Friday, April 26, 2024

Bắc Hàn cho người dân coi phim gì?

Thanh Long/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ít ai biết rằng Bắc Hàn cũng có nền điện ảnh riêng, được nước này vừa dùng làm công cụ tuyên truyền cho nhà nước, vừa dùng để thỏa mãn niềm đam mê của cố Chủ Tịch Kim Jong-il (Kim Chính Nhật).

Phim Bắc Hàn có những đặc điểm riêng hết sức thú vị, theo BBC.

1-Vài phim ăn khách nhất là do… người Nam Hàn làm

Cố Chủ Tịch Kim Jong-il rất mê xem phim. Lúc sinh thời, ông luôn bảo đảm kỹ nghệ điện ảnh Bắc Hàn được tài trợ dồi dào vào những năm 1970 và 1980. Tuy nhiên, tin cho biết, ông không hài lòng với phẩm chất phim sản xuất trong nước.

Ông Kim bèn ra lệnh bắt cóc đạo diễn người Nam Hàn Shin Sang-ok vào năm 1978, rồi ép buộc ông này làm phim cho chính quyền Bắc Hàn. Vợ ông Shin là tài tử Choi Eun-hee cũng bị bắt cóc.

Với kinh nghiệm và tài năng của mình, đạo diễn Shin làm ra nhiều bộ phim vừa hay hơn vừa đẹp hơn.

“Ông Shin có khả năng biến công thức tuyên truyền lỗi thời của Bắc Hàn thành những bộ phim hấp dẫn,” ông Johannes Schonherr, tác giả cuốn sách Lịch Sử Điện Ảnh Bắc Hàn, cho hay.

“Ông có công thay đổi phẩm chất nền điện ảnh Bắc Hàn… và nhờ sự ảnh hưởng của ông, những bộ phim khác của Bắc Hàn cũng trở nên hay hơn.”

Trong số những bộ phim nổi tiếng do đạo diễn Shin làm có “Runaway” (Chạy Trốn), một bộ phim hành động kết thúc bằng cảnh xe lửa nổ tung, và “Pulgasari,” phim về quái vật ăn theo bộ phim “Godzilla” của Nhật.

“Pulgasari,” phim nổi tiếng ở Bắc Hàn nhưng do đạo diễn người Nam Hàn bị bắt cóc làm. (Hình: the-avocado.org)

Hai vợ chồng đạo diễn Shin trốn thoát trong chuyến công tác ở Vienna, Áo, năm 1986.

Lúc đó, “Pulgasari” mới vừa thực hiện xong, mà ông Kim Jong-il không muốn thừa nhận người đạo diễn phim này là ông Shin, nên tất cả công trạng đều dành cho phụ tá của ông, nhà văn Schonherr cho biết.

Ông Shin tiếp tục sự nghiệp đạo diễn ở Mỹ và Nam Hàn cho đến khi qua đời năm 2006.

2-Vai diễn xấu xa nhất dành cho… người Mỹ

Tin cho biết, nhiều diễn viên Bắc Hàn được huấn luyện ở Đại Học Điện Ảnh và Kịch Nghệ Bình Nhưỡng.

Nhưng vì được dùng làm công cụ tuyên truyền, nhiều phim Bắc Hàn cũng cần có diễn viên ngoại quốc, nhất là người Mỹ, để đóng vai kẻ xấu.

“Nếu Bắc Hàn cần người ngoại quốc đóng phim, họ sẽ yêu cầu người ngoại quốc sống ở đó đóng,” ông Schonherr nói. “Hầu như tất cả người ngoại quốc – từ sinh viên, giáo sư đến huấn luyện viên thể thao – đều có thể được yêu cầu. Mà thông thường, chẳng ai từ chối.”

Tuy nhiên, họ không được có ý kiến gì về vai diễn của mình, mà “phần lớn là vai ác,” theo ông Schonherr.

Trong số vài “tài tử” Mỹ đóng phim Bắc Hàn nổi tiếng nhất có Charles Jenkins, Larry Abshier, Jerry Parish, và James Dresnok. Tất cả họ đều đào tị đến Bắc Hàn những năm 1960.

Cũng như nhiều người ngoại quốc khác sống ở Bắc Hàn, ông Charles Jenskins – người Mỹ đào tị đến Bắc Hàn – thường bị ép đóng vai “bọn tư bản xấu xa.” (Hình: Koichi Kamoshida/Getty Images)

Cả bốn người đều đóng vai “bọn tư bản xấu xa” trong loạt phim tuyên truyền “Nameless Heroes” (Người Hùng Vô Danh) năm 1978.

Sau này, ông Charles Jenkins kể ông bị ép buộc tham gia loạt phim đó. Ông nói đào tị đến Bắc Hàn là “việc làm ngu xuẩn nhất” trong đời ông.

Có tin, ông James Dresnok rất nổi tiếng ở Bắc Hàn. Dân nước này gọi ông là Arthur, tên một nhân vật mà ông từng đóng.

3-Khán giả không có lựa chọn

Rạp chiếu phim ở Bắc Hàn là một trong những nơi thu hút người dân đông nhất vì nước này không có nhiều hình thức giải trí khác.

“Đi xem phim, hoặc ít nhất đã từng xem phim, là một trong những thú tiêu khiển được dân Bắc Hàn ưa chuộng nhất,” theo nhà văn Schonherr.

Phim Bắc Hàn chủ yếu được dùng để tuyên truyền cho chế độ nước này. (Hình: en.wikipedia.org)

Những người Bắc Hàn mà ông Schonherr phỏng vấn đã kể lại nhiều kỷ niệm đẹp về việc đi xem phim vào những năm 1980 và 1990. “Rạp chiếu phim là nơi họ thường tụ tập với bạn bè,” ông Schonherr cho hay.

Tuy nhiên, Bắc Hàn còn chiếu phim trong nhà máy, ở nông trường và cả trong doanh trại quân đội, Tiến Sĩ Mark Morris, giáo sư khoa Á Đông và Trung Đông thuộc University of Cambridge, cho biết.

“Không có chuyện mua vé đi xem bộ phim mà mình thích nhất. Khán giả được cho xem lịch chiếu phim, mà thường là họ phải đi xem!” ông nói.

Thông thường, chính quyền cử người đến buổi chiếu phim để yêu cầu khán giả cho biết ý kiến về bộ phim, Tiến Sĩ Morris cho biết thêm.

Do đó, “khán giả phải rất cẩn thận đọc được thông điệp chính trị trong phim.”

4-Mr Bean “lọt” vào được Bắc Hàn

Dù Bắc Hàn kiểm soát báo chí và Internet gắt gao, phim ngoại quốc thỉnh thoảng vẫn lọt vào quốc gia khét tiếng kín cửa này.

Phim ngoại quốc được chiếu ở Liên Hoan Phim Quốc Tế Bình Nhưỡng, tổ chức hai năm một lần. Trong số những phim từng được chiếu ở đây có “Mr Bean and Elizabeth: The Golden Age.” Riêng “Evita” dường như là bộ phim Mỹ duy nhất được chiếu ở Bắc Hàn.

Bên ngoài liên hoan phim này, người dân Bắc Hàn hiếm khi được xem phim ngoại quốc. Tuy nhiên, bộ phim hài về đá banh “Bend it like Beckham” trở thành bộ phim Tây phương đầu tiên được chiếu trên truyền hình Bắc Hàn năm 2010. Đây là một phần trong nỗ lực “lấy lòng” Bắc Hàn của Tòa Đại Sứ Anh Quốc.

“Bend It Like Beckham” là phim ngoại quốc đầu tiên được chiếu trên truyền hình Bắc Hàn. (Hình: nomabid.org)

Bộ phim này được cho là cực kỳ phù hợp vì dân Bắc Hàn rất mê đá banh, và ông Peter Hughes, đại sứ Anh Quốc thời đó ở Bình Nhưỡng, cho biết dường như phim được đón nhận rất nồng nhiệt.

5-Cấm xe đạp

Vài nhà làm phim ngoại quốc từng được cho phép vào Bắc Hàn, nhờ đó, thế giới bên ngoài biết thêm đôi chút về nạn kiểm duyệt ở nước này.

Khi hai nhà làm phim Lynn Lee và James Leong được cho phép đến Bắc Hàn để quay phim tài liệu về nền điện ảnh nước này, họ phải tuân thủ nhiều quy định nghiêm khắc, chẳng hạn như ngày nào quay xong cũng phải trình giới chức kiểm duyệt xem những hình ảnh mà họ thu được.

Vì suốt chuyến đi đều có người “hộ tống,” nên hầu như họ không thể quay được cảnh nào “gây mất lòng.” Thậm chí như vậy cũng chưa yên với giới chức kiểm duyệt.

Giới chức kiểm duyệt Bắc Hàn không muốn phim có cảnh xe đạp, dây điện ngoài đường. (Hình minh họa: Ed Jones/AFP via Getty Images)

“Giới chức kiểm duyệt không thích phim có cảnh người đi xe đạp hoặc người không cài nút áo,” bà Lee cho hay. Cảnh nào dính đường dây điện trên đường phố cũng bị loại khỏi phim.

“Theo tôi… họ muốn thành phố và con người trông phải ngăn nắp, không được luộm thuộm,” bà Lee nói. “Tôi chỉ đoán vậy thôi vì chúng tôi chưa bao giờ có dịp gặp gỡ giới chức kiểm duyệt.”

6-Phim cho thấy phụ nữ mạnh mẽ, còn đàn ông thì bình thường

Dù Bắc Hàn từ trước đến nay đều do nam giới lãnh đạo, nhưng chiến lược tuyên truyền của họ có xu hướng miêu tả phụ nữ mạnh mẽ. Vận động viên thể thao nữ, lính nữ, điệp viên nữ và cả cảnh sát giao thông nữ đều xuất hiện trong phim Bắc Hàn.

Phim thường cho thấy “phụ nữ mạnh mẽ, siêng năng, sẵn sàng hy sinh vì lãnh tụ,” ông Schonherr nói.

Mặc dù vai chính trong những phim cũ là nam, nhất là phim võ thuật, nhưng “có rất nhiều vai nam yếu đuối” trong những phim thời gần đây, ông cho biết thêm.

“Thông thường, phụ nữ phải dạy họ làm sao để trở thành công dân tốt.”

Tiến Sĩ Morris cho rằng điều này phù hợp với chiến lược tuyên truyền của Bình Nhưỡng. “Những nhân vật cao nhất ở Bắc Hàn là đàn ông trong gia đình họ Kim,” ông giải thích.

Phụ nữ thường được miêu tả là người mạnh mẽ trong phim Bắc Hàn. (Hình minh họa: npr.org)

“Họ không muốn có đối thủ, do đó khán giả ít khi thấy vai nam chính nào ra hồn.”

Và mặc dù vai nữ có thể mạnh mẽ, cuối cùng, họ cũng hiểu vị trí của mình.

“Phụ nữ mạnh mẽ [trong phim] thường thì cuối cùng phải lập gia đình. Chưa lập gia đình thì cuộc đời họ coi như chưa xong,” theo Tiến Sĩ Morris.

7-Quân đội cũng đóng phim

Do mối quan hệ thù địch với Nam Hàn cũng như lịch sử cay đắng với Nhật, quốc gia từng đô hộ Bắc Hàn từ năm 1910 đến 1945, nên phim chiến tranh đóng vai trò quan trọng trong chính sách tuyên truyền của Bình Nhưỡng.

“Thời quân Nhật chiếm đóng là nội dung cực kỳ quan trọng trong phim Bắc Hàn,” theo ông Morris.

Quân đội Bắc Hàn điều hành một phim trường dành riêng để sản xuất phim chiến tranh, Tiến Sĩ Morris cho biết thêm. “Họ cung cấp lính đóng vai phụ miễn phí, cũng như thiết bị cần thiết.”

Bà Lynn Lee từng làm phim tài liệu “The Great North Korean Picture Show” nói về nền điện ảnh Bắc Hàn.

Quân đội Bắc Hàn cũng đóng phim. Họ “cho mượn” lính miễn phí để đóng vai phụ. (Hình minh họa: Ed Jones/AFP via Getty Images)

Trong quá trình làm phim, bà được dẫn đến xem cảnh quay một bộ phim chiến tranh “gồm hàng trăm quân lính,” của đạo diễn Bắc Hàn Pyo Hang.

Trong phim tài liệu của bà Lee, mấy anh lính trẻ đóng vai phụ bị ông Pyo Hang la rầy vì chưa diễn tả được đúng nỗi đau buồn khi bị buộc phải giao nộp vũ khí cho quân đội Nhật.

Cuối cùng, vị đạo diễn đành phải dùng “chiêu” để khiến họ “rơi nước mắt” – thuốc nhỏ mắt.

8-Một thông điệp – ca ngợi “Lãnh Tụ Vĩ Đại”

Phim Bắc Hàn cũng gồm nhiều thể loại khác nhau, nhưng toàn bộ đều có chung thông điệp.

“Nói tới nói lui rồi cũng trở lại ca ngợi ông Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), ông Kim Jong-il hoặc đảng [Cộng Sản] không ít thì nhiều,” ông Simon Fowler, nhà phê bình phim và chuyên viết blog về phim Bắc Hàn.

Phim nào mà có bối cảnh trước thời gia đình họ Kim lên nắm quyền thì trước sau gì cũng sẽ cho thấy “sự khác biệt rõ ràng giữa đời sống trong quá khứ với đời sống tốt đẹp hơn nhiều [dưới thời gia đình họ Kim],” theo ông Fowler.

Chẳng hạn, phim “The Flower Girl” miêu tả đất nước Bắc Hàn dưới thời Nhật đô hộ, trong đó người dân chịu biết bao đau khổ do bị địa chủ được quân Nhật hỗ trợ bóc lột.

Mọi chuyện thay đổi khi Quân Đội Cách Mạng Triều Tiên tiến vào lật đổ bọn địa chủ, báo hiệu tương lai tươi sáng cho một nước Bắc Hàn “được” quân đội ông Kim Il-sung “giải phóng.”

Trong khi đó, nhà văn Schonherr cho biết trong phim võ thuật Bắc Hàn, “kẻ xấu lúc nào cũng là người Nhật hay người Mỹ.”

Mặc dù hai miền Triều Tiên vẫn kình chống nhau, nhưng dân Nam Hàn không bị “bêu xấu” trong phim Bắc Hàn. “Nếu vai diễn là người Nam Hàn, thường thì cuối cùng họ sẽ được cảm hóa ở cuối phim,” ông Schonherr cho hay.

Ca ngợi “Lãnh Tụ Vĩ Đại” là nội dung không thể thiếu trong phim Bắc Hàn. Hình ảnh hai cố Chủ Tịch Kim Il-sung và Kim Jong-il phải luôn được quay toàn bộ. (Hình minh họa: Kim Won-Jin/AFP via Getty Images)

9-Ca ngợi thì ca ngợi nhưng không được chiếu “Lãnh Tụ Vĩ Đại”

Mặc dù hầu hết phim Bắc Hàn đều nhấn mạnh tầm quan trọng của ông Kim Il-sung và ông Kim Jong-il, khán giả hiếm khi thấy hình ảnh hai cha con họ Kim trong phim.

Thay vào đó, họ thường được nhắc tới một cách gián tiếp.

“Chẳng hạn, trong phim chiến tranh, có người sẽ nhấc điện thoại nghe Chủ Tịch Kim Il-sung đề nghị một chiến thuật quân sự tuyệt vời,” Tiến Sĩ Morris nói.

“Khi điện thoại gọi đến, mọi người sẽ sửa lại trang phục cho chỉnh tề, còn đại tướng thì nhấc điện thoại lên như thể đó là sinh vật quan trọng,” ông miêu tả.

Tương tự như vậy, ông Fowler miêu tả một cảnh trong phim “Marathon Runner” mà nhân vật chính chạy thật nhanh lên đồi để cố nhìn được đoàn xe của Chủ Tịch Kim Jong-il.

Dù không kịp nhìn thấy đoàn xe, nhưng cô ta chạm được tay lên vết xe của họ.

“Cô ta hét lên đầy sung sướng vì chạm được tay lên vết xe của ông ấy,” ông Fowler cho hay.

10-Quay hình “Lãnh Tụ Vĩ Đại” sao cho đúng

Một vấn đề quan trọng khác với nhà làm phim Lynn Lee là quay hình ảnh ông Kim Il-sung và ông Kim Jong-il sao cho đúng.

“Giới chức kiểm duyệt không thích cảnh nào quay hai nhà lãnh đạo này mà không trọn vẹn,” bà Lee giải thích. “Phải quay làm sao thấy nguyên cả người. Cảnh nào chỉ quay một phần hình ảnh hay tượng đài [của họ] sẽ bị loại bỏ.”

“Chuyện này hơi khó vì ở đâu cũng có hình ảnh của họ, và đôi khi, thậm chí chúng tôi không để ý khi đang tập trung quay ai đó đứng phía trước.”

Bà Lee phải quay lại toàn bộ một phần trong phim “The Great North Korean Picture Show” vì phần này lấy bối cảnh viện bảo tàng phim Bắc Hàn mà hình ảnh hai lãnh tụ họ Kim không quay đúng ý giới chức kiểm duyệt. [qd]

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT