Sunday, May 19, 2024

Luật Bất Cẩn -Bài 2

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7,3 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Định Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp.  Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra, Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang. Nếu cần, tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 17151 Newhope Street, Suite 113, Fountain Valley, California 92708. Ðiện thoại: (714)
531-7080. Email: [email protected]; website: www.lylylaw.com

LyLy NgLuyễn, ESQ, JD, LLM

Dù kẻ gây lỗi không cố ý, nhưng vẫn phải gánh trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân đủ mọi chi phí điều trị, thiệt hại lợi tức cùng nhiều thiệt thòi liên hệ khác. (Hình minh họa: Ethan Miller/Getty Images)

Ngoài những hành động sai trái cố ý làm phương hại đến người khác có chủ đích (intentional tort) như đã trình bày trong bài báo trước, Luật Bất Cẩn còn kể đến tội cẩu thả (negligence) gây thiệt hại do sơ suất vô tình, và loại liên đới nghiêm ngặt (strict liability) mà một nhà buôn hay công ty sản xuất phải bồi thường cho nạn nhân bị thương tích do hậu quả sử dụng một sản phẩm có khuyếtđiểm.

Tội cẩu thả là hành động sơ suất không có ý định hãm hại người khác khi gây thương tích hay thiệt hại cho nạn nhân vì không cẩn thận một cách hợp lý. Thí dụ, kẻ vừa lái xe vừa mải nói chuyện bằng điện thoại di động rồi vô ý lạc tay lái lên lề đường làm bị thương người bộ hành chẳng hạn. Dù kẻ gây lỗi không cố ý nhưng vẫn phải gánh trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân đủ mọi chi phí điều trị, thiệt hại lợi tức cùng nhiều thiệt thòi liên hệ khác chưa kể đến án phí và tiền luật sư mà đáng lẽ nạn nhân không bị mất mát vì sự vô ý vô tứ của kẻ gây lỗi.

Ngoài mục đích duy trì công lý, Luật Bất Cẩn còn phạt vạ nặng kẻ có lỗi để ngăn cản thói quen gây hiểm họa cho công chúng, đồng thời làm gương cho mọi người ý thức hành vi cẩn thận hơn đừng gieo tai ương đến ai. Tội cẩu thả dĩ nhiên nhẹ hơn tội cố ý gây họa bởi vì luật pháp không bao giờ chấp nhận hành động hại người như đả thương người khác, tội ấy còn có thể bị xử theo hình luật.

Trái lại vô ý gây tai nạn khi đang hành động một việc hữu ích như lái xe đi làm chẳng hạn thì chấp nhận được. Nguyên tắc chính về tội cẩu thả là ai cũng phải có bổn phận giữ hành vi của mình cẩn thận một cách hữu lý trước những nguy hiểm có thể tiên đoán và phòng ngừa trước được. Người bộ hành bị thương vì lỗi vô ý của kẻ vừa lái xe vừa nói điện thoại, rủi ro này đáng lẽ sẽ không xảy ra nếu kẻ ấy chú tâm lái cho an toàn trong tình trạng đề cao cảnh giác tai nạn lưu thông mà ai cũng biết là thường hay xảy ra trên công lộ. Quy trách nhiệm bắt kẻ gây tai nạn phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân là công bằng và hợp lý. Do đó, ở hoàn cảnh này người tài xế bao giờ cũng phải có bổn phận lái xe cẩn thận tránh gây thương tích cho bộ hành.

Luật Bất Cẩn định nghĩa chữ cẩn thận hợp lý (reasonable) giản dị như nghĩa thông thường là một sự chú tâm vừa mức hay ở một mức độ thận trọng vừa đủ nhưng cũng không quá nhiều. Tòa án kể nhiều yếu tố trong việc xác định tội bất cẩn nhưng không đặt thành một công thức tính toán được. Thí dụ, người lái xe chẳng có thể tính trước được mức hiểm họa tai nạn sẽ xảy ra. Hơn thế cho dù có tính toán kỹ chăng nữa họ cũng không bao giờ định nổi các yếu tố cùng xác suất tai nạn sắp tới vì các hiểm họa có thể xảy ra trong muôn ngàn tình huống khác nhau không đoán trước được.

Trong những vụ thưa kiện về bất cẩn, nguyên đơn thường dùng mọi cách chứng minh trước tòa án bị cáo có lỗi vô ý gây thiệt hại với những bằng cớ qua nhân chứng. Lời khai của người qua đường thấy bị cáo đang cầm chai rượu và ngửa cổ nốc hay đang dùng điện thoại cầm tay, hoặc chạy quá nhanh vượt bảng đỏ “Ngừng” (Stop) trước khi đụng vào nạn nhân… là những chứng cớ đầy đủ để buộc tội. Giả sử, không có nhân chứng nhưng có bằng cớ gián tiếp như chai rượu khui dở hoặc cái điện thoại cầm tay mà cảnh sát tìm thấy được ở ghế trước trên xe, hay mức thử nghiệm nồng độ rượu trong máu người tài xế vượt quá mức hợp pháp chẳng hạn.

Trong vài vụ kiện, tòa áp dụng luật đặc biệt về bằng chứng như lấy khẩu cung của chuyên viên để giúp bồi thẩm đoàn suy xét bị cáo có hành động bất cẩn hay không. Tuy nhiên, nhân chứng chỉ được cung cấp sự kiện liên hệ đến nội vụ mà thôi mà không có quyền đưa ra bất cứ đề nghị nào. Thí dụ, một người cảnh sát có thể khai tìm thấy chai rượu đã khui hay cái điện thoại cầm tay ở ghế trước trên xe nhưng không có quyền kết luận là tài xế vì lẽ đó lái xe say rượu hay dùng điện thoại trong lúc lái xe.

Trong nhiều vụ rắc rối hơn, tòa cần đến lời khai của nhiều chuyên viên về các vấn đề chuyên môn đặc biệt để giúp bồi thẩm đoàn quyết định tội trạng. Một khi nguyên đơn chứng minh được bị cáo có hành động bất cẩn thì việc xác định sự kiện xảy ra để quy trách nhiệm sẽ không còn khó khăn nữa.

Một người bộ hành bất kể đến đèn hiệu “Đừng Bước” (Don’t Walk) ở ngã tư mà cứ băng ngang qua đường nên bị một chiếc xe chạy quá tốc độ giới hạn đụng phải. Người lái xe đã phạm lỗi bất cẩn lái nhanh, nếu chạy chậm đúng theo bảng giới hạn tốc độ thì có lẽ tai nạn sẽ không xảy ra. Về phần người bộ hành cũng có lỗi liên đới vì không nhìn đèn báo “Đừng Bước” mà vẫn bước xuống đường nên mới bị đụng.

Liệu người tài xế có thể dùng lý do này để chống chế lỗi của mình không?

Trong Luật Bất Cẩn, nguyên thủy có một điều khoản gọi là “góp phần bất cẩn” (contributorynegligence) theo đó bị cáo được miễn tố khỏi bồi thường.

Tuy nhiên, sau này tòa nhận thấy nếu xử như thế có phần bất công cho nạn nhân (dù cũng có phần lỗi) phải gánh chịu hết thiệt hại phí tổn điều trị cùng án phí, tiền thù lao cho luật sư cùng mọi phí tổn khác. Mặt khác, nếu phía bị cáo gây ra tai nạn (dù bất cứ lỗi ai) mà không hề bị liên đới trách nhiệm thì sẽ thành tiền lệ sau này sẽ không úy kỵ gì mà cứ tiếp tục phóng nhanh tiếp tục gây thêm tai nạn. Do đó, các tiểu bang đã thay thế luật “góp phần bất cẩn” bằng điều luật “tương đối bất cẩn” (comparative negligence), theo đó lỗi của bị cáo được giảm khinh tuy nhiên vẫn không hoàn toàn miễn trừ được trách nhiệm với nguyên đơn dù người này cũng có lỗi và vẫn phải đền như thường.

Một người bộ hành bất kể đến đèn hiệu “Don’t Walk” ở ngã tư mà cứ băng ngang qua đường nên bị một chiếc xe chạy quá tốc độ giới hạn đụng phải. Người lái xe đã phạm lỗi bất cẩn lái nhanh. Về phần người bộ hành cũng có lỗi liên đới vì không nhìn đèn báo “Don’t Walk” mà vẫn bước xuống đường.

Trở lại thí dụ chuyện cụ Liebeck kiện McDonald tuần trước, tuy bà cụ hoàn toàn có lỗi tự đánh đổ cà phê làm mình bỏng nhưng McDonald vẫn phải bồi thường.

Thay vì phải đền $200,000, nhưng vì cụ Liebeck cũng “tương đối bất cẩn” nên tòa giảm tiền đền xuống còn $160,000. Món tiền phạt vạ $2.7 triệu cũng vì lẽ đó được bớt xuống còn $480,000. McDonald vẫn đau như hoạn vì bà già ăn vạ, tuy nhiên cũng còn được đôi chút an ủi nhận cái búa nhỏ mà thoát khỏi mất $2.22 triệu tiền mồ hôi đổ trên lò nướng Hamburger!

Tuần tới, chúng tôi tiếp tục phần tìm hiểu về Luật Bất Cẩn với loại liên đới nghiêm ngặt (strict liability) mà một thương gia hay công ty sản xuất phải bồi thường cho nạn nhân bị thương tích do hậu quả sử dụng một sản phẩm có khuyết điểm.

Cũng như thường lệ, người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney- client relationship). Do đó, nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT