Tuesday, May 14, 2024

Huế yêu, tình nghĩa trăm năm!

Bích Vân

THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Huế không chỉ cổ kính với Thành Nội, lăng tẩm trầm mặc, không chỉ lãng mạn với dòng Hương ôm bóng Ngự Bình, không chỉ ngân nga giọng hò mái nhì, mái đẩy, mà Huế còn nghĩa tình, nhân ái, yêu thương rất riêng tư mà cũng rất đất nước, từ nỗi đau lịch sử rất dân tộc mà rất Huế.

Đại Nội, nơi xảy ra sự kiện Kinh Thành Huế thất thủ. (Hình: Bích Vân)

Tôi đến Huế vào cuối Tháng Năm để tìm kiếm, để say ngắm lại bóng dáng người tình cũ vương vấn trên tàng phượng vĩ huyền thoại dưới chân cầu Trường Tiền ở phía bờ Nam. Buổi sáng Tháng Năm trời trong xanh, hoa phượng thắm tươi trải mình khoe sắc. Buổi chiều, hoa vẫn bời bời đón ánh tà dương từ hướng Thành Nội vọng về. Vẫn là Huế đó thôi, vẫn là Trường Tiền đó thôi, mỹ miều tha thướt.

Chuyện “Kinh Thành thất thủ” trên 130 năm

Tôi qua bờ Bắc vào cửa Thượng Tứ đi vào Thành Nội. Phía công viên đường Trần Hưng Đạo dọc bờ sông Hương đang tưng bừng khu ẩm thực Festival Huế 2022 với hàng trăm sản Huế và món ăn dân dã trăm miền. Lối vào cửa Thượng Tứ cũng tấp nập xe cộ ngược xuôi nhưng lác đác có hương án bày mâm cỗ nhang đèn cúng trước các nhà dọc phố.

Tôi ngạc nhiên dừng chân ghé hỏi thì được biết “mâm cúng Âm Hồn cô à!” Trang sử đau thương nằm yên trong tiềm thức bừng sống dậy. Gần 150 năm trước, đêm ngày 22 rạng ngày 23 Tháng Năm năm Ất Dậu (tức ngày 5 Tháng Bảy, 1885), cuộc binh biến đánh chiếm đồn Mang Cá và tòa Khâm Sứ bất thành, Kinh Thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi phải xuất bôn ra hướng Kim Long rồi ngược lên núi rừng Tân Sở Quảng Trị, ra hịch Cần Vương… đất nước mất hết chủ quyền. Với Huế, đó còn là ngày hàng ngàn, hàng vạn dân, binh đã chết trong chiến trận, loạn lạc.

Năm 1894, vua Thành Thái cho xây Đàn Âm Hồn và hằng năm vào ngày 23 Tháng Năm Âm Lịch triều Nguyễn đều cử hành lễ tế. Đàn Âm Hồn là một trong ba công trình được nhà Nguyễn lập nên để phục vụ tế lễ gồm: Đàn Nam Giao để tế trời, Đàn Xã Tắc để tế đất và Đàn Âm Hồn để tế các vong linh đồng bào, binh sĩ hy sinh trong biến cố thất thủ kinh đô.

Mâm cúng Âm Hồn ở một nhà kinh doanh trên đường Trần Hưng Đạo gần cửa Thượng Tứ ngày 27 Tháng Năm. (Hình: Bích Vân)

Đàn được xây tại địa điểm diễn ra trận tập kích với quy mô lớn do quan đại thần Tôn Thất Thuyết và em trai ông trực tiếp chỉ huy nhằm tiêu diệt đội quân hùng hậu của Pháp. Cuộc tập kích đã thất bại, toàn bộ số binh sĩ triều đình tử trận, một phần bị quân Pháp vứt xuống sông, một số bị đem thiêu, làm cho cả Kinh Thành sống trong mùi xú uế hằng tháng trời.

Đàn này lúc đầu được đắp bằng đất, sau được xây cất tử tế, trở thành ngôi đền trong đó có đặt bài vị ghi danh các binh sĩ đã hy sinh trong ngày kinh đô thất thủ. Sau này, triều đình cho làm thêm một ngôi nhà ba gian để giữ đồ thờ cúng gọi là tự khí và các tài liệu liên quan, đồng thời cắt một đội quân nhỏ để coi sóc chung cho cả đàn.

Lễ tế Đàn Âm Hồn lúc bấy giờ được xem như quốc lễ, quan đề đốc Kinh Thành làm chủ tế. Người ta còn truyền nhau rằng chính Đức Bà Từ Cung cũng tham gia chăm chút sắm sang phẩm vật cúng tế. Nghi thức này kéo dài cho đến năm 1945.

Sau năm 1945, Việt Minh cướp chính quyền, Đàn Âm Hồn không còn được bảo vệ như xưa. Các công trình của đàn tế dần dần đổ nát do chiến tranh cũng như sự xâm hại của con người. Dù vậy, việc tế Đàn Âm Hồn vẫn được người dân trong khu vực duy trì qua việc hình thành Phổ Phước Lợi (ban cúng tế) với sự tham gia của khoảng 100 gia đình.

Sau năm 1975, di tích Đàn Âm Hồn đã bị xâm lấn và chiếm dụng vào mục đích khác trong nhiều thập niên mãi đến Tháng Năm, 2018, lần đầu tiên lễ tế Âm Hồn được phục dựng đúng với nghi lễ của triều đình. Đó là câu chuyện hưng vong suy biến nổi trôi, văn hóa ứng xử của triều đình, nhà nước.

Mâm cúng Âm Hồn trên đường Nguyễn Thái Học ngày 29 Tháng Năm. (Hình: Bích Vân)

Tình người xứ Huế

Với người dân Huế thì trong ký ức truyền đời thống thiết những câu vè “Kinh Thành Thất Thủ” mô tả bối cảnh “Đánh cho thiên hạ bại tan/ Lâu đài xiêu méo chẳng an bề gì/ Đánh cho thiên hạ bại suy/ Người thời chết mẹ, kẻ thì chết cha/ Người thời cháy cửa cháy nhà/ Chết con chết vợ khổ mà sanh sơ/ Ông bà không chốn phụng thờ/ Vô phương sanh lý trời ơi hỡi trời.”

Hay là khóc than hậu quả “Thiên hạ than khóc một khi/ Người thời dắt mẹ kẻ thì bồng con/ Của tiền như nước như non/ Lạy trời miễn sống mình bòn còn ra…” Người chết nhiều đến nỗi thân nhân không thể tang ma mai táng mà phải chôn tập thể. Mười năm sau, khi người Pháp quy hoạch, điều chỉnh lại đường phố Huế, đã phát hiện nhiều hố chôn tập thể của hàng trăm hài cốt trong Thành Nội, tập trung nhiều nhất ở rãnh cống khu vực Hồ Phu Văn.

Để tưởng nhớ những người đã chết vì vận nước, nhân dân tự quyên góp tiền của, xây ngôi miếu Âm Hồn (ở góc đường Mai Thúc Loan và Lê Thánh Tôn ngày nay) và lấy ngày thất thủ kinh đô 23 Tháng Năm Âm Lịch hằng năm làm ngày húy kỵ “quảy cơm chung.” Đường Lê Thánh Tôn ngày ấy được gọi là đường Âm Hồn.

Không chỉ tại miếu Âm Hồn mà trong mỗi gia đình Huế hằng năm đều lễ cúng Âm Hồn dù có hay không có thân nhân chết nạn. Điều kỳ lạ là những mâm cúng tôi nhìn thấy ở cửa Thượng Tứ đã là ngày 25 Tháng Năm, quá hai ngày sau ngày chính kỵ. Hôm sau, tôi đi về cầu ngói Thanh Toàn, cách thành nội hơn 10 km trên đường đi lại lác đác gặp những mâm bàn bày cúng trước nhà. Phải chăng lễ cúng âm hồn không chỉ trong Thành Nội mà lan tỏa cả ngoài Kinh Thành Huế và lễ cúng cũng không chỉ trong ngày 23 Tháng Năm Âm Lịch? Tôi thắc mắc mà không biết hỏi ai.

Khi tham gia đoàn thăm viếng một ngày của công ty du lịch Huế, trong các điểm thăm có nhà cổ của một quan Thượng Thư triều Khải Định, tình cờ tôi lại thấy gia chủ đang bày mâm cúng. Hướng dẫn viên du lịch giải thích,chính kỵ là ngày 23 nhưng từ đó kéo dài đến cuối Tháng Năm người Huế vẫn xem là tháng Âm Hồn và tùy theo từng gia đình vẫn có thể chọn ngày cúng trong khoảng này.

Miếu Âm Hồn. (Hình: Bích Vân)

Khác với cách đơn giản của người Nam Kỳ thường cúng vong, thí thực chỉ là con gà, con vịt, gạo, nước muối, thì mâm cúng Âm Hồn của người Huế từ nhà cổ của quan Thượng Thư, chủ hiệu kinh doanh trên phố thị đến những gia đình nông thôn ngoại thành Huế đều tươm tất với hàng chục món ăn sang trọng như mâm cỗ cúng tổ tiên ngày giỗ Tết. Ngoài những món ăn nấu chín, còn có các loại nông sản tươi sống, khoai lang, khoai mì, bắp ngô, mía… và nhất là không thể thiếu các loại bánh nậm, bánh lọc đặc trưng xứ Huế.

Một buổi chiều ngồi ăn bánh khoái trong một kiệt đường Nguyễn Công Trứ, vắng khách, tôi chia sẻ với cô chủ quán cách nhìn thán phục của người Nam Kỳ với chuyện cúng kiếng của dân cố đô. Như chạm đến nỗi lòng, cô chủ quán liến thoắng cởi mở: “Có chi mô! Chừ ni đã giản tiện lắm rồi! Ngày mô còn sung túc, mỗi mâm hai ba chục món! Không chỉ đồ ăn, còn củi nỏ, cô nhìn xuống chân bàn thờ nào cũng có vài bó củi! Ôi! Chết trên bờ, chết dưới nước, dưới sông lạnh lắm. Phải có củi cho vong sưởi ấm!”

Giải thích về động cơ nhà nào cũng cúng, trong tâm ý người bình dân của chị chủ quán có phần mê tín ra vẻ long trọng: “Tháng Năm ni là tháng Âm Hồn. Buổi chiều trẻ con còn không được ra đường. Không cúng kiếng thì bệnh tật, hỏa hoạn, tai nạn không yên!”

Còn một lý do khác không kém quan trọng là tập quán trên trăm năm trải qua nhiều thế hệ, cô chủ quán hạ giọng: “Người xưa đã bảo, lẽ nào mình không theo.” Nói tới đây như sống lại hồi ức sâu kín nào đó, cô lại chép miệng: “Tội lắm cô ơi! Chết chi nhiều rứa! Đau thương rứa!”

Có lẽ đây mới là điều chính yếu, người Huế đã tưởng niệm vong linh của những binh lính, võ tướng hy sinh vì nước, chia sẻ với những thường dân chết oan trong loạn lạc bằng tình yêu thương như quyến thuộc đã thể hiện trong bài vè “Kinh Thành Thất Thủ:” “Hãy còn có mặt mày đây/ Thành đô khôi phục nhớ ngày quảy đơm/ Ví dầu dĩa muối bát cơm/ Cô dì thúc phụ quảy đơm cho nhớ ngày.”

Hương Giang soi bóng đêm. (Hình: Bích Vân)

Tưởng nhớ nạn nhân thảm sát Mậu Thân

Nhưng với Huế nỗi đau không chỉ xảy ra một lần trong ngày Kinh Thành thất thủ! Lịch sử oái oăm lại tái diễn nỗi đau với cường độ cao hơn và động cơ tàn nhẫn hơn. Chính sự lặp lại này đã nuôi dưỡng thêm trong lòng người dân Huế tình yêu thương ngậm ngùi bi phẫn với những số phận oan khiên. Lệ cúng Âm Hồn Tháng Năm không chỉ với những nạn nhân trong ngày xưa ấy mà còn lồng ghép để tưởng nhớ đến những oan hồn trong thảm sát Mậu Thân 1968.

Tết về, người dân Huế nhộn nhịp đón Tết, nhưng ở đâu đó, giữa lòng thành phố, vẫn có nhiều người nặng lòng với nhiều cái chết năm Mậu Thân, họ đã dùng phần lớn quỹ thời gian của mình để phục vụ những việc tâm linh.

Sau năm 1975 người ta không chỉ xóa bỏ Đàn Âm Hồn của triều Nguyễn mà đường Âm Hồn đã in trong tâm thức dân gian bị đổi tên Lê Thánh Tôn, người ta còn định xóa sổ cả cái miếu Âm Hồn bé nhỏ hiền lành. Giữ được là nhờ lòng dân, tình người dân xứ Huế. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT