Sunday, April 28, 2024

Giới khoa học khám phá vi khuẩn mới gây ung thư ruột

ATLANTA, Georgia (NV) – Một loại vi khuẩn gây ra mảng vựa bám trên răng có thể là nguyên nhân gây ra dạng ung thư đại trực tràng kháng trị, một nghiên cứu công bố hôm Thứ Tư, 20 Tháng Ba trên tạp chí Nature cho thấy.

Loại vi khuẩn đặc biệt này có tác dụng bảo vệ tế bào khối u chống lại thuốc chống ung thư, được tìm thấy ở 50% số lượng khối u được thử nghiệm trong nghiên cứu. Các chuyên gia cho rằng khám phá này có thể mở đường cho các phương pháp điều trị mới và cả các phương pháp sàng lọc mới.

Ung thư ruột kết là nguyên nhân gây tử vong vì bệnh ung thư đứng thứ hai ở Hoa Kỳ và dự kiến sẽ giết chết hơn 53,000 người tại quốc gia này vào năm 2024, theo Hiệp Hội Ung Thư Hoa Kỳ ACS.

Một chiến dịch gây ý thức về bệnh ung thư đại trực tràng “United in Blue” ở National Mall hôm 12 Tháng Ba, 2024 tại Washington, DC (Hình: Paul Morigi/Getty Images)

Tỷ lệ ung thư đang tăng mạnh ở những người trẻ tuổi: Tỷ lệ người dưới 55 tuổi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết gần như tăng gấp đôi từ 1995 tới 2019, số trường hợp mắc bệnh ung thư tăng từ 11% lên 20%. Hơn nữa, những trường hợp này thường được chẩn đoán ở giai đoạn khó chữa trị, và nghiêm trọng.

Các chuyên gia vẫn đang cố gắng giải thích vì sao số ca bệnh có khuynh hướng gia tăng.

“Ung thư đại trực tràng hoàn toàn có thể điều trị được nếu được phát giác sớm, nhưng các trường hợp mắc bệnh ở người trẻ tuổi ngày càng gia tăng và chúng tôi không biết vì sao,” Bác Sĩ Flavio Rocha, bác sĩ phẫu thuật ung thư kiêm bác sĩ trưởng tại Viện Ung Thư Knight thuộc đại học Oregon Health & Science University, người không tham gia vào nghiên cứu cho hay.

Nghiên cứu mới không trả lời cho câu hỏi đó; vẫn còn quá sớm để cho rằng vi khuẩn này có liên quan tới sự gia tăng các ca bệnh ở người trẻ tuổi. Hơn nữa, phần lớn bệnh nhân trong nghiên cứu đều trên 50 tuổi.

Nhưng những khám phá này đặt ra câu hỏi là “liệu có phải vi khuẩn này nguyên nhân gây ra bệnh ung thư đại trực tràng khởi phát ở người trẻ tuổi hay không, đây cũng là căn bệnh đang gia tăng trên toàn cầu mà không rõ lý do,” đồng tác giả nghiên cứu Susan Bullman, giáo sư về sinh học con người tại Trung Tâm Ung Thư Fred Hutchinson ở Seattle cho biết.

Các khoa học gia đặt dấu chấm hỏi về mối liên hệ giữa vi khuẩn Fusobacter nucleatum và sự phát triển của ung thư đại trực tràng trong gần một thập niên. Đây là vi khuẩn thường chỉ được tìm thấy trong miệng, cách xa ruột kết.

Trong khoang miệng, đây là một trong những loại vi khuẩn gây bệnh phổ biến nhất, có liên quan tới bệnh nướu răng và tích tụ vựa. Nhưng vẫn chưa rõ làm thế nào mà nó có thể chịu đựng được hành trình dài xuyên qua ruột và cuối cùng xâm chiếm các tế bào khối u ở những nơi bên trong cơ thể mà các loại vi khuẩn này thường không thể sống sót.

Trong nghiên cứu, Bullman và các đồng nghiệp soi xét cấu trúc vi khuẩn của gần 200 khối u đại trực tràng, cũng như mẫu phân của hơn 1,200 người, một nửa trong số họ không mắc bệnh ung thư.

Điều họ tìm hiểu được là vi khuẩn này tinh vi hơn một chút so với những gì họ từng nghĩ. Nó có hai phân loài riêng biệt, một trong số đó dường như bảo vệ các khối u đại trực tràng khỏi các loại thuốc chống ung thư.

Thông thường, các tế bào miễn dịch gọi là tế bào T sẽ nhận biết và tấn công các tế bào khối u. Nhưng vi khuẩn này lại thu hút một loại tế bào miễn dịch khác đi vào tế bào ung thư, loại tế bào này giúp vi khuẩn né được tế bào T.

Phân loài vi khuẩn có khả năng rình rập hiện diện ở 50% khối u đại trực tràng được thu thập trong nghiên cứu. Các mẫu phân tương ứng cũng có số lượng phân loài cao hơn so với các mẫu phân khỏe mạnh mà chúng hiện diện.

“Những bệnh nhân có số lượng cao vi khuẩn này trong khối u đại trực tràng có tiên lượng xấu hơn nhiều,” Bullman cho biết. “Họ không đáp ứng tốt với hóa trị và có nguy cơ tái phát bệnh cao hơn.”

Khi Bullman và nhóm nghiên cứu cấy ghép các phân loài vi khuẩn này vào chuột, chúng dường như giúp các polyp tiền ung thư hình thành, một trong những dấu hiệu báo động đầu tiên của bệnh ung thư đại trực tràng, mặc dù bà nói thêm nguyên nhân gây bệnh này vẫn chưa được chứng minh ở người.

Việc khám phá ra phân loài vi khuẩn này có tầm quan trọng to lớn với các liệu pháp điều trị đang được tiến hành, Bác Sĩ Michael White, giáo sư về phẫu thuật đại trực tràng tại Trung Tâm Ung Thư MD Anderson đại học University of Texas ở Houston cho biết.

Việc hiểu rõ các phân loài mới được khám phá cũng có thể giúp phát triển các loại kháng sinh mới nhắm mục tiêu cụ thể vào phân nhóm vi khuẩn này, thay vì tiêu diệt cả hai dạng vi khuẩn hoặc tất cả vi khuẩn trong miệng. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT