Saturday, April 27, 2024

Đại học công lập California có cung cấp thuốc phá thai nhưng… ít ai biết

SACRAMENTO, California (NV) – Đạo Luật SB 24 có hiệu lực từ 1 Tháng Giêng, 2023, buộc các đại học công lập phải cung cấp thuốc phá thai miễn phí cho sinh viên nhưng đến nay, rất nhiều người biết dịch vụ này, theo báo mạng LAist ngày 31 Tháng Giêng.

Khi sinh viên Deanna Gomez phát hiện mình có thai vào Tháng Chín, 2023, cuộc đời cô như bế tắc.

Rất ít sinh viên đại học công lập California biết trường phát thuốc phá thai miễn phí. (Hình minh hoa: csusb.edu)

Cô Gomez là sinh viên đại học Cal State San Bernardino năm cuối và chưa muốn có con vì phải vừa làm hai việc mà lại phải ôn thi tốt nghiệp vào Tháng Mười Hai.

Cô quyết định phá thai bằng thuốc, một quy trình gồm hai bước: Một viên thuốc uống tại phòng khám, và một viên thuốc khác vào hôm sau để gây co thắt, chảy máu, và làm rỗng tử cung.

Cô phải lái xe hơn 300 dặm đến ba văn phòng y tế và phải trả hàng trăm đô la. Cô đã bỏ lỡ một tháng học, khiến ngày tốt nghiệp của cô bị ảnh hưởng.

Cô không biết mình được phá thai bằng thuốc miễn phí ngay tại trường.

Một cuộc điều tra của LAist phát hiện rằng một năm sau khi California trở thành tiểu bang đầu tiên yêu cầu các trường đại học công lập cung cấp thuốc phá thai cho sinh viên mà thông tin cơ bản về địa điểm hay thủ tục để sinh viên lấy thuốc vẫn còn thiếu hoặc không có.

“Tôi rất bực khi biết chuyện,” cô Gomez nói với LAist. “Tôi phải làm việc rất cực mới kiếm được số tiền đó.”

LAist thấy gần một nửa số phòng khám trong khuôn viên các đại học thuộc hệ thống Cal State (CSU) không có bất kỳ thông tin nào về phá thai bằng thuốc trên trang web của phòng khám và cũng không liệt kê nó. Trong số 10 khuôn viên của CSU, chỉ có tám trường đăng nội dung liên quan phá thai trên trang web phòng khám của họ.

Qua các cuộc trò chuyện với sinh viên và giảng viên tại nhiều trường, LAist nhận thấy nhiều nơi chưa thông báo cho sinh viên rằng thuốc phá thai có sẵn cho họ. Việc nhận được thông tin này có thể sẽ giảm căng thẳng cho nhiều người mang thai ngoài ý muốn.

“Luật này quan trọng hơn bao giờ hết”

Các đại học nhận tài trợ để cung cấp thuốc phá thai nhưng luật không buộc phải quảng bá nên… họ không làm. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)

Năm 2019, các nhà lập pháp California đưa ra Dự Luật 24 của Thượng Viện, yêu cầu tất cả 33 đại học công lập của tiểu bang cung cấp thuốc phá thai trong khuôn viên trường.

Năm đó là một trong những năm gây tranh cãi nhất trong cuộc tranh luận toàn quốc về quyền phá thai. California và tám tiểu bang khác đã chuyển sang bảo vệ và mở rộng khả năng tiếp cận phá thai. Các nhà lập pháp ở 17 tiểu bang khác đã chuyển sang hạn chế việc này.

“Chúng tôi muốn bảo đảm rằng các sinh viên, nữ sinh, có quyền tiếp cận việc này,” bà Connie Leyva, cựu thượng nghị sĩ California và là tác giả dự luật, nói.

Cơ quan lập pháp California đã thành lập một quỹ trị giá $10.2 triệu để giúp các đại học thực thi luật mới. Mỗi cơ sở nhận được $200,000 tài trợ để thanh toán thuốc và trang trải các chi phí như nâng cấp cơ sở, thiết bị, đào tạo, dịch vụ y tế từ xa, và nâng cấp an ninh.

Cho đến gần đây, Cal State San Bernardino là một trong 11 đại học không liệt kê phá thai nội khoa là một dịch vụ dành cho sinh viên trong khuôn viên trường.

Một phát ngôn viên nói ông Michael Drake, chủ tịch hệ thống đại học University of California (UC), chưa thể trả lời việc này.

“Các cộng đồng sinh viên tại mỗi cơ sở UC đều khác biệt,” bà Heather Harper, phát ngôn viên về y tế trong văn phòng ông Drake, nói. “Do đó, việc liên lạc với sinh viên ở mỗi địa điểm có nhiều hình thức khác nhau và có thể bao gồm nội dung trang web, flyer, email, cuộc trò chuyện trực tiếp hoặc các cách thức khác.”

Văn phòng bà Mildred Garcia, chủ tịch hệ thống CSU, cũng không trả lời yêu cầu bình luận.

“Tôi không muốn có thai”

Tháng Giêng, 2021 – hai năm trước khi Đạo Luật SB 24 có hiệu lực – sinh viên Diana Venegas còn ba học kỳ nữa là tốt nghiệp đại học Cal State Northridge.

Cô Venegas thử thai và kết quả dương tính.

“Tôi khóc vì không muốn mang thai chút nào,” cô nói. “Rồi tôi lại tiếp tục khóc khi nhìn vào chi phí,” cô Venegas nói và nhớ lại rằng ước tính vào thời điểm đó là khoảng $200, chưa kể chi phí đi lại.

Luật này được ban hành cho ai?

Cô Venegas là loại sinh viên mà Đạo Luật SB 24 được soạn thảo để giúp đỡ. Cô Deanna Gomez cũng vậy.

Cô Gomez có thai vào Tháng Chín, 2023. Luật mới đã được thông qua rồi nhưng cô không biết.

Cô nói, tại thời điểm đó, cô không thể chu cấp cho một đứa trẻ.

“Tôi lớn lên trong nghèo khó,” cô Gomez nói. “Tôi không quên được và tôi không muốn điều đó xảy ra cho con tôi.”

Cô nói, nếu cô biết rằng có thể tiếp cận các dịch vụ tại phòng khám trong khuôn viên trường, cô sẽ không do dự.

“Chúng ta phải làm việc nhiều hơn và tốt hơn”

Ngay cả khi cô Gomez kiểm tra trang web của phòng khám, cô cũng sẽ không biết có thuốc phá thai.

Bà Beth Jaworski, giám đốc điều hành y tế, tư vấn và chăm sóc sức khỏe của đại học Cal State San Bernardino, thừa nhận thông tin về việc phá thai bằng thuốc không có trên trang web của phòng khám.

Bà cho biết sinh viên có thể xem thông tin đó khi họ đăng nhập vào “patient portal.”

LAist không thể xác minh lời bà. Bà cũng nói rằng thông tin được đăng trong phòng bệnh nhân và phòng vệ sinh của phòng khám.

Phá thai bằng thuốc không được dán ở bất cứ nơi nào trên cửa phòng khám, ở hành lang hoặc hiệu thuốc, hoặc xung quanh khuôn viên trường.

Bà Jaworski cho biết việc phá thai bằng thuốc đã được đề cập đến trong các buổi thuyết trình của trung tâm y tế trong những giờ không có lớp – cũng như trong các bài đăng trên mạng xã hội và bản tin của trường, nhưng bà không cung cấp ví dụ.

Sau cuộc phỏng vấn với LAist, phá thai bằng thuốc đã xuất hiện trên trang web của phòng khám sức khỏe đại học Cal State San Bernardino, là một dịch vụ mà trường cung cấp.

Không theo kịp bạn học

Nhiều sinh viên biết trường có phòng khám nhưng tưởng chỉ để chích ngừa và không hay biết gì về thuốc phá thai. (Hình minh họa: David McNew/Getty Images)

Không biết việc phá thai bằng thuốc miễn phí được cung cấp trong khuôn viên trường, cô Gomez nghĩ rằng cách tốt nhất để được chăm sóc là đến cơ sở phá thai của “Planned Parenthood” gần nhất ở Upland. Cô kể rằng cô nhận thấy sự tương tác với một nhân viên ở đó không được vui vẻ nên đã lái xe đến một địa điểm khác ở Pasadena, cách đó hơn 1 giờ.

Cô Gomez trả $575 tiền khám và thuốc. Cô uống viên thuốc đầu tiên tại “Planned Parenthood” ở Pasadena.

Cô ấy uống viên thứ hai tại nơi làm việc vào hôm sau, trong giờ nghỉ trưa.

Nhiều ngày sau, cô vẫn thấy buồn nôn. Quá mệt mỏi sau 60 giờ làm việc một tuần, cô gần như không vô lớp trong Tháng Mười.

Tháng sau, cô vẫn còn mang thai.

“Tôi hỏi y tá, ‘Cô có biết tại sao nó không thành công không? Tôi đã làm mọi thứ’ và cô ấy nói, ‘tỉ lệ thành công 96%,’” cô Gomez kể, và cô quyết định không phá thai bằng thuốc nữa.

Thay vào đó, cô Gomez chọn phương pháp nạo thai, một thủ thuật ngoại trú giúp loại bỏ mô thai khỏi tử cung.

Cô làm phụ trội để bù đắp số tiền đã trả và cho biết hai giáo sư của cô đòi giấy bác sĩ trước khi cho cô thêm thời gian để làm kịp bài tập.

Nếu được điều trị tại trường thì cô tiết kiệm được hàng trăm đô la và không mất hàng chục giờ đi lại. Và tinh thần của cô đã không bị ảnh hưởng.

Khoảng cách trong thông tin

Cuộc khảo sát của LAist về các trường đăng thông tin về phá thai bằng thuốc cho thấy có sự khác biệt đáng kể.

Một số trường đặt thông tin về phá thai bằng thuốc trên trang chính của trung tâm y tế sinh viên tương ứng của họ. Những nơi khác thì không. (ĐG) [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT