Monday, March 18, 2024

Nghiên cứu y học: Ngủ dưới sáu tiếng mỗi tối tăng nguy cơ bệnh tim

WASHINGTON, DC (NV) – Kết quả một cuộc nghiên cứu y học mới đây cho thấy rằng sáu tiếng đồng hồ là thời gian ngủ tối thiểu phải có mỗi tối để giữ cho tim được khỏe mạnh.

Theo bản tin của HealthDay News hôm Thứ Hai, 14 Tháng Giêng, thì cuộc nghiên cứu thấy rằng việc thường xuyên không ngủ đủ giấc hay giấc ngủ bị gián đoạn, gia tăng nguy cơ bị nghẽn mạch máu tim, một chứng bệnh gọi là astherosclerosis, dễ gây ra trường hợp trụy tim hay tai biến mạch máu não.

Hiện nay có nhiều cách để chống lại bệnh tim, gồm cả việc uống thuốc, có các hoạt động thể lực cùng là điều chỉnh cách ăn uống, theo lời người đứng đầu cuộc nghiên cứu, Giáo Sư Jose Ordovas.

Tuy nhiên, ông Ordovas nói rằng: “Kết quả cuộc nghiên cứu này cho thấy chúng ta phải kể giấc ngủ vào một trong những võ khí nhằm chống lại bệnh tim, một điều mà chúng ta thường hay lơ là trong cuộc sống hằng ngày.”

Tiến Sĩ Ordovas hiện là một nhà nghiên cứu tại Trung Tâm Nghiên Cứu Tim Mạch Quốc Gia ở Madrid, Tây Ban Nha.

Trong cuộc nghiên cứu mới tiến hành này, các chuyên gia dùng ultrasound và máy quét CT để xem xét tim mạch của khoảng 4,000 người lớn ở Tây Ban Nha. Những người tham dự vào cuộc nghiên cứu, với độ tuổi trung bình là 46, không có bệnh tim vào giai đoạn đầu của cuộc nghiên cứu.

Cuộc nghiên cứu chưa chứng minh về nguyên nhân và hệ quả, nhưng những người ngủ ít hơn sáu tiếng mỗi tối có thêm 27% nguy cơ bị atherosclerosis so với những người ngủ từ bảy đến tám tiếng mỗi tối, theo nhà nghiên cứu Ordovas và các đồng sự.

Tuy nhiên, ngủ quá nhiều cũng không tốt cho tim. Cuộc nghiên cứu thấy rằng các phụ nữ ngủ hơn tám tiếng mỗi tối có sự gia tăng rủi ro bị atherosclerosis.

Những người có các giấc ngủ được coi là “không ngon giấc-poor quality” trong cuộc nghiên cứu này, như thức dậy thường xuyên hay khó khăn để có giấc ngủ, có tới 34% nguy cơ bị atherosclerosis cao hơn so với người ngủ ngon giấc.

Kết quả cuộc nghiên cứu này được đăng tải trên tạp chí y khoa Journal of the American College of Cardiology hôm Thứ Hai, 14 Tháng Giêng.

Giáo Sư Ordovas, người cũng đứng đầu chương trình nghiên cứu về dinh dưỡng và gene (genomics) có tên Jean Mayer USDA Human Nutrition Research Center on Aging ở đại học Tufts University tại Boston, nói rằng: “Đây là cuộc nghiên cứu đầu tiên cho thấy giấc ngủ có liên hệ tới bệnh atherosclerosis trên khắp cơ thể chứ không chỉ ở tim.”

Ông Ordovas nói thêm rằng những người chỉ ngủ được ít hay ngủ không ngon giấc, thường dùng lượng caffeine và chất có cồn cao hơn.

“Nhiều người nghĩ rằng rượu giúp dễ ngủ, nhưng thực ra lại có các phản ứng không tốt khác cho giấc ngủ. Nếu bạn uống rượu, bạn có thể thức dậy sau một thời gian ngủ ngắn ngủi rồi sau đó sẽ khó ngủ lại. Và nếu có ngủ lại được thì giấc ngủ cũng chập chờn.”

Bác Sĩ Thomas Kilkenny, người đứng đầu chương trình điều trị về giấc ngủ ở bệnh viện Staten Island University Hospital, ở New York City, nói rằng cuộc nghiên cứu mới này “mở ra cánh cửa để có thêm các cuộc nghiên cứu nhằm cho thấy nguyên nhân và hệ quả giữa ngủ không đủ hoặc không ngon giấc với bệnh atherosclerosis.” (V.Giang)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT