Friday, March 29, 2024

Hàng không mẫu hạm Mỹ ghé Việt Nam lần đầu tiên vào năm tới

ARLINGTON, Virginia (NV) – Việt Nam sẽ lần đầu tiên tiếp một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ vào năm tới, theo tin từ Bộ Quốc Phòng Mỹ.

Ðây là một trong những chủ đề của cuộc thảo luận giữa hai bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ-Việt tại Ngũ Giác Ðài, Arlington, Virginia, hôm Thứ Ba, 8 Tháng Tám.

Theo Ngũ Giác Ðài, Bộ Trưởng Jim Mattis gặp Bộ Trưởng Ngô Xuân Lịch để thảo luận gia tăng quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt và các thách thức về an ninh khu vực.

Hai vị lãnh đạo quốc phòng hai nước đồng ý các công tác gia tăng hợp tác quốc phòng, bao gồm chuyến viếng thăm đầu tiên của một hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam vào năm tới, gia tăng hợp tác hải quân, và gia tăng chia sẻ thông tin.

Tướng Mattis cũng nhấn mạnh gia tăng mức độ gìn giữ hòa bình, hỗ trợ nhân đạo, và hợp tác với lực lượng Tuần Duyên Mỹ, bao gồm chuyển giao một khu trục hạm cũ của Tuần Duyên Mỹ cho Hà Nội, để Việt Nam gia tăng tuần tra vùng biển của mình.

Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý là quan hệ quốc phòng Mỹ-Việt mạnh mẽ sẽ gia tăng an ninh khu vực và toàn cầu.

Quan hệ này dựa trên quan điểm tôn trọng lẫn nhau và vì quyền lợi chung của nhau, bao gồm tự do hải hành trong Biển Ðông và toàn cầu; tôn trọng luật quốc tế; và công nhận chủ quyền quốc gia.

Bộ Trưởng Mattis hoan nghênh sự tham gia tích cực và gia tăng vai trò lãnh đạo của Việt Nam trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, vẫn theo Ngũ Giác Ðài.

Ðại Tướng Ngô Xuân Lịch thăm Mỹ trong ba ngày, từ 7 đến 10 Tháng Tám, theo lời mời của Tướng Mattis, theo Thông Tấn Xã Việt Nam cho biết.

Ông Lịch, ngoài chức vụ là người đứng đầu Bộ Quốc Phòng, còn là ủy viên Bộ Chính Trị kiêm phó bí thư Quân Ủy Trung Ương.

Ðây là chuyến thăm Hoa Kỳ thứ nhì của ông, nhưng là lần đầu tiên đến Ngũ Giác Ðài.

Lần trước ông Lịch đến Mỹ tham dự cuộc gặp không chính thức các bộ trưởng Quốc Phòng ASEAN – Hoa Kỳ tại Hawaii, từ ngày 29 Tháng Chín đến ngày 1 Tháng Mười, 2016.

Trong thời gian qua, quan hệ Việt-Mỹ ngày càng được thắt chặt, nhất là sau khi Trung Quốc có những hành động gây hấn tại Biển Ðông.

Hôm 26 Tháng Bảy, ông Lịch “tiếp xã giao” ông Ted Osius, đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ở Bộ Quốc Phòng, sau khi có tin nói Việt Nam bị Trung Quốc dọa đánh chiếm các đảo tại Trường Sa nếu không hủy bỏ việc khoan tìm dầu khí tại các lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam nhưng lại vướng “đường lưỡi bò chín đoạn” do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở Biển Ðông.

Hôm 6 Tháng Tám, một ngày trước khi ông Lịch đến Mỹ, “khu trục hạm USS San Diego ghé quân cảng Cam Ranh để sửa chữa tàu và để thủy thủ Mỹ có dịp khám phá Nha Trang,” theo tòa Ðại Sứ Mỹ tại Hà Nội cho biết.

Trong chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc vào cuối Tháng Năm, hai bên cho thấy quyết tâm tăng cường và phát triển quan hệ quốc phòng song phương, qua bản tuyên bố chung, sau khi ông Phúc gặp Tổng Thống Donald Trump trong Tòa Bạch Ốc.

Ngoài các vấn đề khác, hai bên cũng thảo luận chuyện hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm hải cảng Việt Nam và tiến hành “các biện pháp tăng cường hợp tác hơn nữa giữa hải quân hai nước.”

Washington cũng đề nghị Hà Nội cho lưu trữ những thiết bị trên lãnh thổ Việt Nam để có thể sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, mà trước mắt là về các thiết bị liên quan đến công tác nhân đạo.

Trước đó, nhiều tàu chiến của Mỹ cũng ghé các hải cảng Ðà Nẵng, Cam Ranh, Nha Trang,… để các thủy thủ hai bên giao lưu qua các hoạt động văn hóa, văn nghệ, và thể thao.

Ngoài ra, Mỹ cũng bán hoặc bàn giao cho Việt Nam một số ca nô và tàu lớn.

Hồi Tháng Năm, 2016, Tòa Bạch Ốc hứa cung cấp cho Việt Nam 18 ca nô Metal Shark, và đã giao sáu chiếc trong năm nay.

Sau đó, vào Tháng Năm năm nay, Mỹ cũng giao cho Việt Nam một tàu 3,000 tấn tại Hawaii. Chiếc tàu này trước đây là của Tuần Duyên Mỹ, nhưng nay lực lượng này không sử dụng nữa.

Hồi Tháng Năm, 2016, trong chuyến thăm chính thức và đầu tiên đến Việt Nam, Tổng Thống Barack Obama tuyên bố Hoa Kỳ dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho quốc gia cựu thù.

Việt Nam từng ngỏ ý muốn được Mỹ cung cấp các máy bay tuần tra biển săn tàu ngầm Orion P-3, radar tối tân và cũng muốn Mỹ cấp thêm cho nhiều tàu tuần tra hơn nữa, bên cạnh phụ tùng thay thế cho chiến cụ Mỹ sản xuất để lại sau chiến tranh. Cho đến nay, người ta chỉ thấy Mỹ viện trợ cho Việt Nam một ít tàu tuần tra ven bờ cỡ nhỏ và một tàu tuần cỡ trung bình cho cảnh sát biển.

Hai bên cũng phối hợp tìm kiếm hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, cũng như dọn sạch chất dioxin do máy bay Mỹ thả chất độc màu da cam cách đây hơn 40 năm, tại phi trường Ðà Nẵng và phi trường Biên Hòa. (Ð.D.)

19 người chết và gần 300 người bị thương sau trận động đất ở Tứ Xuyên

MỚI CẬP NHẬT