Friday, April 26, 2024

Luật Khánh Tận: Những điều cần biết trước khi định phá sản

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080. Website: www.lylylaw.com.

Luật Sư LyLy Nguyễn

Sau khi quyết định khai phá sản (tính ngay từ lúc tìm tham khảo luật sư) phải tuyệt đối ngưng xử dụng các thẻ tín dụng, mọi thứ nên mua bán bằng tiền mặt để không bị khiếu nại là có ý định không trả nợ mà còn cố ý dùng thẻ. (Hình minh họa: Chris McGrath/Getty Images)

Thông thường theo tâm lý chung chẳng mấy ai nghĩ đến giải pháp phá sản ngay lúc mới bắt đầu gặp khó khăn tài chánh. Phản ứng đầu tiên của họ là cố gắng thu xếp vay muợn quanh – dễ nhất là rút tiền ứng trước từ các thẻ tín dụng trong tay hoặc vay bạn bè, thân nhân để đắp điếm thiếu hụt qua ngày – hy vọng sẽ mau thoát cơn bĩ cực mong tới tuần thái lai. Không phải ai cũng may mắn qua khỏi, trái lại phần nhiều càng lún sâu thêm vào nợ đến khi không còn chống đỡ nổi lúc đó mới có ý định khai khánh tận nên nhiều khi vội vàng vướng phải những trở ngại khiến nợ không được giải, nhiều khi còn gặp rắc rối phiền phức. Để đạt được kết quả tốt đẹp trong mục tiêu tìm đường giải thoát nợ, sau đây là vài điều cần chú ý cho những ai có dự định khai phá sản.

Trước hết ngay lúc bắt đầu gặp biến cố đưa đến khủng hoảng tài chánh thí dụ như bị mất việc chẳng hạn, thì nên kết toán ngay tình trạng nợ nần của mình xem có đáng khai phá sản hay không. Chính lúc này nên tham khảo với dịch vụ điều hành nợ lấy ý kiến thi hành giải pháp thay thế. Nếu lợi tức thực tế lúc đó quá ít, thí dụ như chỉ trông vào số tiền thất nghiệp khiêm nhượng không đủ chi dụng tối thiểu cho sinh kế thì nên lập ngay kế hoạch phá sản. Hãy phân loại những nợ nào giải được và nợ nào không thể giải, nhưng không nên khai gấp ngay trong vòng 90 ngày để có thời gian hoạch định cho chu đáo. Lúc này cố dồn nỗ lực trả các loại nợ không xóa được thí dụ như nợ thuế, nợ tài sản có thế chấp, hay tiền trợ giúp gia đình; đồng thời đừng trả các món nợ không thế chấp như thẻ tín dụng. Nếu tất cả các món nợ đều không thế chấp thì đây là dịp tốt nên ngưng trả các khoản nợ này mà dùng tiền đó gom thành một số vốn nhỏ dùng để khởi sự lại cuộc sống mới sau khi thoát nợ.

Thông thường nếu khai khánh tận loại “không tài sản” thì tín viên do tòa chỉ định cũng dễ dãi không soi mói mà bỏ qua hầu hết mọi khoản nợ không thế chấp hay những món nợ nhỏ; họ thường chỉ chú trọng đến nợ lớn như bất động sản chẳng hạn. Tuy nhiên tránh đừng rút tiền mặt ứng trước (cash advance) từ các thẻ tín dụng với số tiền trên $950 trong vòng 70 ngày trước khi khai vì nếu gặp tín viên loại “hóc búa” họ có thể soi mói và kết tội cố ý gian lận (fraudulent) để không cho xóa nợ. Sau khi quyết định khai phá sản (tính ngay từ lúc tìm tham khảo luật sư) phải tuyệt đối ngưng xử dụng các thẻ tín dụng, mọi thứ nên mua bán bằng tiền mặt để không bị khiếu nại là có ý định không trả nợ mà còn cố ý dùng thẻ. Nếu dính dáng đến nợ thuế thì nên hỏi rõ ràng thuế nào ưu tiên nhất để xin gia hạn trả. Tuyệt đối không bao giờ đi vay nợ mới để trả nợ thuế vì những nợ mới vay sẽ không được xóa và kể như nợ thuế.

Các tài sản miễn trừ là những thứ người phá sản được giữ lại sau khi khai. Luật Khánh Tận có quy định rằng tất cả mọi người khi khai vỡ nợ đều được giữ những tài sản căn bản cần thiết cho nhu cầu sinh sống bắt đầu làm lại cuộc đời mới. Những tài sản này được gọi là “tài sản miễn trừ” (debtor’s exempt property). Trước khi khai nhiều người lo rằng sẽ bị lấy đi tất cả vật dụng sở hữu cá nhân cùng các đồ gia dụng. Trong thực tế phần đông các vụ khai theo Chương 7 thuộc loại “khánh tận không tài sản” có nghĩa là người nợ sẽ không phải giao nộp gì hết cho tín viên vì phần nhiều những vật dụng cá nhân và đồ gia dụng đều là đồ cũ đã xài rồi chẳng có giá trị mấy khi đem bán. Những đồ vật này không được kể là nguồn lợi tức để trả cho các chủ nợ. Hơn nữa hệ thống miễn trừ cho phép người nợ được quyền giữ lại các vật dụng làm phương tiện sinh sống độ nhật nên các chủ nợ không được phép đả động tới. Mục đích chính của Luật Khánh Tận là giúp những người bị nợ ngập đầu được giải thoát cho có cơ hội khởi sự làm lại cuộc đời mới, do đó ý nghĩa này chỉ thực hiện được khi cho họ có ít nhiều phương tiện tạo dựng. Trong nhiều gia đình những ngân khoản hưu trí được kể là lớn nhất nhưng không bị liệt kê trong danh sách “tài sản khánh tận,” vì lẽ đó người nợ không phải bắt buộc kê khai xin miễn trừ.

Giá trị của các tài sản miễn trừ được tính theo giá thực tế có thể bán ra chứ không phải theo giá lúc mua hay giá bán của món đồ tương đương mới ngoài thị trường hay nói cách khác là tính theo giá tối đa có thể bán được ngoài chợ trời. Nếu tài sản khánh tận là tài sản chung với người khác (vợ chồng, thân nhân hay bạn bè) thì luật pháp chỉ tính đến phần giá trị vốn liếng tương đối của người phá sản. Nếu tài sản đó còn nợ thế chấp hay nợ buộc thì giá trị của tài vật đó là vốn liếng còn lại sau khi khấu trừ số tiền nợ phải trả. Nên tham khảo kỹ với luật sư vì có vài loại nợ buộc có thể bãi bỏ được để kể như tài sản miễn trừ thoát khỏi tầm tay của các chủ nợ. Cũng nên hỏi luật sư trường hợp có quá nhiều tài sản không miễn trừ nên tìm cách nào chuyển được thành miễn trừ. Các tòa khánh tận tùy các tiểu bang nhận định khác nhau về tiêu chuẩn khai phá sản hợp lệ hay có man khai để trốn nợ, theo đó các tài sản miễn trừ kê khai đều được chấp nhận; còn hành động khai gian tìm cách trốn nợ sẽ bị khước từ không cho giải nợ. Do đó nếu tài sản của người nợ nhiều hơn mức miễn trừ do tiểu bang sở tại ấn định thì nên tìm luật sư chuyên môn chỉ dẫn nếu có thể tiêu thụ hay chuyển thành miễn trừ theo tiêu chuẩn của tòa địa phương. Dĩ nhiên nếu có nhiều tài sản không miễn trừ thì nên khai theo Chương 13 có lợi hơn là khai theo Chương 7.

Luật sư cũng đặc biệt để ý cẩn thận những giấy tờ, hồ sơ liên quan đến tình trạng tài chánh của thân chủ một cách chính xác vì tòa có thể từ khước không cho giải nợ nếu khám phá ra bằng chứng hoán chuyển, giấu giếm, hay tiêu hủy những hồ sơ tài chánh liên hệ; hoặc tuyên thệ man trá cũng như có hành động gian dối không chứng minh được các hồ sơ về tình trạng tài chánh khi tòa hỏi đến. Nếu bị từ khước tín viên sẽ thẳng tay tịch thu và thanh toán tất cả tài sản hiện hữu để trả cho các chủ nợ, do đó người nợ sẽ bị mất hết tất cả tài sản không miễn trừ cùng mất luôn cơ hội thoát khỏi nợ nần. Dĩ nhiên khi bị xử từ khước giải nợ thì tòa chẳng nương tay vì từ khước là biện pháp trừng phạt những con nợ thiếu thành thật cố ý quỵt nợ. Tuy nhiên từ trước tới nay những người khai báo toàn bộ tài sản và quá trình tài chánh của mình một cách rõ ràng thì không bao giờ gặp trở ngại nào cả trong việc phá sản.

Một điều phải cẩn thận tránh trước đừng để bị kết tội “trả nợ cảm tình.” Trong vòng 90 ngày trước khi khai phá sản nhiều người nợ cố thanh toán tiền vay của thân quyến hay bạn bè vì không muốn họ bị mất mát trong vụ khánh tận. Tín viên nếu tra hỏi biết được sẽ cho là bất công nên xin án tòa tịch thu lại để chia cho mọi chủ nợ. Trả cho người này mà không trả cho người khác thực ra không mấy ảnh hưởng với người nợ, nhưng chủ nợ được trả sẽ thiệt thòi vì bị mất hết. Để tránh hậu quả này nên lập dự định trả sớm, tín viên sẽ không có quyền thắc mắc các khoản trả trước 90 ngày. Tuy nhiên án phí kiện xin đòi lại tiền trả cảm tình thường tốn kém nên tín viên chẳng mấy khi hỏi tới trừ phi là món tiền lớn đáng kể bạc ngàn trở lên. Đối với những chủ nợ “quen” không muốn xóa nợ thì ngưới phá sản có thể tái xác nhận nợ sau khi đã khai thay vì trả trước, hoặc tự nguyện giữ nợ tiếp tục trả mà không cần đến án tòa.

Trước khi dự định khai phá sản cũng phải lo rút hết những tiền ký thác trong các trương mục ngân hàng nơi cho vay nợ hay nơi cấp thẻ tín dụng vì ngân hàng đó có quyền xiết tiền gởi trong bất cứ trương mục nào để bù vào số tiền thiếu nợ. Vì vậy nên khôn ngoan đừng bao giờ mở trương mục ký thác cùng với nơi cấp thẻ tín dụng. Dù không có luật nào cho ngân hàng xiết tiền ký thác của người phá sản, nhưng tốt hơn hết nên rút ra rồi giao cho thân nhân mở trương mục mới ở ngân hàng khác trước khi định khai khánh tận để khỏi ân hận vì rắc rối kiện thưa sau này.

Tuần tới chúng tôi tiếp tục mục tìm hiểu Luật Khánh Tận Hoa Kỳ với phân tích từng loại nợ trước khi khai phá sản. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ hoàn toàn được xử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quí độc giả một vài kiến thức tổng quát căn bản về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quí độc giả vẫn cần phải thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quí vị.

Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở địa chỉ 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080; website: www.lylylaw.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT