Saturday, May 18, 2024

Mỹ thí nghiệm trí tuệ nhân tạo thay phi công lái chiến đấu cơ F-16

EDWARDS AIR FORCE BASE, California (NV) – Giữa trưa nắng chói chang, một chiến đấu cơ F-16 thí nghiệm màu cam và trắng cất cánh với tiếng gầm làm nên một không lực Hoa Kỳ hào hùng. Nhưng trận không chiến diễn ra sau đó không giống với bất kỳ màn giao tranh nào khác: Chiếc F-16 này được trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence – AI) điều khiển chứ không phải con người. Và ngồi ở ghế phi công là Bộ Trưởng Không Quân Hoa Kỳ Frank Kendall, theo hãng tin AP.

AI đánh dấu một trong những tiến bộ nổi trội nhất trong ngành hàng không quân sự từ lúc phi cơ tàng hình ra đời vào đầu những năm 1990, trong đó có sự dấn thân hăng say của Lực Lượng Không Quân. Mặc dù kỹ nghệ này chưa được phát triển toàn diện nhưng Không Quân đang lên kế hoạch vận hành một phi đội tích hợp AI với hơn 1,000 chiến đấu cơ không người lái, chiếc đầu tiên sẽ khai trương vào năm 2028.

Quả là phù hợp khi trận không chiến diễn ra tại Căn Cứ Không Quân Edwards, một cứ điểm bao la tọa lạc trên sa mạc, nơi phi công Chuck Yeager phá vỡ tốc độ âm thanh và cũng là nơi quân lực Hoa Kỳ hun đúc những tiến bộ hàng không vũ trụ tối mật nhất. Bên trong các cỗ máy mô phỏng và tòa nhà bí mật được lớp bảo vệ che chắn, chống lại tình trạng do thám, một thế hệ phi công thí nghiệm mới đang huấn luyện các đặc vụ AI bay trong chiến trận mô phỏng. Kendall ghé qua để quan sát AI bay trên thực tế và đưa ra tuyên bố công khai về niềm tin vào vai trò tương lai của kỹ nghệ này khi tham chiến.

Bộ Trưởng Không Quân Hoa Kỳ Frank Kendall bay trong chiếc X-62 VISTA điều khiển bằng AI trên bầu trời căn cứ Edwards Air Force Base, California, ngày 2 Tháng Năm, 2024 (Hình: Richard Gonzales/US Air Force).

Chiến đấu cơ F-16 do AI lái, gọi là Vista, chở Kendall bay với tốc độ nhanh như chớp với vận tốc hơn 550 dặm một giờ (885.1 kilometer một giờ), tạo ra áp lực đè lên người ông gấp năm lần lực hấp dẫn. F-16 do Vista lái kè sát bên chiếc F-16 còn lại do phi công điều khiển, hai chiến cơ rượt đuổi nhau ở khoảng cách 1,000 foot (304.8 mét), phô diễn kỹ thuật xoắn ốc và đảo ngược để đưa địch thủ vào thế lọt tròng.

Kết thúc trận không chiến thí nghiệm kéo dài một giờ, Kendall bước ra khỏi buồng lái cười toe toét. Kendall nói rằng ông được tận mục sở thị mọi thứ trong chuyến bay nên tin tưởng vào khả năng AI quyết định có nên khai hỏa trong chiến địa hay không dù AI vẫn còn đang học hỏi.

Có rất nhiều ý kiến phản đối khả năng đưa ra quyết định của AI. Các chuyên gia kiểm soát võ khí và các nhóm nhân đạo hết sức lo ngại rằng một ngày nào đó AI có thể tự động thả bom giết người mà không cần hỏi ý kiến của con người và họ đang nghiên cứu những hạn chế lớn hơn để áp đặt lên nhiệm vụ của AI.

Kendall cho biết con người sẽ luôn luôn giám sát AI khi vận hành hỏa lực.

Việc quân đội chuyển qua áp dụng chiến đấu cơ tích hợp AI là do các vấn đề về an ninh, ngân sách và chiến lược thôi thúc. Ví dụ, nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc nổ ra xung đột, phi đội chiến đấu cơ có người lái, đắt tiền của Không Lực Hoa Kỳ trong thời buổi này sẽ dễ bị ảnh hưởng do cả hai bên đều đạt được lợi ích trong hệ thống chiến tranh điện tử, không gian và phòng không. Lực lượng không quân Trung Quốc đang trên đà vượt mặt Hoa Kỳ về quân số và họ cũng đang tập họp một phi đội không người lái.

Kịch bản chiến tranh tương lai khắc họa các phi đội không người lái của Hoa Kỳ khai hỏa đợt tấn công phủ đầu nhắm vào hệ thống phòng thủ của quân địch để giúp Hoa Kỳ có thể xâm nhập không phận mà không để lại rủi ro cao cho tính mạng phi công. Nhưng chiến lược tích hợp AI một phần cũng đến từ áp lực ngân sách. Không Lực Hoa Kỳ vẫn bị tiến trình sản xuất trì trệ cùng chi phí quá lớn của Chiến Đấu Cơ Tác Chiến Hỗn Hợp F-35 cản trở, ước tính trị giá khoảng $1.7 ngàn tỷ.

Kendall cho biết chiến đấu cơ không người lái nhỏ hơn và rẻ hơn được AI điều khiển đang là hướng đi tiên phong.

Các chuyên gia điều hành quân sự của Vista cho biết không có quốc gia nào trên thế giới có chiến đấu cơ AI như Vista, là nơi đầu tiên nhu liệu có thể học được từ hàng triệu điểm dữ liệu trong một cỗ máy mô phỏng, sau đó kiểm tra năng lực của AI trong các chuyến bay thực tế. Dữ liệu về hiệu suất trong thế giới thực sau đó được đưa trở lại cỗ máy mô phỏng, nơi AI sẽ tính toán dữ liệu đó để tiếp tục học hỏi.

Trung Quốc cũng có AI, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ tìm ra cách thí nghiệm bên ngoài thiết bị mô phỏng. Và, cũng như một sĩ quan cấp dưới lần đầu tiên học tác chiến, một số chiến thuật chỉ có thể học được trên không, các phi công thử nghiệm của Vista cho biết.

Vista thực hiện trận không chiến do AI điều khiển đầu tiên vào Tháng Chín 2023 và từ lúc đó chỉ có khoảng hai chục trận không chiến tương tự. Tuy nhiên, các nhu liệu đang học hỏi nhanh chóng tới nỗi sau mỗi lần thí nghiệm một số phiên bản AI được thử nghiệm trên Vista đủ sức hạ gục phi công là con người trong các trận chiến không đối không. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT