Friday, April 26, 2024

Thanh Nga giúp đoàn hát nhà vượt qua khủng hoảng trầm trọng

Ngành Mai

Thanh Nga được khán giả, người đời phong tặng “Vương Hậu” cũng đúng thôi, bởi ngoài tài sắc, nghệ thuật lừng danh tên tuổi, cô còn đưa ra ý kiến giải quyết cơn khủng hoảng, cứu vãn đoàn hát nhà không phải rã gánh, như trường hợp dưới đây:

“… Bà Bầu Thơ lèo lái đoàn Thanh Minh kể từ ngày Năm Nghĩa mất đến nay chưa bao giờ đoàn hát lại lâm vào cảnh khốn đốn như hiện thời, bởi tiền bạc triệu vay nợ nặng lãi để hợp đồng với rạp Nguyễn Văn Hảo, rồi lại phải bỏ rạp chạy dài, mà đi tới đâu cũng bị trống rạp, do đó mà bà quá lo lắng, mất ăn mất ngủ nhiều đêm vẫn chưa tìm ra lối thoát, nên hôm nay đành đem sự thể bi đát của đoàn nói cho Thanh Nga nghe, chớ xưa giờ mọi chuyện bà âm thầm lo liệu lấy. Bà biết rằng nay mai đây Thanh Nga cũng rõ hiện tình của gánh hát nên không giấu diếm nữa, biết đâu cô có thể giúp bà vượt qua nỗi khó khăn, và khi Thanh Nga đề nghị cho đoàn đi lưu diễn một thời gian để cứu vãn tình hình, thì bà không còn chọn lựa nào hơn, đành nghe theo lời cô thôi.

Bức ảnh nữ nghệ sĩ Thanh Nga trên bìa cuốn tình sử cải lương Cuộc Đời Thanh Nga quyển 2. (Hình: Bộ sưu tập của Ngành Mai)

Thế nhưng, lưu diễn thì đi đâu đây, xa hay gần, thời gian dài hay ngắn? Từ lúc quán xuyến đoàn Thanh Minh Thanh Nga đến giờ bà ít khi mang gánh hát rời khỏi đô thành, do đó không có kinh nghiệm trong vấn đề lưu diễn. Đây cũng là vấn đề mà bất cứ bầu gánh hát nào cũng lo âu, đó là chưa kể đến việc phải chuẩn bị sẵn sàng một số vốn để khi gặp bất trắc có thể giải quyết liền. Tóm lại một đoàn hát hoạt động gần thì nhiều thuận lợi, còn đi lưu diễn xa thì phải thích ứng với tình hình tại các địa phương, gặp khó khăn bất ngờ là thường.

Giờ đây bà Bầu Thơ liên tưởng đến hình ảnh sông nước ở miền Tây, nếu đi về miền nầy thì ít nhứt đoàn cũng được một địa phương ủng hộ, đó là tỉnh Bạc Liêu, nơi sinh trưởng của Năm Nghĩa, nhưng còn những nơi khác thì sao, người ta có ủng hộ gánh Thanh Minh trong khi không có mặt Út Trà Ôn? Trong lúc đầu óc còn đang suy tính chương trình lưu diễn thì bỗng Thanh Nga nói:

– Ý của con nên cho đoàn lưu diễn ở tỉnh Bình Dương.

Bà Bầu Thơ bất ngờ trước đề nghị của Thanh Nga, bà thắc mắc:

– Sao lại đi Bình Dương? Xưa nay các gánh lưu diễn thường nhắm vào các tỉnh miền Tây.

Bà Bầu Thơ thắc mắc không biết do đâu mà Thanh Nga lại đề nghị ngay tỉnh Bình Dương, có gì bảo đảm là sẽ có khán giả, và bà đang chờ cô trả lời. Riêng Thanh Nga thì cô cũng phác họa trong đầu một ý tưởng, nếu đoàn đi Bình Dương thì cô sẽ có dịp tìm đến quê ngoại của người yêu, bởi đối với cô hiện giờ Bình Dương như có cái gì rất gần gũi vậy. Tuy trong lòng nghĩ thế nhưng Thanh Nga đâu có nói ra, mà chỉ đưa ra luận cứ của vấn đề về sinh hoạt đời sống người dân ở từng địa phương, cô nói:

– Theo con thì dù ở tỉnh nào, miền Đông hay miền Tây cũng đều có rất nhiều người muốn đi coi hát, chỉ có cái là họ có làm ra tiền để mua vé vào rạp hay không mà thôi.

– Nhưng con có chắc rằng ở Bình Dương thiên hạ có sẵn sàng tiền để mua vé coi hát?

– Cái đó do trời, mình có thời hay không mà thôi.

Bà Bầu Thơ nghĩ bụng gánh Thanh Minh từ ngày còn Năm nghĩa đến giờ chưa một lần dọn đi Bình Dương, giờ đây tự nhiên Thanh Nga lại đề nghị nơi nầy cũng là điều lạ, mà bà không muốn hỏi thêm. Thôi thì cứ nghe theo, biết đâu khi đến Bình Dương nhằm lúc thiên hạ có nhiều tiền, đêm nào cũng đầy rạp thì đỡ khổ biết mấy. Nghĩ vậy nên bà quyết định cho đoàn đi đến tỉnh lỵ Phú Cường mà chính mình cũng chưa một lần đặt chân tới, dù rằng cách Sài Gòn chẳng bao xa.

Thế là nội nhựt ngày hôm đó đào kép, công nhân gánh Thanh Minh Thanh Nga đều được tin đoàn sẽ đi lưu diễn mà trước tiên là tỉnh Bình Dương, làm ai nấy đều ngán ngẩm, bởi vùng đất này chẳng có gì hấp dẫn nên xưa giờ ít khi các gánh hát dọn đến, dù là gánh hạng “B,” chớ đại ban hạng “A” như Thanh Minh Thanh Nga mà về Bình Dương là điều hiếm thấy.

Thời gian qua, từ lúc đoàn Thủ Đô ra đời, đã thu hút gần hết khán giả, thì mọi người trong gánh Thanh Minh Thanh Nga đều nghĩ đến không thể tránh khỏi vấn đề phải đi lưu diễn, nên ai nấy đều nói cho nhau là chuẩn bị tinh thần đi là vừa, chỉ có cái là chẳng một ai nghĩ rằng đoàn sẽ đi Bình Dương. Nhưng rồi khi đến Bình Dương vào buổi sáng thì ngay lúc chiều trước khi mặt trời lặn, người ngồi ở quầy vé báo cho bà Bầu Thơ biết là vé ghế ngồi đã bán hết, và đang bán vé hạng cá kèo, tức vé đứng coi.

Thế là tại sao, một địa danh có nhiều khán giả như vậy, mà trước đây các gánh hát ít khi dọn đến, để cho ngày hôm nay gánh Thanh Minh Thanh Nga hốt bạc? Câu hỏi này được đặt ra cho nhiều người, có người thì nói rằng nhờ Thanh Nga được ơn trên phù độ, nên cô đề nghị đoàn đi Bình Dương thì đương nhiên đến đây sẽ được ủng hộ, chớ nếu cứ trống rạp mãi thì sớm muộn gì cũng phải rã gánh.

Khi nghe nói vé bán hết, bà Bầu Thơ và ai nấy đều vui mừng, nhưng Thanh Nga thì dửng dưng chẳng mừng chút nào, coi như vấn đề này cô đã biết trước. Theo lời một công nhân trong đoàn kể lại thì ngay lúc tản sáng khuân vác đồ đạc lên xe, thì anh ta nghe Thanh Nga nói với bà Bảy Tầm Vu rằng ba cô bạn gái của cô cho biết thời gian hát ở Bình Dương đêm nào cũng chật rạp. Thế ba cô bạn của Thanh Nga là ai? Đây cũng là một trong những huyền thoại về Thanh Nga vậy. (Vấn đề được đề cập trong tình sử cải lương Cuộc Đời Thanh Nga quyển 2 vừa phát hành).

Thế nhưng, cũng có người am tường tình hình tại địa phương đã giải thích một cách khoa học, họ nói rằng trước đây tỉnh Bình Dương tình trạng bất an thường xuyên, dân chúng nơm nớp lo sợ thì đâu thiết tha gì đến vấn đề đi coi hát. Sau đó nhờ có chiến dịch Trương Tấn Bửu do Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân làm tư lệnh, đem lại an bình cho người dân ở đây một thời gian. Rồi đến khi chiến dịch chấm dứt thì đảng cướp “Bời Liễu” xuất hiện, chúng có võ trang và hoạt động đánh cướp vào những đêm tối trời, khiến cho dân chúng lo sợ cứ tối đến là cửa đóng then gài, đâu ai dám đi coi hát, thành thử ra gánh hát nào dọn về đây cũng bị ế ẩm.

Lực lượng an ninh tìm cách tiêu diệt tên phó đảng Phạm Văn Bời trước, và vài tháng sau thì tên chánh đảng Phạm Văn Liễu cũng bị bắn chết (hai tên này là anh em ruột). Bọn cướp tan rã, một số rút về miệt Phước Long hoạt động lẻ tẻ thôi và Bình Dương yên ổn trở lại ngày cũng như đêm, dân chúng sinh hoạt làm ăn đi lại bình thường. Nhờ tiêu diệt được bọn cướp, người dân đi rừng khai thác lâm sản, kinh tế phát triển, thì đúng lúc gánh Thanh Minh Thanh Nga dọn về, khán giả đi coi chật rạp là việc đương nhiên. Đó là lập luận của những thành phần căn cứ vào thực tế, chớ không tin vào huyền hoặc vô vi.

Tình sử cải lương “Cuộc Đời Thanh Nga” quyển 2, do nhà xuất bản Người Việt phát hành. Quí vị mua sách liên lạc nhật báo Người Việt. Địa chỉ: 14771 Moran Street, Westminster, CA 92683. Điện thoại: (714) 892 ố 9414. Website: www.nguoi-viet.com.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT