Tuesday, May 7, 2024

Vú sữa đầu mùa


Duy Thức/Người Việt


SÀI GÒN (NV) – Miền Nam xứ nhiệt đới nên trái cây trồng nhiều và nhiều loại. Vải, cam… từ Bắc, thanh long, nho… từ miền Trung vào Nam. Đủ loại trái cây miền Nam ra Bắc, miền Trung, Trung Quốc.



Bán trái vú sữa dạo ở Sài Gòn.(Hình: Duy Thức/Người Việt)


Các thị trường khó tính Úc, Nhật Bản… cũng đã nhập một ít hoa quả Việt Nam như bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc… Một dạo rộ lên người ta vào vườn để hái và mua trái tươi sạch còn lúc lỉu trên cành. Về sau du khách khám phá những trái cây này còn mắc hơn ngoài chợ vì là sản phẩm du lịch và không phải khu vườn nào cũng gần gũi, thuận tiện để đến.


Trái cây bày ngoài chợ thì hoàn toàn không biết thứ nào sạch, thứ nào ướp hóa chất, thứ nào của Trung Quốc, thứ nào của Việt Nam… Hàng Trung Quốc nổi tiếng ướp hóa chất. Rất nhiều trái cây Trung Quốc như quýt, lựu, cam… vẻ ngoài tươi tốt kỳ lạ trong nhiều tháng không suy suyển nhưng bổ ra bên trong khô cứng hoặc hư hỏng không thể ăn được. Ngay cả hàng Việt Nam sầu riêng, đu đủ, xoài… thay vì ngày xưa giú khí đá, bây giờ cũng ngậm hóa chất cho mau chín, vỏ vàng rực dễ bán.


Hiện nay vào Hè. Hôm nào không mưa, trời vẫn thiêu đốt nóng nực. Trong lúc đó hoạt động kiếm cơm độ nhật của những người cùng khổ vẫn tiếp diễn. Giới xe ôm ngồi chờ khách bên cột đèn ngoài phố từ sáng đến chiều, chị bán xôi say nắng té xỉu, anh mài dao mài kéo rao khàn khàn, một ông già chống gậy vừa bị kẻ gian cướp giật cả cọc vé số bán trên tay, vừa đi giữa trời nắng vừa chửi rủa…


Cũng là thời gian mùa trái cây bắt đầu rộn rã. Trái cây vừa bán ngoài chợ vừa đẩy rong đi khắp nơi: dưa hấu dài đòn mọng nước, khế không hạt… Một xe vú sữa vừa thấy từ xa đã có người cảnh giác la lên:


– Coi chừng vú sữa Trung Quốc.


Người khác nhận xét ngay:


-Trung Quốc không có vú sữa. Miền Bắc và miền Trung cũng không. Vú sữa trắng chỉ trồng ở Hậu Giang ăn vào rất mát.


Vú sữa trồng rải rác khắp nơi. Nhà nào vườn tược rộng cũng trồng vài cây ăn quả cành nhánh sum xuê nhân tiện lấy bóng mát. Các nhà vườn ở miền Tây trồng đại trà để bán theo mùa. Vú sữa có hai loại trắng và tím. Loại tím khi còn xanh vỏ vẫn màu xanh nhưng khi chín chuyển sang màu tím lạ mắt. Không hiểu sao nông dân không trồng nhiều loại tím này vì do màu sắc lạ, số lượng lại ít không bao giờ cung cấp đủ trên thị trường nên giá khá cao.


Trên miếng đất nơi tôi ở ấp Phú Chân, Thủ Đức lạc loài một cây vú sữa già cỗi gần bằng tuổi chủ nhân, tán rộng và có vẻ khẳng khiu, đến mùa đều cho quả chín màu tím sẫm rất ngọt. Lâu rồi tôi không thể nào dùng sào hay lồng tre để hái vì tàng quá cao. Ở các nơi khác cũng vậy. Các nhà có trồng vú sữa lâu năm khó mướn người hái vì tiền công cao. Cây lâu năm đốn bỏ thì tiếc mà để thì trái rất ít không còn bao nhiêu. Đành để trái chín khô trên cây. Nếu thích ăn thì họ ra chợ mà mua vậy.


Lúc này giữa trời nắng gắt. Một chiếc xe gắn máy màu đỏ loại xe ôm thường chở khách từ xa đã nhìn thấy chất đầy vú sữa đằng sau. Xe ba gác rộng rãi thường chưng bán nhiều loại trái cây. Ai không thích trái này có sẵn thứ khác tha hồ chọn lựa, nhưng xe gắn máy bao giờ cũng chỉ bán một loại hàng duy nhất mà thôi.


Như mọi hàng rong, một thanh niên tầm thước lanh lẹ gọn gàng, đầu đội nón bảo hộ màu vàng, quần tây dài, sơ mi dài kín tay. Trời càng nóng bao nhiêu, người ta mặc quần áo càng kín đáo bấy nhiêu mới tránh được nắng cháy. Sau xe gắn máy ràng một chiếc giỏ cao che khuất cả đầu người, đan bằng dây chì niềng sắt thật cứng đựng đầy ắp vú sữa trắng.


Thanh niên này chuyên lấy trái cây từ các xe tải nhỏ chở thẳng từ miền Tây lên thành phố, thường đậu ở các con đường vắng để bán lẻ hay bỏ sỉ lại cho người bán rong. Nhờ vậy hàng rong có thể bán rẻ một chút vì không qua trung gian của chợ đầu mối.


Nhìn thấy một căn nhà khóa cửa đi làm, anh ta tấp vào dừng ngay trước cửa và la lớn lên nhờ người vịn xe dùm. Anh ta gạt chống, trì người đỡ chiếc xe chở cần xé chứa cả trăm ký vú sữa như không thể chịu đựng nổi sức nặng đó nên cứ muốn đổ nghiêng xuống.


Tôi trách:


-Anh chở quá nặng như vậy dễ đổ xe lắm, trái cây lăn ra dập nát. Sao không chở ít, bán hết rồi về lấy hàng tiếp?


Anh ta cố giữ thăng bằng chiếc xe vừa giải thích:


-Đi mua hàng một lúc càng nhiều càng tốt. Chợ đầu mối ở xa lắm, mỗi lần mua phải đi cả chục cây số tốn tiền xăng còn đâu lời. Lấy mối gần thì xe hàng từ tỉnh lên có chuyến. Mỗi ngày hoặc cách ngày họ mới lên một lần chứ đâu đứng đó mãi đợi mình. Chưa kể trái cây phơi nắng lâu cũng mau mềm héo.


Thật may lúc đó một phụ nữ dẫn con trai đi qua. Chị ta bước lại gần đỡ giúp chiếc xe khỏi bị lật. Xong, với tay lên miệng giỏ để lựa những trái vú sữa mới xanh tươi mọng chín nhìn đã thấy ngon mắt.


Anh thanh niên cúi xuống rút ra chiếc cân màu xanh. Loại cân này được các người buôn rong bán chạy hay dùng. Nói bán chạy thì đúng hơn vì nhìn quanh đường phố ít ai đẩy xe ba gác bán dạo thường chở hoa quả trái cây và rau củ… chỉ đi quãng đường ngắn hay tập trung gần chợ. Nam giới khỏe mạnh, nhanh nhẹn đều chọn bán hàng bằng cách chạy xe gắn máy. Như thế họ có thể đi xa và đi nhiều nơi hơn.


Bán hàng rong bây giờ phải chạy đua với thời gian và chạy đua với những người bán cùng một thứ hàng như mình. Nếu chậm chân bị người khác tranh mối bán trước, hàng mình sẽ khó tiêu thụ hơn. Vì thế mạnh ai nấy lái xe vừa rao vừa chạy ào ào nhiều khi như muốn tông cả vào mấy đứa trẻ trong nhà chạy giỡn ra ngoài đường hẻm khu phố đông. Bởi vậy bây giờ người ta gọi bán chạy là vậy.


Anh ta cân bọc của chị nọ có độ năm trái vú sữa trắng vừa lựa xong:


-Đúng một ký, ba mươi lăm ngàn.


Chị ta trả tiền vừa thêm một câu mà tất cả người mua đều hỏi:


-Cân có đúng không?


Đâu phải nhà ai cũng sẵn cân để cân lại. Xe bán măng cụt đường Cộng Hòa cũ cân một ký chỉ còn bảy trăm gram. Anh bán vú sữa gắt giọng:


-Chị không tin cứ cân lại. Không bao giờ tôi cân thiếu cho ai hết. Bán giá nào cân giá nấy. Tại khách hàng cứ ham mua rẻ nên người bán mới phải cân thiếu.


Tôi lựa hai trái to và màu sắc tươi tắn. Loại vú sữa này vỏ xanh dờn lúc chín từ từ biến ra màu trắng bóng lưỡng. Anh ta lại lui cui lôi chiếc cân tay màu xanh ra đặt trên đất, ngồi xổm đằng sau chiếc xe để cân hai trái vú sữa. Phía trước xe treo lủng lẳng vài giỏ nhựa đựng lổn nhổn các chai nước suối, nước ngọt, khăn tay… Nhìn chiếc khăn tôi lại liên tưởng đến tin đồn người bán hàng dùng khăn nhúng nước rửa chén lau trái cây để tạo vẻ bóng bảy. Nếu nghĩ như vậy thì chắc chẳng ăn được bất kỳ món gì chung quanh mình.


Anh ta đưa tôi bao trái cây:


-Hai trái mười tám ngàn đồng.


Tôi trả giá:


-Mắc lắm. Mười lăm ngàn thôi. Chắc quê anh ở miền Tân An hay Bến Tre lên Sài Gòn buôn bán?


Anh ta nhấc chiếc mũ ra quạt đầu bớt nóng:


-Quê tôi ở Bình Định. Mới vào Sài Gòn một năm và mới đi bán vú sữa trắng này được vài tuần thôi.


-Chắc anh nào với gia đình có vợ con gì chưa? Ngoài bán trái cây còn làm thêm gì không?


Câu hỏi thăm gia đình khiến anh ta dịu giọng:


-Tôi ở Bình Định vào Sài Gòn với vợ và mới có một con. Con còn nhỏ nên vợ chưa đi làm thêm gì được.


Tôi nhận xét:


-Tôi thấy người ta hay để con hoặc vợ con ở với ông bà dưới quê. Mang cả nhà đi hết thế này thì nặng gánh lắm.


-Tôi mới cưới vợ có con đầu lòng. Tôi đi đâu nó cũng quyết đi theo không chịu ở lại quê nhà. Nó nói chồng đâu vợ đó.


Thì ra đôi vợ chồng son trẻ. Vả lại coi anh chàng này cao ráo quắc thước bảnh trai lắm nên sểnh ra, vợ lo cũng phải.


Tôi hỏi khẽ:


-Có lẽ anh ở An Nhơn An Thái gì đó phải không? Vậy chắc võ khá lắm.


-Hồi trước tôi có theo một lò võ Bình Định khá lâu vì quá mê bà xã là người An Thái học cùng thầy võ. Hai đứa thương nhau nhưng làm đám cưới xong thì không biết sinh sống bằng cách nào. Vợ tôi bàn gom tiền cha mẹ cho, vào Sài Gòn tìm nhà trọ mướn mỗi tháng tám trăm ngàn để ở. Ban đầu tôi đi làm hồ và qua nhiều nghề: bốc vác hàng, phụ xếp xe ở bãi giữ xe… nhưng khó nuôi nổi vợ con. Nay thấy rộ mùa trái cây, bà con đi bán dễ kiếm sống nên tôi chuyển qua bán vú sữa. Mai mốt cứ xem mùa nào thức nấy mà bán theo nghề này vậy.


Quả dân các tỉnh tuôn đến thành phố lớn tuy cực nhọc nhưng buôn bán gì cũng có ăn dù đạm bạc còn hơn ở quê làm đồng hầu như không thể sống nổi. Nhiều ngôi làng chỉ còn toàn người già trẻ con vì thanh niên trai tráng bỏ đi kiếm ăn phương xa cả..


Anh thanh niên đỡ chiếc xe nặng nề, bước lên ngồi vững vàng, sửa lại cái nón nhựa cứng rồi chào tôi:


-Ngày mốt có lẽ tôi bán ổi hay mận mời bác mua giúp nhé.


Anh ta vội rồ máy cho xe chạy đi cực nhanh như sợ không đuổi kịp thời gian hết một ngày trong công việc bán hàng chạy. Trời trưa Sài Gòn nóng như đổ lửa, anh ta mặc kệ, giống như một con thiêu thân giữa mùa gay gắt để mưu sinh như mọi người bán hàng rong khắp đường phố vậy.

MỚI CẬP NHẬT