Little Saigon

Đại diện các tôn giáo vùng Little Saigon nói về ký ức Tháng Tư Đen

Đoan Trang/Người Việt

Linh Mục Phạm Ngọc Hùng, chủ tịch Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ

Linh Mục Phạm Ngọc Hùng. (Hình: Facebook Vincent Pham)

Ngày 30 Tháng Tư là ngày tang chung của dân tộc Việt Nam. Ngày đó chúng ta hướng tâm trí về quê hương đất nước để cầu nguyện, bất cứ ai có niềm tin tôn giáo nào cũng có thể cầu nguyện cho quê hương sớm thoát khỏi chế độ Cộng Sản.

Chính quyền Cộng Sản đã bức tử biết bao nhiêu người lính VNCH chết trong các trại cải tạo, trên con đường vượt biển. Đất nước ngày càng sa đọa về tệ nạn tham nhũng, kéo theo nhiều hệ lụy khác, mà người dân là phải gánh chịu tất cả.

Riêng về tôn giáo trong nước, phải dùng từ chính xác là bị bách hại, không được tự do để điều hành đạo giáo của mình. Điển hình là các linh mục thuyên chuyển từ giáo xứ nọ qua giáo xứ kia phải có phép của chính quyền. Đâu có quốc gia nào như thế chứ!

Tôi còn nhớ, vào ngày 29 Tháng Tư, 1975, tôi đứng trên lầu nhà mình ở đường Lý Thái Tổ, nhìn xuống thấy thiên hạ chạy tán loạn. Một chiếc trực thăng đáp xuống ngay lòng đường trước nhà tôi để đón các cảnh sát, sĩ quan VNCH thoát khỏi Sài Gòn. Đón được hai chuyến, chuyến thứ ba do cánh máy bay chém vào dây điện, chiếc phi cơ rớt ngay trước nhà tôi. Đó là những hình ảnh không thể quên của tôi, một cậu bé 11 tuổi lúc bấy giờ.

Vài tháng sau, ông nội của tôi ở dưới quê, lên nói ông đã sống với Việt Cộng từ ngoài Bắc, di cư năm 1954, nên hiểu rõ Cộng Sản hà hiếp dân như thế nào, vì vậy ông kêu bán nhà về quê ở với ông, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm, vì ở dưới quê cán bộ hà hiếp dân nhiều hơn, và họ dùng bạo lực phủ kín đất nước. Khi 20 tuổi tôi vượt biên, và sang Mỹ được vào năm 1985.

Hòa Thượng Thích Viên Lý, chủ tịch Tăng Đoàn Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại, viện chủ chùa Điều Ngự, Westminster

Hòa Thượng Thích Viên Lý. (Hình: Hòa Thượng Thích Viên Lý cung cấp)

Ngày 30 Tháng Tư, 1975 có thể nói là ngày đại thảm họa của dân tộc Việt Nam. Biết bao chiến sĩ đã phải hy sinh, bao người dân vô tội bị sát hại, cả danh dự lẫn thực tế đời sống. Nhiều người bị những vết thương, từ tinh thần đến thể chất. Nhiều người bị kiềm hãm và tra tấn trong các nhà tù u tối, dù là trong nhà tù lớn hay tù nhỏ. Hàng ngàn gia đình phải chịu cảnh sinh ly tử biệt, đổ nát, và rất nhiều người phải đối diện với một cuộc sống vô cùng cơ cực, sợ hãi và hết sức khổ đau.

Kể từ ngày đó đến nay, đất nước và dân tộc Việt Nam của chúng ta vẫn còn đối diện với rất nhiều nghèo khó, độc tài, bất công, bất an, bất ổn, và bất hạnh.

Ý thức rõ thực trạng của một dân tộc và đất nước như thế, là người Việt Nam, dù đang sống ở bất cứ nơi đâu và trong bất kỳ vai trò hay cương vị nào, chúng ta đều phải có trách nhiệm và bổn phận đối với sự ấm no, bình đẳng, an lạc, ổn định, hạnh phúc, và thịnh vượng của quê hương và đồng bào. Đó là một quê hương mà độc lập, tự do, dân chủ, và nhân phẩm con người chưa thật sự được bảo vệ, và tôn trọng.

Nghĩ và nói về bổn phận và trách nhiệm không thôi dù tốt nhưng vẫn chưa đủ, mà một cách thực tế, mỗi người Việt Nam, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của mình, tích cực dấn thân hành động trên nền tảng của từ bi, và trí tuệ để biến khát vọng chân chính của mình thành những kết quả cụ thể thiết thực.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Ban Trị Sự Trung Ương Hải Ngoại Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trước năm 1975, tôi làm trong ngành cảnh sát. Biến cố 30 Tháng Tư khiến chúng ta đau buồn vì mất nước, nhưng đây là bài học rất có giá trị để dân tộc Việt Nam hiểu rõ bản chất thật sự của Cộng Sản là gì.

Kỷ niệm tôi không thể nào quên là ngày “được gọi” đi học tập, mang theo quần áo cho đủ bảy ngày như lời dặn của cán bộ Cộng Sản. Nhưng tất cả chúng tôi đã lầm. Không phải “đi học tập” mà tất cả bị dồn xuống một chiếc tàu chở ra ngoài Bắc. Trên tàu có khoảng chừng 4,000 người, gồm nhiều sĩ quan VNCH, trí trức, linh mục, thượng tọa,… mà dưới hầm tầu là… hầm cầu, phân nổi lềnh bềnh. Tất cả chúng tôi đều phải chịu chung một hoàn cảnh như thế.

Khi đó, tôi đã có vợ, hai con. Vợ ở nhà nuôi con, rồi làm lụng để có tiền đi thăm chồng ngoài Bắc. Không phải bảy ngày học tập, mà thật ra tôi phải chịu chín năm tù! Chính những năm mất tự do, rồi sau đó phải bỏ nước ra đi, tôi càng yêu quý lá cờ vàng. Đó không chỉ là lá cờ của một chế độ, cũng không mang ý nghĩa “di sản” như nhiều người nói. Cờ vàng là biểu tượng cho một lý tưởng tự do, độc lập của cả một dân tộc. Dù mất nước, nhưng lý tưởng không bao giờ mất, và chúng ta vẫn phải tranh đấu cho nền độc lập, tự do.

Giáo Sĩ Mai Biên, linh quản Họ Đạo Chúa Phục Sinh, Chính Thống Giáo Đông Phương, San Diego

Giáo Sĩ Mai Biên. (Hình: Đoan Trang/Người Việt)

Cuối Tháng Tư, 1975, tôi ở Vũng Tàu chung với cha mẹ tôi, vì đang trong thời gian huấn luyện tại thao trường, còn vợ tôi thì ở Sài Gòn.

Ngày 30 Tháng Tư, Việt Cộng vào tới Phước Tỉnh, Vũng Tàu, thì qua ngày hôm sau cha tôi nói: “Con phải giữ được chỗ đội đầu thì mới có tương lai.” Rồi ông đưa tôi ra ghe vượt biển. Ghe ra xa bờ, khi không còn nhìn thấy tượng Chúa Giêsu, dù không biết mình đang đi đâu, tôi nhận ra là mình đã mất quê hương, mất đất nước rồi.

Ngày 3 Tháng Năm, tôi đặt chân tới đảo Guam. Chuyến vượt biển của tôi thành công nhưng không kém gian nan, nhất là về mặt tâm hồn, khi vợ tôi mới mang thai đứa con đầu lòng được bốn tháng. Và phải bốn năm sau, gia đình tôi mới được đoàn tụ.

Mục Sư Lê Minh, đại diện các mục sư Tin Lành Liên Hữu Nam California

Mục Sư Lê Minh. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Chúng ta là người Việt Nam nói chung, nhưng nói riêng là người miền Nam VNCH, từng sống ở một quốc gia riêng, được liên hiệp quốc công nhận.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975 là ngày mất nước, ngày đáng buồn, đáng tiếc. Tôi người Đà Nẵng, ngày 29 Tháng Ba năm ấy, tôi lên tàu, đi ghe xuống Cam Ranh, từ Cam Ranh đi bộ vào Phan Rí, từ Phan Rí tới Phan Thiết, rồi tiếp tục đi tàu vô Vũng Tàu. Ngày ông Dương Văn Minh đầu hàng, tôi cùng cha và hai người anh đang ở Vũng Tàu.

Nói về kỷ niệm của biến cố 30 Tháng Tư thì chỉ toàn những ký ức đau thương, nhưng có một điều dằn vặt tôi suốt mấy chục năm qua. Chuyện là, sau khi mất nước, tôi cùng cha tôi và hai người anh chạy vô Sài Gòn, sau đó tôi và hai anh đón xe về lại Đà Nẵng, riêng cha ở lại Sài Gòn mà không về.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cha tôi là hội đồng xã ở quê, sau khi Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ gia đình phải tản cư về Đà Nẵng, khi đó ông chỉ là cảnh sát viên, nhưng khi mất nước, dường như biết trước chuyện chẳng lành, ông nói nếu bị Cộng Sản bắt, ông sẽ tự vẫn. Cho đến bây giờ gia đình tôi cũng không biết bất cứ tung tích gì về ông. Đó là điều khiến tôi đau buồn nhất.

Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng, quyền đầu Tộc Đạo Orange County, Châu Đạo California

Chánh Trị Sự Hà Vũ Băng. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ngày 30 Tháng Tư, trong khía cạnh tôn giáo, chúng tôi đều nghĩ đó là ngày đau thương của dân tộc, khi Cộng Sản chiếm miền Nam, sau đó họ thi hành chính sách tập trung tất cả cán bộ dân quân cán chính của VNCH đi tù cải tạo. Điều này khiến hàng trăm ngàn người bỏ mạng nơi ngục tù.

Biết bao nhiêu công chức, sĩ quan, thương gia mất hết nhà cửa, tài sản bị chiếm đoạt vì chính sách đánh tư sản. Cũng vì thế mà hàng triệu người Việt của chúng ta phải bỏ nước ra đi. Cuộc di tản khiến hàng trăm ngàn người phải vùi thây dưới lòng đại dương.

Gia đình tôi khi đó xảy ra biết bao nhiêu chuyện đau buồn, bị đánh tư sản, rồi bị đưa đi kinh tế mới,… Thật sự có biết bao nhiêu kỷ niệm thương đau về biến cố 30 Tháng Tư, nhưng mình cho qua đi, chứ không để trong lòng, nhưng điều suy tư, và trằn trọc mãi là nỗi buồn cho dân tộc Việt. Gần nửa thế kỷ rồi mà dân Việt vẫn còn người ăn không đủ no, mặc không đủ lành.

Trải qua 49 năm, sự cai trị độc tài, tham nhũng của đảng CSVN gây ra biết bao nhiêu cảnh đau thương cho đất nước, dân tộc Việt Nam. Những người dân yêu nước dám đứng lên đòi hỏi cho tự do, dân chủ, nhân quyền, thì bị đàn áp dã man.

Ngày nào thế giới còn chiến tranh, khủng bố, tang tóc đau thương, thì không ai có thể yên tâm sinh sống. Là người lãnh đạo tinh thần tôn giáo, nguyện vọng của chúng tôi luôn mong ước cho toàn thể nhân loại, cầu nguyện chung cho thế giới được thái bình.

Chúng tôi là người có đức tin vào Đấng Tôn Thờ, đó là đấng chí tôn Thượng Đế. Trong những ngày kỷ niệm thương đau này, chúng tôi đều hiệp tâm cầu nguyện Đấng Thượng Đế Toàn Năng, Đấng Phật Mẫu là bà mẹ thiêng liêng của cả nhân loại, cầu xin các Ngài cứu độ.

Cầu xin cho vong linh của các chiến sĩ VNCH và đồng minh đã hy sinh trong cuộc chiến để bảo vệ tự do cho đất nước. Cầu nguyện cho chiến sĩ, dân quân cán chính chết trong ngục tù, cũng như đồng bào phải bỏ xác trên đường đi tìm tự do, sớm được siêu thăng nơi cõi tịnh độ. Cũng xin cầu nguyện cho đất nước Việt Nam sớm có được tự do, dân chủ, nhân quyền.

Trong niềm tin tôn giáo và đức tin trong thương yêu, chúng tôi cầu nguyện cho cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ và khắp nơi trên thế giới biết đoàn kết thương yêu nhau, để có được tiếng nói chung trong cuộc đấu tranh cho đất nước, và dân tộc. Cầu nguyện thế giới không còn chiến tranh, để nhân loại được sống ấm no và hạnh phúc. [đ.d.]

Disqus Comments Loading...
Share

Recent Posts

  • Hoa Kỳ

Cảnh sát dẹp khu biểu tình tại UC Irvine, bắt giữ nhiều người

Cảnh sát bắt giữ nhiều người và dẹp khu biểu tình ủng hộ Palestine tại…

17 mins ago
  • Việt Nam

Dự án chống ngập ở Thủ Đức gần $10 triệu vừa khánh thành đã ‘đường nứt, cống bung’

Dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân vừa được khánh thành đã “phát huy…

49 mins ago
  • Hoa Kỳ

Chứng khoán Mỹ tăng cao, Dow lần đầu chạm mốc 40,000

S&P 500 tăng 0.2% trong phiên mua bán buổi sáng. Chỉ Số Trung Bình Công…

2 hours ago
  • Việt Nam

Lê Thanh Hải chỉ bị cách hết chức vụ trong đảng, thoát đối diện án tù

Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đã quyết định “cách tất cả chức vụ…

2 hours ago
  • Sài Gòn Nhỏ

Hà Nội giở trò hai mặt: vừa bắt tay Vatican, vừa tổ chức cướp đất

Gió Lành/SGN LTS: Chưa bao giờ CSVN lộ mặt tráo trở như lúc này. Trước…

2 hours ago
  • Thể Thao

Nữ võ sĩ gốc Việt chuẩn bị thượng đài tại Houston

Dù là lúc thượng đài hay trong đời sống thường nhật, Bi Nguyễn cũng là…

2 hours ago

This website uses cookies.