Thursday, April 18, 2024

Luật Bảo Vệ Tài Sản: Giải đáp thắc mắc của độc giả

Luật Sư LyLy Nguyễn

Luật Sư tại California và tiểu bang Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 11, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo di chúc và tín mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores Washington. Điện thoại: (360) 633-8880. Website: www.lylylaw.com

Trong vài tuần trước chúng tôi có nhận được thư của một số độc giả nêu thắc mắc về luật bảo vệ tài sản Hoa Kỳ. Nhận thấy đây là những câu hỏi có hữu ích chung nên chúng tôi xin giải đáp sau đây vài vấn đề dễ hiểu lầm nhất trong việc áp dụng luật này.

Hỏi: Tôi có một số tài sản tạm đáng kể nên đã lập di chúc. Như vậy tôi có cần phải thiết lập thêm những kế hoạch bảo vệ tài sản khác để đề phòng lỡ bị thưa kiện không? (Bà Cẩm Vân – San Diego, CA)

Đáp: Thưa bà di chúc là một hình thức sang chuyển lại quyền sở hữu cho thừa kế sau khi qua đời tránh khỏi bị lọt vào tay những người thụ hưởng không do ý muốn. Tuy nhiên di chúc không có hiệu lực gì với của cải lúc bà còn sống. Dĩ nhiên bà vẫn cần phải lập kế hoạch bảo vệ tài sản đang có để giữ của ấy trọn vẹn cho tới mai sau khi qua đời vẫn còn tồn tại mà để lại cho thân nhân theo di chúc.

Hỏi: Tôi không phải là triệu phú hiện chỉ có trong tay ngoài một căn nhà đang ở, một chiếc xe Acura mua từ bốn năm nay và hơn một trăm ngàn trong quỹ 401K dành để hưu trí. Với mức tài sản không bao nhiêu như vậy liệu tôi có cần thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản không? (Ông Trần Đình Hải – Miami, FL)

Đáp: Thưa ông không hẳn chỉ có triệu phú hay tỷ phú mới cần đến bảo vệ tài sản, thực ra những giới này tiền bạc như nước tai ương hoạn nạn xảy ra đối với họ lỡ có mất mát vài triệu chẳng ảnh hưởng nhằm nhò gì. Trái lại giới trung lưu có được một số tài sản căn bản như ông bỗng dưng vận hạn bất tường làm tiêu tán đi chắc chắn sẽ thành thảm họa đau lòng. Nếu thử muốn biết có cần kế hoạch bảo vệ tài sản hay không ông hãy viết ra giấy liệt kê chi tiết những gì mình có rồi đặt giả thiết lỡ xảy ra tai họa nào đó (đừng sợ nói dại) làm mất hết thì ông sẽ phải làm sao? Dĩ nhiên phòng bệnh hơn chữa bệnh, chính những gì gở mà nghĩ trước cách đối phó thì rủi trở thành may chắc chắn không bị mất của.

Hỏi: Tôi đã mua bảo hiểm nhà và xe như vậy có kể như đủ biện pháp bảo vệ tài sản rồi không? (Ông Nguyễn Văn Bé – Westminster, CA)

Đáp: Thưa ông không phải mua bảo hiểm là được che chở hoàn toàn một khi tai vạ xảy ra. Có nhiều trường hợp họa vô đơn chí lỡ bị dính vào một vụ kiện cáo rắc rối phải bồi thường nặng cho nhiều người thưa (dĩ nhiên không ai ngờ tới) thì hiển nhiên tài sản có nguy cơ bị mất hết. Chưa kể đến bảo hiểm mua theo giới hạn, mua cao thì bảo phí trả liên tục quá nặng không ai muốn và có khi không dùng đến. Nếu mua nhẹ vừa đủ theo luật ấn định dĩ nhiên bảo hiểm chỉ chịu theo mức đã ký kết. Nên nhớ các hãng bảo hiểm thường rất khó khăn kỹ lưỡng trong việc điều tra tai nạn để định số tiền đền. Thí dụ điển hình một người mua bảo hiểm xe hơi với mức bồi thường liên đới cho thương tích (bodily injury liability) $25,000/$50,000 có nghĩa là đền mỗi nạn nhân $25,000 tối đa tổng cộng tất cả cho một tai nạn không quá $50,000. Lỡ không may người ấy lái xe đụng vào một đám đông gây thương tích nặng cho nhiều nạn nhân tòa xử bồi thường một số tiền quá lớn. Khỏi cần nói hãng bảo hiểm chỉ đền tới mức tối đa $50,000, phần còn lại đương nhiên đương sự phải gánh lấy, dĩ nhiên tòa sẽ cho xiết tất cả những gì bị can sở hữu để thỏa mãn đủ số tiền bồi thường cho mọi nạn nhân. Rủi ro hơn nữa nếu bị kết tội gây tai nạn vì lái xe mà có hơi men thì chắc chắn hãng bảo hiểm sẽ viện cớ đó từ chối không bồi thường một đồng nào dù có mua bảo hiểm.

Hỏi: Bảo vệ tài sản có phải là một hình thức ngụy trang để giấu tài sản không? (Cô Hạnh – Fountain Valley, CA)

Đáp: Thưa cô giấu tài sản với ai thì dễ nhưng rất khó giấu được với các chủ nợ vì họ sẽ mướn những dịch vụ điều tra chuyên nghiệp phanh phui một cách khoa học dễ dàng những gì có mang tên tuổi hay số an sinh xã hội của sở hữu chủ. Hơn nữa giấu diếm tài sản là phạm hình luật khi bị truy tố sẽ rất nặng tội có thể còn bị đi tù. Mặt khác kế hoạch bảo vệ tài sản theo luật nên không có mục đích ngụy trang hay che giấu, trái lại các kế hoạch này áp dụng luật lệ hiện hành để che chở an toàn cho của cải người lập.

Hỏi: Khi bị kiện nếu tôi sang tên tất cả tài sản cho thân nhân thì có thoát khỏi bị tịch thâu không? (Ông Hoàng Thế Năng – Memphis, TN)

Đáp: Thưa ông hoàn toàn không được. Thực tế dù có chuyển tài sản cho thân nhân hoặc cho bất cứ ai trước ngày khởi tố thì tòa vẫn có quyền ra lệnh cho người được chuyển phải đem nộp lại cho tòa tất cả những gì đã nhận nếu tòa xác định là chuyển nhượng bất hợp pháp. Tòa còn quyền ra lệnh tịch thu bất cứ tài sản nào đã tặng cho ai trước khi xảy ra vụ án. Muốn hoàn toàn thoát tay chủ nợ thì tất cả mọi việc sang nhượng, hiến tặng cho người khác phải hoàn tất trọn vẹn một thời gian xa trước khi xảy ra kiện tụng.

Hỏi: Nếu tôi lập một công ty thương mại mà bị thưa kiện vì vấn đề liên quan đến công ty thì tài sản riêng của tôi có bị ảnh hưởng gì không? (Bà Hồng – Falls Church, VA)

Đáp: Thưa bà các chủ nợ dĩ nhiên sẽ tìm đủ mọi cách nắm lấy bất cứ món tài sản nào có giá để xiết lấy, không những chỉ gồm tài sản chung của công ty mà họ còn gia tăng nỗ lực truy lùng cả tài sản của chủ nhân hay các nhân vật quản trị liên hệ của công ty đó. Riêng đối với công ty trong tình trạng suy sụp thất bại thì chủ tịch cùng ban giám đốc đều vướng nguy cơ liên lụy trách nhiệm cá nhân dù nợ hoàn toàn của công ty. Ngay cả trường hợp vụ án được bãi nại nhưng tài sản riêng của những giới chức đó cũng vẫn đối đầu hiểm họa đe dọa một thời gian dài nhiều khi kéo tới vài năm trước khi được hoàn toàn minh oan sáng tỏ.

Hỏi: Tháng trước tôi có đọc bài báo của luật sư nói về kế hoạch thiết lập tổ hợp hữu hạn gia đình trong việc bảo vệ tài sản cá nhân. Như vậy kế hoạch đó có hoàn toàn bảo vệ được toàn thể tài sản của tôi tránh hiểm họa bị chủ nợ tịch biên không? (Ông Nguyễn Đăng Lâu – San Jose, CA)

Đáp: Tổ Hợp Trách Nhiệm Hữu Hạn do Gia Đình Quản Lý (Family Owned Limited Liability Company tạm gọi tắt là Tổ Hợp Gia Đình FLLC) là một kế hoạch bảo vệ tài sản rất hữu hiệu, tuy nhiên có khuyết điểm là không bao trọn vẹn toàn thể mọi người trong nhà nhất là với gia đình đông người. Để tránh mọi kẽ hở ông nên tham khảo luật sư thiết lập thêm một vài kế hoạch hỗ tương khác nhau cho được đa hiệu bao che mọi hoàn cảnh bất tường có thể xảy ra.

Hỏi: Tôi có thể tự tham khảo sách vở để thiết lập lấy kế hoạch bảo vệ tài sản mà không cần đến luật sư được không? (Ông Lê Văn Thái – Anaheim, CA)

Đáp: Thưa ông bất cứ ai cũng có thể nghiên cứu tài liệu mà tự lập lấy kế hoạch bảo vệ tài sản cho chính mình. Tuy nhiên luật bảo vệ tài sản có nhiều khía cạnh rất khúc mắc đòi hỏi kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn của cả hai ngành luật tài sản và luật thuế vụ Hoa Kỳ mà ngay chính các luật sư không chuyên ngành cũng không am tường đầy đủ vì các môn luật này thay đổi liên tục. Việc bảo vệ của cải do mồ hôi nước mắt một đời tạo dựng khó khăn là một vấn đề rất cần thiết, do đó ông nên tham khảo với luật sư chuyên về môn này thì kết quả sẽ được đảm bảo hơn. Ít ra ông sẽ không phải lo nghĩ trước bất cứ nguy cơ bất hạnh nào có thể xảy ra và chi phí thiết lập kế hoạch bảo vệ tài sản chắc chắn sẽ đền bù xứng đáng với lợi ích chống lại xâm phạm của mọi thành phần chủ nợ.

Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với LyLy Nguyễn, Esq. tại văn phòng chính ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, CA 92708, điện thoại: (714) 531-7080; 114 E. Chance A La Mer, Suite 100, Ocean Shores Washington, điện thoại: (360) 633-8880, website:lylylaw.com. (Luật Sư LyLy Nguyễn)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT