Friday, April 26, 2024

Ẩm thực ở Sài Gòn: ‘Tí hon’ bị ‘khổng lồ’ nắm gót chân


Văn Lang/Người Việt


SÀI GÒN (NV) Biết rằng mọi sự so sánh đều nhất thời và khập khiễng, nhưng cũng không thể nào không liên tưởng hình ảnh “tí hon” của những người “buôn gánh bán bưng” với những gã “khổng lồ” là những tập đoàn kinh doanh thức ăn nhanh của ngoại quốc ở Sài Gòn.





Một tiệm “tạp hóa” ở Sài Gòn, bán một cái hamburger
với giá 10 ngàn đồng, còn tặng kèm…1 ly nước. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Theo nguồn tin từ McDonald’s, để mở một cửa tiệm họ thường chi ra từ 400 ngàn tới 500 ngàn Mỹ kim.


Nếu đem quy đổi số Mỹ kim trên ra tiền Việt và nói cho các chị, các thím buôn gánh bán bưng ở Sài Gòn, e rằng có người sẽ…xỉu.


Nhưng nếu đi hỏi những người đã từng ăn thức ăn của McDonald’s, cũng như đã từng ăn những món ăn trên đường phố Sài Gòn (như là bánh cam, bánh còng, bánh tai yến, bánh chuối chiên…). E rằng, câu trả lời không phải lúc nào McDonald’s cũng thắng.


Rõ ràng, tương quan giữa tiền bạc và món ăn rất khác nhau. Vì ở đây khẩu vị đóng một vai trò chính yếu.


Nhưng tại sao ở Sài Gòn người ta xếp hàng đi uống Starbucks, xếp hàng đi ăn McDonald’s?


Dù rất nhiều lời khen, chê trái chiều nhau. Và cũng phải hỏi tại sao mà tại một “siêu cường” về ăn uống như Trung Hoa, nơi có một truyền thống ẩm thực rất “dị ứng” với loại thức ăn nhanh như McDonald’s, vậy mà tập đoàn này vẫn phát triển được tại Trung Quốc?


Rõ ràng, câu chuyện giữa “tí hon” và “khổng lồ” nó không đơn giản như một trận đấu “boxing.” Mà ngay cả trong một trận boxing, không phải lúc nào tí hon cũng nhất thiết phải “đo ván.”





Tiệm McDonald’s đầu tiên ở Sài Gòn, góc ngã ba mũi tàu
Trần Hưng Ðạo và Phạm Ngũ Lão, quận 1. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Trở lại cuối thập niên 1980, thời ở Sài Gòn còn “trăm hoa đua nở.” Ðó là thời kỳ của “đói”và “khát, ” hàng trăm thậm chí là hàng ngàn tổ hợp sản xuất nước giải khát có tên, có nhãn (và không tên, không nhãn) ra đời. Nhưng khi mở cửa thị trường, Coca và Pepsi tiến vào thị trường Sài Gòn. Thì chỉ sau một đêm tất cả các “tổ hợp” có tên, không tên về ngành nước giải khát có gas ở Sài Gòn đều “chết” sạch.


Không chỉ tên tuổi “trademark” của Coca và Pepsi làm nên chiến thắng của họ, mà còn là sự “welcome” của dân Sài Gòn đối với một nhãn hiệu của người Mỹ đã từng hiện diện ở Sài Gòn trước 1975.


Và hơn thế nữa, Coca và Pepsi còn cho nhân viên đẩy xe “bán dạo” khắp hàng cùng ngõ hẻm của Sài Gòn. Ðể tiếp thị món nước giải khát của họ tới những người “sinh sau đẻ muộn.” Những người chưa từng được uống Coca và Pepsi bao giờ, slogan của Pepsi lúc đó là: “Generation Next!”


Tưởng rằng kỷ nguyên “toàn trị” của Coca và Pepsi ở Sài Gòn sẽ là…vĩnh viễn.


Ai dè, không phải vậy! Mới đây, sau những vụ “lùm sùm” quanh chai nước có ruồi của công ty nước giải khát T.H.P., người ta mới biết thông tin là T.H.P. chiếm từ 80 tới 90% thị phần nước giải khát có gas của Sài Gòn.


Ðơn giản vì công ty tư nhân T.H.P. biết đánh vào thị hiếu của người Việt. Khi họ tung ra thị trường những sản phẩm, như: Trà thảo mộc Dr. Thanh; nước tăng lực Number One; Trà xanh không độ linh chi;…Với những lời quảng cáo hết sức “có cánh.”


Dù chẳng mấy ai tin là uống một chai “tăng lực” có mấy ngàn đồng, rồi bỗng một đêm dựng dậy thành…”mãnh hổ.” Nhưng “triết lý” kinh doanh là cứ nói, dù đâu có bắt người ta phải tin, vì giữa một rừng sản phẩm, chỉ cần biết tới quảng cáo là…hốt bạc.


Còn “thế hệ kế tiếp” như Pepsi và Coca kỳ vọng, thì bây giờ họ đi uống…Trà chanh “chém gió” và…nước mía.


Thắng và thua


Khi Starbucks tiến vào Sài Gòn, dù dân Sài Gòn ngay những ngày Tết phải xếp hàng dưới trời nắng chói chang để được thưởng thức “ly cà phê đầu tiên” mang thương hiệu Mỹ. Nhưng chẳng ai “điên rồ” mà cho rằng Starbucks sẽ “ủi phẳng” thị trường cà phê Việt Nam (giống như chiến thắng hết sức ngoạn mục mà Coca và Pepsi đã từng đạt được).


“Nước sông không phạm nước giếng.” Starbucks có những khách hàng “thời thượng” của mình, còn cà phê “cóc” ở Sài Gòn vẫn nhan nhản như nấm (mà cũng chẳng cần phải đợi tới sau “cơn mưa”).


Nhưng từ khi Starbucks xuất hiện, thị trường cà phê ở Sài Gòn đột nhiên thay đổi hẳn.





Một xe chiên bánh tiêu bán ngay trên đường phố Sài Gòn. (Hình: Văn Lang/Người Việt)



Xuất hiện ồ ạt những quán cà phê trương bảng quảng cáo: “cà phê sạch,” “cà phê rang xay tại chỗ.”


Vậy mới biết, sức mạnh “ẩm thực“của thương hiệu Mỹ chính là nằm trong 6 chữ vàng: “Vệ sinh an toàn thực phẩm.”


Ðiều này càng được khẳng định, khi mà McDonald’s xuất hiện, dân Sài Gòn lại rồng rắn nhau xếp hàng đi ăn ở McDonald’s.


Hỏi thăm một anh Việt kiều Mỹ đang làm việc ở Sài Gòn. Có phải anh đi ăn ở McDonald’s vì anh nhớ nước Mỹ, hay một món ăn thân quen mà anh đã ăn từ nhỏ? Anh trả lời, “Về Sài Gòn đã lâu, rất thích các món ăn Việt Nam, nhưng đi ăn ở McDonald’s thì thấy rất ‘enjoy,’ vì không sợ bị…ngộ độc.”


Có lẽ vì an toàn thực phẩm mà dân Trung Quốc dễ chấp nhận McDonald’s hơn, khi đã mất niềm tin về các món ăn truyền thống (do các nhà hàng dùng nguyên liệu thực phẩm không có bảo chứng và thiếu điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm trong chế biến, nấu nướng). Ðây là vấn đề sống hay chết, chứ không còn là ngon hay dở nữa.


Nhiều người ở Sài Gòn kể với chúng tôi rằng, mỗi lần thấy người ta bán bánh cam, bánh còng trên đường phố, hay gặp người ta chiên chuối chiên bên đường là thèm…nhỏ dãi. Nhưng cũng đành”nuốt nước miếng” mà…đi. Chỉ vì đã đọc báo, đã xem những phóng sự “cận cảnh” trên TV, cái cách mà người ta dùng hóa chất để “tái tạo” mỡ bẩn (đôi khi lấy từ dưới cống của mấy nhà hàng).


Loại mỡ bẩn tái chế này, thường được các nước dùng trong ngành công nghiệp. Riêng ở Việt Nam (và cả ở Sài Gòn), được người kinh doanh mua với giá rẻ để nấu nướng, chiên, xào ra những sản phẩm…siêu rẻ. Người ăn vào sẽ gây ung thư, mà hầu như không có cơ quan chức năng nào kiểm tra, kiểm soát. Chỉ có giới truyền thông lên tiếng cảnh báo với người tiêu dùng. Nhưng trình độ dân trí của người Việt Nam chưa cao, có người nghe thì sợ, nhưng cũng có người vẫn…tùy nghi sử dụng.


Ðáng lý ra, phải nói vỉa hè Sài Gòn là nơi thiên đường của những món ăn ngon (và rẻ). Nhưng chỉ vì vấn đề “an toàn” và “kiểm soát an toàn” vệ sinh thực phẩm còn quá kém. Mà người ta đã “vô tình” giết chết một nền văn hóa ẩm thực chẳng những “đầy bản sắc dân tộc,” mà còn cực kỳ ngon và cực kỳ thú vị cho những ai thích khám phá “bản thể” ăn uống.


Tóm lại, người bán và người mua đã “tự giết nhau” trên đường phố Sài Gòn. Trong khi các ngành chức năng thì bao nhiêu năm nay cũng chỉ biết làm mỗi một việc là luôn luôn “thực thà thú nhận”sự bất lực là, “Không kiểm soát nổi!”

MỚI CẬP NHẬT