Wednesday, May 15, 2024

Ly dị theo luật Hoa Kỳ

Luật Sư tại California và Washington. Luật Sư LyLy Nguyễn chuyên về Luật Khánh Tận Chương 7, 13 cho cá nhân và cơ sở thương mại, xóa hết các loại nợ, tranh tụng trước Tòa Khánh Tận và khai phá sản hủy bỏ nợ thuế. Về Hoạch Ðịnh Tài Sản, Luật Sư LyLy chuyên thảo Di Chúc và Tín Mục (trust), ủy quyền điều hành tất cả tài sản, dặn dò săn sóc y tế khi bất lực và hoạch định kế nghiệp. Về Luật Thuế, Luật Sư LyLy đại diện cho thân chủ trường hợp bị kiểm thuế, xin ngưng tịch thâu tài sản vì thiếu thuế, đại diện biện hộ trước Tòa Án Thuế và điều đình xin giảm nợ thuế. Về Luật Thương Mại, Luật Sư LyLy giúp thành lập công ty và tổ hợp hùn hạp. Ngoài ra Luật Sư LyLy còn rất giàu kinh nghiệm về thuế lợi tức cá nhân, thuế trả nhân công, thuế mua bán và thuế tài sản ở hai cấp liên bang và tiểu bang.  Nếu cần tham khảo riêng xin liên lạc với Luật Sư LyLy Nguyễn tại văn phòng ở 10221 Slater Avenue, Suite 216, Fountain Valley, California 92708. Điện thoại: (714) 531-7080, website: www.lylylaw.com.

Luật Sư LyLy Nguyễn

Tại Hoa Kỳ luật pháp đặt trên căn bản cá nhân bình đẳng cho nên quan niệm về ly dị cũng có phần rộng rãi hơn xã hội cổ truyền Việt Nam. Theo tinh thần đó bất cứ cặp vợ chồng nào khi sống với nhau không còn thấy hạnh phúc nữa thì có thể nhờ pháp luật cho ly dị đường ai nấy đi để có cơ hội làm lại cuộc đời.

Khái niệm luật ly dị Hoa Kỳ

Theo luật gia đình Hoa Kỳ vấn đề ly dị (divorce) – cũng còn được gọi là giải tán hôn nhân (dissolution of marriage) – là án lệnh của tòa án tuyên phán một cuộc hôn nhân không còn tồn tại nữa. Bản án lệnh ly dị giúp cho cặp vợ chồng được phân chia tài sản, quyền giám hộ, quyền thăm viếng và trợ cấp con thơ. Sau khi ly dị cả hai người hôn phối được trả lại đời sống độc thân và có quyền tự do tái hôn

Dù rằng ly dị rất lộn xộn về tình cảm, nhưng vào khoảng phần đông 95% các vụ ly dị không đưa ra tranh tụng trước tòa án. Thông thường hai vợ chồng thương lượng và thỏa thuận dàn xếp với nhau những vấn đề liên hệ như phân chia tài sản, trợ cấp hôn phối và giám hộ con cái, qua trợ giúp của luật sư.

Đôi khi đôi bên đạt được thỏa thuận do dàn xếp của một chuyên gia hòa giải (professional mediator); vị này nỗ lực giúp cả chồng lẫn vợ nhận thức rõ vấn đề và điều đình những mục cả hai cùng mong muốn. Đôi bên sau đó cùng trình bản thỏa hiệp do kết quả hòa giải hay điều đình cho vị chánh án. Tòa án sẽ tự động chấp thuận bản hợp đồng đó nếu đạt được tiêu chuẩn công bằng tối thiểu. Nếu đôi bên không đồng ý về ba vấn đề then chốt của ly dị là tài sản, trợ cấp, và quyền được giữ con thì họ có thể đưa nhau ra tòa để xin toà án phân xử một hay tất cả các vấn đề trên.

Điều kiện tiên quyết để được tòa án cứu xét là hai vợ chồng phải có trú quán (residency) hay nguyên quán (domicile) tại tiểu bang xin ly dị. Từ ngữ “trú quán” ám chỉ tiểu bang nơi người ấy cư ngụ; cón “nguyên quán” ám chỉ tiểu bang mà người ấy nhận làm quê quán. Bình thường trú quán và nguyên quán cùng là một, nhưng trong vài trường hợp có thể khác nhau.

Lấy thí dụ một cặp vợ chồng sinh sống tại nhà chính ở thành phố Seattle thuộc tiểu bang “nguyên quán” Washington. Mỗi năm vợ chồng này xuôi nam nghỉ Hè 4 tháng tại tiểu bang “trú quán” California là nơi họ có nhà nghỉ mát tại ven biển La Jolla ở San Diego rồi hết Hè trở về lại Washington miền bắc. Điều kiện “nguyên quán” hay “trú quán” thay đổi khác nhau tùy từng tiểu bang nhưng cũng có một vài nơi không đòi hỏi điều kiện trú quán. Điều này có nghĩa là một kẻ vừa tới tiểu bang nào không đòi trú quán có thể nộp đơn xin ly dị ngay cùng ngày mà không cần phải chờ đợi theo thời gian qui định ở tiểu bang khác.

Điều kiện quy định về trú quán thay đổi theo từng tiểu bang trong vòng từ sáu tuần lễ cho tới một năm nhưng đa số tiểu bang có điểu kiện trú quán là sáu tháng. Riêng tại California muốn xin ly dị thì một trong hai vợ chồng phải cư ngụ tại tiểu bang này ít nhất sáu tháng và ngụ tại quận hạt (county) nơi nộp đơn xin ly dị ít nhất ba tháng.

Trong hai vợ chồng người nào khởi tố xin ly dị thì phải viết đơn nộp tới tòa xác định căn nguyên tại sao muốn ly dị. Tùy theo luật từng tiểu bang, căn nguyên có thể dựa trên căn bản “không lỗi” (no-fault) hoặc “lỗi” (fault). Ngày nay tất cả mọi tiểu bang tại Hoa Kỳ đều chấp nhận luật ly dị theo căn bản “không lỗi.” Tuy nhiên vẫn còn khoảng hai phần ba tổng số tiểu bang vừa chấp nhận luật ly dị theo căn bản “không lỗi” và cũng vừa cho ly dị đặt trên căn nguyên có “lỗi.” Vì lý do các tiểu bang không có luật đồng nhất về ly dị không lỗi và có lỗi cho nên chúng tôi sẽ đề cập đến chi tiết của hai loại này trong kỳ tới.

Quyết định nên hay không nên ly dị

Khi một cặp vợ chồng bắt đầu cảm thấy lục đục bất hòa phần đông thường tự hỏi không biết có cứu vãn được cuộc hôn nhân này hay không? Đó cũng là một câu hỏi mà hầu hết mọi phụ nữ thường thắc mắc khi không cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống vợ chồng.

Lập quyết định ly dị không phải là điều dễ làm. Thông thường người muốn ly dị là vợ hoặc chồng – hoặc cả hai – đều phải trải qua nhiều giai đoạn mâu thuẫn tư tưởng yêu ghét lẫn lộn khiến cho họ khó có quyết định dứt khoát ngay tức khắc nên hay không nên ly dị. Quyết định cuối cùng bao giờ cũng dựa theo kết hợp của lý luận, hiểu biết và cảm xúc trong lòng. Câu hỏi nên hay không nên ly dị cô đọng trong một câu vấn lòng là vợ chồng sống có hạnh phúc hay không. Câu trả lời không những nằm ở điểm cảm nhận của cả hai vợ chồng nghĩ về nhau ra sao; mà còn phải suy tính xa hơn khi ly dị rồi thì cuộc sống đổi khác liệu sẽ đem lại hạnh phúc hay chỉ đau buồn. Trước khi hướng ý định tới đường hướng mới vợ chồng muốn ly dị nên cân nhắc kỹ để chắc chắn vào được con đường tiến tới hạnh phúc tốt đẹp hơn.

Luật pháp không đặt ra một phương thức chính xác tự động giúp những căp vợ chồng gặp mâu thuẫn có thể quyết định nên hay không nên ly dị. Tuy nhiên theo nhận xét của nhiều cố vấn tâm lý trong nhiều hoàn cảnh thì ly dị là giải pháp tốt. Lấy thí dụ điển hình ly dị là giải thoát cho những ai có người phối ngẫu ngược đãi bạo hành, nghiện ngập rượu chè hút sách, cờ bạc hoặc mắc bệnh tâm thần trầm trọng. Ngược lại các trường hợp nói trên cũng có thể được “xét lại” không cần ly dị nếu người phối ngẫu ấy thật lòng muốn trở lại đường ngay như đi cai nghiện, từ bỏ bài bạc, chạy chữa bệnh tâm thần. Dĩ nhiên đối tượng phải có thiện ý thực sự sửa đổi chứ không chỉ hứa hẹn xuông rồi trở lại tình trạng cũ đâu vẫn hoàn đó vì thiếu ý chí khắc phục.

Đối với người có dự tính ly dị thì không đơn phương chỉ vì một trạng thái tình cảm là có thể dẫn ngay đến quyết định ly dị. Theo họ không hẳn vấn đề chỉ do người phối ngẫu ngược đãi, nghiện ngập hay mắc bệnh tâm thần như nói ở trên mà thay vào đó trong cuộc sống vợ chồng càng ngày càng nẩy sinh ra nhiều điều phiền muộn đáng giận do người hôn phối gây ra khiến cho hôn nhân trở nên vô nghĩa làm tiêu hao tình cảm đã trao cho nhau từ thủa ban đầu.

Trở ngại đầu tiên đối với nhiều cặp vợ chồng không hạnh phúc là vấn đề thiếu cảm thông giữa hai người. Ngoại trừ trường hợp cấp bách cần phải ly dị, những bước sau đây kể như hữu ích cho nỗ lực hòa giải xung khắc giữa hai vợ chồng:

-Vợ chồng nên cố gắng nói cho nhau nghe cảm nghĩ thật sự của mình, tôn trọng ý tưởng của cả hai bên. Nói cho người kia biết điều gì làm cho mình vui hay buồn, mình cần những gì. Nên khởi sự nói từ vấn đề không tranh chấp rồi từ từ đề cập đến vấn đề chính yếu.

-Nhìn nhận vợ chồng có lẽ vì sinh ra trong gia đình nghiêm khắc cho nên ít tự do nói ra cảm nghĩ của mình. Chính vì không đọc được tư tưởng của nhau cho nên cần nói ra cho biết cảm nghĩ thật cùa mình để cảm thông hơn.

-Nói một cách nhẹ nhàng không bằng giọng điệu buộc tội hay chỉ trích. Dùng lời lẽ gay gắt vạch tội thường gây cho đối tượng tự ái dễ nổi nóng và đi lạc ra khỏi vấn đề chính. Hạ nhục và bêu riếu lẫn nhau sẽ không giải quyết được gì mà ngược lại còn gây đổ vỡ thêm không hàn gắn được nữa.

-Trường hợp cuộc cãi vã nổ bung thì nên tránh đi chỗ khác chờ dịp thảo luận lại. Đừng trả lời bất cứ câu nào trong cơn giận dữ. Ngoài lời nói còn nên tránh những cử chỉ khiêu khích có thể đưa đến xô xát.

-Sử dụng dịch vụ tham vấn hôn nhân (marriage counseling) có thể đắc dụng giúp vợ chồng nói chuyện với nhau dễ dàng hơn, ít ra tránh được nổi nóng trước mặt người thứ ba. Có thể tìm nguồn tham vấn qua sự giới thiệu của bác sĩ gia đình, dịch vụ giới thiệu của bệnh viện, “chương trình phòng ngừa khủng hoảng” (crisis prevention program), “chương trình phục vụ cộng đồng” (community service programs) hoặc tìm trong trang vàng (yellow page) của điện thoại niên giám địa phương dưới đề mục “Marriage Counselors.” Tuy nhiên cần nhớ là tham vấn không bảo đảm cứu vãn được hôn nhân. Muốn lời cố vấn có hiệu quả cũng cần có thiện chí của cả vợ lẫn chồng nếu cả hai người cùng muốn hòa giải.

Dù không cứu được cuộc hôn nhân đổ vỡ nhưng một cố vấn giỏi có thể giúp cho hai bên nói chuyện với nhau dễ dàng hơn đồng thời giúp làm cho vấn đề sáng tỏ. Nếu cuộc hôn nhân có vẻ không hàn gắn nổi thì cố vấn hôn nhân sẽ đổi thành cố vấn ly dị trong nhiệm vụ giúp cho đôi bên tách rời nhau một cách êm thấm bớt đi những nguy hại cho cả hai vợ chồng cùng các con của họ.

Kỳ tới chúng tôi trình bày chi tiết về hai loại ly dị “lỗi” và “không lỗi” theo luật khác nhau của các tiểu bang. Cũng như thường lệ người viết xin xác nhận nội dung của những loạt bài tìm hiểu luật pháp này chỉ có mục đích sử dụng với tính cách thông tin (information) giúp quý độc giả một vài kiến thức tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ mà thôi và không thể coi như liên hệ của luật sư với thân chủ (attorney-client relationship). Do đó nếu có vấn đề liên quan đến luật, quý độc giả vẫn cần thảo luận với một luật sư chuyên môn về trường hợp của quý vị.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT