Đất lành chim đậu và bài vọng cổ ‘Xâu Gùi Bến Cát’

Ngành Mai

Năm 1960 soạn giả Kiên Giang đã dựa vào một tai nạn xe lửa ở Bến Cát, Bình Dương viết thành bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” được thu dĩa hát do nghệ sĩ Thanh Sơn trình bày. Bài ca được phổ biến rộng rãi, giới đờn ca từ tử khắp nơi rất thường hát mỗi khi có sinh hoạt.

Nghệ sĩ Thanh Sơn ca bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” thâu thanh dĩa hát lần đầu tiên năm 1960. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Sau 1975 một lần nữa bài ca được sửa đổi thêm thắt vào, và thu dĩa nhựa do nghệ sĩ Minh Cảnh hát và cũng phát hành rộng rãi. Thế nhưng, theo giới mộ điệu thì bài ca sau thua kém hẳn bài Thanh Sơn ca. Có lẽ thời điểm này ngòi bút Kiên Giang đã không còn sắc sảo, văn chương lời ca không thu hút người nghe, và làn hơi ca Minh Cảnh cũng không còn hay như thời thập niên 1960 chăng? Vả lại cũng chưa nghe thấy ca sĩ tài tử nào ca bài được sửa đổi nói trên.

Bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” có liên quen đến câu chuyện tình khá đẹp, được nhà văn Ngành Mai viết thành truyền ngắn phục vụ độc giả, và câu chuyện diễn tiến như sau:

Chiều 30 Tết, tức không còn mấy tiếng đồng hồ nữa là đến giờ giao thừa năm cũ Quý Mão bước sang năm mới Giáp Thìn (1964), nên hầu hết mọi người Việt dù giàu nghèo, sang hèn cũng đều rộn rã đón Xuân chuẩn bị ăn Tết.Chiếc xe đò khởi hành từ Ban Mê Thuột đi Sài Gòn, chạy suốt đêm và khi trời vừa tờ mờ sáng thì bắt đầu lăn bánh trên chiếc cầu sắt Sông Bé để vào địa phận tỉnh Bình Dương. Chiếc xe tiếp tục chạy và hầu như tất cả hành khách đều mong muốn xe chạy nhanh hơn để kịp về nhà ăn Tết vì đã sáng Mùng Một đầu năm rồi.

Trong số hành khách cùng tâm trạng kia có chàng trai tên Thoại tuổi khoảng 20, đã kêu xe ngừng lại giữa rừng cao su, ngay đầu con đường trải đá đỏ dẫn vào đồn điền cao su bạt ngàn xa tít.

Nhìn thẳng vào bên trong đồn điền độ 1 cây số, thấy hiện lên xóm nhà tranh vách đất với khoảng hơn 20 ngôi nhà của dân phu đồn điền dựng lên tạm bợ. Họ là dân từ khắp nơi đến đây sinh sống bằng nghề cạo mủ cao su cho đồn điền.

Mang chiếc túi xách nhỏ trên vai, Thoại nhanh nhẹn đi vào xóm nhà và khi đến ngã tư đầu xóm chàng rẽ vào, đi thẳng đến căn nhà cuối xóm một cách tự nhiên, chứng tỏ chàng ít ra cũng vài lần đến ngôi nhà kia.

Tuy là xóm nghèo nhưng vẫn có không khí Tết thể hiện qua những bình bông, những đĩa trái cây rất trịnh trọng trên bàn thờ.

Sau vài câu trả lời vắn tắt cho người của xóm hỏi han thì Thoại đã đến ngôi nhà cuối cùng của xóm. Từ trong nhà một ông trung niên nói vọng ra:

– Kìa cháu Thoại! Đi hồi nào mà đến đây mới sáng sớm Mùng Một Tết?

– Dạ thưa bác Tám, cháu lên chiếc xe chiều hôm qua và là chiếc xe cuối cùng của năm rồi rời bến Ban Mê Thuột, nên sáng nay đến đây sớm mừng tuổi hai bác. Bác gái và Quỳnh Anh cũng ở nhà hở bác?

-Ờ! Bà ấy đang lo nấu nướng cúng Mùng Một và con Quỳnh Anh thì ở sau nhà dọn dẹp để kịp ăn Tết. Thôi cháu vào chào hỏi bả và ra sau nhà gặp con Quỳnh Anh, nó cũng mới vừa nhắc cháu đó!

Thoại vừa bước đi ra phía sau thì bác Tám nói thêm:

-Lát nữa trở vào bác đờn cho cháu ca bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” mở màn cho nhóm đờn ca tài tử vùng này đến tham gia ăn Tết, theo lời mời của bác.

Câu nói của bác Tám cộng với cây đờn kìm treo trên vách đã cho thấy ông là một nhạc sĩ đờn kìm.

Nhớ lại giữa năm vừa qua, dung rủi thế nào mà cũng trên chiếc xe đò bị nổ bánh xe tại đoạn đường này, xe không có bánh sơ cua nên người lơ phải đón xe mang về Bình Dương sửa chữa. Công việc ấy kéo dài trên 3 tiếng đồng hồ nên Thoại và hành khách đỗ vào xóm nghèo xin nước uống. Riêng Thoại thì chàng đi hết xóm quan sát cảnh sinh hoạt của xóm nhà, và bất ngờ nhìn thấy cây đàn kìm treo trên vách. Do bởi có máu đờn ca tài tử trong người nên Thoại khó bỏ qua và đi đến nhà hỏi thăm cây đàn của ai. Người tiếp Thoại đầu tiên là cô gái tên Quỳnh Anh và đây là nhà cha mẹ của cô làm nghề cạo mủ cao su, còn cô thì đi học nghề thợ may ở Phú Cường, Thủ Dầu Một, hôm nay cô về thăm nhà. Giờ này thì cha mẹ cô cũng sắp về.

Đúng thế! Thoại chuyện trò hỏi thăm cô gái về đời sống, nếp sinh hoạt một lúc thì thân sinh cô về. Do đờn ca tài tử nên kẻ già người trẻ quen nhau dễ dàng, sau khi ông so dây nắn phím đàn cho Thoại ca bản “Xâu Gùi Bến Cát” của soạn giả Kiên Giang.

Đó là lần đầu tiên Thoại gặp gỡ gia đình Quỳnh Anh, sau đó vài tháng Thoại đến lần thứ 2 và lần này chàng và cô gái đã quen thân, đã hò hẹn chuyện trăm năm.

Đầu Xuân năm nay Thoại đến đây lần thứ 3 được ông già cho biết cô gái ở đằng sau nhà, tức thì chàng đi ra phía sau, trước khi ngang qua bếp lửa có thân mẫu cô gái đang nấu nướng chuẩn bị cúng Tết.

Bà mừng rỡ lên tiếng đáp lời chào của Thoại và không quên chỉ ra sau nhà, nói rằng cô con gái đang dọn dẹp đống củi nhánh khô cây cao su. Thoại lên tiếng:

– Dọn dẹp cho sạch sẽ để ăn Tết phải không Quỳnh Anh?

Nghe tiếng nói quen thuộc, Quỳnh Anh không trả lời câu hỏi, mà hỏi ngược lại:

– Ủa! Anh đi hồi nào mà đến đây quá sớm vậy chứ?

– Đi từ chiều hôm qua để kịp sáng Mùng Một đầu năm gặp em đó!

Thế là sau mấy tháng trời xa cách, hôm nay cô cậu gặp lại mừng vui khôn tả, chuyện trò huyên thiên.

Mỗi năm cứ gần đến mùa Xuân thì cây cao su thay lá, tàng lá màu vàng đỏ sẫm trông rất đẹp, và mỗi một cơn gió thổi qua thì tàng lá lại xào xạc rơi rụng ngập đầy đất. Quỳnh Anh và Thoại đang chuyện vãn thì bỗng đâu một đàn chim màu vàng nghệ bay đến đậu trên nhánh cây cao su trụi lá, trông giống như cây trổ bông màu vàng vậy.

Đàn chim có vài trăm con bay nhảy tung tăng một lúc thì đồng loạt bay đi để lại khoảng trống trên cành cây cao su rụng lá của lúc nãy.

Độ vài mươi phút sau thì bầy chim khác lại bay đến, và cũng đậu đầy trên cây cao su trơ cành. Đây là đàn chim bìm bịp, ước chừng vài mươi con, và rồi chẳng mấy chốc thì lại bay đi.

Bác Tám có mặt sau nhà quan sát, ông lên tiếng:

– Bữa nay Mùng Một Tết, giờ này ngoài sông nước lớn, nên bìm bịp mới kêu. Chắc cháu Thoại có nghe câu hát của người thiếu phụ ru con “bìm bịp kêu nước lớn ai ơi…” Chỉ lạ cái là bữa nay bìm bịp về nhiều quá, chớ thông thường nó chỉ đi lẻ tẻ từng cặp mà thôi.

Nói xong bác Tám vô nhà lo cúng Tết thì đàn chim quạ đen vài chục con lại bay đến đậu, và cũng lại bay đi để lại khoảng trống trên nhánh cây cao su.

Thoại nói:

– Sao hôm nay chim bay về đây nhiều quá vậy Quỳnh Anh, hết đàn chim này lại đến bầy chim khác?

– Chính em cũng thắc mắc nãy giờ, ở đây nhiều năm có bao giờ nhìn thấy như vậy đâu, chắc hôm nay ngày đầu Xuân anh về đây ăn Tết nên chim nó mừng.

– Và cũng để báo cho anh biết năm nay anh sẽ thành hôn với người đẹp Bình Dương.

– Thôi đi! Anh khéo ăn khéo nói quá.

Đây là một ngày đầu năm đầy mộng đẹp của chàng trai từ xa đến và cô gái vùng Bến Cát Bình Dương, và tuy chưa chung đụng gần gũi thật sự của vợ chồng, nhưng Thoại vẫn ăn Tết ở nhà cô gái đến sáng Mùng Bốn mới rời xóm nghèo để trở lại vùng cao nguyên Ban Mê Thuột, tiếp tục công việc thư ký văn phòng cho một cơ sở điền đất.

Trước đây Thoại vẫn thường nghe thiên hạ đồn đãi rằng ở khu Dinh Điền bên cạnh có ông Thầy Chàm rất am tường phong thủy, cũng như xem tướng số vận mạng con người ta rất hay, thân chủ khá nhiều, có những người ở tận đồng bằng, miền biển cũng tìm đến nhờ ông xem tướng số vận mạng.

Tuy không tin tưởng bao nhiều về khoa tướng số nhưng Thoại cũng đến gặp ông Thầy Chàm hỏi han về duyên nợ chàng và Quỳnh Anh, cậu cũng không quên kể lại hiện tượng mấy bầy chim, ngày đầu Xuân bay đến đậu trên vùng đất mà chàng gặp cô gái.

Theo dõi câu chuyện, suy nghĩ một hồi Thầy Chàm nói:

– Năm nay là năm con Rồng (1964) hiện tượng ngày đầu Xuân nếu dựa theo Âm Dương Ngũ Hành thì tôi có thể nói với cậu 2 sự việc:

– Thứ nhất, ngay sáng đầu Xuân mà có đến mấy bầy chim nối tiếp nhau bay đến đậu trên cây cao su ở Bình Dương, thì hiện tượng ấy báo cho người ta biết trước vùng đất này về sau sẽ hết sức đặc biệt. Người xưa có nói “đất lành chim đậu.” Có nghĩa là một cái gì đó lớn lao đem lại cái “lành” cho vùng đất mà bây giờ khó có ai đoán được.

Còn sự kiện thứ hai tôi muốn nói thì cậu và người con gái ở Bình Dương sẽ nên duyên chồng vợ, nhưng chỉ có hậu về sau chớ lúc đầu phải chịu ngăn cách một thời gian khá dài, do bởi chim quạ xuất hiện.

Rồi ông kể cho Thoại nghe câu chuyện “Ngưu Lang Chức Nữ,” đôi vợ chồng kẻ tiên người phàm này thương yêu nhau lắm lắm, nhưng mỗi năm họ chỉ gặp nhau một lần và chim ô thước, tức chim quạ đen có nhiệm vụ nối cánh làm thành chiếc cầu bắc qua dải ngân hà cho Chức Nữ Ngưu Lang gặp nhau sau một năm trời cách biệt.

Chim vàng nghệ tượng trưng cho màu tơ vàng lễ cưới, còn chim bìm bịp thì liên quan đến cuộc đất. “Bìm bịp kêu nước lớn,” trăng tròn nước lớn là điềm tốt cho vùng đất ấy.

Vài tháng sau, Thoại trở lại xòm nhà nghèo nàn ở Bình Dương, và một đám cưới đơn giản diễn ra, khách tham dự phía bên cô gái thì thân nhân chỉ vài người từ xa về, và bà con đồng nghiệp ở xóm nghèo vườn cao su. Riêng nhà trai cũng chỉ vài người thân của Thoại. Đặc biệt là rất đông đảo những người đờn ca tài tử, đã ca bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” mà họ coi như “đặc sản” của Bình Dương.

Đám cưới xong, Thoại ở lại đây hưởng tuần trăng mật hai tuần lễ rồi trở lại nhiệm sở ở vùng cao nguyên.

* * *

Chiến tranh nổi lên lan tràn khắp nước, tỉnh Bình Dương cũng cùng chung số phận. Dù muốn dù không Thoại cũng phải vương vào cuộc chiến ngày càng ác liệt và cậu phải đi thật xa. Còn xóm nhà nghèo ở Bến Cát thì xiêu vẹo đổ nát hầu như không còn, mạnh ai nấy đi và cô gái cũng cùng cha mẹ đi đâu chẳng ai biết.

Hơn 10 năm qua, hơn 10 lần cây cao su thay lá, nhưng Thoại và Quỳnh Anh chưa gặp lại được một lần, đến năm 1975 tàn cuộc chiến họ vẫn chưa gặp lại nhau. Cuộc đời đưa đẩy Thoại ra hải ngoại thành người lưu lạc. Khi cuộc sống ổn định ở xứ người thì mái tóc đã điểm sương.

Vẫn chưa quên người vợ năm xưa, Thoại về nước tìm đến đất Bình Dương mong gặp lại cô vợ thân yêu ngày nào.

Con đường đá đỏ dẫn vào xóm nghèo ngày xưa, giờ đây đã được tráng nhựa, cũng như vườn cao su đất lành chim đậu trước kia thì nay mọc lên một công trình to lớn uy nghiêm đầy mỹ thuật: Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương.

Nhìn từ xa thấy bóng dáng người phụ nữ đang đi lại mỗi lúc một gần hơn, Thoại thấy bà khoảng 60 tuổi, tuy trang phục giản dị quần đen áo bà ba, nhưng với làn da trắng và mẫu người cân đối của một người nữ mà nhan sắc chưa hẳn tàn phai, chứng tỏ bà này khi xưa cũng là một người đẹp Bình Dương. Lúc sắp chạm mặt nhau Thoại gật đầu lên tiếng!

– Thưa bà, bà là người ở địa phương này hay từ xa đến vậy?

– Tôi là người sinh trưởng ở đây, ông hỏi có chuyện gì?

Thoại hơi mừng trong bụng, bởi nếu là người sinh trưởng ở đây thì ít nhiều gì cũng biết qua tình trạng người vợ của chàng. Thoại hỏi ngay liền:

-Tôi muốn hỏi thăm cô Quỳnh Anh, bà Quỳnh Anh thì đúng hơn, bởi cách đây mấy chục năm không gặp, chẳng biết già trẻ ra sao.

Nghe hai tiếng “Quỳnh Anh” tức thì người phụ nữ đứng tuổi kia trố mắt nhìn ngay Thoại và cũng hỏi liền:

– Vậy ông có quen với cô hay bà Quỳnh Anh nào đó ở đất địa này à?

– Không phải chỉ quen mà là rất thân thiết, vì Quỳnh Anh là vợ của tôi mấy chục năm về trước.

– Là vợ của ông! Nói vậy ông là…

– Tôi tên là Thoại từ lâu xa cách người vợ thân yêu, giờ đây tôi trở về…

Thế là người phụ nữ đứng lặng yên không thốt lên được lời nào. Bất giác trên đôi mắt đen nhánh giọt lệ bắt bắt đầu rơi xuống. Bà nghẹn ngào:

– Anh Thoại! Anh không nhận ra em sao?

Giờ đây thì đến phiên Thoại lặng yên, chàng thẫn thờ một lúc rồi nói thầm trọng bụng:

– Đúng là Quỳnh Anh đây rồi! Nốt ruồi trên đuôi mắt phải vẫn còn đó…

Dù trên đường có người qua lại, Thoại chẳng hề để ý, chàng ôm chầm lấy Quỳnh Anh. Qua cơn xúc động, cánh tay Thoại từ từ buông ra và họ dìu nhau vào một quán cốc bên vệ đường tiếp tục tâm sự…

Đêm hôm ấy tại ngôi nhà nhỏ ở Bến Cát, thời hoa niên trở lại với đôi quả tim già cùng hòa chung nhịp điệu. Họ lập bàn hương án khấn vái ông tơ bà nguyệt xui khiến cho họ được tương phùng khi tuổi về chiều.

Quỳnh Anh thỏ thẻ.

– Đất lành chim đậu, đi đâu rồi thì anh cũng về đây!

Thật vậy! Nhạc sĩ Phạm Duy sau thời gian dài bôn ba nơi hải ngoại, cuối cùng rồi con chim Phạm Duy cũng bay về đậu vĩnh viễn trên mảnh đất lành Hoa Viên Nghĩa Trang Bình Dương.

Soạn giả Kiên Giang người biên soạn bài vọng cổ “Xâu Gùi Bến Cát” cũng về an nghỉ tại đây.

Văng vẳng xa xa có nhóm đờn ca tài tử đang sinh hoạt. Nếu như im lặng lắng nghe thì nhận ra ngay ca sĩ tài tử nào đó đang hát bản “Xâu Gùi Bến Cát.”

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Little Saigon

Mất mát 30 Tháng Tư, 1975 dấu ấn không thể phai mờ

Cột mốc 30 Tháng Tư, 1975 vẫn là dấu ấn không thể phai mờ trong…

27 mins ago
  • Little Saigon

Con cháu Bà Trưng, Bà Triệu ‘lên điểm’ trong chính trường Mỹ sau 49 năm

Trong số gần 80 dân cử gốc Việt tại Mỹ từ trước đến nay, có…

37 mins ago
  • Đời Sống

LA chặn bắt 2,200 sản phẩm trẻ em Trung Quốc không đủ tiêu chuẩn an toàn

Giới chức hải cảng Los Angeles và Long Beach chặn kịp bốn lô hàng từ…

1 hour ago
  • Little Saigon

Đại diện các tôn giáo vùng Little Saigon nói về ký ức Tháng Tư Đen

Ngày 30 Tháng Tư là ngày tang chung của dân tộc Việt Nam. Ngày đó…

2 hours ago
  • Hoa Kỳ

3 cảnh sát bị bắn chết, 5 bị thương khi bố ráp nhà North Carolina

Trong lúc thi hành trát lục soát một căn nhà ở Charlotte, North Carolina, ba…

2 hours ago
  • Thơ Độc Giả

Ai nhớ ngàn năm một ngón tay – Thơ Du Tử Lê

Du Tử Lê Ai nhớ ngàn năm một ngón tay  gửi Nam Hải tháng tư…

2 hours ago

This website uses cookies.