Tuesday, March 19, 2024

Tại sao có sóng thần?

Hà Dương Cự/Người Việt

Người xưa có câu: “Thủy hỏa đạo tặc” để chỉ những sự phá hại trong đời sống con người. Thủy là nước, hỏa là lửa, đạo là ăn cắp (như trong từ đạo chích) và tặc là giặc cướp. Như vậy nước là thứ phá hại hàng đầu.

Tại sao như vậy? Vì sức nước rất mạnh có thể làm cho nhiều người thiệt mạng trong một thời gian ngắn. Thí dụ cách đây mấy tuần Indonesia đã bị một trận động đất kéo theo sóng thần làm cho hơn 2,000 người chết và 5,000 người mất tích. Thế thì sóng thần là gì? Biến cố nào tạo ra sóng thần và có thể đề phòng sóng thần được không?

Sóng thần là gì 

Sóng thần tiếng Anh là tsunami, thật sự đây là một tiếng Nhật. Trước kia trong tiếng Anh người ta thường dùng chữ tidal wave có nghĩa là sóng thủy triều, nhưng danh từ đó không được chính xác vì sóng thần không liên can gì đến thủy triều. Vì không có từ nào diễn tả đúng hiện tượng sóng thần nên người ta mượn luôn chữ tsunami. Hiện nay chữ tsunami đều có trong các từ điển tiếng Anh.

Sóng thần là một sự chuyển dịch một số lượng rất lớn nước biển trong một thời gian ngắn. Bắt đầu từ một điểm ở lòng biển hay trên mặt nước và lan ra tứ phía. Sóng thần là một chuỗi các làn sóng di chuyển rất nhanh. Khi ở ngoài đại dương thì tốc độ có khi lên tới 800 km/giờ và độ cao thì thấp, chưa tới một mét. Cho nên thuyền bè ở ngoài khơi có khi không biết là có sóng thần đang đi ngang qua và cũng không bị nguy hiểm.

Có hai đặc tính của sóng, đó là độ dài sóng (wavelength) và biên độ (amplitude). Độ dài sóng là khoảng cách từ đầu ngọn sóng này tới đầu ngọn sóng kế tiếp. Biên độ là chiều cao của con sóng. Một đặc điểm của sóng thần là độ dài sóng rất lớn, khoảng 200 km. Độ dài sóng tùy thuộc vào độ sâu của biển. Khi độ sâu của biển giảm bớt thì độ dài sóng cũng ngắn lại và đồng thời biên độ lớn hơn. Khi đến gần bờ thì sóng thần có độ cao tới cả chục thước, như một bức tường nước.

Phân tích sóng thần. (Hình: tsunami.org)

Tại sao có sóng thần 

Có nhiều biến cố có thể gây ra sóng thần: động đất, núi lửa hoạt động dưới lòng biển, đất chuồi dưới lòng biển và tác động của thiên thạch (meteorite). Nói chung là những biến cố nào làm di chuyển một khối lượng nước lớn trong một khoảng thời gian rất ngắn là có thể sinh ra sóng thần.

Động đất 

Phần lớn sóng thần được động đất gây ra. Vỏ ngoài của trái đất bao gồm những mảng (plate). Những mảng này hơi chồng lên nhau và không cố định. Khi hai mảng di chuyển ngược chiều, tức là mảng này đẩy vào mảng kia làm một mảng trồi lên, một mảng trụt xuống và sinh ra động đất. Động đất nếu xảy ra gần biển hay dưới đáy biển sẽ làm di chuyển một số lượng lớn nước biển, do đó có thể sinh ra sóng thần.

Những sóng thần ghê gớm trong lịch sử 

Trong lịch sử thế giới đã có nhiều cơn sóng thần gây thiệt hại nặng nề. Sau đây là một vài cơn sóng thần đáng kể.

-Alaska năm 1958: Đêm ngày 9 Tháng Bảy, 1958, một trận động đất có cường độ 8.3 ở vùng Alaska Panhandle làm đất đá bị lở ra và rơi xuống vịnh Lituya Bay. Khối lượng đất đá, ước tính là khoảng 30.6 triệu mét khối, rơi từ trên cao khoảng 900 mét xuống biển làm gây ra cơn sóng thần khổng lồ. Sóng cao tới 576 mét. Trong lịch sử chưa có cơn sóng thần nào cao lớn như vậy. May mắn là vịnh Lituya Bay rất hoang vắng nên không gây thiệt hại nhiều. Chỉ có làm đắm một chiếc thuyền câu làm hai người đang câu cá bị thiệt mạng.

-Indonesia năm 2004: Ngày 26 Tháng Mười Hai, 2004, một trận động đất với cường độ 9.1 đã xảy ra ngoài khơi đảo Sumatra và gây ra một cơn sóng thần ghê gớm. Sóng cao tới 50 mét và nước biển tràn vào sâu trong bờ tới 5 km. Đây là cơn sóng thần làm thiệt nhiều nhân mạng nhất, có khoảng 230,000 người chết.

-Nhật Bản 2011: Chắc bạn còn nhớ những hình ảnh và video kinh hoàng của cơn sóng thần ở Nhật Bản năm 2011. Vào ngày 11 Tháng Ba, 2011, một trận động đất có cường độ 9.0 đã xảy ra ngoài khơi vùng Đông Bắc Nhật Bản và gây nên một sóng thần lớn. Đây là một trong những thiên tai lớn nhất ở Nhật, có gần 16,000 người bị thiệt mạng, trên 6,000 người bị thương và hơn 120,000 cơ sở bị hủy hại hoàn toàn. Sóng thần còn lan ra tới Hawaii, Alaska, và Chile. Một năm sau người ta còn thấy những mảnh vụn vỡ từ trận sóng thần đó trôi vào bờ biển bên California.

Thiệt hại về kinh tế được ước tính là khoảng $199 tỷ. Theo World Bank thì đây có thể là thiên tai tổn phí nhất từ trước tới nay. Sóng thần cũng làm hư hại hệ thống làm lạnh của nhà máy điện nguyên tử Fukushima Daiichi và gây nên sự nóng chảy của lõi lò và làm chất phóng xạ thoát ra ngoài bầu khí quyển.

Sự phát sinh ra sóng thần. (Hình: commons.wikimedia.org)

Các biện pháp báo nguy 

Sóng thần là một hiện tượng thiên nhiên cho đến bây giờ không có biện pháp gì để có thể ngăn ngừa sóng thần xảy ra được. Các quốc gia chỉ có thể tìm những phương cách để nhận biết càng sớm càng tốt khi nào sóng thần sẽ xảy ra và những hệ thống báo động cho dân chúng ở vùng bị ảnh hưởng di tản vào sâu trong đất liền hay chạy lên vị trí cao.

Khi cơn sóng thần giết hại 230,000 người ở Indonesia xảy ra vào năm 2004 thì hệ thống báo động sóng thần còn rất thô sơ. Chỉ có sáu phao nổi  DART (Deep-ocean Assessment and Reporting of Tsunami, thẩm định và báo cáo sóng thần ngoài biển sâu) của cơ quan NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration, Cơ Quan Quản Trị Đại Dương và Khí Quyển Quốc Gia) của Hoa Kỳ hoạt động ngoài đại dương.

Trận sóng thần 2004 làm cho thế giới bừng tỉnh và nhận ra là mình phải có những phương pháp và dụng cụ tối tân hơn để báo nguy về sóng thần. Đến năm 2014 thì đã có 39 phao nổi DART của Hoa Kỳ cộng thêm 21 phao báo nguy sóng thần của thế giới. Những phao này đo lường những sự thay đổi trên biển để có thể tiên đoán được khi nào thì sóng thần đổ bộ vào đất liền và gây ra lụt lội bao nhiêu.

Tuy thế giới đã có những hệ thống báo động sóng thần tối tân, nhưng ở Indonesia, một nước đang phát triển thì tình trạng lại khác. Sau trận sóng thần 2004, Hoa Kỳ và các nước khác đã giúp Indonesia thành lập một hệ thống 22 phao báo nguy sóng thần, mỗi cái tốn khoảng nửa triệu đô la. Nhưng sau đó các phao không được bảo trì, hơn nữa nhiều cái phao bị ngư dân tháo gỡ lấy dây đồng cho nên đến 2016 trong một trận động đất ở vùng phía Tây Indonesia không còn có phao nào hoạt động.

Trong cơn sóng thần năm nay thành phố Palu, Indonesia tuy có hệ thống còi báo động sóng thần, nhưng động đất đã làm tê liệt hệ thống đó. Những tháp điện thoại di động cũng bị mất điện nên không có thể gửi tin nhắn báo nguy qua điện thoại di động được.

Các nhà khoa học hiện vẫn đang tìm những biện pháp để báo nguy sóng thần tốt hơn. Hy vọng trong tương lai số tử vong sẽ được giảm xuống nhiều vì báo động kịp thời. (Hà Dương Cự)

—————-
Nguồn tài liệu: https://oceantoday.noaa.gov, http://tsunami.org, http://neamtic.ioc-unesco.org

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT