Tuesday, May 14, 2024

Đến ‘vương quốc’ Harley Davidson và ước mơ từ quê nhà

Nguyễn Danh Lam

MILWAUKEE, Wisconsin (NV) – Xa Việt Nam bao năm trời, nhưng gần đây trong một giấc mơ, người viết thảng thấy mình trở về quê nhà, nằm bó gối trong một căn gác hẹp. Bao hẹn hò cùng bè bạn, bao điểm muốn thăm lại, nhưng không cách nào nhúc nhích đi đâu được. Thiệt bức bối! Có một cái gì đó thiếu thiếu… Và chập chờn trong giấc mơ ấy, bỗng nhớ, à mình cần phải mua một chiếc xe gắn máy. Giờ mua xe gắn máy sao đây?

Tác giả trước bảo tàng Harley Davidson. (Hình: Nguyễn Danh Lam)

Có cần… credit không? Có cần income không? Mọi thứ chập chờn, rối bời… Thì ra, nỗi “ám ảnh” xưa, trộn lẫn vào đời sống hiện nay, đã hiện ra trong giấc mơ ấy.

Nhưng có thể thấy một điểm tương đồng, đó là nếu về Việt Nam, mình sẽ cần một chiếc xe gắn máy giống như ở Mỹ cần một chiếc xe hơi vậy.

Lại nữa, vụ này không phải mơ mà là một nỗi ám ảnh. Những ngày đầu, khi mới qua Mỹ, rời nhà, bước lên nổ máy chiếc xe hơi. Bỗng ngồi ngẩn ra, hình như mình quên đem theo một thứ gì đó. Rờ túi, cái bóp có rồi, chìa khóa nhà cũng cầm theo rồi. Vậy mình quên thứ gì? Rờ quanh lỗ tai thêm một lần nữa, bỗng bật cười: Trời đất ơi, cái thứ mình “quên” đem theo chính là cái… nón bảo hiểm. Bao năm trời ở Việt Nam, việc cầm theo cái nón bảo hiểm đã thành phản xạ khi rời nhà, ngồi lên xe gắn máy. Giờ qua Mỹ, ngồi xe hơi, cái phản xạ ấy vẫn còn!

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Nhớ hai chuyện vui vui ấy, để thấy, chiếc xe gắn máy đã gắn với đời sống người viết nói riêng và bao bà con đồng hương như thế nào.

Nhưng lần này, trên những nẻo đường viễn du Hoa Kỳ, xin ghé lại một nơi, cũng liên quan “xe gắn máy,” nhưng loại “xe gắn máy” này chính là giấc mơ của không biết bao người mê “cỗ động cơ trên hai chiếc bánh” ở quê nhà.

Wisconsin là một tiểu bang khá “quạnh vắng” ở miền Trung Tây tính theo kinh tuyến; và ở đỉnh Bắc, giáp Canada, tính theo vĩ tuyến của Hoa Kỳ.

Thành phố Milwaukee là đô thị lớn nhất tiểu bang, chỉ cách Chicago hơn 2 giờ lái xe theo xa lộ liên bang I-94, phía Tây Nam hồ Michigan, một trong ngũ Đại Hồ của Bắc Mỹ.

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Miền Trung Tây là một vùng hầu như bằng phẳng, không có núi non, rừng cây cũng ít hơn so với khu vực Đông Bắc gần đó. Các tiểu bang phía Bắc khu vực này có mùa Đông kéo dài, mới chớm thu, nhiệt độ đã xuống khoảng 30 độ F. Với người viết bài này, đây có lẽ là một trong những khu vực… dễ trầm cảm nhất nước Mỹ. Tuy nhiên, những cửa tiệm, những doanh nghiệp đặc trưng của đồng hương mình vẫn hiện ra bằng rất nhiều chấm đỏ, nếu tìm kiếm trên Google Maps. Thậm chí tưởng như một “nghịch lý,” ở nơi nào có khí hậu càng ít thích hợp, bà con mình lại càng dễ sống, càng dễ làm ăn.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, đây là vùng công nghiệp phát triển rất sớm, sau khi lập quốc với các tiểu bang phía Đông, các nhà sản xuất đã mở rộng nền công nghiệp sang phía Tây, quanh khu vực Ngũ Hồ, với nhiều thành phố phát triển lên đến đỉnh điểm trong quá khứ, sau đó… già dần với thời gian và sự biến chuyển tiếp nối.

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Milwaukee thực sự không phải là một thành phố quá già cỗi, mà vẫn đang là một trung tâm phát triển khá hấp dẫn ở vùng này, nhưng cái màu sắc cũ xưa, có chút phần quên lãng, u buồn bao trùm đây đó. Những mặt đường khá vắng vẻ, những góc phố nâu trầm, những bậc cầu thang cọt kẹt dưới gót giày viễn khách. Có lẽ, người viết đến Milwaukee với tâm thế của một gã từ miền Nam Hoa Kỳ, cuồn cuộn, rực nắng, gặp phải một ngày gió lạnh mênh mang, lá vàng gieo hun hút, nên cái cảm trạng này nó hơi lấn át quá chăng?

Một trong những địa điểm đáng chú ý nhất của Milwaukee, đó là bảo tàng của hãng mô tô Harley Davidson. Và đây cũng chính là quê hương của hãng xe này.

Về lịch sử của Harley Davidson, chắc người viết khó nói thêm được gì nhiều, khi nó đã phủ đầy mạng toàn cầu, bằng đủ mọi thứ tiếng. Bởi đơn giản, như đã nói ở trên, danh tiếng Harley Davidson đã vượt khỏi biên giới Hoa Kỳ từ rất lâu, trở thành một biểu tượng, một khao khát chung. Hơn thế nữa, người viết bài không giỏi về cơ khí, máy móc, cũng không phải dân chơi xe, nghiên cứu nhiều về “mô tô.” Người viết chỉ thích đi, nhìn ngắm và suy ngẫm.

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Vào đúng năm thứ hai của thế kỷ hai mươi (1901), hai chàng trai mới 21 tuổi đời, William Harley và Arthur Davidson, cùng nhau tìm cách gắn một cỗ máy có dung tích 116cc lên chiếc xe đạp cũ, trong một nhà kho chật hẹp. Nỗ lực rất nhiều, nhưng “cỗ máy xe đạp” ấy chỉ đem lại một chút kết quả, đó chính là kinh nghiệm và sự dám làm.

Hai năm sau, họ chính thức lập công ty, lấy từ tên ghép giữa hai người, cũng từ cái nhà kho cũ kỹ kia. Phải thêm hai năm tiếp nữa (1905), một chiếc xe mang vóc dáng khá hoàn hảo mới được xuất xưởng, với động cơ 450cc và bộ khung sườn chắc chắn hơn. Tuy nhiên, suốt năm đó họ chỉ bán được vỏn vẹn ba chiếc.

Tiếp tục nhảy từng bước, mỗi bước hai năm trời, nhưng lần này là cú nhảy lớn, phần nào định hình Harley Davidson, khi họ cho ra đời chiếc xe đầu tiên với cỗ máy 45 Grad V-Twin-Motor. Cỗ máy tạo ra tiếng nổ đặc trưng, còn vang đến tận hôm nay…

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Nói chung, về lịch sử máy móc, những bước tiến về động cơ, về mở rộng việc kinh doanh, rồi thăng trầm cạnh tranh… hầu hết các tên tuổi khổng lồ trên toàn cầu đều có những điểm chung- riêng thú vị. Bước dọc theo những hàng xe trong bảo tàng, từ ngày khởi thủy cho đến những cỗ máy kỳ vĩ hôm nay, một cảm giác khó có thể diễn tả, nhưng trên hết vẫn là suy ngẫm.

Người phương Tây thiên về tư duy logic, còn người Việt nói riêng hay người phương Đông nói chung, có vẻ thích an toàn với kinh nghiệm.

Sinh sống, làm ăn, sản xuất, bán buôn, điều trị đau bệnh… hầu hết theo cách thức cha truyền con nối. Thí dụ cụ thể, khi tìm được một thứ lá cây nào đó, ăn vô khỏi một thứ bệnh nào đó, thế là từ sau, hễ bệnh là kiếm cái lá cây đó để ăn, không cần biết tại sao nó lại như vậy. Rất ít người nghĩ tới việc phá tung mọi thứ ra, tìm trong đó cái quy luật, cái bản chất, rồi từ quy luật ấy tạo thành cái mới… Mà với máy móc, động cơ, chắc chắn cái sự logic chính xác mới là nền tảng.

(Hình: Nguyễn Danh Lam)

Chính những quốc gia thoát được “mái đầu bạc” phương Đông, phát triển như phương Tây là những quốc gia học được theo cái tư duy mở của phương Tây. Hai anh chàng tạo dựng nên Harley Davidson, hoặc những tên tuổi công nghệ lẫy lừng hôm nay, giống nhau một cách kỳ lạ, đó là những kẻ trẻ tuổi, từ một nhà kho hay garage nào đó, hừng hực bàu máu nóng sáng tạo, được phép tự do sáng tạo, và từ đó họ tạo dựng nên “cơ đồ” lừng lẫy…

Giấc mơ bó gối trong căn gác hẹp nơi quê nhà, mong một chiếc xe gắn máy, sẽ còn nối dài, nối mãi bao năm?

Chỉ là một chiếc xe gắn máy thường thôi cũng chẳng phải dễ dàng, nói chi một biểu tượng như Harley Davidson. Hơn cả giá trị lưu thông, vận chuyển, hay kinh tế, nó như một giấc mơ của sự tự do, phóng khoáng, “dọc ngang nào biết trên đầu có ai”… Chính cái giá trị ấy, càng là nỗi khát khao dồn trong huyết quản những kẻ bị ức chế, bức bối, muốn phá tung tất cả. Tiếng gầm đặc trưng của con mãnh thú đòi nuốt những con đường, cùng bầu trời xanh bất tận trên kia, cũng là tiếng gầm trong giấc mơ nơi căn phòng bí hẹp tù túng cũ?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT