Sunday, May 19, 2024

Bệnh ợ hơi liên tục

Bác Sĩ Đặng Trần Hào tốt nghiệp bác sĩ y khoa Đông Phương tại Samra University, Los Angeles, năm 1987, và được mời tham dự hội đồng State Board về Châm Cứu và Đông Dược. Mục này giúp cho ai muốn tìm hiểu về Đông Dược và muốn góp ý cho kho tàng Đông Dược phong phú hơn để phục vụ bệnh nhân. Quý vị có thể liên lạc bác sĩ qua email: [email protected] hoặc điện thoại (714) 714-0564 office và (714) 553-6183 cell.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Sinh khương là tên dược của củ gừng tươi, có vị cay nồng, tính ấm và được sử dụng trong nhiều bài thuốc. (Hình: thuocdantoc.org)

Bệnh ợ hơi liên tục từ ngày nọ qua ngày kia là do tì, vị và gan gây ra. Bao tử (vị) và lá lách (tì) là một cặp âm dương, nằm trong ngũ hành sinh khắc.

Khi thận khí suy làm tì, vị khí suy theo thường tạo ra ợ hơi. Hoặc khi gan khí uất kết do ăn uống quá độ hay buồn phiền, làm gan khí phạm qua bao tử, gây nghịch khí đi lên, ợ hơi liên tục.

Do thận và tì khí suy

Tì khí suy đau vùng thượng vị và hạ vị liên miên, ê ẩm vùng thượng vị, đau có khi lan rộng ra cả hai bên bụng dưới. Mùa Đông đau nhiều hơn mùa Hè, thường đau vào lúc đói, chườm ấm dễ chịu.

Thích ăn đồ nóng, ăn đồ lạnh vào thì dạ dày khó chịu, thường đầy bụng, đại tiện phân nhão hoặc lỏng bất thường, ợ hơi, chậm tiêu, biếng ăn, bụng trướng, miệng nhạt, người mệt mỏi, chân tay đôi khi bất lực, sợ lạnh. Khi bệnh nhân nói, tiếng thường nhỏ yếu, hụt hơi, sắc mặt vàng nhợt. Mạch trầm trì, vô lực. Rêu lưỡi mỏng, trắng lợt.

Vì tì và vị là cặp âm dương nâng đỡ và nuôi nấng nhau, giữ cho quân bình âm dương trên hành thổ, nếu tì suy làm vị khí suy theo dĩ nhiên gây xáo trộn về tiêu hóa và gây đường đi của khí đạo bị đảo nghịch.

Như ta đã biết bao tử (vị) khí bao giờ cũng đi xuống, để giúp đồ ăn chuyển hóa từ bao tử qua ruột non, ruột già và đưa phần cặn bã phân ra ngoài là một sự bình thường.

Nếu tì khí suy, gây không đủ ấm để tiêu hóa đồ ăn có thể làm bao vị (bao tử) khí đi nghịch khí đi lên làm bụng đầy trướng, ăn không được nhiều, và nếu bị nặng là ợ hơi liên tục, rất mệt mỏi, ăn không ngon, tinh thần sa sút.

Phương pháp trị liệu: Bổ thận, tì khí, tản khí và giáng khí.

Bài thuốc
-Sâm hoa kỳ 12 gram
-Bạch truật 9 gram
-Phục linh 9 gram
-Cam thảo 6 gram
-Bán hạ chế 9 gram
-Mộc hương 6 gram
-Sinh khương 3 lát
-Sa nhân 6 gram
-Trần bì 6 gram
-Chỉ xác 9 gram
-Hương phụ 9 gram
-Đại táo 3 trái

Tác dụng của các vị thuốc:

-Nhân sâm: Bổ tì và bao tử.

-Bạch truật: Tiêu thấp trong bao tử.

-Phục linh: Thông thủy tích trong bao tử.

-Cam thảo: Phối hợp và điều động các vị thuốc.

-Sa nhân, mộc hương, trần bì, sinh khương: Bổ tì vị khí, kiện toàn tiêu hóa, giúp ăn ngon.

-Bán hạ: Chữa nôn mửa do tì vị hư hàn gây ra.

-Chỉ xác, hương phụ: Tản khí và giáng khí, ngưng ợ liên tục.

Trần bì có tính ấm, mùi thơm và vị đắng có tác dụng kiện tì, điều hòa khí huyết và tiêu đờm, thường được dùng chữa đầy bụng, tiêu chảy, nôn mửa. (Hình: thuocdantoc.org)

Do gan khí phạm tì

Bao tử và tì là một cặp âm dương hỗ trợ nhau trong tiêu hóa. Bất cứ một sự mất quân bình nào của bao tử và tì gây ra vì bất cứ lý do nào cũng làm cho tiêu hóa bị trở ngại.

Gan mộc khắc với tì thổ. Một khi gan mất quân bình, sẽ ảnh hưởng qua tì, mà Đông y gọi là can khí phạm tì. Lý do vì lo âu quá độ, giận dữ, buồn phiền từ ngày nọ qua ngày kia, hay ăn uống quá nhiều chất béo, gan không hóa giải được, mà gây ra gan mất quân bình, phạm qua tì.

Trong trường hợp này, thường chúng ta ăn vào là phải đi đại tiện ngay, hay sau khi chúng ta uống cà phê, rượu. Nặng đi tới ợ liên tục rất là khó chịu, đói ăn chút ít là thấy đầy hơi và ợ liên tục.

Có người đi đại tiện bình thường, có người đi bị lỏng vì tì khí và thận khí của người đó bị suy.

Bài thuốc
-Bạch thược 12 gram
-Hoàng cầm 9 gram
-Hoàng liên 3 gram
-Đại hoàng 6 gram
-Đương quy 9 gram
-Quế bì 6 gram
-Mộc hương 6 gram
-Binh lăng 6 gram
-Cam thảo 3 gram
-Sài hồ 9 gram
-Đại phúc bì 9 gram
-Hương phụ 3 gram

Tác dụng của các vị thuốc:

-Bạch thược: Vị chính trong thang thuốc, làm giảm tức và đau ở thượng vị.

-Quế bì: Điều hòa khí tại trung tiêu.

-Đương quy: Bổ máu và phối hợp với bạch thược để trị đại tiện lỏng và bụng bị đau.

-Hoàng liên và hoàng cầm: Tiêu tích và đưa xuống ruột.

-Binh lăng: Giáng khí.

-Mộc hương: Trị đau bụng và bao tử.

-Cam thảo: Phối hợp các vị thuốc.

-Đại phúc bì, hương phụ: Tản khí và giáng khí, ngưng ợ liên tục.

-Sài hồ: Bình can khí.

Trong các dịp lễ Tết, để giữ cho thân thể khỏe mạnh, ăn uống ngon miệng, chúng ta nên để ý đến số lượng thức ăn mang vào cơ thể không nên quá tải và những thức ăn nhiều thịt nặng nề thay vì ăn rau đậu, sẽ giúp cho chúng ta có một thân thể cường tráng và nhẹ nhàng.

Theo nghiên cứu từ 71,751 người của Đại Học Loma Linda tại Riverside County, California, tất cả những người này đều ăn số lượng calorie hằng ngày 1,700 giống nhau, ngoại trừ thỉnh thoảng những người ăn thịt ăn 2,000 calorie, không uống rượu và hút thuốc, nhưng khác nhau về ăn động vật và thực vật hằng ngày. Theo dõi trong vòng năm năm, đưa ra một kết quả về sức khỏe cường tráng, “Healthy Body Mass Index” hay BMI như sau:

-Nhóm thứ nhất hoàn toàn ăn thịt 48%, có 29.4% BMI.

-Nhóm thứ hai thỉnh thoảng ăn thịt 6%, có 38.8% BMI.

-Nhóm thứ ba ăn cá 10%, có 46.6% BMI.

-Nhóm thứ tư ăn bơ sữa 28%, có 50.3% BMI.

-Nhóm thứ năm ăn chay, không ăn thịt, cá và bơ sữa 8%, có 68.9% BMI.

Dựa vào nghiên cứu này cho biết sức khỏe tráng kiện của con người (BMI) tùy thuộc vào cách ăn uống. Càng ăn nhiều rau và không bơ sữa, sức khỏe càng cường tráng hơn.

Cho nên người xưa tại quê nhà có nói “Bệnh tùng khẩu nhập. Họa tùng khẩu xuất,” nghĩa là bệnh từ cái miệng do ăn uống mà đem vào, họa cũng từ cái miệng do nói chuyện thị phi mà thành, là như vậy. [hp]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT