Friday, April 26, 2024

Nguồn gốc y học cổ truyền

Bác Sĩ Đặng Trần Hào

Nói đến y học cổ truyền dân tộc, thường chúng ta nghĩ nguồn gốc từ Trung Hoa, sau này truyền qua Việt Nam và phát triển tới ngày nay. Nhưng không hẳn như vậy.

Uống nước lá cây khổ qua giúp trị bệnh nóng gan. (Hình: kon072/Pixabay)

Nhìn ngược lại dòng lịch sử, Việt Nam là một nước nông nghiệp, phần đông dân chúng sống nghề nông và các loại thực vật, rau trái… dựa vào kinh nghiệm dân gian truyền từ đời nọ qua đời kia, dĩ nhiên phải có người thử thức ăn, đôi khi cũng nguy hiểm tới tính mạng để cho thế hệ sau hưởng thụ.

Những cây thuốc cổ truyền cũng không qua khỏi những kinh nghiệm đó. Từ nguyên thủy tổ tiên đã phải tìm kiếm thức ăn, đôi khi ăn phải những thức ăn có chất độc gây ra hiện tượng đau bụng, nhức đầu, tiêu chảy, bón, nôn mửa, chóng mặt, ngộp thở, hôn mê và có khi chết người…

Nhờ vào những kinh nghiệm này, con người biết lợi dụng tính chất của cây cỏ làm thuốc mỗi khi bị bệnh. Chẳng hạn, khi nóng trong người chúng ta dùng những vị thuốc có vị đắng để thanh nhiệt, khi lạnh dùng vị thuốc nóng để hóa giải sự lạnh tứ chi hay cơ thể…

Dần dần chúng ta đúc kết những kinh nghiệm, sắp xếp lại có khoa học và hợp với sự vận hành của thiên nhiên, của nóng lạnh, của khô ráo, của ẩm thấp, của ngày đêm, của ngũ hành để áp dụng vào chữa trị bệnh tật, bảo vệ nòi giống và các thế hệ sau này.

Nếu nhìn vào thực tế trong dân gian, có hai loại thầy chữa bệnh:

-Loại thầy thứ nhất học theo cha truyền con nối, học những kinh nghiệm truyền khẩu trong dân gian. Loại người này thường chữa bệnh ở những vùng quê, hẻo lánh, nhưng rất cần cho những người dân sống không tập chung và rải rác ở các vùng xa xôi này.

-Loại thầy thứ hai biết đem lý luận vào việc sử dụng thuốc. Loại này thường là những người có học, có nghiên cứu sách vở, thường sống ở thành thị và cho rằng Thần Nông là người đầu tiên nghĩ ra cách dùng dược thảo làm thành thuốc hay còn gọi là phát minh ra thuốc.

Theo truyền thuyết, một ngày Thần Nông nếm 100 cây cỏ để tìm thuốc, có khi một ngày ông ngộ độc tới vài chục lần, rồi ông sắp xếp, lý luận theo khoa học, soạn ra sách đầu tiên gọi là “Thần Nông Bản Thảo.” Trong bộ sách này ghi chép tất cả có 365 vị thuốc và là bộ sách cổ nhất của Đông y (khoảng hơn 4,000 năm nay).

Nhưng theo khoa học hiện đại, theo sự nghiên cứu và suy luận, một đời người, nhiều lắm là 100 năm, quá ngắn ngủi, không thể có đủ kinh nghiệm và thực nghiệm với bản thể một cá nhân mà viết ra được.

Nhóm nghiên cứu này cho rằng vua Thần Nông ở đây không phải là một người, mà là kinh nghiệm nhiều người tích lũy lại qua thời gian, sưu tầm, sắp xếp lại cho có hệ thống và ghi chép mà thành sách. Để gây tin tưởng và truyền bá rộng rãi trong dân giạn, nhóm làm ra bộ sách hay một cá nhân đã tạo ra truyền thuyết về vua Thần Nông nếm cây cỏ tìm thuốc, thời gian viết chỉ vào khoảng thế kỷ thứ hai mà thôi.

Theo tự điển Bách Khoa Nông Nghiệp Hà Nội xuất bản 1991, vị thần nông nghiệp của người Việt Nam cổ xưa trồng lúa nước. Một số học giả Trung Hoa và Hoa Kỳ đã dẫn chứng Thần Nông là vị thần của cư dân phương Nam, không thuộc nước Trung Hoa cổ đại. Ông là tổ tiên huyền thoại của Vua Hùng Vương.

Cây atiso không chỉ có tác dụng mát gan bổ thận mà còn đem lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe. (Hình: Matthias Böckel/Pixabay)

Thần Nông sinh ra Đế Minh. Đế Minh sinh ra Kinh Dương Vương. Kinh Dương Vương sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân sinh ra vua Hùng. Người Việt cổ xưa thờ trời, thờ thần núi và hiện nay còn đền thờ vua Hùng tại Phú Thọ, Bắc Việt  Nam.

Chúng ta nhắc lại những di sản của tổ tiên để lại và tự hào với nòi giống con Rồng cháu Lạc và ngay cả y học cổ truyền cũng do ông cha ta khai phá và sắp xếp để cho các thế hê mai sau lấy đó mà nghiên cứu và bổ túc.

Mặc dù 1,000 năm bị người Trung Hoa độ hộ, nhưng chúng ta vẫn âm thầm chiến đấu và vẫn giành lại được đất nước và tất cả phong tục, tập quán, văn hóa, giáo dục và y học cổ truyền cũng được tái lập lại từ đời Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Tây Sơn, Nguyễn…

Dĩ nhiên trong giai đoạn này cũng có nhiều thày thuốc Đông y nổi tiếng, nhưng có công và viết thành sách theo khoa học và y lý nổi tiếng hơn cả là:

1-Tuệ Tĩnh, tên là Nguyễn Bá Tĩnh, người huyện Cẩn Giàng, tỉnh Hải Dương ngày nay. Ông đỗ tiến sĩ, không làm quan, đi tu, làm thuốc chữa bệnh cho nhân dân.

Tác phẩm Tuệ Tĩnh để lại gồm:

-Bộ sách Nam Dược Thần Hiệu: 11 quyển, gồm 580 vị thuốc có trong nước, và 3,873 bài thuốc, chữa 182 loại bệnh được xếp vào 10 loại lâm sàng thường gặp.

-Quyển Hồng Nghĩa Giác Tư Y Thư gồm hai bài phú thuốc Nam (một chữ Nôm, một chữ Hán), tóm tắt công dụng 630 vị thuốc, 13 phương gia giảm và phụ thêm bổ âm đơn. Một thiên dùng thuốc theo chứng. Một thiên “Y Luận” nói về cơ bản lý luận trong Đông y, chẩn đoán và mạch lý.

-Tuệ Tĩnh là người đầu tiên nêu cao khẩu hiệu “Nam dược trị nam nhân.” Ông còn phổ biến cách giữ gìn sức khỏe, điều độ về sinh hoạt được tóm tắt trong mấy vần thơ: “Bổ tinh, dưỡng khí, tồn thần/ Thanh tâm, quả dục, thủ chân, luyện hình.”

Ông được người đương thời và các thế hệ sau phong cho ông là vị Thánh thuốc nam y đại thiện, đại Nho, đại y dược.

2-Lê Hữu Trác, tức Hải Thượng Lãn Ông (1720-1791), vào thời hậu Lê. Ông quê ở Yên Mỹ, tỉnh Hải Dương. Văn hay, võ giỏi, từ bỏ con đường quan lộ, nghiên cứu y học đi giúp cho bệnh nhân.

Hải Thượng Lãn Ông đã có công nghiên cứu và tổng hợp những ưu điểm của y học Đông phương vào thế kỷ thứ 18, và áp dụng vào việc chữa trị các bệnh tật trong hoàn cảnh địa lý và khí hậu từng địa phương của nước ta.

Về thuốc, ông tìm thêm được 300 vị thuốc mới (trong Lĩnh Nam Bản Thảo), tổng hợp thêm 2,854 bài thuốc kinh nghiệm và luôn luôn nhắc nhở học trò và các thầy thuốc trú trọng đến dùng các vị thuốc trong nước để chữa bệnh.

Hải Thượng Lãn Ông được vinh tôn là sư tổ của nền y khoa Đông phương nước ta. [qd]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT