Sunday, May 19, 2024

Uống rượu quá chén có thể ảnh hưởng đường ruột

BETHESDA, Maryland (NV) – Một ly bia đầy bọt hoặc một ly rượu vang có thể giúp bữa ăn thêm hấp dẫn và giúp người ta khuây khỏa đầu óc. Nhưng rượu có tác dụng gì với hàng ngàn tỷ vi khuẩn sống trong ruột của một người?

Cũng như phần lớn ngành khoa học về vi sinh vật, “còn rất nhiều điều mà chúng tôi chưa khám phá hết,” Bác Sĩ Lorenzo Leggio, bác sĩ kiêm khoa học gia nghiên cứu về việc uống và nghiện rượu tại Viện Y Tế Quốc Gia cho biết.

Điều đó nói lên rằng, rõ ràng là những con lợi khuẩn rất cần thiết cho quá trình tiêu hóa, khả năng miễn dịch và sức khỏe đường ruột khỏe mạnh. Và khi các khoa học gia bắt đầu khám phá việc uống rượu ảnh hưởng tới đường ruột của một người như thế nào, họ nhận ra rằng hành vi lạm dụng rượu có thể để lại một số hậu quả chẳng lành.

Uống nhiều rượu có thể ảnh hưởng hệ thống vi sinh vật đường ruột (Hình: Magda Ehlers/Pexels)

Phần lớn các nghiên cứu hiện nay về rượu và hệ thống vi sinh vật đều tập trung vào những người uống rượu thường xuyên và uống nhiều, Cynthia Hsu, bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa đại học University of California, San Diego cho biết.

Thí dụ, một số nghiên cứu khám phá ra rằng những người mắc chứng rối loạn sử dụng rượu (không có khả năng kiểm soát hoặc khó dứt uống rượu) thường có sự mất cân bằng giữa vi khuẩn “lợi” và “hại” trong ruột của họ. Điều này được gọi là rối loạn sinh học và tình trạng này thường liên quan tới tình trạng viêm và bệnh tật nhiều hơn so với việc có một hệ thống vi sinh vật khỏe mạnh hơn, Bác Sĩ Hsu cho biết.

Những người nghiện rượu nặng mắc chứng rối loạn sinh học cũng có thể có lớp lót ruột “rò rỉ hơn” hoặc dễ thấm qua hơn, Bác Sĩ Leggio cho biết. Lớp lót ruột khỏe mạnh hoạt động như một hàng rào giữa phần bên trong ruột – chứa đầy vi khuẩn, thức ăn và các chất độc có hại – và phần còn lại của cơ thể, ông cho biết.

Khi niêm mạc ruột bị phá vỡ, vi khuẩn và độc chất có thể thấm vào máu và chảy tới gan, gây ra tình trạng viêm gan và tổn thương, Bác Sĩ Hsu cho biết thêm.

Ví dụ, trong một nghiên cứu năm 2023, các nhà nghiên cứu kiểm tra hệ thống vi sinh vật của 71 người từ 18 tới 25 tuổi không mắc chứng rối loạn sử dụng rượu. Những người được ghi nhận say xỉn thường xuyên hơn (được định nghĩa là bốn ly trở lên trong khoảng hai giờ đồng hồ với phụ nữ, hoặc năm ly trở lên đối với nam giới) có những thay đổi về hệ thống vi sinh vật liên quan tới cảm giác thèm rượu nhiều hơn. Nghiên cứu đó cũng bổ túc vào nghiên cứu trước đó cho thấy uống rượu say có liên quan tới dấu hiệu viêm trong máu cao hơn.

Tuy nhiên, trong số những nghiên cứu này, không có nghiên cứu nào chứng minh rằng rượu gây ra chứng khó thở ở người. Mối liên hệ này trở nên rõ ràng hơn trong các nghiên cứu trên động vật, nhưng trong các nghiên cứu trên người, các nhà nghiên cứu khó kiểm soát các yếu tố như cách ăn uống và các tình trạng sức khỏe khác.

Hướng dẫn của liên bang cho thấy uống rượu vừa phải là không quá hai ly mỗi ngày dành cho nam hoặc một ly mỗi ngày đối với nữ. Có rất ít nghiên cứu về việc lượng rượu uống vào ảnh hưởng tới hệ thống vi sinh vật đường ruột của người ta nhiều như thế nào, Jennifer Barb, khoa học gia tin học sinh học lâm sàng tại Viện Y Tế Quốc Gia cho biết.

Các khoa học gia phát giác rằng so với những người không uống rượu, những người uống rượu ở mức độ thấp tới trung bình có hệ thống vi sinh vật đường ruột đa dạng hơn – một đặc điểm thường liên quan tới đường ruột khỏe mạnh. Điều này có thể là do các yếu tố về chế độ ăn uống hoặc lối sống, hoặc có thể là do thứ gì đó trong thức uống có cồn có thể có lợi cho hệ thống vi sinh vật – mặc dù đó có thể không phải là ethanol, Bác Sĩ Barb cho biết.

Một ví dụ khác, trong một nghiên cứu năm 2020 trên 916 phụ nữ tại Anh Quốc uống hai ly trở xuống mỗi ngày, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người uống rượu vang đỏ – hoặc ở mức độ thấp hơn, là rượu vang trắng – có hệ thống vi khuẩn đường ruột đa dạng hơn những người không uống. Không có mối liên hệ nào như vậy được khám phá với bia hoặc rượu mạnh. Các nhà nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng polyphenol, hợp chất có trong vỏ nho có hàm lượng cao trong rượu vang đỏ, có thể giải thích kết quả về hệ thống vi khuẩn đường ruột khỏe mạnh.

Nhưng con người không cần rượu để dung nạp polyphenol, John Cryan, nhà thần kinh học nghiên cứu hệ thống vi sinh vật tại đại học University College Cork ở Ái Nhĩ Lan cho biết – chúng cũng có trong nho và hầu hết các loại trái cây và rau củ quả khác, cũng như nhiều loại thảo mộc, cà phê và trà.

Nói chung, ăn nhiều loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật và thức ăn lên men như sữa chua, kombucha và kim chi cũng có thể cải thiện sự đa dạng của hệ thống vi sinh vật đường ruột. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT