DU LỊCH

Quảng trường Thánh Phêrô ở Rome

Trịnh Hảo Tâm

Quảng trường Thánh Phêrô (St. Peter’s Square, tiếng Ý là Piazza San Pietro) là khoảng sân rộng lớn hình bầu dục nằm phía trước tiền diện nhà thờ Thánh Phêrô.

Quảng trường được lát đá tảng từ trên cao nhìn xuống như khoen tròn trên đầu chiếc chìa khóa mang ý nghĩa từ Thánh Kinh do Thánh Matthew viết: “Chúa giao cho Thánh Phêrô giữ chìa khóa cửa thiên đàng.”

Thánh Phêrô là một trong 12 môn đệ của Chúa Giê-Su đã tử đạo và được chôn tại đây, ông là người đứng đầu giáo hội được xem là giáo hoàng đầu tiên.

Quảng trường nhìn về phương Ðông là hướng nước Do Thái (Israel) nơi Chúa sinh ra và rao giảng đạo. Bao quanh quảng trường là hai dãy hành lang Colonnade hình cung, mỗi dãy có bốn hàng cột bằng đá với tổng cộng 284 cây cột. Hai dãy hành lang này như hai lối đi được che mưa che nắng đưa tín đồ vào chiêm bái nhà thờ. Lối đi giữa hành lang rộng đủ để xe ngựa chạy và hai lối đi hai bên dành cho người đi bộ.

Quảng trường cũng như kiến trúc hành lang Colonnade do Lorenzo Bermini thiết kế và được xây dựng từ năm 1655 đến năm 1667 dưới triều của Giáo Hoàng Alexander VII. Trên nóc của hành lang là tượng của 140 vị thánh được điêu khắc từ năm 1662 đến năm 1703.

Tâm của quảng trường là cây cột đá Obelisk như một tấm bia cổ xưa nhất nơi đây. Cột Obelisk cao 40 mét có từ thế kỷ 13 trước Tây lịch ở Ai Cập (Egypt) được Hoàng Ðế Caligula mang đến La Mã vào năm 36 Sau Công Nguyên. Trước đó, cột này được dựng ở vận động trường của vua Nero (Nero’s Circus), cách nơi đây 100 mét (là địa điểm nhà thờ Thánh Phêrô hiện nay).

Cột được dời ra đây từ năm 1586 với công dụng như chiếc đồng hồ mặt trời, vào lúc đứng ngọ (12 giờ trưa) bóng cây cột sẽ chiếu xuống ngay chiếc dĩa bằng đá cẩm thạch trắng. Ðối xứng hai bên cây cột là hai bồn phun nước bằng đá. Bồn ở hướng Nam là công trình của Carlo Maderno được tạc vào năm 1613 và bốn hướng Bắc của Carlo Fontana tác tạo vào năm 1677.

Ngày nay phông tên bắn tia nước lên bằng máy bơm, nhưng thời xưa chưa có máy bơm chạy bằng điện hay bằng nhiên liệu, người ta phải dẫn nước từ trên núi xuống. Với nguyên tắc bình thông nhau, nước ở nơi thấp hơn sẽ phun lên cho ngang bằng với mực trên cao. Thành thử thiết kế phông tên ngày xưa là một công việc phải tính toán không đơn giản.

Quảng trường Thánh Phêrô chụp từ nóc nhà thờ Thánh Phêrô. (Hình: Trịnh Hảo Tâm)

Khoảng giữa cây cột Obelisk và mỗi bồn phun nước có một tảng đá hình bầu dục đánh dấu tâm điểm của dãy hành lang hình vòng cung. Nếu đứng trên tảng đá này sẽ thấy hai hàng cột của hành lang Colonnade thẳng hàng nhau.

Gần bậc thềm dẫn lên nhà thờ Thánh Phêrô có hai tượng đá rất lớn là tượng hai thánh Phêrô và Phaolô (Peter và Paul) là hai thánh bổn mạng của thành La Mã. Hai tượng này cao khoảng 5 mét được tạc theo lệnh của Giáo Hoàng Pius IX vào Lễ Phục Sinh 1847 để thay thế hai tượng cũ nhỏ hơn.

Ðứng ở quảng trường Thánh Phêrô nhìn về phía nhà thờ, phần cao nhất là mái vòm nhà thờ, không phải hình bán cầu mà là hình cong Parabole do danh tài Michelangelo, người giữ vai trò kiến trúc sư trưởng vào năm 1546, vẽ kiểu. Cho tới khi ông chết (năm 1564) mái vòm vẫn chưa hoàn tất chỉ mới xong phần đáy.

Mái vòm được xây từ năm 1585 đến năm 1590 do kiến trúc sư Giacomo Della Porta và phụ tá là ông Domenico Fontana, đây là người vẽ kiểu ngôi nhà “lồng đèn” đặt trên mái vòm và cao nhất là quả cầu tròn được đặt lên trên đó vào năm 1593.

Tiền diện nhà thờ là một kiến trúc hình chữ nhật rộng 116 mét và cao 53 mét với những cột to được xây trong khoảng từ năm 1608 đến năm 1614 do Carlo Modeno thiết kế. Bên trên tiền diện có 13 tượng các thánh từ trái sang phải là các ông Thaddeus, Matthew, Philip, Thomas, James the Elder, John the Baptist, Christ the Redeemer (ở giữa), Andrew, John the Evangelist, James the Younger, Bartholomew, Simon và Matthias.

Phía dưới có dòng chữ La Tinh “In Honorem Principis Apost Pavlvs V Bvrghesivs Romanvs Pont Max An Mdcxii Pont VII.” Dòng chữ này dịch sang tiếng Anh là: “In honor of the prince of apostles Paul V Borghese, Pope, in the year 1612 and the seventh year of his pontificate” cho biết tiền diện nhà thờ được xây năm 1612 nhằm vinh danh vị sứ đồ là Giáo Hoàng Paul Ðệ Ngũ Borghese trong năm thứ bảy dưới triều giáo hoàng của ngài.

Giữa tiền diện và các cửa vào nhà thờ là gian đại sảnh gọi là Portico nơi đây có tượng hai hoàng đế là Charlemagne ở hướng Nam và Constantine ở hướng Bắc là những người có công với giáo hội.

Cửa nhà thờ ở hướng cực Bắc (tức cửa tay phải nếu đứng phía trước nhà thờ nhìn vào) gọi là Thánh Môn (Holy Door) cánh cửa bằng đồng được thiết kế bởi Vico Consorti vào năm 1950. Cửa này chỉ được mở khi mừng những việc trọng đại như năm Thánh (Jubilee years). Gần đây nhất Ðức Giáo Hoàng John Paul II mở cửa thánh này trong những năm 1983-1984 và 2000-2001.

Cánh cửa chính giữa tác giả là Antonio Averulino (năm 1455) được lưu lại từ nhà thờ cũ. Cánh cửa quá nhỏ so với nhà thờ mới nên phải gắn thêm những phù điêu chạm trổ hình các thánh như hình Chúa đội mũ triều thiên cho Ðức Mẹ Maria. Thánh Phaolô với thanh kiếm (ông này là quan triều từng sát hại người theo đạo sau trở lại với đạo), Thánh Phêrô trao chìa khóa cho Giáo Hoàng Eugene IV…

Cửa sau cùng ở phía trái là Tử Môn. Theo truyền thống, cửa này chỉ mở để đưa đám tang ra khỏi nhà thờ và các phù điêu trên cánh cửa cũng diễn tả cảnh lâm chung của Chúa Giê-Su, Ðức Mẹ Maria và nhiều thánh khác nữa.

Quảng trường Thánh Phêrô là biểu tượng cho Tòa Thánh Vatican, vì là một quốc gia riêng cũng là trung tâm điều hành giáo hội Công Giáo trên toàn thế giới với hơn 1.27 tỉ tín đồ. Quảng trường là nơi diễn ra những nghi lễ lớn trong giáo hội như tấn phong hay an táng giáo hoàng, cũng là nơi giáo hoàng cử hành thánh lễ và tiếp kiến giáo dân.

Tác giả Trịnh Hảo Tâm đã xuất bản tám quyển ký sự du lịch gồm: Trên Những Nẻo Ðường Việt Nam; Miền Tây Hoa Kỳ; Ký Sự Du Lịch Trung Quốc; Mùa Thu Ðông Âu; Tây Âu Cổ Kính; Miền Ðông Nước Mỹ và Canada; Hành Hương Thánh Ðịa Do Thái; Nhật Bản, Hồng Kông-Macau, Thái Lan.

Sách dày trên 300 trang, trình bày đẹp, mỗi quyển giá $15 (bao cước phí trong nước Mỹ), xin liên lạc Trịnh Hảo Tâm qua số điện thoại (909) 489-2451, email: trinhhaotam@yahoo.com.

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Little Saigon

Tháng Tư – và một cuộc giải phóng khác

Một ngày nọ đi làm về, khi vừa bước vào nhà, tôi đã phát hiện…

38 mins ago
  • Việt Nam

Bắt giữ nghi can điều hành trang ‘clip sex’ có 1.1 triệu thành viên

11 đồng phạm của nghi can Vinh sống tại nhiều tỉnh, thành khác, cũng bị…

57 mins ago
  • Việt Nam

Giới chức Sở Nông Nghiệp Sài Gòn nhận hơn $500,000 từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn

Cựu giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Sinh Học, Sở Nông Nghiệp ở Sài Gòn,…

1 hour ago
  • Việt Nam

Cao tốc phải đóng nửa ngày để Phạm Minh Chính đến khai trương

Sau hai ngày thông xe, tuyến cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo phải tạm đóng để…

1 hour ago
  • Việt Nam

Thi thể chết khô tại Vinhomes ở Hà Nội là cô gái đến từ Đồng Nai

Tin đồn cho rằng chủ căn chung cư tên là Đỗ Phan Duy Khuê, 29…

2 hours ago
  • Little Saigon

Tưởng niệm 30 Tháng Tư gợi nỗi đau khó xóa nhòa

Những cư dân đến tham dự buổi tưởng niệm 3- Tháng Tư cùng tỏ lòng…

2 hours ago

This website uses cookies.