Wednesday, May 15, 2024

Thế hệ ‘baby boomers’ ảnh hưởng đáng kể tới thị trường nhà đất

(realtytimes.com) – Chiếm khoảng 40% dân số, thế hệ hậu chiến, những người sinh ra sau Thế Chiến II (thường được gọi là baby boomers,) hầu như trong suốt cuộc đời đã ảnh hưởng trực tiếp lên đời sống và nền văn hóa Mỹ, là động cơ thúc đẩy mọi thứ, từ sự phát sinh của nhạc “rock” đến sức mạnh của chủ nghĩa vận động chính trị.

Hiện nay, thế hệ này đang già đi, đã đi vào lứa tuổi bảy mươi, đã qua từ lâu tuổi nghỉ hưu truyền thống, và vào lúc mà đại dịch COVID-19 đang đẩy thị trường địa ốc vào một tình trạng mê loạn, vẫn là một lực lượng đáng gờm.

Nhiều người già thuộc thế hệ 70 tuổi đang muốn bán căn nhà lớn của họ để mua những căn nhà nhỏ hơn. (Hình minh họa: Justin Sullivan/Getty Images)

Trận đại dịch đã kích thích những người lớn tuổi tái đánh giá các hoàn cảnh sinh sống của họ. Đối với vài người, cuộc khủng hoảng y tế đang cung cấp sự thúc đẩy để họ nghỉ hưu sớm và di chuyển tới những nơi mà họ mơ ước giữa lúc thị trường nóng bỏng.

Nhưng một số những người già thuộc thế hệ hậu chiến quyết định ở yên tại chỗ.

Đối với nhiều người lớn tuổi, không có sự thúc bách để di chuyển. Có thể họ đang nghĩ tới chuyện giảm cỡ nhà hoặc di chuyển tới một vùng có khí hậu tốt hơn, nhưng họ không chắc chắn về nơi họ sẽ tới nếu bây giờ họ bán căn nhà mà gia đình đang ở.

Một lý do là họ biết rằng số nhà bán hiếm hoi.

Họ lo ngại rằng nếu họ bán căn nhà hiện nay, có thể họ không thể tìm được căn nhà mà họ mong muốn.

Trong nhiều trường hợp, việc họ không thể đích thân đi coi nhà và họ không sẵn sàng trông cậy vào một chuyến coi nhà bằng hình ảnh để đưa ra một quyết định. Và, dĩ nhiên, nếu họ đang xem xét việc sống trong một cộng đồng người nghỉ hưu hoặc sống có trợ giúp, họ đang hoãn lại bởi vì họ không muốn chung đụng hoặc sống trong một khung cảnh với dân cư đông đúc giữa một cuộc khủng hoảng y tế công cộng.

Hơn nữa, bởi vì thế hệ hậu chiến đang già đi có khuynh hướng “bán lớn” và “mua nhỏ,” vài người sợ họ sẽ phải cạnh tranh với thế hệ trẻ (millennials) hoặc những người mua nhà lần đầu khác, là những người cũng đang tìm kiếm những không gian sinh sống nhỏ hơn như vậy.

Khi không di chuyển, dù vì lý do gì, việc họ không muốn đặt căn nhà của họ lên thị trường đang gây áp lực lên tình trạng nhà bán vốn đã thiếu hụt.

Giữa lúc các gia đình đang đưa thân nhân của họ ra khỏi những nơi sinh sống có trợ giúp vì lý do y tế, và lối sống nhiều thế hệ đang trở nên hấp dẫn, có một mối quan tâm mới trong việc xây dựng những căn nhà phụ dành cho ông bà.

Được chính thức gọi là nhà ở phụ (ADU: Accessory Dwelling Units) những căn nhà dành cho ông bà này cùng chung lô đất mà một căn nhà chính được xây dựng.

Vài người già đang giảm cỡ nhà thành những ADU mà họ xây dựng trên bất động sản của chính họ, họ cho thuê căn nhà chính để có thêm lợi tức nghỉ hưu. Hoặc, nếu họ không cần lợi tức, họ có thể mời con cái trưởng thành hoặc những đứa cháu của họ tới sống trong căn nhà chính.

Dù sao, những căn nhà phụ ADU cung cấp một đường lối có hiệu quả để những người già duy trì đời sống độc lập với gia đình kế cận trong khi đồng thời vẫn góp phần tạo dễ dàng trong cuộc khủng hoảng nhà ở.

Theo sự suy nghĩ truyền thống, người ta mua một căn nhà, có một gia đình, mua một căn nhà lớn hơn, và rồi giảm cỡ nhà theo một cách nào đó một khi con cái họ đã ra khỏi nhà.

Nhưng bây giờ không phải là thời gian truyền thống, và những người thuộc thế hệ hậu chiến, với những người già nhất sẽ bước sang tuổi 75 trong khoảng năm tới, đang thay đổi truyền thống giống như họ đã “nổi loạn” chống lại những thứ được coi như truyền thống trong thập niên 1960.

Vài người coi trận đại dịch như một cơ hội để thăng tiến. Nhưng nhiều người thuộc thế hệ hậu chiến đang quyết định già đi tại chỗ cho tới khi nào họ không thể làm như vậy được nữa, và cho tới khi nhóm dân số này sẵn sàng di chuyển,  yếu tố người già sẽ đè nặng lên tình trạng của thị trường. (N.N) [kn]

MỚI CẬP NHẬT