Thursday, May 16, 2024

Vì sao Nguyễn Phú Trọng không dám đụng đến Lê Thanh Hải?

Thanh Hà

Tại đại hội đảng CSVN lần thứ 12 năm 2016, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, thắng áp đảo ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng lúc đó.

Ông Lê Thanh Hải, cựu ủy viên Bộ Chính Trị và là cựu bí thư Thành Ủy ở Sài Gòn. (Hình: Hữu Khoa/VNExpress)

Ngay sau đó, ông Trọng chính thức phát động công cuộc “đốt lò” và có rất nhiều quan chức bị kỷ luật hoặc khởi tố bắt giam vì tội tham nhũng. Tuy nhiên, giới phân tích khẳng định, chiến dịch chống tham nhũng của ông Trọng thực chất là cuộc chiến tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng CSVN.

Để chứng minh cho điều kể trên, người ta thường dẫn chứng vụ “đốt” ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính Trị, bí thư Thành Ủy của Sài Gòn, với tiền nhiệm của ông là ông Lê Thanh Hải. Rõ ràng những vi phạm của ông Lê Thanh Hải, được đánh giá gấp vạn lần của ông Đinh La Thăng, một người đang thụ một bản án tù 30 năm.

Tuy nhiên, vào lúc này, khi quyền lực của ông Trọng đang đi xuống, kèm theo thể trạng sức khỏe của ông được cho là không mấy khả quan, bắt đầu có các thông tin liên quan đến việc ông Trọng sẽ ra đi và ai sẽ thay thế ông trên cương vị tổng bí thư.

Lúc này nội bộ chính trường Việt Nam đang diễn biến hết sức phức tạp và náo hoạt. Giáo Sư Jonathan London, thuộc đại học Leiden University, Hòa Lan, cho rằng: “Việt Nam đang bước vào thời kỳ bất ổn và không chắc chắn.” Và ông lo ngại: “Liệu khoảng trống quyền lực này sẽ còn kéo dài trong bao lâu?”

Báo Người Lao Động của nhà nước Việt Nam ngày 30 Tháng Giêng đăng một bản tin với tựa đề “Lý Nhã Kỳ tung bộ ảnh gợi cảm sau loạt tin đồn.” Bản tin cho biết, trước tin đồn thất thiệt ác ý trên mạng xã hội, diễn viên – doanh nhân Lý Nhã Kỳ có cách đáp trả gây chú ý không kém.

Theo đó, gần đây, cô này bị nhiều tin đồn kiểu “bị mời lên phường uống trà,” “đang bị tạm cấm xuất cảnh điều tra”… Cô lập tức tung bộ ảnh gợi cảm với bộ ảnh Rồng, báo hiệu một năm hoạt động sôi nổi.

Nhắc tới diễn viên – doanh nhân Lý Nhã Kỳ, người ta sẽ nghĩ tới một phụ nữ giàu có nổi tiếng và nhờ quan hệ tình cảm với doanh nhân Lê Trương Hiền Hòa, con trai của “ông trùm” Lê Thanh Hải. Lý Nhã Kỳ được đánh giá là một mắt xích trong hệ thống kinh tài của gia tộc Lê Thanh Hải.

Chưa nói đến gia tài kếch xù của gia tộc, chỉ nói đến khối tài sản do Lý Nhã Kỳ đứng tên cũng lên đến hàng trăm tỷ, trong đó có du thuyền, đeo nhẫn kim cương 7 tỷ… đó là chưa kể đến ngôi biệt thự đắt tiền ở Thảo Điền, Quận 2, Sài Gòn.

Dư luận và giới quan sát đánh giá những thông tin về người đẹp Lý Nhã Kỳ phải chăng là tín hiệu “cảnh báo” cho việc “ông trùm” Lê Thanh Hải sắp bị sờ gáy?

Đây không phải là lần đầu tiên có những tin xấu đối với ông Lê Thanh Hải, mà trước đó, từ năm 2018, gia tộc Lê Thanh Hải từng bị xử lý rồi. Vào Tháng Tư, 2018 ông Lê Tấn Hùng, em trai ông Hải, bị khởi tố bắt giam do liên quan đến tham nhũng. Sau đó không lâu, ông Lê Trương Hải Hiếu, chủ tịch ủy ban quận 12 và là con trai cả của ông Hải, bị gọi tên và bị kỷ luật bị khiển trách.

Trong dự án quy hoạnh khu đô thị mới Thủ Thiêm, một vụ án tham nhũng tham nhũng đất đai và tiền bạc, làm thất thoát tài sản của nhà nước vô cùng lớn, người có trách nhiệm cao nhất là ông Lê Thanh Hải. Vụ án này xảy ra trong thời gian 20 năm liên tục. Đã có hàng ngàn lá đơn của người dân khiếu kiện gửi tới trung ương, đến mức giữa trung tâm thủ đô Hà Nội đã hình thành làng dân oan Thủ Thiêm. Nhưng cuối cùng mọi sự “nguyễn y vân,” ông Lê Thanh Hải hoàn toàn bình an vô sự.

Cuối năm 2022, Bộ Công An tiến hành khởi tố vụ án tham nhũng đặc biệt lớn liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát, ngân hàng SCB, và bà Trương Mỹ Lan. Đây là một vụ án tham nhũng chưa từng có về mức độ, quy mô trong thời gian 10 năm mà không bị phát hiện. Bất chấp những cảnh báo trước đó của truyền thông nhà nước, vụ án vẫn không được cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương, do Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, để ý tới và được cho là “cố ý bỏ qua.”

Có những cáo buộc cho rằng, ông Lê Thanh Hải sử dụng quyền lực, tạo điều kiện cho bà Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát dễ dàng chiếm đoạt hơn 300,000 tỷ đồng, tương đương $12 tỷ, tại SCB. Đó là chưa kể đến số lượng lớn các công sản, là các công trình kiến trúc và đất đai của nhà nước tại các vị trí đắc địa, được gọi là đất “vàng” hay “kim cương,” lọt vào tay Vạn Thịnh Phát với giá rẻ như cho không.

Công luận thấy rằng, nếu như chiến dịch “đốt lò” của ông Trọng thật sự “không có vùng cấm” thì tại sao những sai phạm tày đình như vậy không bị xử lý? Phải chăng có sự che chắn từ cá nhân ông, hay các áp lực chính trị từ các phe cánh khác, kể cả ngoại bang?

Giáo Sư Zachary Abuza, thuộc đại học National War College ở Washington, DC, khi phân tích vụ án Vạn Thịnh Phát đã đánh giá: “…đây là một thất bại nặng nề của việc giám sát, kiểm tra trong công tác chống tham nhũng.” Vậy mà, một năm sau khi bà Trương Mỹ Lan bị bắt, cho đến nay, không có bất kỳ một quan chức lãnh đạo cấp cao nào trong chính phủ hay hệ thống Ngân Hàng Nhà Nước bị xử lý vì vụ bê bối này.

Công luận thắc mắc, vì sao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để cho “con voi” Vạn Thịnh Phát vẫn chui lọt được lỗ kim của cơ quan phòng chống tham nhũng trung ương của ông vậy?

Lẽ ra, vụ án Trương Mỹ Lan và Vạn Thịnh Phát đã bị phát hiện trước đây 10 năm, qua lời khai của tử tù Dương Chí Dũng về việc bà Lan đã nhờ ông Dũng “biếu” quà Bộ Trưởng Công An Trần Đại Quang. Nếu như vụ án Vạn Thịnh Phát được đưa vào diện theo dõi đặc biệt của Ban Phòng Chống Tham Nhũng và Tiêu Cực Trung Ương để xử lý thì những thất thoát tới hàng chục tỷ đô la không xảy ra.

Giới thạo tin cho rằng, ông Nguyễn Phú Trọng “kỵ rơ” nên không dám đụng đến ông Lê Thanh Hải?

Bằng chứng cụ thể là chiều ngày 19 Tháng Ba, 2020, Bộ Chính Trị khóa 12 nhóm họp, xem xét kỷ luật ông Lê Thanh Hải và ông Lê Hoàng Quân, cựu chủ tịch ủy ban của Sài Gòn. Theo đó, ông Hải chỉ bị cách chức nguyên bí thư Thành Ủy nhiệm kỳ 2010-2015. Còn ông Lê Hoàng Quân chỉ bị cảnh cáo.

Kết quả xử lý kỷ luật này được đáng giá là quá nhẹ so với hàng loạt các tội trạng tày đình, mà “sâu chúa” Lê Thanh Hải đã gây ra.

Theo giới thạo tin tiết lộ, “ông Nguyễn Phú Trọng không thể xử mạnh tay hơn với ông Lê Thanh Hải vì nhiều lý do, vì bản thân ông Trọng cũng có những nét ‘tương đồng’ về những sai phạm giống như ông Lê Thanh Hải.”

Hơn thế nữa, ông Hải có ba khóa là ủy viên trung ương, trong đó hai khóa là ủy viên Bộ Chính Trị, nên ông nắm tường tận những “thâm cung bí sử” đấu đá nội bộ và tranh giành quyền lực trong đảng.

Có tin cho rằng, ông Hải đã bắn tin cho ông Trọng rằng “lòng vả cũng như lòng sung,” trước kia anh đã vô trách nhiệm, thì bây giờ đừng bắt người khác phải chịu trách nhiệm thay anh.

Giới thạo tin cho rằng, ông Hải muốn dọa ông Trọng về những sai phạm của ông Trọng trong thời gian làm bí thư Thành Ủy Hà Nội. Lúc đó, chủ tịch Hà Nội là ông Hoàng Văn Nghiên, làm thất thoát 3,000 tỷ đồng của ngân sách, khi có những ưu ái cho tập đoàn Ciputra của Indonesia.

Đổi lại, Bí Thư Thành Ủy Nguyễn Phú Trọng và Chủ Tịch Hoàng Văn Nghiên mỗi ông lãnh $1 triệu tiền mặt và hai căn biệt thự ở khu đô thị Nam Thăng Long ở khu vục Hồ Tây. Được biết ông Trọng đã bán đi một căn, còn lại một căn, hiện do ông Nguyễn Phú Trường cư ngụ. Ông Trường hiện là vụ trưởng Vụ Tổ Chức Ban Tuyên Giáo Trung Ương, là con trai ông Trọng.

Thông tin vừa kể, hiện đang còn trên báo Dân Trí Online, đăng ngày 28 Tháng Chín, 2006, với tiêu đề “Nhà nước thiệt 3,000 tỷ đồng vì một quyết định của thành phố Hà Nội.” [đ.d.]

MỚI CẬP NHẬT