Friday, May 3, 2024

Hạ Viện đạt đồng thuận bỏ phiếu viện trợ Ukraine, Israel, Đảng Dân Chủ giúp Chủ Tịch Johnson

WASHINGTON, DC (NV) – Hôm Thứ Sáu, 19 Tháng Tư, Hạ Viện vượt qua rào cản thủ tục quan trọng cho dự luật viện trợ Ukraine và các đồng minh khác của Hoa Kỳ ở ngoại quốc, sau khi Đảng Dân Chủ bắt tay vào ủng hộ biện pháp này – một hành động hiếm hoi của đảng thiểu số, nhưng là bước tiến quan trọng giúp khoản viện trợ tiến triển nhanh chóng trước sự phản đối quyết liệt của phe bảo thủ, theo The Hill.

Hạ Viện thông qua quy tắc viện trợ ngoại quốc trong cuộc bỏ phiếu có tỷ lệ 316-94, mở ra cuộc tranh luận về bốn dự luật kết hợp nhằm quân viện cho Ukraine, Israel và Đài Loan cùng viện trợ nhân đạo cho Gaza và các khu vực chiến tranh khác trên toàn cầu. Quy tắc thành công tạo điều kiện thông qua cả bốn biện pháp cuối cùng, dự trù ​​sẽ được đưa ra trong các cuộc bỏ phiếu riêng biệt vào chiều Thứ Bảy.

Bước tiến này giúp Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) tiến một bước gần hơn tới việc thông qua khoản viện trợ ngoại quốc to lớn vốn là chủ đề tranh luận gắt gao trong Điện Capitol – và chương trình nghị sự của ông – diễn ra trong nhiều tháng xoay quanh những cảnh cáo gay gắt từ các nhà lập pháp, viên chức Hoa Kỳ và các số liệu ngoại quốc cho thấy quân lực Kyiv bị bao vây cần thêm sự giúp đỡ từ Hoa Kỳ.

Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) tại Điện Capitol ngày 19 Tháng Tư, 2024 ở Washington, DC (Hình: Andrew Harnik/Getty Images)

Nhưng cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng chắc chắn sẽ làm cho Johnson gặp phải rắc rối lớn hơn với cánh hữu của ông, vốn kịch liệt chỉ trích khoản viện trợ – cả về hàng tỷ Mỹ kim viện trợ cho Ukraine lẫn việc loại trừ an ninh biên giới – và từ lâu lên án Chủ Tịch Hạ Viện có khuynh hướng qua lại với Đảng Dân Chủ nhằm thôi thúc các trọng điểm, gồm có cả viện trợ ngoại quốc.

Để làm nổi trội những căng thẳng nội bộ đó, ba thành viên Đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Quy Tắc Hạ Viện bỏ phiếu chống lại quy tắc của Hạ Viện vào tối Thứ Năm và 55 thành viên bảo thủ cũng bỏ phiếu chống lại quy tắc một lần nữa khi được trình bày tại phòng họp Hạ Viện sáng Thứ Sáu. Nhóm chính trị bảo thủ Freedom Caucus ở Hạ Viện chính thức đưa ra quan điểm hôm Thứ Năm kêu gọi tất cả các thành viên Đảng Cộng Hòa phản đối quy tắc này.

Sự phản đối nội bộ với vấn đề thủ tục tiêu chuẩn trong lịch sử vốn trở thành thông lệ tại Quốc Hội Hoa Kỳ, khi phe bảo thủ tìm cách thúc ép các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa đấu tranh quyết liệt hơn cho các ưu tiên của Đảng Cộng Hòa – động lực dẫn tới lật đổ cựu Chủ Tịch Kevin McCarthy (Cộng Hòa- California) vào Tháng Mười năm ngoái.

Nhưng bất chấp căng thẳng, hiện tại thì vị trí của Johnson dường như không lung lay.

Dân Biểu Marjorie Taylor Greene (Cộng Hòa-Georgia) đã đệ trình quyết nghị phế truất Chủ Tịch Hạ Viện, nhưng bà chưa cho biết chừng nào bà dự định tổ chức buổi bỏ phiếu cho quyết nghị đó. Và hôm Thứ Năm, ngay cả khi phản đối cách giải quyết của Johnson liên quan tới cuộc tranh luận về Ukraine, Greene nói rằng bà chưa sẵn sàng đưa quyết nghị bãi nhiệm ra phòng họp Hạ Viện.

Phần nào đó giúp Johnson có được động lực to lớn – và có lẽ là cứu cánh bảo đảm ghế Chủ Tịch vẫn còn đó – cựu Tổng Thống Trump bày tỏ sự ủng hộ ông dành cho Johnson trong lần xuất hiện chung tại Mar-a-Lago vào tuần trước, điều này kể như thay cho lá phiếu tín nhiệm cản trở quyết tâm lật đổ Johnson của bà Greene.

Ngay cả khi Greene buộc phải bỏ phiếu để phế truất Johnson, các thành viên Đảng Dân Chủ có thể sẽ can thiệp và cứu ông. Một số thành viên Đảng Dân Chủ trong những tháng gần đây nói rằng nếu Chủ Tịch Hạ Viện chuyển viện trợ cho Ukraine, họ sẽ bảo vệ Johnson tránh bị phe bảo thủ lật đổ. Vài người dự đoán có hàng chục thành viên Đảng Dân Chủ sẽ làm như vậy.

Trong cuộc bỏ phiếu quy tắc hôm Thứ Sáu, việc các thành viên Đảng Dân Chủ giờ chót bày tỏ sự ủng hộ không gây ngạc nhiên: Tổng Thống Joe Biden tán thành khoản viện trợ ngoại quốc vào đầu tuần này và bốn thành viên Đảng Dân Chủ trong Ủy Ban Quy Tắc bỏ phiếu vào cuối đêm Thứ Năm để thúc đẩy thông qua khoản viện trợ trước sự phản đối của ba thành viên bảo thủ. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT