Friday, April 26, 2024

California khuyến khích việc cho con bú sữa mẹ thay vì sữa bột

Anna Gorman (Kaiser Health News)

MONTEBELLO, California – Wendy Wan, 31 tuổi, nói rằng, ở Trung Quốc, loại sữa dành cho trẻ sơ sinh của Mỹ được quảng cáo như một loại thức ăn bổ dưỡng nhất.

“Nghe như là hàng cao cấp,” cô Wan nói. Cô mới sinh em bé vào đầu Tháng Năm năm nay tại bệnh viện Beverly. Theo Wan, lúc đầu cô hoài nghi lời quảng cáo và dự định sẽ chỉ cho con trai bú sữa mẹ. Nhưng khi sữa cô chậm có, cô không ngần ngại cho con bú bằng sữa bột.

“Tôi thích cho con bú, nhưng tôi nghĩ sữa bột và sữa mẹ cũng tốt gần giống nhau,” Wan nói tại giường bệnh viện ngày hôm sau khi sinh bé trai.

Thật ra vấn đề không giống nhau.

Học Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ khuyến cáo chỉ dùng sữa mẹ trong sáu tháng đầu cho bé vì những lợi ích sức khỏe cho cả bé và mẹ mà ai cũng biết.

Theo một nghiên cứu, những phụ nữ như cô Wan lúc đầu chỉ muốn cho con bú sữa mình nhưng rồi thay bằng sữa bột khi còn ở nhà thương, sẽ gần như tăng gấp ba lần việc sẽ ngưng cho con bú mẹ trong vòng hai tháng đầu.

California trong những năm gần đây đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thúc đẩy cho trẻ sơ sinh chỉ bú sữa mẹ từ khi mới sinh, nhưng nhiều phụ nữ vẫn không “tha thiết” với việc này. Một số phụ nữ bắt đầu cho con bú sữa mẹ khi ở bệnh viện, nhưng gần một phần ba trong số này chuyển qua sữa bột trước khi xuất viện, theo dữ liệu của Sở Sức Khỏe Công Cộng California.

Dữ liệu cho thấy có nhiều khác biệt đáng kể cả về chủng tộc lẫn kinh tế xã hội. Phụ nữ da màu ngày càng cho con bú mẹ nhiều, nhưng con số này hiện nay vẫn kém xa phụ nữ da trắng. Năm 2016, có gần 82% bà mẹ da trắng cho con chỉ bú mẹ ở bệnh viện, so với 60% bà mẹ da đen và 65% bà mẹ Á Đông và Mỹ La Tinh. (Nghiên cứu dựa trên các nhóm chủng tộc riêng biệt không bao gồm những người gốc Tây Ban Nha, vì họ có thể thuộc bất cứ chủng tộc nào.)

Khoảng cách rộng cũng là một yếu tố dẫn đến sự khác biệt đối với những quận và bệnh viện ở California. Có những nơi báo cáo tỷ lệ chuyên cho con bú mẹ lên đến hơn 90% trong khi có những nơi xuống dưới 25%. Vài nhà thương tỷ lệ thấp nhất thuộc về những cộng đồng lợi tức thấp. Tỷ lệ trung bình toàn tiểu bang là 69%.

“Bạn sinh con ở đâu… và bạn thuộc chủng tộc nào tác động mạnh đến việc cho con bú mẹ,” theo Arissa Palmer, giám đốc điều hành nhóm bất vụ lợi Breastfeed LA. “Đó là những rào cản mà chúng tôi chưa chạm tới được.”

Trong cố gắng giảm thiểu dị biệt và cải thiện sức khỏe cho các bé, luật tiểu bang đòi hỏi các nhà thương phải áp dụng những biện pháp cụ thể đề xuất cho con bú mẹ chậm nhất là vào năm 2025.

Nghiên cứu cho thấy trẻ nuôi bằng sữa mẹ ít bị béo phì, tiểu đường và hen suyễn. Hơn nữa, có thể  giảm bớt rủi ro về bệnh tim mạch và ung thư cho các bà mẹ.

Trên toàn quốc, trẻ sơ sinh da đen không phải gốc Tây Ban Nha có ít khả năng được bú sữa mẹ hơn người da trắng không phải gốc Tây Ban Nha hay người gốc Tây Ban Nha, theo tài liệu của Trung Tâm Kiểm Tra và Phòng Bệnh (CDC).

Các tiểu bang Mississippi, West Virginia, Louisiana và Arkansas có tỷ lệ thấp nhất về cho con bú mẹ trong khi Colorado, Oregon, Idaho và Washington có tỷ lệ cao nhất.

Theo CDC, khoảng 60% phụ nữ ở Hoa Kỳ ngưng cho con bú mẹ mặc dù trước đó họ dự định sẽ làm. Một trong những lý do là sự lo lắng về cân nặng của trẻ, sợ trẻ quấn mẹ, sở làm không hỗ trợ, và thiếu hiểu biết về những lợi ích của việc cho con bú mẹ…

Một yếu tố khác có thể là hậu quả ngoài ý muốn của việc làm hài lòng bệnh nhân. Carmen Rezak, điều phối viên chất lượng sức khỏe bà mẹ cho AHMC Healthcare, một chuỗi bệnh viện Nam California, cho biết.

Sự hài lòng của bệnh nhân gắn liền với vấn đề tài chánh, y tá có khi sợ từ chối những yêu cầu của khách. Thí dụ họ ngại nói với thân nhân bệnh nhân là không được viếng thăm, dù biết rằng thời gian riêng tư và yên tĩnh sẽ tốt cho việc cho con bú mẹ.

Theo Jen Goldbronn, sở y tế công cộng tiểu bang, việc công bố dữ liệu về tỷ lệ cho con bú mẹ trong toàn bang sẽ làm cho mỗi nhà thương thật sự xem xét lại chính sách và cách thực hiện của mình so với những đối thủ cạnh tranh.

Một phương pháp hay được biết đến nhiều nhất để tăng tỷ lệ cho bú sữa mẹ là áp dụng “Ten Steps to Successful Breastfeeding” (“Mười Bước Nuôi Con Bằng Sữa Mẹ Thành Công”), bao gồm việc giúp bà mẹ cho con bú ngay trong vòng một giờ sau sinh, không cho trẻ bú sữa bột trừ khi thật cần thiết vì vấn đề sức khỏe, quảng bá cho phụ nữ đang mang thai về những lợi ích của việc cho con bú sữa mẹ.

Tổ chức Baby-Friendly-USA yêu cầu các nhà thương tìm kiếm nhãn hiệu thân thiện với trẻ em “baby friendly” để theo phương pháp 10 bước. Tại California, hiện nay gần 100 nhà thương đã có nhãn hiệu, năm 2006 chỉ có 12.

Luật tiểu bang đòi hỏi các nhà thương phải có biện pháp hỗ trợ việc cho con bú mẹ hoàn tất vào năm 2025 cụ thể là 10 bước này, nhưng cũng cho phép các nhà thương dùng những phương pháp khác để khuyến khích việc cho con bú mẹ.

Trish Mac Enroe, giám đốc điều hành Baby-Friendly USA, nói rằng trước đây những nhà thương trên toàn quốc thường không khuyến khích cho con bú mẹ bằng cách cố tình đem ngay các em vào phòng riêng. Bây giờ, trẻ sơ sinh được để lại trong phòng với mẹ và được bú mẹ ngay sau khi sinh. Thúc giục mẹ ôm con “da sát da” ngay sau khi sinh sẽ khuyến khích việc cho con bú vì sự gần gũi của thân thể.

Bà Rezak cho biết thêm: Vài nhà thương có tỷ lệ thấp nhất về cho con bú mẹ trong tiểu bang là bệnh viện Whittier với 20%, và bệnh viện Monterey Park với 22%. Cả hai bệnh viện do AHMC Healthcare điều hành, phục vụ một số lớn các bà mẹ Á Đông vào Mỹ với mục đích duy nhất là sinh con. Cha mẹ người ngoại quốc ở trong số những người khó thuyết phục về tầm quan trọng của việc cho con bú mẹ, một phần vì rào cản văn hóa hoặc huyền thoại về giá trị của sữa bột. Giáo dục cũng quan trọng. Nhân viên bệnh viện cố gắng dạy cho các bà mẹ mới nhận biết khi nào con mình đói hay mệt.

Tại Bệnh Viện PIH Whittier, những bà mẹ muốn dùng sữa bột phải ký một văn bản xác nhận mình hiểu rõ về quyết định, bà Valerie Martin- giám đốc lâm sàng chăm sóc thai sản nói. Bệnh viện này có tỷ lệ cho con bú sữa mẹ 80%, so với 33% của bệnh viện PIH ở Downey.

Tại Bênh Viện Beverly, nơi cô Wan sinh con, các y tá chỉ cho các bà mẹ về những cách cho con bú và nhấn mạnh vai trò quan trọng trong việc chỉ cho bú sữa mẹ.  Nhưng họ cũng không cố thúc đẩy việc này với những bà mẹ mới, theo Melissa Morita, giám đốc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và em bé.

Peng Peng, 34 tuổi, sống ở Trung Quốc, đến Hoa Kỳ khoảng một tháng trước khi sinh con gái Ella Lang ở nhà thương hồi đầu Tháng Năm. Peng nói ngay sau khi sinh bé Ella, một người y tá cho cô sữa bột vì đường trong máu của cô thấp. Peng không bận tâm nhiều nhưng vẫn muốn cho con bú mình càng nhiều càng tốt. “Sữa mẹ tự nhiên và nhiều dinh dưỡng,” cô nhận xét, “Nhưng tôi không tuyệt đối không dùng sữa bột.” (Anna Gorman, Kaiser Health News)

(*) Bài này xuất bản bởi Kaiser Health News, một chương trình biên tập độc lập của Kaiser Family Foundation.

MỚI CẬP NHẬT