Sunday, April 28, 2024

Nhóm khoa học gia khám phá hóa thạch giống rồng ở Trung Quốc

QUAN LĨNH, Trung Quốc (NV) – Một nhóm các khoa học gia quốc tế đến từ Trung Quốc, Hoa Kỳ và Âu Châu nghiên cứu hóa thạch mới của loài bò sát biển Dinocephalosaurus orientalis. Kết quả nghiên cứu lần đầu tiên mô tả tương đối đầy đủ về loài động vật kỳ quái và gây nhiều ấn tượng này, theo báo khoa học Phys.

Dinocephalosaurus orientalis có cái cổ dài lạ thường và làm cho các nhà nghiên cứu liên tưởng tới hình ảnh rồng có hình thù giống rắn trong thần thoại Trung Quốc. Các kết quả nghiên cứu về Dinoceptalosaurus orientalis được công bố trên tạp chí Earth and Environmental Science: Transactions of the Royal Society of Edinburgh — đúng vào thời điểm bắt đầu Năm Giáp Thìn ở các nước Á Châu.

Năm 2003, một hộp sọ và ba đốt sống cổ đầu tiên của Dinocephaloosaurus orientalis được khám phá và kiểm tra tại Khu Vực Quan Lĩnh, thuộc tỉnh Quý Châu. Kể từ đó, một vài mẫu vật khác cũng được khai quật ở phía Tây Nam Trung Quốc, hiện được lưu giữ tại Viện Cổ Sinh Vật Có Xương Sống và Cổ Nhân Loại Học ở Bắc Kinh và Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Chiết Giang tại Hàng Châu. Những khám phá này cho phép các nhà nghiên cứu mô tả gần như hoàn chỉnh bộ xương của loài bò sát biển này trong một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian 10 năm.

Tranh minh họa Dinocephalosaurus orientalis dựa trên các mẫu hóa thạch ghép lại của họa sĩ Marlene Donelly

“Việc khám phá thêm các hóa thạch cho phép chúng tôi lần đầu tiên nhìn thấy toàn bộ loài động vật cổ dài đáng lưu tâm này. Nó gợi nhớ tới loài rồng thần thoại có thân hình dài, giống như rắn của Trung Quốc. Chúng tôi chắc chắn rằng Dinocephaloosaurus orientalis sẽ thu hút trí tưởng tượng trên khắp thế giới vì diện mạo nổi bật,” Tiến Sĩ Nick Fraser thuộc Bảo Tàng Quốc Gia Scotland, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.

Với 32 đốt sống cổ riêng biệt, Dinocephalosaurus orientalis thực sự có cái cổ dài đặc biệt. Điều này gợi lên sự so sánh với Tanystropheus hydroides. Tanystropheus được khám phá ở cả Âu Châu lẫn Trung Quốc trong thời kỳ Triassic giữa. Cả hai loài bò sát đều có kích cỡ tương tự nhau và có chung một số đặc điểm của hộp sọ, gồm có cả bộ răng giống như một cái lồng cá.

“Dinocephaloosaurus độc đáo ở chỗ nó có nhiều đốt sống ở cả cổ và thân hơn Tanystropheus. Dinocephaloosaurus là loài sinh sản (có nghĩa là nó sinh con chứ không đẻ trứng) và rõ ràng là thích nghi rất tốt với môi trường sống ở đại dương, vì các chi vây và số lượng cá nó ăn, được bảo quản tuyệt vời ở vùng bụng của nó,” Tiến Sĩ Stephan Spiekman, chuyên gia về loài bò sát biển cổ dài tại Bảo Tàng Lịch Sử Tự Nhiên Tiểu Bang Stuttgart cho biết.

Mặc dù có những điểm tương đồng về vẻ ngoài, Dinocephaloosaurus không có liên hệ họ hàng gần gũi với loài Plesiosaur trứ danh, loài tiến hóa khoảng 40 triệu năm sau và là nguồn cảm hứng cho Thủy Quái Hồ Loch Ness.

“Đây quả là một nỗ lực quốc tế. Nhờ sự phối hợp của các đồng nghiệp từ Hoa Kỳ và Âu Châu, chúng tôi có thể sử dụng các mẫu vật mới được khám phá để tiếp thu thêm kiến thức trước đây về Dinocephaloosaurus. Trong số tất cả những khám phá đặc biệt về kỷ Triassic mà chúng tôi thực hiện tại tỉnh Quý Châu, loài bò sát biển này có lẽ là sự nổi bật đáng chú ý nhất,” Tiến Sĩ Li Chun, tác giả của nghiên cứu kiêm viên chức đảm trách Viện Cổ Sinh Vật Có Xương Sống và Cổ Nhân Loại Học ở Bắc Kinh cho biết.

Các khoa học gia hy vọng sẽ hiểu biết sâu hơn về quá trình tiến hóa của nhóm động vật này thông qua các nghiên cứu sâu rộng hơn trong tương lai, đặc biệt là về chức năng chính xác của chiếc cổ dài ở loài bò sát biển. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT