp.

Trong cuộc họp báo ngày 7 Tháng Mười Một, 2018, tổng thống chấp nhận đoàn kết với các viên chức dân chủ; ông nói, “Tôi muốn thấy cảnh lưỡng đảng đoàn kết,” nhưng chỉ đoàn kết thôi chứ không được điều tra chuyện cũ; nếu Hạ Viện cứ điều tra ông, ông sẽ sử dụng Thượng Viện để điều tra ngược lại.

“Bên này điều tra bên kia, tạo ra cảnh chính phủ bế tắc, và tôi sẽ quy trách cho họ.”

Phải nhìn nhận ông Trump thật thà, nghĩ sao là nói y như vậy; ông không hề là vị tổng thống đầu tiên thất bại trong cuộc bầu cử giữa kỳ trong nhiệm kỳ 4 năm đầu tiên; cả 3 vị tổng thống tiền nhiệm trước ông – Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama, đều đã gặp cảnh bị cử tri chê, sau 2 năm chấp chánh, nhưng họ có thái độ khéo hơn trong cảnh đối diện với thất bại.

Ông Bush mệnh danh thất bại giữa kỳ của ông là một tiếng vỗ hơi mạnh, ông Obama coi đó là cái vỏ bọc, trong lúc ông Trump khẳng định ông không làm điều gì đáng tiếc. Trump nói, “Tôi nghĩ quần chúng thích tôi; họ thích những việc tôi làm.”

Ông giải thích trường hợp thất cử của những dân biểu Cộng Hòa mất ghế là vì họ không hưởng ứng chính sách ông chủ trương.

Về trường hợp của dân biểu Mia Love người gốc Haiti, đại diện cử tri Utah, Trump nói, “Mia Love không thích tôi; cô ta thất cử, tội nghiệp.” Trump mượn trường hợp của nữ dân biểu Mia Love để giải thích lý do thất cử của 27 dân biểu Cộng Hòa.

Chính khách thích tổng thống là Mike Pence, vị phó tổng thống đang tại vị và đang ngồi trong hàng ghế dự khán buổi họp báo của tổng thống; Trump gọi ông đứng dạy và hỏi, “tôi tái ứng cử, anh có còn thích đứng liên danh với tôi không?”

Pence gật đầu; không ai ngạc nhiên, cũng không ai chờ ông trả lời “nô.” Quay lại, tổng thống bảo những ký giả tham dự họp báo, “Ổng trả lời yes đó; O.K.?”

Không ai bật cười; giới phóng viên truyền thông đã biết tính thật thà, giản dị của tổng thống. Hơn nữa, họ còn đang bận tâm đến những thay đổi họ chờ nghe tổng thống đề cập đến, như kế hoạch xây trường thành biên giới Mỹ-Mễ, hoặc việc dẹp bỏ chương trình ObamaCare.

Nhưng tổng thống không đề cập đến những cái khó lớn đó; ông cũng không nói gì đến quyền của Hạ Viện sử dụng trát để đòi nhân chứng và tài liệu trong những vụ điều tra về mọi thỏa thuận tài chính và chính trị của ông.

Tổng thống không nói thì các dân biểu Dân Chủ nói, dân biểu Eric Swalwell, California, đe, “Công dân Mỹ sắp được chiêm ngưỡng giấy khai thuế của tổng thống, vì họ có quyền biết ông ta có tham nhũng hay không.”

Ông Swalwell tuyên bố như vậy trong chương trình NBC News; ông còn nói, “chúng ta sẽ xem xét việc tiếp cận tiền mặt trong việc truy cập vào Văn Phòng Bầu Dục và điều đó liên quan đến các vướng mắc tài chính của ông ta ở nước ngoài.”

Dân biểu Jerry Nadler, bang New York, tân chủ tịch tiểu ban tư pháp Hạ Viện tuyên bố, “Việc sa thải tổng trưởng tư pháp Jeff Sessions sẽ được điều tra, và người chủ trương việc đó sẽ bị quy trách.”

Dân biểu Adam Schiff, bang California, tân chủ tịch tiểu ban tình báo cũng khẳng định, “Nếu chính tổng thống can thiệp vào, và làm mất tính vô tư của hoạt động tư pháp, thì quốc hội phải ngăn chặn ông ta. Không ai ngồi trên pháp luật cả.”

Không thể phủ nhận việc cả 3 ông dân biểu Schiff, Nadler, và Swalwell này kiếm chuyện làm khó tổng thống; việc tổng thống không thích cho ai xem tờ khai thuế lợi tức của Ngài là chuyện cũ, chuyện đã được chấp nhận từ ngày Ngài chưa làm tổng thống, tại sao giờ này lại muốn bới bèo ra bọ?

Hai ông dân biểu Schiff và Nadler cũng vậy, việc thay đổi nhân viên nội các là quyền tổng thống, can cớ gì mà 2 ông nêu lên tính vô tư của hoạt động tư pháp, để đòi tổng thống duy trì chức vụ của ông Sessions.

Mặc dù 3 ông chưa phạm tội “điều tra những thỏa thuận tài chính và chính trị của tổng thống” nhưng cũng đã phạm tội thiếu thân thiện với tổng thống như tội của cô dân biểu Mia Love.

Xin lỗi tổng thống ngay đi thôi, nếu quý vị không muốn phải đối diện với “tư thế chiến tranh” của Ngài. (Nguyễn Đạt Thịnh)

Video: Giờ Giải Ảo Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT