Sunday, May 19, 2024

Phi thuyền Ấn Độ Aditya-L1 đến đích quan sát Mặt Trời

BENGALURU, Ấn Độ (NV) – Sứ mệnh quan sát Mặt Trời đầu tiên của Ấn Độ đã đi tới đích đến cuối cùng.

Hôm Thứ Bảy, 6 Tháng Giêng, phi thuyền Aditya-L1 tới được vị trí trong không gian nơi nó có thể liên tục quan sát Mặt Trời.

Phi thuyền vũ trụ du hành về phía Mặt Trời được bốn tháng từ thời điểm cất cánh vào ngày 2 Tháng Chín 2023.

Những hình ảnh Mặt Trời do phi thuyền Aditya-L1 gửi về (Hình: ISRO)

Cơ Quan Nghiên Cứu Vũ Trụ Ấn Độ ISRO phóng chiếc phi thuyền chỉ vài ngày sau khi Ấn Độ làm nên lịch sử khi trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh gần cực nam của Mặt Trăng.

Sứ mệnh nghiên cứu tinh cầu lớn nhất trong hệ mặt trời đầu tiên của Ấn Độ được đặt theo tên Surya – vị thần Mặt Trời trong Hindu Giáo, còn được gọi là Aditya.

L1 là viết tắt của điểm Lagrange 1 – vị trí chính xác giữa Mặt Trời và Địa Cầu nơi phi thuyền vũ trụ đặt chân tới.

Theo Cơ Quan Vũ Trụ Âu Châu ESA, điểm Lagrange là điểm mà lực hấp dẫn của hai vật thể lớn – như Mặt Trời và Trái Đất – triệt tiêu lẫn nhau, cho phép tàu vũ trụ đạt trạng thái “lơ lửng”.

Điểm L1 nằm cách Địa Cầu 1.5 triệu kilometer (932,000 dặm), tức là 1% khoảng cách giữa Trái Đất và Mặt Trời.

Thao tác kỹ thuật cuối cùng được thực hiện vào khoảng 4 giờ chiều giờ Ấn Độ (10 giờ 30 sáng giờ GMT) vào Thứ Bảy để đưa phi thuyền Aditya vào quỹ đạo của L1, tờ Times of India loan tin.

Người đứng đầu ISRO, S Somanath, từng nói với Đài BBC rằng cơ quan này sẽ giữ phi thuyền trong quỹ đạo và đôi khi sẽ cần thực hiện nhiều bước hơn để giữ tàu cố định ở vị trí đó.

Một khi Aditya-L1 tới được “điểm đậu” nêu trên, nó sẽ quay quanh Mặt Trời với vận tốc tương đương Trái Đất. Từ vị trí thuận lợi này, nó sẽ quan sát Mặt Trời liên tục, ngay cả khi nhật thực và những hiện tượng khác che khuất, đồng thời thực hiện các nghiên cứu khoa học.

Phi thuyền bay quanh quỹ đạo chở theo bảy dụng cụ khoa học để quan sát và nghiên cứu quầng Mặt Trời (lớp ngoài cùng); quang quyển (bề mặt Mặt Trời hoặc phần con người nhìn thấy từ Trái Đất) và sắc quyển (lớp plasma mỏng nằm giữa quang quyển và quầng sáng).

Sau khi phóng thành công hồi 2 Tháng Chín 2023, phi thuyền vũ trụ bay vòng quanh Địa Cầu bốn lần trước khi thoát khỏi vùng ảnh hưởng của Trái Đất ngày 30 Tháng Chín. Vào đầu Tháng Mười, ISRO thực hiện một chỉnh sửa nhỏ đối với quỹ đạo của phi thuyền nhằm bảo đảm nó đi đúng hướng như được vạch ra để tới đích đến cuối cùng.

ISRO cho biết một số dụng cụ trên tàu bắt đầu hoạt động, thu thập dữ liệu và chụp hình.

Chỉ vài ngày sau khi tàu khởi hành, ISRO lan truyền những tấm hình đầu tiên do sứ mệnh gửi tới – một tấm hình cho thấy Trái Đất và Mặt Trăng trong một khung hình và tấm thứ hai là một bức ảnh “tự chụp” cho thấy hai dụng cụ khoa học tàu chở theo.

Và tháng trước, ISRO công bố những tấm hình đầy đủ phẩm chất đầu tiên về Mặt Trời ở các bước sóng từ 200 tới 400 nanometer, cho biết những tấm hình đưa ra “cái nhìn sâu sắc về các chi tiết phức tạp của quang quyển và sắc quyển của Mặt Trời”.

Bức xạ, nhiệt độ và dòng chảy của các hạt và từ trường của Mặt Trời liên tục ảnh hưởng tới thời tiết Trái Đất. Chúng cũng tác động lên thời tiết không gian nơi gần 7,800 vệ tinh, trong đó có hơn 50 vệ tinh từ Ấn Độ, đang vận hành.

Các khoa học gia cho biết Aditya có thể giúp hiểu rõ hơn và thậm chí đưa ra cảnh cáo trước về gió mặt trời hoặc các vụ phun trào trong vài ngày tới, điều này sẽ giúp Ấn Độ và các quốc gia khác đưa vệ tinh ra khỏi vùng nguy hiểm.

ISRO chưa đưa ra chi tiết về ngân sách của sứ mệnh, nhưng báo chí Ấn Độ đưa tin đề án ở mức 3.78 tỷ rupee ($46 triệu).

Cơ quan vũ trụ Hoa Kỳ NASA cũng theo dõi Mặt Trời từ những năm 1960; Nhật Bản khai triển sứ mệnh Mặt Trời đầu tiên vào năm 1981 và Cơ Quan Vũ Trụ Âu Châu ESA quan sát Mặt Trời từ những năm 1990.

Tháng Hai năm 2020, NASA và ESA cùng nhau phóng Phi Thuyền Quỹ Đạo Thái Dương nghiên cứu Mặt Trời từ khoảng cách gần và thu thập dữ liệu mà theo các khoa học gia, sẽ giúp hiểu được điều gì thúc đẩy hành vi năng động của nó.

Và trong năm 2021, phi thuyền vũ trụ tân tiến nhất của NASA, Parker Solar Probe, làm nên lịch sử khi trở thành tàu đầu tiên bay qua quầng mặt trời, bầu khí quyển bên ngoài của Mặt Trời. (TTHN)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT