Saturday, May 18, 2024

Iran bác bỏ ‘thỏa thuận về nguyên tử’ của Tổng Thống Trump

TEHARAN, Iran (Reuters) – Tổng Thống Iran Hassan Rouhani gọi “thỏa thuận của ông Trump” để thay hiệp ước nguyên tử năm 2015 là “đề nghị kỳ lạ.” Ông Rouhani muốn giữ thỏa thuận 2015, thời của Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama.

“Thỏa thuận của ông Trump” nhằm giải quyết vấn đề nguyên tử Iran là đề nghị do Thủ Tướng Anh Borris Johnson đưa ra.

Trong buổi họp nội các hôm Thứ Tư, 15 Tháng Giêng, ông Rouhani gọi đây là “đề nghị kỳ lạ.” Thay vào đó, ông kêu gọi các bên quay trở lại hiệp ước năm 2015 mà hiện giờ đang gặp trở ngại lớn.

Ông Hassan Rouhani nói: “Nếu bước đi sai thì quý vị sẽ chịu thiệt hại. Hãy chọn con đường đúng. Con đường đúng là trở lại với hiệp ước nguyên tử đó.”

Cuối ngày Thứ Ba, Tổng Thống Donald Trump đồng ý với thủ tướng Anh rằng nên thay hiệp ước năm 2015 bằng “thỏa thuận của ông Trump.”

Ông Rouhani tố cáo ông Trump là người luôn thất hứa.

Năm 2018, Tổng Thống Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp ước năm 2015 với lý do nó không đủ cứng rắn.

Kể từ đó, ông Trump tăng thêm lệnh trừng phạt, khiến nền kinh tế Iran bị bóp nghẹt.

Đáp lại, Tehran dần dần bớt tuân thủ hiệp ước. Họ nói họ muốn tuân thủ, nhưng không có nhiều động lực vì không nhìn thấy lợi ích kinh tế nào.

Sau vụ Mỹ sát hại Tướng Soleimani, Iran tuyên bố sẽ vứt bỏ tất cả hạn chế với chương trình nguyên tử của mình. Đây là lần vi phạm hiệp ước lớn nhất của Iran.

Tuần này, Anh, Pháp, Đức phản ứng bằng cách áp dụng một cơ chế đưa hiệp ước vào tình trạng tranh chấp. Họ cũng chính thức tố cáo Iran vi phạm các điều khoản.

Ông Rouhani gọi hành động của Anh, Pháp, Đức là “sai lầm chiến lược.” Quyết định của ba nước này có thể khiến Liên Hiệp Quốc áp đặt lại lệnh trừng phạt lên Iran.

Iran luôn khẳng định chương trình nguyên tử của họ chỉ để sản xuất điện. Nhưng quốc tế nghi ngờ Iran dùng chương trình này làm bình phong để sản xuất bom nguyên tử.

Do đó, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, Mỹ, và Liên Âu áp đặt nhiều lệnh trừng phạt nghiêm ngặt lên Iran từ năm 2010.

Năm 2015, Iran và sáu cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga và Đức, đạt được thỏa thuận, theo đó, Iran phải giới hạn chương trình nguyên tử của mình để được dỡ bỏ cấm vận.

Theo hiệp ước này, Iran phải hạn chế làm giàu urani. Urani dùng để sản xuất nhiên liệu cho lò phản ứng nhưng cũng có thể sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, Iran cũng phải sửa lại một lò phản ứng nước nặng mà họ đang xây vì nhiên liệu thải ra từ lò này có thể chứa plutoni dùng để chế tạo bom.

Iran còn phải cho phép thanh sát viên quốc tế đến kiểm tra các cơ sở nguyên tử.

Tuy nhiên, hiệp ước năm 2015 đang có nguy cơ sụp đổ vì một số lý do.

Trước hết, Tháng Năm, 2018, Tổng Thống Trump rút khỏi hiệp ước và áp đặt lệnh trừng phạt trở lại. Ông muốn có một thỏa thuận kiềm chế chương trình hỏa tiễn đạn đạo của Iran cũng như việc nước này can dự vào các cuộc xung đột trong khu vực.

Iran từ chối, và hậu quả là tiền của họ mất giá và lạm phát tăng vọt khi các lệnh trừng phạt bắt đầu có hiệu lực.

Khi những lệnh trừng phạt này được siết chặt vào Tháng Năm, 2019, Iran thực hiện bước đầu tiên trong số năm bước “giảm” tuân thủ các điều khoản liên quan đến hoạt động làm giàu urani.

Nhưng đến Tháng Giêng năm nay, hiệp ước đã tiến gần đến bờ vực sụp đổ.

Căng thẳng tăng cao khi Mỹ không kích tiêu diệt Tướng Soleimani, và Iran trả thù bằng loạt tấn công các mục tiêu Mỹ ở Iraq.

Sau đó, Iran tuyên bố họ đã ngưng tuân thủ điều khoản cuối cùng về làm giàu urani. Tuy nhiên, họ nhấn mạnh sẽ sẵn sàng trở lại với hiệp ước nếu Mỹ dỡ bỏ cấm vận. (Th.Long)

MỚI CẬP NHẬT