Thursday, March 28, 2024

Chuyến bay SpaceX chở người có thể trì hoãn vì lý do an toàn

WASHINGTON DC (NV) – Thanh tra chính phủ muốn SpaceX thay thế một bộ phận quan trọng ở động cơ hỏa tiễn trước khi bắt đầu đưa người vào không gian, theo Christian Science Monitor, do kinh nghiệm thảm khốc trước đây khiến vấn đề an toàn cần được kỹ lưỡng hơn.

Giới chức thuộc Văn Phòng Kế Toán Chính Phủ (GAO) nhận thấy có vấn đề về an toàn đối với bộ phận bơm nhiên liệu vào động cơ hỏa tiễn Falcon 9 của SpaceX.

Các nhà thanh tra cho rằng “các bộ phận dễ bị nứt” là một rủi ro về an toàn quan trọng khiến cần phải được tái thiết kế.

Điều này có thể dẫn đến việc trì hoãn chuyến bay có chở người đầu tiên của Falcon 9, mà gần đây bị dời lại từ mùa Xuân 2017 đến một lúc nào đó của năm 2018, thậm chí có thể lâu hơn nữa.

Kể từ khi chương trình phi thuyền con thoi của NASA kết thúc vào năm 2011, phi hành gia Hoa Kỳ phải tạm quá giang phi thuyền Soyuz của Nga, trong khi các công ty tư nhân đang phát triển một phi thuyền khác thay thế chiếc con thoi.

Khám phá của GAO sẽ được công bố trong một báo cáo sắp tới đây, làm chậm lại nỗ lực loại phi thuyền mới đó của SpaceX; đồng thời vấn đề an toàn cũng làm trì hoãn đối thủ chính của SpaceX là Boeing.

Đối với người dân Hoa Kỳ háo hức muốn nhìn thấy phi hành gia được bắn lên không gian trở lại từ Cape Canaveral, kể cả đối với các công ty muốn sinh lợi qua việc cung cấp vật liệu, trì hoãn như vậy có vẻ như không biết đến lúc nào mới thực hiện được.

Nhưng theo quan điểm của NASA, tìm tòi và sửa chữa những khiếm khuyết trong thiết kế trước khi phóng là điều thiết yếu để bảo đảm sự an toàn cho các phi hành gia trong tương lai.

Như tường thuật của báo Wall Street Journal, NASA từng nói với SpaceX rằng các đường nứt là rủi ro không thể chấp nhận được đối với các chuyến bay có chở người.

Từ khi thành lập vào năm 2010, SpaceX từng phóng thành công nhiều chuyến bay chở hàng cũng như đưa các vệ tinh lên quỹ đạo, và hy vọng sẽ phóng một hỏa tiễn mỗi tuần trong vòng vài năm tới.

Phóng càng thường xuyên có lẽ việc kiểm soát an toàn càng được nhanh hơn. Điều đó có thể được đối với chuyến bay chở hàng hoặc vệ tinh nhưng kinh nghiệm cho thấy nếu đem áp dụng vào các sứ mạng có chở người thì kết quả có thể là thảm khốc.

Hôm 27 Tháng Giêng, 1967, ba tuần trước ngày phóng, phi thuyền Apollo 1 bị phát hỏa làm thiệt mạng ba phi hành gia, khiến NASA bị chỉ trích là quá vội vã để có thể đưa người lên mặt trăng trước năm 1970.

Gần như đúng 19 năm sau, vào ngày 28 Tháng Giêng, 1986, phi thuyền con thoi Challenger bị nổ tung khi vừa rời giàn phóng, làm cả bảy phi hành gia đều tử nạn.

Sau khi một hỏa tiễn Falcon 9 bị nổ trên giàn phóng hồi năm ngoái, SpaceX làm việc trong bốn tháng trời trước khi cho phóng lại những chuyến đưa vệ tinh lên quỹ đạo.

Nhưng trước khi các nhà thanh tra có thể tin tưởng được các công ty tư nhân trong việc phóng các phi hành gia lên không gian, họ sẽ còn đòi hỏi phải tìm tòi khiếm khuyết và loại bỏ hết các rủi ro, vốn thường được coi nhẹ đối với các chuyến bay chở hàng để tiết kiệm thời gian.

Như tường thuật của tạp chí An Toàn Không Gian hồi Tháng Mười Hai, “Những cuộc trì hoãn lâu hơn là điều có thể xảy ra, theo lời của tổng thanh tra của NASA nhắn nhủ với cả hai công ty,” SpaceX và Boeing. (TP)

MỚI CẬP NHẬT