Friday, April 26, 2024

‘Cuộc chiến khoai tây’ Việt-Trung ở Ðà Lạt


Nguyễn Sài Gòn/Người Việt


ÐÀ LẠT (NV)Những chuyến xe tải chuyên chở hàng trăm tấn khoai tây Trung Quốc vượt biên qua một quãng đường dài Bắc-Nam, xuất phát cửa khẩu Lạng Sơn, đổ hàng xuống tận Cao Nguyên Lâm Ðồng. Từ đây, sau khi đã được hóa kiếp “mông má” thành “khoai tây Ðà Lạt,” mặt hàng nông sản đặc biệt nầy sẽ làm một cuộc hành quân ngoạn mục đi ngược ra Hà Nội, hay trực tiếp tấn công về Sài Gòn với giá cao ngất ngưởng.








Khoai tây Trung Quốc sau khi “mặc áo mới” để trở thành “khoai tây Ðà Lạt.” (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)


Chuyện tưởng như đùa nhưng lại có thật 100/100 đến nỗi chính quyền thành phố Ðà Lạt phải “rối lên” hốt hoảng ra một thông báo “cấm nhập khoai tây Trung Quốc” cùng với một đội liên ngành trấn giữ ngay chợ đầu mối nông sản thực phẩm nhằm đối phó với nạn “khoai giả mạo” có một không hai này.


Nhưng vì sao lại giả thì chỉ có những người buôn bán mới biết được mánh khóe này. Họ cho biết chỉ cần bôi lên một lớp đất đỏ bazan đặc trưng của cao nguyên Lâm Viên Ðà Lạt là khoai tây của Tàu đã biến hình ngay thành khoai tây Ðà Lạt chính hiệu. Một cách nào đó thì Chung Vô Diệm với khuôn mặt nhem nhuốc dính đầy đất đen đã biến thành hồng tươi ngay trên chính thủ phủ của Tây Thi xinh đẹp.


Muốn biết thật hay giả chỉ có thể chế biến và “ăn” ngay thì mới biết đâu là khoai thực khoai giả. Nhưng nói cho đúng hơn thì khoai nào cũng thiệt chỉ khác “chất lượng” mà thôi.


Một chị chủ cửa hàng chuyên kinh doanh rau củ quả ở chợ Ðà Lạt cho biết: “Ðể nhận dạng đâu là giả-thật thì chỉ cần rửa sạch lớp bùn đất đỏ bám ngoài vỏ là nó lộ ra ngay. Khoai Ðà Lạt luôn có một lớp da mỏng màu hồng nhạt đẹp tự nhiên còn khoai Trung Quốc vỏ dày cui thâm đen do được trồng trên những vùng đất xấu và được kích thích cho nhanh lớn lên bởi những loại thuốc tăng trưởng. Bởi ruột bên trong nó trắng nhợt bở rẹt khác xa với khoai Ðà Lạt thịt dẻo béo vàng tâm đó mới chính là khoai chính hiệu.”








Một cửa hàng bán khoai tây ở Sài Gòn. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)


Một ký khoai tây Ðà Lạt có giá bán ra 15 ngàn còn 1 ký khoai Trung Quốc nhập về chỉ chừng 3 ngàn đồng, có khi còn thấp hơn nên nếu có vận chuyển từ ở bên Trung Quốc về Việt Nam rồi lên đến tận Lâm Ðồng nhập ngay vào chợ đầu mối thì vẫn lời to. Ở đây đã có sẵn một lực lượng tiểu thương, không biết nên gọi là gì cho phải, vì họ đâu có làm hàng giả họ chỉ khoác lên nó một cái áo mới thôi.


Sau một hồi thao tác nó được đổi đời bằng cách “bôi trát” lên một chút “son phấn” để trôi đi thân phận “khoai Tàu” là đã trở thành một thứ hàng hiệu của khoai tây Ðà Lạt danh bất hư truyền.


Công đoạn tiếp theo hàng được đóng thùng dán nhãn và xuất ngược về đồng bằng chạy ngược ra Bắc và nghe đâu nó qua thẳng “vu hồi” về bên Trung Quốc với giá cao gấp 5 lần. Nghĩa là chỉ cần nó được xuất đi như được “trồng và thu hoạch” ở Ðà Lạt thì mới có giá trị kinh hoàng đó. Chỉ thương người tiêu dùng là bị một “quả lừa” lớn – vì không ai có thể kiểm nghiệm được chất lượng khi nó đã được chế biến ra thành phẩm và chỉ băn khoăn thầm hỏi sau khi đã ăn xong là tại sao “khoai Ðà Lạt mà sao thịt nó bở tệ quá vậy hổng biết nữa!”


Nói là một cuộc chiến vì đơn giản nó không cân sức. Thứ nhất về giá, thứ nhì về chất lượng thấp kém nhưng giá bèo. Dân Việt lâu nay chỉ thích dùng thực phẩm rẻ của Trung Quốc mà không hề biết đến nguy hiểm của nó đến nhường nào khi dư lượng thuốc trừ sâu cùng với hóa chất “bảo quản” quá cao hơn mức cho phép, nhưng để ăn được khoai tây Ðà Lạt thứ thiệt lại quá sang so với túi tiền người nghèo. Nhưng với người “sành điệu” khi cần “chất lượng cao” thì họ vẫn phải “đặt hàng” trước mua cho kỳ được nó nhất là các nhà hàng khách sạn quán ăn dành cho du khách nước ngoài.








Một chiếc xe chở khoai tây Trung Quốc xuống hàng ở Ðà Lạt. (Hình: Internet)


Chị chủ cửa hàng rau củ còn cho biết thêm “để bán được loại khoai nầy thì người bán cũng phải kiêm luôn là một nhà tư vấn cho khách hàng vì nếu không nói thì họ sẽ không biết đâu là thật – đâu là giả và quan trọng hơn người tiêu dùng cũng cần phải biết sử dụng nó vào cho việc gì. Nếu kinh doanh mặt hàng ăn uống bình dân thì nên mua ‘khoai Tàu’ vì chỉ như vậy mới có lời còn khoai Ðà Lạt thì chỉ dùng cho những nơi sang trọng như nhà hàng khách sạn lớn. Ở đó đòi hỏi sự ẩm thực nghiêm túc nên chỉ có khoai Ðà Lạt mới đáp ứng được yêu cầu ăn uống khó tính của khách.”


Vậy thì “cuộc chiến” giữa khoai tây Trung Quốc và Ðà Lạt hiện nay sẽ đến đâu sau khi chính quyền đang có những biện pháp quyết liệt để bào vệ thương hiệu Ðà Lạt? Thưa là không đến đâu, vì ngay sau đó họ đã phải “ngừng lệnh cấm trên” vì cảm giác như nó đúng về tình cảm nhưng lại sai về luật “thị trường tự do mậu dịch” khi Việt Nam đã gia nhập vào WTO/TPP. Vì thế chính quyền chỉ khuyến cáo là “các tiểu thương khi mua bán nhập khoai tây Trung Quốc về Ðà Lạt phải ghi rõ xuất xứ và quan trọng là không được nhuộm đỏ biến khoai Trung Quốc thành khoai Ðà Lạt để đánh lừa người tiêu dùng nếu bắt được ai sử dụng chiêu ‘đánh phấn’ nầy là sẽ bị tịch thu hàng và phạt nặng.”


Một quan chức giấu tên ca thán: “Cùng với Biển Ðông, Ta đã thua Tàu ngay trên sân nhà. Vì làm sao có thể biết lúc nào thì người ta sẽ mặc áo cho khoai làm sao để bắt được cái giả đang mặc áo của cái thật. Và người tiêu dùng sẽ muôn đời bị lừa vì họ không phải nhà kiểm nghiệm thực phẩm cùng một lúc với thói quen muốn mua hàng nông sản rau củ ‘đẹp mà xấu ngon mà dở’ này.”


Bởi chính thương lái của Ðà Lạt chứ không ai khác đã tự đánh lừa mình khi làm “khoai giả khoai” rồi bán ra với một giá cao cho khách với một thương hiệu cùng với chất lượng không ra gì.


Và người mua, nếu họ chấp nhận “ăn” với một giá rẻ hơn cho một loại khoai “Tàu bên hông Ðà Lạt” kém phẩm chất, thì điều đương nhiên là không thể phàn nàn khi kêu một đĩa beef steak rồi rên rỉ ‘khoai tây Ðà Lạt’ mà sao bở, nhạt nhẽo quá vậy trời!”

MỚI CẬP NHẬT