Wednesday, May 1, 2024

Thượng Viện tiến gần luật giúp COVID-19, nhờ Harris bỏ phiếu quyết định

WASHINGTON, DC (AP) – Thượng Viện Mỹ vào lúc rạng sáng Thứ Sáu, 5 Tháng Hai, thông qua một dự luật ngân sách, theo đó sẽ cho phép việc nhanh chóng chấp thuận kế hoạch trợ giúp chống COVID-19, trị giá $1,900 tỷ của Tổng Thống Joe Biden, mà không cần có sự ủng hộ của phía Cộng Hòa. Phó Tổng Thống Kamala Harris đã đến chủ tọa để bỏ lá phiếu quyết định đầu tiên của bà.

Phía Dân Chủ trong hội trường hoan nghênh nhiệt liệt sau khi bà Harris loan báo tỷ số 51 thuận và 50 chống vào lúc khoảng 5 giờ 30 phút. Cuộc bỏ phiếu diễn ra sau cuộc họp kéo dài cả đêm, do các thượng nghị sĩ phải có quyết định về hàng trăm tu chính án được đưa kèm, vốn sẽ xác định nội dung của luật trợ giúp chống COVID-19, vốn là một phần của dự luật ngân sách.

Phó Tổng Thống Kamala Harris ngồi ghế chủ tọa Thượng Viện để bỏ lá phiếu quyết định, thông qua dự luật ngân sách. (Hình: Senate TV via AP)

Dự luật ngân sách này nay được đưa lại Hạ Viện và phải được bỏ phiếu chấp thuận lần nữa, vì Thượng Viện đưa ra một số thay đổi. Dự luật này sau khi được cả hai viện bỏ phiếu chấp thuận sẽ đưa tới việc soạn thảo dự luật trợ giúp chống COVID-19.

Lãnh Tụ Đa Số Thượng Viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) gọi việc thông qua dự luật ngân sách này là “bước quan trọng đầu tiên để đưa đất nước chúng ta trở lại con đường phục hồi.”

Mục tiêu của phía Dân Chủ là có được sự chấp thuận cho các biện pháp trợ giúp chống COVID-19 vào Tháng Ba, thời điểm mà việc trợ giúp thất nghiệp do dịch và các trợ giúp khác sẽ hết hạn. Đây là điều không dễ dàng và sẽ thử thách khả năng phối hợp của chính phủ Biden và Quốc Hội.

Ông Biden, người đã họp với các nhà lập pháp trong ít ngày gần đây để thảo luận dự luật cứu trợ, sẽ có cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc hôm Thứ Sáu với các chủ tịch ủy ban tại Hạ Viện, có nhiệm vụ soạn thảo dự luật trợ giúp chống COVID-19 theo một tiến trình ngân sách được gọi là “budget reconciliation,” tạm gọi là “đối chiếu ngân sách.”

“Budget reconciliation” là một phương cách giúp nhanh chóng thông qua một dự luật nào đó về ngân sách tại Thượng Viện, nhưng chỉ được sử dụng biện pháp nghị trường này một lần mỗi năm cho một lãnh vực như chi tiêu, thu thuế, hay trần nợ của chính quyền liên bang.

Phó Tổng Thống Kamala Harris ngồi ghế chủ tọa, bỏ lá phiếu quyết định trong phiên họp của Thượng Viện về ngân sách. (Hình: Senate TV via AP)

Tổng Thống Biden hôm Thứ Sáu cũng dự trù sẽ đưa ra các phát biểu về tình hình kinh tế Mỹ để tạo thêm áp lực đòi Quốc Hội phải “có biện pháp mạnh” nhằm đối phó với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Trong cuộc họp kéo dài 15 giờ đồng hồ này, các thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu về nhiều tu chính án khác nhau, cũng có liên quan tới một số vấn đề mà phía Dân Chủ coi là rất quan trọng.

Thượng Viện chấp thuận một tu chính án của Thượng Nghị Sĩ Joni Ernst (Cộng Hòa-Iowa) chống việc tăng lương tối thiểu lên $15 trong thời đại dịch. Bà Ernst nói rằng việc tăng lương tối thiểu trong thời gian này sẽ tàn hại giới tiểu thương.

Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, người cổ võ cho việc tăng lương tối thiểu, không phản đối tu chính án này, cho hay ông không có ý định tăng lương trong thời đại dịch. Tuy nhiên, ông cũng nói “phải chấm dứt tình trạng lương chết đói.”

Phía Dân Chủ không bị các tu chính án này ràng buộc khi soạn thảo dự luật trợ giúp chống COVID-19, nhưng việc thông qua lương tối thiểu $15 không phải là điều dễ dàng.

Tòa nhà Quốc Hội Mỹ lúc rạng đông. (Hình: AP Photo/J. Scott Applewhite, File)

Ngay cả trong trường hợp được đưa vào dự luật về COVID-19, để thông qua việc tăng mức lương tối thiểu này cần có sự đồng ý của tất cả mọi thượng nghị sĩ Dân Chủ trong Thượng Viện, một điều có thể sẽ khó khăn vì giới doanh gia mạnh mẽ chống lại việc này. (V.Giang) [qd]

MỚI CẬP NHẬT