Monday, March 18, 2024

Từ bài vọng cổ ‘Bóng Người Kỵ Sĩ’ đến ‘Ngân Bình Sơn’

Ngành Mai/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Thời thập niên 1940 bài vọng cổ dài 20 câu, nhưng đến năm 1952 danh ca Thành Công biên soạn bài vọng cổ “Bóng Người Kỵ Sĩ” rút lại còn 16 câu, và được hãng dĩa Asia thu thanh phát hành cùng khắp.

Đây là bài vọng cổ ca rất mùi, gây “chấn động” làng đờn ca tài tử, vì hầu hết giới này thời đó nếu không học ca thì cũng nghe qua nhiều lần.

Tuy nhiên, câu mở đầu của bài vọng cổ 16 câu “Bóng Người Kỵ Sĩ” là “Ngân Bình Sơn cúc rũ Thu tàn” lại được thính giả cảm nhận và từ đó họ tự đặt tên cho bài ca này là “Ngân Bình Sơn,” lấy từ ba chữ đầu của câu mở đầu, để họ dễ nhớ.

Trong cuộc thi giọng ca tài tử do đài phát thanh Sài Gòn tổ chức vào năm 1954, thính giả khắp nơi gởi về đài nhận xét của mình trong việc bầu chọn, và phần lớn đều gọi tên bài vọng cổ này bài “Ngân Bình Sơn.”

Do vậy mà bài ca mang tên “Ngân Bình Sơn” luôn, còn tên thật “Bóng Người Kỵ Sĩ” thì phai mờ dần trong các buổi sinh hoạt đờn ca tài tử.

Năm đó (1954) cuộc thi giọng ca lần đầu tiên được quảng bá rộng rãi trên làn sóng phát thanh của đài Sài Gòn, nên bà con mộ điệu, thính giả hưởng ứng tham gia bầu chọn rất nhiều.

Và kết quả thì nam danh ca Thành Công và nữ ca sĩ tài tử Bạch Huệ trúng giải nhất. Do chỉ ca ở đài phát thanh và thu thanh dĩa hát, nên đại số khán thính giả chỉ nghe tiếng ca chớ không thấy mặt cặp nam nữ danh ca trên trúng giải này.

Kế từ đó bài vọng cổ “Bóng Người Kỵ Sĩ” hay còn được gọi là “Ngân Bình Sơn” gắn liền với tên tuổi danh ca Thành Công.

Do là danh ca tài tử ở đài phát thanh Pháp Á nên soạn giả Thành Công đã biên soạn bài vọng cổ “Bóng Người Kỵ Sĩ” với lời văn rất dễ ca, rất mùi, người nghe thấm thía thả hồn theo lời ca của người tài tử.

Bài ca phổ biến rộng rãi, làng xã nào, thôn xóm nào cũng có người ca, nhưng thời bấy giờ phần lớn là nam tài tử học thuộc lòng đưa vào sinh hoạt. Còn nữ ca sĩ tài tử thì ít thấy ai ca, có lẽ bài ca này hợp với phái nam hơn. Một phần cũng do thời này nữ tài tử rất hiếm, nhiều buổi sinh hoạt chỉ có một vài cô tham gia, có nơi chẳng có người nữ nào. Tuy vậy nhiều cô cũng thuộc lòng bài vọng cổ “Bóng Người Kỵ Sĩ,” do buổi sinh hoạt nào cũng có người ca, các cô nghe mãi thì dù không học vẫn thuộc.

Danh ca tài tử Thành Công người gốc ở Phong Điền, Cần Thơ, do chiến tranh ông lên Sài Gòn vào nghề ca hát. Ông từ đài phát thanh Pháp Á, sang qua đài phát thanh Sài Gòn. Suốt mấy chục năm ông chỉ ca ở đài và thu thanh dĩa hát, chớ không diễn tuồng trên sân khấu.

Bìa cuốn bài ca “Bóng Người Kỵ Sĩ” của soạn giả Thành Công. (Hình: Ngành Mai sưu tập)

Dưới đây là bài vọng cổ “Bóng Người Kỵ Sĩ” của soạn giả Thành Công.

1- Ngân Bình Sơn cúc rũ Thu tàn, Lệ Nương thẫn thờ bên tảng đá xanh để chờ người kỵ sĩ năm xưa, qua mấy lượt Đông về, Thu cúc rụng mà Trịnh, Nguyễn vẫn vô tình gây lại nhiều nỗi đau thương cho lòng người thôn nữ.

2- Xóm Tây Thôn cứ mỗi buổi chiều vàng, bóng tà dương lẫn khuất về sau mấy rặng Ngân Bình, chỉ còn trơ lại những tia sáng vàng nhợt nhạt phôi pha trên đầu mấy ngọn vi lau. Lệ Nương thẫn thờ bên vườn cúc đẹp khoe sắc mấy cái Xuân, bỗng nàng giựt mình vì nghe tiếng ngựa hí binh reo, tuôn bờ lướt bụi, đánh tan bầu không khí tịch mịch giữa chốn lâm sơn.

3- Nàng bắt đầu tưởng lại từ đây sẽ có cuộc binh đao đẫm máu điêu linh vì giữa đôi bên Trịnh, Nguyễn tranh hùng, mà vùng Tây Thôn sẽ hóa ra như muôn ngàn nơi khác đều cam chịu cảnh thương tang đẫm máu. Thế nên nàng chạy lại khóm vi lau hầu ẩn núp tu thân mai gầy liễu yếu, nhưng than ôi đến nơi thì người nàng bỗng ngã ra mê man bất tỉnh, nàng để cho mặc dầu hoa khóc cỏ sầu.

4- Sau một trận giao phong Chúa Nguyễn mới thành công, sau lưng con bạch mã với một đội hùng binh dõng dạc đi ngang qua đây, thấy cảnh sắc xinh tươi, Chúa mới dừng chân lại tay cầm kiếm đi bốn vó ngựa trắng tinh, dò lần trên làn cỏ xanh tươi mướt ung dung ngắm cảnh Ngân Bình, bỗng đâu Chúa lại giựt mình vì thấy bên cụm trước tả tơi có một người thiếu nữ đã vì sao mà chết ngất tự bao giờ rồi.

5- Động lòng trắc ẩn Chúa mới ôm thây người ngọc vào lòng, tay thì cởi áo choàng phủ kín thân nàng. Khi tỉnh giấc mơ nàng cảm thấy mình nằm trong lòng người thiếu niên anh tuấn. Trời ơi, đây có phải chăng là giấc mộng hay ta lạc lối vào chốn thần tiên. Thế rồi nàng cứ nhắm nghiền đôi mắt lại mà lệ cứ tuôn tràn, còn chàng thì đang say sưa đắm đuối để mà nhìn nàng.

6- Độ ấy bắt đầu yêu mến nhau, đôi quả tim vàng hứa hẹn sẽ chung hòa điệu thâm trầm ai oán, nàng thì giao phó cả tuyết trong giá sạch cho người bạn đáng yêu. Trong lúc mê ly ân ái bỗng quân vào phi báo rằng: Chúa Trịnh đang chiếm đóng cả vùng Bình Định thanh thế đương hùng cường. Ôi! Chúa nghe xong liền lên lưng con bạch mã quay đầu để cho mặc người yêu hẹn lại ngày nào cúc rụng Đông về. Còn nàng thì cứ ngậm ngùi nuốt lệ nhìn chàng ra đi lẫn khuất trong đám người ngựa mà lệ nàng cứ đượm tuôn tràn.

7- Ngỡ ngàng với cảnh vật cỏ cây cho nên người thiếu nữ mới quay về căn chòi bé nhỏ sau một cụm Bình Sơn, thì lúc ấy người cha già nàng vỏn vẹn xách rìu trở lại chòi tranh, vì cảnh cô thôn hôm nay rộn rã những tiếng quân ó vang dậy, sau một cuộc thư hùng quyết liệt tiến binh dưới ngọn cờ của Chúa Nguyễn.

8- Trong vùng Bình Định giữa cánh đồng sắc lẫn chen làm cho người một phen lo sợ hãi hùng, nhưng chỉ riêng nàng Lệ thì không sao quên được bóng người khi quày ngựa ra ngoài muôn dặm xa trong những tiếng hẹn và lời thề nàng đã vô tình mang theo và gởi lại núi sông.

9- Trải qua bao ngày chinh chiến thì vùng Bình Định, cỏ cây đất nước cũng dầm chan một màu máu đỏ, còn đang gợn trước mắt của kẻ trông chờ, nhưng người đi thì dung ruổi chí anh hùng ngang dọc, nào biết đâu rằng nơi cảnh cô thôn xưa vẫn còn có người đang mòn mỏi chờ trông mà tuôn rơi đôi dòng giọt lệ.

10- Thế rồi cứ mỗi lần Xuân lại Thu sang, những đám Bình Sơn vẫn luôn thay sắc đổi màu, nhưng cảnh cũ chẳng được người xưa gấm ghé mà đôi phen phải chịu phai tàn ủ dột thê lương, khốn khổ cho người hễ mỗi khi chờ đợi mỏi nòn muốn lãng sao thì hình bóng cũ cứ chập chờn và gợi lại nhiều nỗi sầu đau.

11- Sống với những ngày tàn tạ với thời gian, vì sức người không phương chống nổi với tuế nguyệt phong ba, sau ngày cha nàng thọ bịnh rồi khoát áo ly trần. Than ôi! Số người tẻ lạnh cô thân vẫn sống với cảnh chăn đơn gối chiếc. Thế rồi một ngày kia nàng Lệ tách mình khỏi cảnh cô thôn, lê gót tha phương để tầm người kỵ sĩ, mà bao giờ nàng cũng hằng mong thệ nguyện tao phùng.

12- Rồi mùa Thu năm ấy, chẳng ai còn trông thấy hình dạng của người thiếu nữ ra vào trước khóm mai lan hay sau rặng Ngân Bình để hưởng qua thanh vị, và căn chòi tranh năm xưa cũng ngã đổ mái hiên ngoài như cố tình che đậy những dấu vết sầu thương, vì nơi này trước kia nàng sống để ngóng đợi tin ai, thì nay cảnh vật cũng ngậm tuyết đắng sương cay để mà chờ trông lại tin nàng.

13- Ôi! Tình đời cay đắng thế sự đắng cay, hồn dặm khách cứ xua đuổi thảm dạng dày, chiếc thân phấn lợt hương phai đã bao lần nuốt lệ gian truân, ngót một năm trời trôi dạt, bỗng đâu một ngày nàng sa chơn vào cạm bẫy của quân giặc. Cũng tưởng đâu cảnh tượng đã đoạn dứt kiếp hồng nhan, chớ ai có ngờ đâu tạo vật lại sắp nên diễn cảnh éo le, gây cho lòng tan tát, rồi đem thương đau để mà có hàn gắn lại vết đau thương.

14- Một buổi sáng tinh sương, tề tựu trước trào đàng để bá quan luận bàn về tội trạng, hôm nay trước tụng đình đã diễn ra một cảnh thống khổ của gái thuyền quyên khiến cho người anh hùng phải ngậm ngùi thống thiết. Thế rồi sau một đêm dài nơi nam ngục, Chúa đã rõ biết lòng của kẻ đã bị dở dang, thì đây trước cái cảnh tan hiệp, hiệp tan như dắt dẫn hai tâm hồn lạc vào hoang vu mộng tưởng, nên chỉ biết nhìn nhau mà rồi lệ thảm phải chứa chan.

15- Thế mới hay cảnh dầu đổi, vật dầu thay, nhưng người toàn gìn sắt, kẻ giữ vẹn đinh, thì trời cao đâu có phụ tấm tình chung thủy, nên dầu qua bao lần khổ lụy của người đi gốc bể chơn mây, đôi phen ăn thảm nuốt nồng, nhưng rồi người hùng anh vẫn tròn câu hẹn ước, mà yêu đương cũng thỏa nguyện khách quần hồng.

16- Một đêm trăng soi sáng dưới hàng cây tĩnh mịch quanh thềm cung thì giọng dế tỉ tê như reo mừng giờ tương ngộ. Ngoài khơi tiếng vạt gọi đoàn như mừng lòng vì đủ bạn khi trở về tổ ấm, thì nơi thâm cung hai tâm hồn thơ đang hòa nhịp khúc đàn lòng. Để kể cho nhau những hồi luân lạc gian nan và hứa hẹn cho nhau đến một ngày tóc bạc răng long. (Ngành Mai)


Ghi danh thi cổ nhạc và sinh hoạt đờn ca tài tử

Kể từ nay đờn ca tài tử hải ngoại họp mặt sinh hoạt hằng tuần lúc 6 giờ chiều Thứ Năm, tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt, 14771 Moran St., Westminster, CA 92683.

Địa điểm sinh hoạt đờn ca tài tử cũng là nơi thí sinh ghi danh thi cổ nhạc. Ban tổ chức hân hạnh chào đón thí sinh đến ghi danh, và ca tài tử để tập luyện bài ca dự thi, đồng thời cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những người mộ điệu và khán giả.

Ban tổ chức cũng mời tất cả giai nhân tài tử, những ai từng học đờn, học ca cổ nhạc hãy đến tham gia. Những người khi xưa từng đi đờn ca nhưng bỏ lâu quá quên bài ca, xin hãy cứ đến nói lên kỷ niệm của mình đối với đờn ca tài tử. Riêng những người mộ điệu, chỉ muốn nghe đờn ca thì đến với tư cách khán giả.

Vào cửa tự do, miễn phí. Liên lạc trưởng ban tổ chức, ông Lê Quang Thế (714) 454-7851 hoặc ca sĩ Triệu Mỹ Ngân (714) 728-1878.

MỚI CẬP NHẬT