Saturday, April 27, 2024

Nobel Hóa Học 2020 về tay 2 nữ khoa học gia tìm ra cách chỉnh sửa gene

STOCKHOLM, Thụy Điển (AP) – Hai nữ khoa học gia hôm Thứ Tư, 7 Tháng Mười, được chọn để trao giải Nobel Hóa Học 2020 do tìm ra phương cách chỉnh sửa gene một cách chính xác, cũng giống như một “cây kéo phân tử,” tạo hứa hẹn sẽ có ngày trị được các chứng bệnh di truyền.

Làm việc riêng rẽ ở hai bên bờ Đại Tây Dương, khoa học gia người Pháp Emmanuelle Charpentier và khoa học gia người Mỹ Jennifer A. Doudna, cùng tìm ra phương pháp gọi là CRISPR-cas9, có thể được dùng để thay đổi DNA trong thú vật, cây cỏ và các vi sinh vật với sự chính xác cao độ. Đây là lần đầu tiên có hai phụ nữ cùng đoạt giải Nobel Hóa Học.

Hai nữ khoa học gia Jennifer A. Doudna (trái) và Emmanuelle Charpentier tại Frankfurt, Đức. (Hình: Alexander Heinl/dpa via AP)

Khám phá của hai nữ khoa học gia này cho phép có sự chỉnh sửa chính xác trong chuỗi DNA của con người, giúp cắt bỏ các “lỗi lầm” khiến dẫn đến đủ mọi loại bệnh tật.

Theo lời chủ tịch Ủy Ban Nobel Hóa Học Claes Gustafsson, phương pháp chỉnh sửa này có ứng dụng rất lớn, ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của đời sống, không chỉ cách mạng hóa khoa học cơ bản, nhưng cũng giúp tạo ra những sản phẩm nông nghiệp mới cùng là các cách trị bệnh cải thiện đời sống con người.

Ông Gustaffson nói rằng nhờ kết quả nghiên cứu của hai nữ khoa học gia này, ngày nay bất cứ hệ gene (genome) nào cũng có thể được chỉnh sửa để loại bỏ các “hư hại di truyền.”

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo rằng: “Khả năng lớn lao của kỹ thuật này có nghĩa là chúng ta phải sử dụng nói với sự cẩn trọng tối đa.”

Bà Charpentier, 51 tuổi, nói rằng rất ngạc nhiên và xúc động khi biết mình được chọn để trao giải Nobel Hóa Học.

Khi được hỏi về ý nghĩa của việc hai phụ nữ lần đầu cùng được trao giải Nobel, bà Charpentier nói rằng tuy bà trước tiên luôn coi mình là một khoa học gia, bà cũng hy vọng điều này sẽ khuyến khích những người khác.

“Tôi hy vọng là điều này sẽ khuyến khích các thiếu nữ khác đi theo con đường khoa học,” theo lời bà Charpentier, hiện là giám đốc nhóm chuyên nghiên cứu về pathogens (vi sinh vật gây bệnh) tại viện Max Planck ở Berlin, Đức.

Bà Doudna, khoa học gia tại đại học UC Berkeley, nói với phái viên AP rằng bà chỉ mới biết là mình được chọn trao giải qua thông báo của một phóng viên.

Bà nói rằng bà hy vọng kỹ thuật này “sẽ được dùng vào các mục tiêu tốt đẹp, khám phá các bí ẩn trong sinh vật học và giúp ích cho loài người.”

Khám phá của hai bà Charpentier và Douda chỉ được công bố năm 2012, tương đối mới so với các khám phá khác được nêu ra trong các giải Nobel, thường chỉ được vinh danh hàng mấy thập niên sau đó. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT