Tuesday, April 30, 2024

Những phim chiến tranh tái hiện lịch sử chính xác nhất

Thiện Lê/Người Việt

HOLLYWOOD, California (NV) – Lịch sử thế giới có rất nhiều trận chiến khốc liệt, và nhiều nhà sản xuất phim muốn tái hiện lại những trận chiến đó trên màn ảnh. Tuy nhiên, chỉ có một số ít phim thể hiện được chính xác nhất về mặt lịch sử, về quy mô và nhất là sự tàn khốc.

Một cảnh trong trận chiến Carentan trong “Band of Brothers.” (Hình: Facebook Band of Brothers)

Từ những trận chiến của các vương quốc đến Thế Chiến và những cuộc chiến tranh trong vài thập niên vừa qua, một số phim dưới đây đã thành công trong việc dựng lại những trận chiến đó chính xác hết mức nên được khán giả khen ngợi, giúp những phim đó tìm được thành công.

Band of Brothers – Trận chiến Carentan

Vào năm 2001, HBO sản xuất phim truyền hình ngắn tập về Đệ Nhị Thế Chiến là “Band of Brothers,” và đến nay vẫn được coi là một kiệt tác của phim chiến tranh. Trong phim có nhiều trận chiến kinh khủng, nhưng được dàn dựng lại chính xác, nhất là trận chiến Carentan.

Phim nói về câu chuyện của đại đội Easy thuộc Sư Đoàn 506 của quân đội Hoa Kỳ, đưa khán giả đi theo một nhóm binh sĩ từ lúc họ nhập ngũ, cùng nhau tập luyện, cùng sống sót qua nhiều trận chiến kinh khủng ở Âu Châu và nói về cuộc đời của họ khi chiến tranh kết thúc.

Trong nhiều trận đánh ở Âu Châu, trận được thể hiện hay và chính xác nhất là trận chiến ở thị trấn Carentan của Pháp. Đúng như lịch sử, các trận chiến ở Âu Châu thường xảy ra trong thành phố hay các thị trấn, gây ra nhiều khó khăn cho các binh sĩ vì không biết kẻ địch mai phục ở đâu. Những nơi đó có nhiều căn nhà, có nhiều cửa sổ nên là nơi lý tưởng cho kẻ địch.

Đại đội Easy phải đối đầu với không biết bao nhiêu lính Đức trong thị trấn này trong khi nhiều đại đội khác của Mỹ đang rút lui. Họ phải cầm cự cho đến khi có viện binh đến.

Với sự thể hiện trận chiến đó, “Band of Brothers” luôn được coi là tiêu chuẩn vàng của phim Đệ Nhị Thế Chiến sau hơn hai thập niên, và một lý do là dựng lại các trận chiến rất chính xác, từ môi trường đến quân phục, vũ khí và từng cử động của các binh sĩ.

Các binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến ở Nasiriyah trong “Generation Kill.” (Hình: Generation Kill)

Generation Kill – Trận chiến ở Nasiriyah

Khác với nhiều phim chiến tranh khác, “Generation Kill” chiếu năm 2008 dàn dựng lại được nhiều trận chiến chính xác nhờ tư vấn trực tiếp với nhiều cựu chiến binh từng có mặt. Trận chiến được thể hiện chính xác nhất là trận tại thành phố Nasiriyah của Iraq.

Phim truyền hình ngắn tập này nói về một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến gặp nhiều khó khăn về thực phẩm, đạn dược, không đủ thông tin và còn gặp nhiều trở ngại từ cấp trên khi tìm cách tiến vào Baghdad trong những tuần đầu của chiến tranh Iraq.

Một lý do làm trận chiến ở Nasiriyah trong phim chính xác là sự kiện đó xảy ra chỉ năm năm trước khi phim truyền hình này công chiếu, dàn dựng rất đúng cảnh nhiều binh sĩ Mỹ bị mai phục trên đường đến Baghdad.

Một cựu lính Thủy Quân Lục Chiến khen ngợi “Generation Kill” rất nhiều vì sự chăm chút trong từng chi tiết trên màn ảnh, nhất là những giây phút nguy hiểm khiến nhiều binh sĩ phải dùng cây cỏ ngay bờ sông để làm chỗ trốn, và còn thể hiện được nhiều công nghệ đương thời không sử dụng được trên chiến trường.

Vì vậy, từng giây phút trong trận chiến ở Nasiriyah được thể hiện trên màn ảnh rất chính xác và được nhiều cựu chiến binh khen ngợi.

“Rome” với sự chính xác về quân phục, vũ khí và chiến thuật của lính La Mã. (Hình: Facebook Rome)

Rome – Trận chiến Alesia

Đế quốc La Mã từng chinh phục nhiều quốc gia qua nhiều cuộc chiến, và phim truyền hình “Rome” chiếu năm 2005 là một tác phẩm đầy tham vọng, có trận chiến Alesia được khen ngợi vì nhiều điểm chính xác.

Phim nói về câu chuyện của hai binh sĩ La Mã và những sự kiện lịch sử xảy ra chung quanh họ như sự biến mất của chủ nghĩa cộng hòa, rồi La Mã thành một đế quốc. Họ phải đối mặt chiến tranh, tranh chấp chính trị, những vụ ám sát, các thảm kịch trong gia đình. Trong khi đó, những nhân vật có thật trong lịch sử như Gaius Julius Caesar, Mark Antony, Gaius Octavian và Cleopatra chi phối nhiều thứ.

Vào năm 2005, “Rome” làm khán giả vô cùng ngạc nhiên vì đưa nhiều trận chiến lớn lên màn ảnh nhỏ, chưa từng thấy vào lúc đó. Một trận chiến đáng nhớ nhất là cuộc tấn công Alesia vào năm 52 Trước Công Nguyên.

Tuy “Rome” hư cấu một số nhân vật và một số chi tiết trong lịch sử để phù hợp với điện ảnh, nhưng sự chính xác trong trận chiến Alesia là chiến thuật của quân đội La Mã.

Một cố vấn lịch sử của phim truyền hình này cho biết các nhà sản xuất phải thay đổi một số chi tiết trong trận chiến để làm phim hấp dẫn hơn, nhưng mọi thứ trên màn ảnh nhỏ đều được sản xuất theo tiêu chuẩn cao nhất như quân phục và vũ khí. Thay vì tạo ra những cảnh đánh nhau hào hùng, nhưng “Rome” giữ sự chính xác trong lịch sử bằng cách thể hiện rất đúng chiến thuật phòng thủ của lính La Mã là đứng gần nhau để giữ đội hình.

Spartacus (giữa) và quân nô lệ khởi nghĩa trong tập cuối của “Spartacus.” (Hình: Facebook Spartacus)

Spartacus – Trận chiến với Tướng Quân Crassus

Cũng như “Rome,” đế quốc La Mã là một nguồn cảm hứng cho nhiều phim lịch sử có những trận chiến khốc liệt, và “Spartacus” chiếu năm 2013 có một trận chiến được dựng lại chính xác.

“Spartacus” nói về cuộc đời của nô lệ và võ sĩ giác đấu Spartacus, người đứng đầu cuộc khởi nghĩa của nô lệ lần thứ ba và là lần lớn nhất trong lịch sử của La Mã.

Phim truyền hình này thường được so sánh với phim rất thành công của năm 1960. Phim đó tuy có quy mô lớn và những trận chiến hào hùng, nhưng có nhiều điểm không chính xác như trong lịch sử. Phim truyền hình chiếu năm 2013 được khen ngợi vì chính xác hơn, nhất các trận chiến.

Phim truyền hình có ba mùa này kết thúc vào trận chiến cuối cùng giữa Spartacus và Tướng Quân Marcus Licinius Crassus của La Mã, dựa theo nhiều chi tiết trong sử sách như kết cuộc của trận chiến và những chiến thuật mà Spartacus sử dụng.

“Spartacus” chiếu năm 2013 không phải lúc nào cũng chính xác về lịch sử, nhưng trận chiến cuối cùng của phim là điểm được khen ngợi nhiều nhất. Spartacus phải đối đầu với một đội quân lớn hơn nhiều lần trên bán đảo Rhegium. Vì vậy, ông phải dùng nhiều chiến thuật như đào hố bẫy và có nhiều rào cản để chặn các cuộc tấn công của quân đội La Mã.

Tuy “Spartacus” có thay đổi một số điểm trong lịch sử, nhưng trận chiến với Tướng Quân Crassus là khoảnh khắc không thể quên được của phim truyền hình này vì sự chính xác.

Một cảnh trong trận chiến ở đảo Peleliu trong “The Pacific.” (Hình: Facebook The Pacific)

The Pacific – Trận chiến đảo Peleliu

Phim truyền hình “anh em” của tác phẩm “Band of Brothers” là “The Pacific” chiếu năm 2010, được sản xuất sau phim đầu chín năm, nhưng có cùng đội ngũ sản xuất nên vẫn giữ được sự chính xác, nhất là trong trận chiến ở đảo Peleliu.

“Band of Brothers” nói về câu chuyện của một nhóm binh sĩ Mỹ ở Âu Châu, còn “The Pacific” thì nói về một nhóm binh sĩ tại chiến trường Nhật, vẫn có sự dẫn dắt của Tom Hanks và Steven Spielberg.

Khán giả đi theo câu chuyện của ba binh sĩ dựa theo câu chuyện của những cựu chiến binh ở Thái Bình Dương, đi cùng họ qua nhiều khó khăn và nhiều nguy hiểm trong các trận chiến khốc liệt như đảo Guadalcanal và Iwo Jima.

Tuy có thể nói không vượt qua được “Band of Brothers,” nhưng “The Pacific” vẫn thể hiện các trận chiến rất chính xác, nhất là trận chiến ở đảo Peleliu, một trong những chiến trường đẫm máu nhất ở Thái Bình Dương, với sự hỗn loạn và sự sợ hãi của nhiều binh sĩ xảy ra khắp nơi trên màn ảnh.

Cũng như “Band of Brothers,” phim truyền hình này cũng có các cuộc phỏng vấn nhiều cựu chiến binh từng tham chiến ở đảo Peleliu, kể lại những lúc phải trốn cạnh thi thể của các binh sĩ khác chỉ để tránh đạn của kẻ địch. (Thiện Lê) [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT