Sunday, May 19, 2024

Tại sao truyền thông ‘xác nhận kết quả’ trong các cuộc bầu cử Mỹ?

WASHINGTON, DC (AP) – Mỗi lần có cuộc bầu cử toàn quốc, nước Mỹ coi như có 51 cuộc bầu cử khác nhau, gồm ở 50 tiểu bang và ở Washington, DC, mỗi nơi có luật lệ và quy định riêng và cũng không có ủy ban bầu cử toàn quốc nào để nói với thế giới rằng ai là kẻ chiến thắng. Như vậy thì làm thế nào để có thể nhanh chóng và chính xác để xác định rằng ai là người thắng cuộc trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc?

Đó là lúc người ta cần tới truyền thông. Và truyền thông đã làm việc này từ năm 1848, khi hãng thông tấn Associated Press (AP) xác nhận rằng ông Zachary Taylor đắc cử tổng thống Mỹ, 172 năm trước đây.

Truyền thông trước Tòa Bạch Ốc. (Hình: AP Photo/Evan Vucci, File)

Đại Cử Tri Đoàn là cơ quan có nhiệm vụ chọn tổng thống, theo như quy định của Hiến Pháp Mỹ, sau khi có cuộc đầu phiếu phổ thông trên toàn quốc. Nhưng phải nhiều tuần sau bầu cử thì Đại Cử Tri Đoàn mới nhóm họp. Trong khoảng trống tin tức đó, cùng với việc kiểm phiếu và báo cáo chậm chạp của thời gian cả trăm năm trước, các cơ quan truyền thông làm thêm nhiệm vụ thu thập, tổng kết số phiếu từ giới hữu trách địa phương trên cả nước, rồi loan báo người chiến thắng, dựa trên các số phiếu đã đếm.

Ngày nay, nhiều người tỏ vẻ ngạc nhiên về việc này, kể cả Tổng Thống Donald Trump.

Sau khi hãng thông tấn AP và các hệ thống truyền hình Mỹ xác nhận kết quả bầu cử cho ông Joe Biden phía Dân Chủ, Tổng Thống Trump gửi tweet ra, nói rằng: “Từ hồi nào có việc truyền thông xác nhận ai sẽ là tổng thống?”

Ở vào giai đoạn đầu của lịch sử Mỹ, các cuộc bầu cử tổng thống Mỹ thường diễn ra trong nhiều ngày, và không phải tất cả các tiểu bang có cùng ngày bầu cử. Nhưng từ khi có phát minh về điện tín, đưa đến lo ngại rằng kết quả bầu cử tiểu bang này ảnh hưởng tới bầu cử ở tiểu bang khác, mới khiến nước Mỹ có cùng ngày bầu tổng thống, theo lời Giáo Sư David Greenberg, chuyên về sử và báo chí tại đại học Rutgers University.

Sau ngày bầu cử, mỗi tiểu bang chọn nhân sự để đại diện vào Đại Cử Tri Đoàn. Các đại biểu này không bỏ phiếu cho tới ngày 14 Tháng Mười Hai.

Nhưng dân chúng Mỹ không muốn phải chờ đợi đến giữa Tháng Mười Hai mới biết được ai sẽ là tổng thống. Và trong hệ thống tản quyền của Mỹ, không ai ngoài truyền thông sẵn sàng bỏ thời giờ và tiền bạc để thu thập tin tức về kết quả bầu cử.

Vai trò thu thập kết quả phiếu bầu và phân tích các dữ liệu này của hãng thông tấn AP đã có từ trước cuộc Nội Chiến Mỹ. Các hệ thống truyền hình Mỹ chỉ mới khởi sự có các cuộc thảo luận, phân tích, được trực tiếp truyền hình, khi có cuộc tranh cử năm 1960 giữa hai ông Richrad Nixon và John F. Kennedy, xem xét các con số báo cáo và cùng lúc xác nhận người thắng cử.

Truyền thông xác nhận kết quả trong Ngày Bầu Cử. (Hình minh họa: Brendan Hoffman/Getty Images)

Việc loan báo kết quả phiếu bầu không phải là nhiệm vụ “chính thức” về mặt hành chánh của giới truyền thông. Tuy nhiên, cho tới khi nào có sự thay đổi, như một cơ quan nhà nước nào đó được giao nhiệm vụ này, thì các cơ quan truyền thông độc lập vẫn làm bổn phận của mình như đã làm từ bao nhiêu năm qua. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT