Thursday, March 28, 2024

Diễn văn của TT Biden nhân dịp một năm Quốc Hội Mỹ bị tấn công

WASHINGTON, DC (NV) – Nhân dịp đánh dấu một năm vụ bạo loạn tại Quốc Hội, mà trong đó, ủng hộ viên của cựu Tổng Thống Donald Trump tấn công vào tòa nhà Quốc Hội nhằm ngăn chặn tiến trình xác nhận kết quả bầu cử năm 2020, mà trong đó, ông Trump thua ông Joe Biden, làm năm người chết, hơn 140 người bị thương, và hàng trăm người bị bắt và truy tố, hôm Thứ Năm, 6 Tháng Giêng, Tổng Thống Joe Biden đã đọc bài diễn văn tại Statuary Hall, dưới mái vòm Rotunda của Quốc Hội, gởi đến người dân Mỹ.

Tổng Thống Joe Biden đọc bài diễn văn tại Quốc Hội nhân đúng một năm xảy ra vụ người ủng hộ cựu Tổng Thống Donald Trump gây bạo loạn. (Hình: Greg Nash-Pool/Getty Images)

Sau đây là bản dịch toàn bộ bài diễn văn:

Thưa bà phó tổng thống và thưa quốc dân đồng bào,

Đúng vào ngày này một năm trước đây, tại nơi thiêng liêng này, nền dân chủ nước Mỹ bị tấn công. Ý chí của người dân bị tấn công. Hiến Pháp của đất nước chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng nhất. 

Dù phải đối mặt trước các cuộc tấn công tàn bạo với số lượng người đông hơn gấp bội, các thành viên Cảnh Sát Quốc Hội, Sở Cảnh Sát Washington DC, Vệ Binh Quốc Gia cùng những nhân viên công lực can đảm khác đã cứu nguy cho công lý. 

Nền dân chủ đã được giải cứu. Người dân đã chiến thắng.

Lần đầu tiên trong lịch sử của đất nước, một tổng thống vừa thất cử cố gắng ngăn cản việc chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa với một đám đông hỗn loạn, đầy bạo lực, tấn công vào Quốc Hội. Nhưng họ đã thất bại! Thật sự, hoàn toàn thất bại!

Và vào ngày đáng ghi nhớ này, chúng ta phải bảo đảm rằng một cuộc nổi loạn như vậy sẽ không bao giờ, không bao giờ, xảy ra một lần nữa.

Hôm nay, tôi nói chuyện với đồng bào từ Statuary Hall, trụ sở Quốc Hội. Đây là nơi Hạ Viện đã họp trong 50 năm ở những thập niên trước Nội Chiến.

Tại đây, này, nơi một thượng nghị sĩ trẻ của tiểu bang Illinois, ông Abraham Lincoln, ngồi ở bàn 191. Phía trên ông, phía trên chúng tôi đi qua cánh cửa đó, dẫn vào mái vòm, là bức tượng của Clio, nữ thần lịch sử. Trên tay bà, một cuốn sách đang mở, trong đó bà ghi lại những sự kiện đang diễn ra nơi đây. Nữ thần lịch sử Clio hiện diện tại hội trường này, đúng một năm trước đây, cũng như hơn 200 năm qua. Bà ghi lại những gì đã diễn ra: Lịch sử thật, dữ kiện thật, sự thật mà Phó Tổng Thống Kamala Harris vừa mới kể. “Sự thật” mà quý vị cùng tôi và cả thế giới tận mắt chứng kiến.

Kinh Thánh nói rằng hãy nhận biết sự thật và sự thật sẽ giải thoát chúng ta. Chúng ta sẽ biết sự thật. Đây là sự thật về ngày 6 Tháng Giêng, 2021. 

Hãy nhắm mắt lại và quay trở lại ngày hôm đó. 

Đồng bào thấy gì?

Những kẻ nổi loạn tràn ngập vào bên trong toà nhà Quốc Hội này, đưa lá cờ Liên Minh Miền Nam tượng trưng cho nguyên nhân chia cắt và tiêu diệt nước Mỹ. 

Ngay cả trong thời Nội Chiến, bạo loạn như thế chưa bao giờ xảy ra. Nhưng chuyện này đã xảy ra ở đây vào năm 2021 vừa qua.

Đồng bào còn thấy gì nữa không? 

Một đám đông ô hợp, đập vỡ kiếng cửa sổ, phá các cửa ra vào, xâm nhập vào Quốc Hội, dùng cán cờ Mỹ làm vũ khí như giáo mác, dùng bình cứu hỏa phang vào đầu các cảnh sát viên. 

Một đám đông ô hợp luôn miệng tuyên bố yêu quý nhân viên công lực nhưng lại hành hung các nhân viên cảnh sát: Kéo lê, xịt hơi cay, và dẫm đạp lên họ. Đã có tới hơn 140 cảnh sát bị thương. 

Tất cả chúng ta đều nghe các viên chức cảnh sát, túc trực tại nơi này trong ngày hôm đó, ra điều trần, kể lại những gì đã xảy ra. Một giới chức công lực mô tả đó là “một trận hỗn chiến thời Trung Cổ,” và sự việc xảy ra trong ngày hôm đó làm cho ông sợ hãi hơn cả khi chiến đấu tại Iraq.

Thử hỏi: Đố có người nào, bất kỳ ai, dám giảm nhẹ, coi thường, hoặc phủ nhận “lửa địa ngục” mà những cảnh sát viên phải trải qua trong ngày hôm đó?

Chúng ta tận mắt chứng kiến ​​những kẻ bạo loạn hoành hành khắp mọi chỗ tại toà nhà Quốc Hội này. Rồi họ còn đe dọa tính mạng vị chủ tịch Hạ viện, hay dựng giá đòi treo cổ vị phó tổng thống của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Còn những điều gì mà chúng ta không nhìn thấy? 

Đó là chúng ta không thấy một cựu tổng thống, sau khi kích động đám đông tấn công vào Quốc Hội, rồi rút êm vào trong phòng ăn riêng, kế Phòng Bầu Dục trong Toà Bạch Ốc, ngồi xem tất cả diễn tiến của cuộc nổi loạn, trên màn ảnh truyền hình. 

Nhưng, ông ấy đã không hành động gì hết, dù chứng kiến cảnh sát bị hành hung, dù bao nhiêu sinh mạng bị đe doạ, và thủ đô nước Mỹ chìm trong hỗn loạn.

Những người nổi loạn đó không phải là khách du lịch. Đây là một cuộc nổi dậy có vũ trang. 

Những người nổi loạn này không tìm cách bảo vệ mà tìm cách phủ nhận ý chí người dân. Họ đến để áp đặt duy ý chí chứ không tìm kiếm một cuộc bầu cử tự do và công bằng. Họ đến để tìm cách lật ngược kết quả bầu cử. 

Họ đến nhưng không phải để cứu chính nghĩa, mà tìm cách chà đạp Hiến Pháp nước Mỹ. 

Nhắc lại chuyện này hôm nay, không phải để bị sa lầy trong quá khứ, nhưng để bảo đảm những sai trái của quá khứ không bị chôn vùi.

Đó là phương cách duy nhất để tiến lên phía trước. 

Đó là những gì các quốc gia vĩ đại từng thực hiện: Không vùi lấp sự thật mà đối mặt để giải quyết. Điều này nghe có vẻ cường điệu hoá, nhưng đó là sự thật. 

Các quốc gia vĩ đại đó luôn sẵn sàng đối diện sự thật. 

Và đất nước chúng ta cũng là một quốc gia vĩ đại như thế.

Thưa đồng bào, sự thật luôn hiện hữu trên cuộc đời, tuy nhiên, cũng cay đắng rằng vẫn tồn tại những lời nói dối. 

Những lời dối gạt được hình thành và lan truyền vì lợi ích và quyền lực. 

Chúng ta cần phải tuyệt đối biết rõ ràng đâu là sự thật và đâu là dối trá! 

Và đây là sự thật: Cựu tổng thống Mỹ đã bịa đặt và lan truyền một hệ thống dối trá về cuộc bầu cử năm 2020. 

Ông ấy làm như thế vì coi trọng quyền lực cá nhân hơn nền tảng quốc gia, bởi vì, ông ấy nhìn lợi ích của bản thân quan trọng hơn lợi ích của nước Mỹ. 

Và ông ấy cho rằng tự ái của mình bị tổn thương còn quan trọng hơn nền dân chủ hay Hiến Pháp của đất nước.

Ông ấy không muốn chấp nhận thua cuộc, mặc dù, đó là điều mà 93 vị thượng nghị sĩ, bộ trưởng tư pháp, và cả vị phó tổng thống của ông ấy, cùng các thống đốc và giới chức ở các tiểu bang chiến trường đều đồng thuận: Ông ấy đã thua cuộc bầu cử.

Và đó cũng là điều mà 81 triệu người Mỹ đã làm khi quyết định bỏ phiếu cho một con đường mới ở phía trước. 

Ông ấy đã làm một điều mà chưa từng có một vị tổng thống nào trong lịch sử nước Mỹ thực hiện: Đó là từ chối chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử và ý chí của người dân Mỹ.

Trong khi một số người, nam và nữ giới, can đảm trong đảng Cộng Hòa, đang chống lại sự dối trá đó, họ cố gắng bảo tồn nền móng nguyên tắc của đảng, thì lại có quá nhiều người khác đang biến đảng đó thành một thứ gì đó khác, không còn là đảng của các tổng thống như Lincoln, Eisenhower, Reagan, hay hai cha con Bush.

Bất chấp những khác biệt giữa tôi với những người Cộng Hòa trung thành với một nhà nước pháp quyền chứ không phải với một cá nhân, tôi sẽ luôn tìm cách làm việc cùng với họ, để tìm ra các giải pháp chung.

Bởi vì nếu chúng ta có chung niềm tin vào nền dân chủ, thì bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra. 

Vì vậy, ngay lúc này, chúng ta cần phải quyết định xem chúng ta sẽ trở thành quốc gia nào? 

Nước Mỹ sẽ trở thành một quốc gia chấp nhận bạo lực như một chuẩn mực chính trị chăng? 

Hay liệu đất nước này trở thành một quốc gia cho phép giới chức bầu cử có quyền lật ngược ý chí của người dân được thể hiện một cách hợp pháp qua lá phiếu hay không?

Liệu có phải chúng ta trở thành một quốc gia sống không dưới ánh sáng sự thật mà dưới cái bóng của sự dối trá? 

Chúng ta không thể cho phép mình trở thành loại dân tộc như vậy. Con đường tương lai phía trước là nhìn nhận và sống theo sự thật.

Lời dối trá “Big Lie” được cựu tổng thống và nhiều đảng viên Cộng Hòa, những người sợ cơn thịnh nộ của ông ấy, kể lại là vụ nổi loạn ở đất nước này thực sự diễn ra vào Ngày Tổng Tuyển Cử, 3 Tháng Mười Một, 2020.

Hãy suy nghĩ về việc này. 

Những gì họ nói đó, có phải là những gì đồng bào nghĩ hay không? Hay đó có phải là những gì mà đồng bào nghĩ đến khi bỏ phiếu trong ngày hôm đó? 

Đồng bào có nghĩ rằng khi bỏ phiếu, thực hiện nghĩa vụ cao nhất của một công dân, có nghĩa là đồng bào “đang nổi loạn” hay không?

Những người ủng hộ cựu tổng thống đang cố gắng sửa lại lịch sử. Họ muốn đồng bào xem Ngày Bầu Cử là Ngày Nổi Loạn và cuộc bạo động diễn ra tại Quốc Hội vào ngày 6 Tháng Giêng, 2021 là một biểu hiện thực sự của ý chí người dân Mỹ.

Đồng bào có thể nào tưởng tượng một cách khó hiểu hơn thế hay không, để phác hoạ về đất nước này, về nước Mỹ? 

Tôi không thể nào hình dung được như thế.

Và sự thật là đây: Cuộc bầu cử năm 2020 là cuộc biểu dương dân chủ vĩ đại nhất trong lịch sử của nước Mỹ. 

Số cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử năm 2020 đó nhiều hơn bao giờ hết trong lịch sử nước Mỹ. Có tới hơn 150 triệu người Mỹ bỏ phiếu dù trong lúc có đại dịch COVID-19.

Nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng của nhiều cử tri là rất lớn, do đó, nên hoan nghênh những người thực hiện quyền công dân, chứ không công kích hay chỉ trích họ.

Tuy nhiên, ngay lúc này, nhiều tiểu bang đang soan thảo luật bầu cử mới. Không phải để bảo vệ, mà là để phủ nhận quyền đầu phiếu của cử tri. 

Các luật mới không những chỉ áp chế việc bỏ phiếu, mà còn để huỷ bỏ. Không phải để củng cố hoặc bảo vệ nền dân chủ của đất nước, nhưng làm theo ý của vị cựu tổng thống thất cử. 

Thay vì xem xét kết quả bầu cử từ năm 2020 và đưa ra các ý tưởng mới hoặc ý tưởng tốt hơn để được nhiều phiếu bầu hơn, cựu tổng thống và những người ủng hộ ông quyết định áp chế quyền đầu phiếu của đồng bào và hủy hoại cuộc bầu cử để tìm chiến thắng.

Thật vô cùng sai trái!

Phải nói thẳng ra: Đó là hành động phản dân chủ. Không phải là tinh thần của Mỹ.

Lời nói dối “Big Lie” thứ nhì mà những người ủng hộ cựu tổng thống phao tin rằng kết quả cuộc bầu cử 2020 không đáng tin tưởng. 

Sự thật là không có bất kỳ cuộc bầu cử nào trong lịch sử nước Mỹ được kiểm soát kỹ lưỡng hơn hay được tính toán kỹ lưỡng hơn cuộc bầu cử năm 2020.

Mọi vụ kiện đưa nghi vấn về kết quả bầu cử nộp ở mọi cấp tòa án đều bị các thẩm phán bác bỏ, mà đa số họ là do giới chức Cộng Hòa bổ nhiệm, bao gồm cả người do chính cựu tổng thống bổ nhiệm, từ các tòa án tiểu bang đến Tối Cao Pháp Viện Mỹ. 

Chuyện tái kiểm phiếu được thực hiện nhiều nơi. Tiểu bang Georgia thực hiện việc tái kiểm phiếu đến ba lần, và một lần đếm lại bằng tay. Ngoài ra, còn các cuộc kiểm phiếu mang tính đảng phái được tiến hành ở vài tiểu bang vào lúc rất lâu sau ngày bầu cử. 

Rốt cuộc là kết quả không hề thay đổi. 

Điều mỉa mai cho bên đòi đếm phiếu lại là, ở một số nơi, tỉ lệ phiếu bầu cho người chiến thắng lại gia tăng.

Vì vậy, cần phải nói rõ ràng những gì xảy ra vào năm 2020. 

Ngay cả trước khi lá phiếu đầu tiên được đưa vào thùng phiếu, cựu tổng thống đã gieo rắc nghi ngờ về kết quả bầu cử. Ông ấy tung ra những lời nói dối trong nhiều tháng trước đó và hoàn toàn không dựa trên bất kỳ bằng chứng nào. 

Thực sự, ông ấy chỉ tìm một cái cớ, một cái cớ để che đậy sự thật: Đó là ông ấy không chỉ là một cựu tổng thống. 

Ông ấy là một cựu tổng thống bị thất cử, vì thua tới hơn 7 triệu phiếu bầu của đồng bào. Ông ấy thua trong một cuộc bầu cử toàn vẹn, tự do, và công bằng.

Rõ ràng, sự thật đơn giản là không có bằng chứng nào cho thấy kết quả bầu cử không chính xác. Trên thực tế, tại tất cả các phiên toà, khi cần phải đưa ra bằng chứng và tuyên thệ nói sự thật, cựu tổng thống không chứng minh được những cáo buộc mà ông đưa ra.

Chỉ cần suy nghĩ về chi tiết này: Cựu tổng thống và những người ủng hộ ông chưa bao giờ có thể giải thích tại sao họ lại chấp nhận kết quả bầu cử khác cũng diễn ra vào ngày 3 Tháng Mười Một, 2020. 

Ví dụ, các cuộc bầu cử cho các chức vụ thống đốc tiểu bang, hay tại Thượng Viện và Hạ Viện, đặc biệt, kết quả bầu cử giúp thu hẹp khoảng cách tại Hạ Viện. 

Tại sao họ không thắc mắc?

Trên mỗi lá phiếu bầu, tên của tổng thống đứng đầu tiên, rồi kế tiếp, những hàng dưới là thống đốc, thượng nghị sĩ, và dân biểu Hạ Viện.

Tại sao các cuộc bầu cử những chức vụ khác đều chính xác, nhưng cuộc bầu cử tổng thống lại sai sót, dù được tính trên cùng một lá phiếu? Tại sao chỉ có sự khác biệt trên cuộc bầu cử tổng thống dù lá phiếu được bỏ cùng một ngày, của một cử tri?

Điểm khác biệt là, cựu tổng thống không thua ở những chức vụ khác, chỉ thua trong phần tranh cử mà ông tham gia thôi.

Cuối cùng, lời nói dối “Big Lie” thứ ba được cựu tổng thống và những người ủng hộ truyền đi là đám đông tìm cách áp đặt ý chí của họ thông qua bạo lực là những người ái quốc thực sự.

Đó có phải là điều đồng bào nghĩ khi nhìn đám đông ô hợp lục soát các văn phòng trong trụ sở Quốc Hội, phá hoại tài sản, phóng uế theo đúng nghĩa đen ở hành lang? 

Lục lọi bàn làm việc của các thượng nghị sĩ và dân biểu? Hay săn lùng các thành viên của quốc hội? Phải chăng đó là yêu nước? 

Đó không phải là quan điểm của tôi.

Đối với tôi, những người yêu nước thực sự là hơn 150 triệu người Mỹ bày tỏ một cách ôn hòa bằng lá phiếu của họ trong cuộc bầu cử, là những nhân viên bầu cử cương trực bảo vệ tính toàn vẹn của lá phiếu, và những anh hùng đã bảo vệ toà nhà Quốc Hội linh thiêng này. 

Không thể nói là yêu nước chỉ khi nào được thắng cử. Không thể nói là tôn trọng luật pháp khi chỉ tuân theo luật vì có lợi cho mình. 

Không thể nào là một người yêu nước khi dung dưỡng và cho phép dối trá.

Những kẻ nổi loạn tại Quốc Hội và những kẻ xúi giục, kích động như thế chẳng khác nào cứa dao vào cổ họng nước Mỹ và nền dân chủ Mỹ.

Những kẻ bạo loạn vào tòa nhà này không phải vì lòng yêu nước hay thượng tôn luật pháp. 

Họ đến đây trong cơn cuồng nộ, không phải phục vụ đất nước Mỹ, mà chỉ là phục vụ cho một con người, kẻ đã kích động đám đông, kẻ âm mưu thực sự, kẻ đang tuyệt vọng không dám nhìn nhận sự chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử này, và bất chấp ý chí của cử tri Mỹ. 

Nhưng âm mưu của họ bị phá vỡ. Các vị dân cử Quốc Hội, Dân Chủ lẫn Cộng Hòa, đều ngồi lại. Các thượng nghị sĩ, dân biểu, nhân viên Quốc Hội, cùng hoàn thành nhiệm vụ theo yêu cầu của Hiến Pháp. Đó là những người đã vinh dự tuyên thệ bảo vệ Hiến Pháp chống lại mọi kẻ thù, trong cũng như ngoài nước.

Thưa đồng bào, giờ đây, mọi chuyện tùy thuộc quyết định của tất cả chúng ta: Tôn trọng nền tảng pháp quyền, gìn giữ ngọn lửa dân chủ, giữ lời hứa bảo vệ sự trường tồn của nước Mỹ. 

Nhưng lời hứa này đang bị đe doạ và trở thành mục tiêu hủy diệt của các thế lực coi trọng bạo lực. Sự tôn nghiêm của nền dân chủ bị khuất phục. Sợ hãi hơn hy vọng. Trục lợi cá nhân hơn lợi ích của đất nước.

Đừng nhầm lẫn về điều đó. 

Chúng ta đang sống ở một thời điểm lịch sử, cả trong nước Mỹ lẫn thế giới bên ngoài. 

Chúng ta đang một lần nữa bước vào cuộc đấu tranh giữa dân chủ và chuyên quyền, giữa khát vọng của quảng đại quần chúng và lòng tham của thiểu số. Giữa quyền được tự quyết của người dân và sự chuyên quyền vụ lợi. 

Nên nhớ Trung Quốc, Nga, và nhiều hơn nữa, các thế lực ngoại bang này đang đánh cược tính sổ ngày cuối cùng của các nền dân chủ. Những thế lực này thực sự cho rằng dân chủ quá chậm, quá sa lầy vì chia rẽ để thành công trong thế giới phức tạp và thay đổi nhanh chóng như ngày nay.

Và họ đang đánh cược, họ đang đặt cược rằng nước Mỹ sẽ trở nên giống như họ hơn và không còn là chúng ta nữa. Họ đang đặt cược nước Mỹ sẽ là nơi dành cho thể chế chuyên quyền, kẻ độc tài, kẻ mạnh. 

Tôi không tin điều đó. 

Đó không phải bản chất của con người chúng ta. Đó không phải là con người chúng ta trước đây. Và đó không hề là con người của chúng ta.

Các nhà lập quốc, dù không phải là hoàn hảo, đã lập ra nền tảng dân chủ, một thí nghiệm làm thay đổi thế giới. Sự thay đổi thế giới theo đúng nghĩa đen. Đó là tại nước Mỹ, chính người dân sẽ cai trị. Quyền lực sẽ được chuyển giao một cách hòa bình. Không bao giờ quyền lực được giành giựt bằng đầu của ngọn giáo hoặc nòng súng. 

Quả thực, tại nước Mỹ này, tất cả mọi người đều bình đẳng. Hãy bỏ quan điểm cho rằng nếu ai đó thành công thì tôi phải thất bại. Hay nếu người vượt lên phía trước, chúng ta sẽ tụt lại phía sau. Hay phải kềm hãm người khác để nâng mình lên.

Cựu tổng thống nói dối về cuộc bầu cử này và đám đông ô hợp tấn công Quốc Hội, những người này không thể chối bỏ các giá trị cốt lõi của nước Mỹ. 

Đất nước của chúng ta chiến đấu tại Gettysburg và Omaha Beach, Seneca Falls, Selma, Alabama đề đạt được: Quyền bầu cử. Sự Độc Lập. Quyền tự định đoạt.

Quyền lợi phải đi kèm với trách nhiệm. Trách nhiệm coi nhau như hàng xóm của nhau. Có thể chúng ta không đồng ý với người láng giềng, nhưng họ không phải là kẻ thù. 

Phải có trách nhiệm để chấp nhận thất bại, sau đó trở lại đấu trường và tiếp tục tranh đấu để hoàn thành ý nguyện của mình. Trách nhiệm phải thấy rằng nước Mỹ là một lý tưởng. Một lý tưởng đòi hỏi sự quản trị đầy trọng trách.

Hôm nay, một năm kể từ ngày 6 Tháng Giêng, 2021, những lời nói dối châm ngòi cho sự tức giận và điên cuồng bùng nổ ở nơi này. Tác hại của lời nói dối đó vẫn chưa nguôi ngoai. 

Vì vậy chúng ta phải kiên quyết và không để bị khuất phục trong việc bảo vệ quyền bầu cử.

Một số anh hùng đã hy sinh trong nỗ lực thiêng liêng này. 

Jill và tôi đã để tang các cảnh sát viên trong tòa nhà Quốc Hội này không phải một lần mà là hai lần vì sự kiện ngày 6 Tháng Giêng. Một lần để vinh danh cảnh sát viên Brian Sicknick, người bị mất mạng một ngày sau vụ tấn công. Lần thứ hai để vinh danh cảnh sát viên Billy Evans, người cũng đã mất mạng để bảo vệ toà nhà này.

Chúng tôi nghĩ về những người khác nữa đã mất mạng hoặc bị thương và tất cả những ai đang sống với vết thương lòng vì những gì xảy ra trong ngày hôm đó. Từ những nhân viên công lực bảo vệ cho đến các thành viên của Quốc Hội ở cả hai đảng cùng các nhân viên của họ, hoặc các phóng viên, nhân viên phục vụ, và gia đình họ.

Xin đừng xem đây là chuyện đùa! Vì nỗi đau và vết sẹo ngày đó càng lúc càng trầm trọng. 

Tôi từng nói điều này nhiều lần là đừng nên tranh cãi là đúng hay có thực hay không về các sự kiện của ngày 6 Tháng Giêng. 

Trọng tâm lúc này là chúng ta đang ở trong một trận chiến vì linh hồn của nước Mỹ. Một trận chiến mà nhờ hồng ân của Thượng Đế và lòng thiện tâm cùng sự vĩ đại của dân tộc này, chúng ta sẽ chiến thắng.

Hãy tin nơi tôi: Tôi biết dân chủ khó khăn như thế nào. Và tôi biết rất rõ ràng về những mối đe dọa mà nước Mỹ phải đối mặt. Nhưng tôi cũng biết rằng dù trong những ngày đen tối nhất vẫn có lúc dẫn đến ánh sáng và hy vọng. Như Phó Tổng Thống Kamala Harris nhắc đến trận Trân Châu Cảng, từ cái chết và sự hủy diệt nhưng vẫn chiến thắng các lực lượng của chủ nghĩa phát xít. Hay từ sự tàn khốc của Ngày Chủ Nhật Đẫm Máu Trên Cầu Edmund Pettus đã ra đời một đạo luật lịch sử về quyền bỏ phiếu.

Vì vậy, bây giờ chúng ta hãy bước lên. Hãy viết chương tiếp theo trong lịch sử Hoa Kỳ, nơi mà ngày 6 Tháng Giêng không phải đánh dấu sự kết thúc của nền dân chủ mà là khởi đầu của kỷ nguyên phục hưng của sự tự do và công bằng.

Tôi không tìm một trận chiến tại nơi này đúng vào thời điểm tròn năm trước xảy ra bạo loạn, nhưng tôi cũng sẽ không thu mình lại. Nhưng tôi sẽ đương đầu với biến cố phạm pháp này. Tôi sẽ bảo vệ đất nước chúng ta, và tôi sẽ không cho phép ai kề dao găm vào cổ họng của nền dân chủ. 

Tôi sẽ làm mọi cách để bảo đảm ý nguyện của người dân phải được lắng nghe. Rằng lá phiếu sẽ thắng thế, không phải bạo lực. Quyền lực của quốc gia này sẽ luôn được chuyển giao một cách hòa bình. 

Tôi tin rằng sức mạnh và mục đích của chức vụ tổng thống là để đoàn kết quốc gia, chứ không phải để chia rẽ. Để nâng chúng ta lên. Không phân tách chúng ta. 

Chức vụ tổng thống để phục vụ cho tất cả chúng ta, chứ không phải chỉ riêng cho tôi. Ngay từ sâu thẳm trong lòng nước Mỹ là ngọn lửa tự do, độc lập và bình đẳng đã đốt lên gần 250 năm trước. Đây không phải là lãnh địa của vua chúa hay những kẻ độc tài.

Đây là một quốc gia của trật tự, không hỗn loạn, hòa bình, không bạo lực. 

Ở nước Mỹ, quyền của người dân cai trị thông qua lá phiếu. Và ý nguyện của họ sẽ thắng thế. 

Vì vậy, chúng ta hãy cùng nhau nhớ rằng, chúng ta là một quốc gia dưới sự che chở của Thượng Đế, không thể chia cắt. 

Và rằng hôm nay, ngày mai, và mãi mãi, điều tốt nhất của chúng ta chính là Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Xin Thượng Đế ban phước cho tất cả đồng bào và bảo vệ quân đội chúng ta. 

Xin Thượng Đế phù hộ cho những người bảo vệ nền dân chủ của chúng ta. (MPL) [đ.d.]

 

MỚI CẬP NHẬT