Monday, May 13, 2024

Trump kiện Ủy Ban Điều Tra 6 Tháng Giêng của Hạ Viện

WASHINGTON, DC (NV) – Cựu Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Hai, 18 Tháng Mười, đệ đơn kiện Ủy Ban Điều Tra Ngày 6 Tháng Giêng của Hạ Viện, cáo buộc ủy ban này đã đưa ra một yêu cầu “bất hợp pháp, vô căn cứ, và quá mức” khi đòi giao nộp hồ sơ ghi chép lại những hoạt động và liên lạc tại Tòa Bạch Ốc trong ngày xảy ra vụ bạo loạn tại Quốc Hội.

Trong đơn kiện nộp tại Tòa Liên Bang Địa Hạt Washington DC, ông Trump cho rằng các tài liệu mà ủy ban đòi hỏi là đụng đến đặc quyền hành pháp, vốn được bảo vệ sự bí mật hoạt động của Tòa Bạch Ốc và yêu cầu tòa ra lệnh cấm yêu cầu đòi hồ sơ của ủy ban, theo Reuters.

Cựu Tổng Thống Donald Trump kiện đòi ngăn cấm việc Ủy Ban Điều Tra Hạ Viện đòi giao nộp tài liệu ghi lại những hoạt động và liên lạc tại Toà Bạch Ốc ngày 6 Tháng Giêng. (Hình: Scott Olson/Getty Images)

Ủy Ban Điều Tra 6 Tháng Giêng của Hạ Viện đòi Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia cung cấp mọi thứ từ tin nhắn Twitter, nhật ký điện thoại và sổ ghi tên khách vào Tòa Bạch Ốc, cũng như bất kỳ video và hình ảnh nào về các sự kiện mà ông Trump tham gia.

Đồng thời, Ủy Ban Điều Tra cũng yêu cầu gửi các tài liệu và thông tin liên lạc liên quan đến các hoạt động và bảo mật của ông Mike Pence, cựu phó tổng thống, và nói chung là bất kỳ tài liệu nào đề cập đến cuộc tập hợp tại Tòa Bạch Ốc trước giờ bạo loạn và khi diễn ra cuộc bạo loạn tại điện Capitol, cũng như các cuộc họp, kế hoạch về sự kiện kiểm phiếu đại cử tri tại Quốc Hội.

Cựu Tổng Thống Trump nhân danh đặc quyền hành pháp yêu cầu Cơ Quan Lưu Trữ Quốc Gia giữ lại những tài liệu liên quan, không giao nộp cho Ủy Ban Điều Tra.

Tuy nhiên, vào ngày Thứ Sáu, 8 Tháng Mười, Luật Sư Dana Remus, cố vấn pháp lý Tòa Bạch Ốc, gửi thư đến cơ quan lưu trữ cho biết: “Tổng Thống Joe Biden xác định rằng nhân danh đặc quyền hành pháp trong trường hợp này không mang lại lợi ích tốt nhất cho nước Mỹ, và do đó, không thể áp dụng quyền này cho bất kỳ tài liệu nào có liên quan.”

Theo luật liên bang, các cựu tổng thống có thể yêu cầu tổng thống đương nhiệm giữ lại bất kỳ tài liệu nào được tạo ra trong các chính quyền trước.

Nhưng, các tòa án chưa bao giờ nói rõ rằng các cựu tổng thống có bao nhiêu thẩm quyền để khẳng định đặc quyền khi họ mãn nhiệm.

Người ủng hộ cựu Tổng Thống Trump tấn công cảnh sát bảo vệ Quốc Hội ngày 6 Tháng Giêng. (Hình: Brent Stirton/Getty Images)

Nhưng trên thực tế, quan điểm của tổng thống đương nhiệm có sức nặng đáng kể.

Tối Cao Pháp Viện hồi năm 1977 ra phán quyết vào rằng tổng thống đương nhiệm “ở vị trí tốt nhất để đánh giá nhu cầu hiện tại và tương lai của nhánh Hành Pháp.”

Hơn nữa, đặc quyền không phải là tuyệt đối.

Tối Cao Pháp Viện cho biết đặc quyền này chỉ giới hạn trong việc liên lạc “ở việc thực hành trách nhiệm của một tổng thống, chứ không thể bao gồm các cuộc thảo luận để Bộ Tư Pháp làm suy yếu niềm tin của công chúng vào kết quả bầu cử.” (MPL) [kn]

MỚI CẬP NHẬT