Saturday, May 4, 2024

Vì sao bạo lực súng đạn ở Mỹ tăng đột biến khi thời tiết ấm áp?

WASHINGTON, DC (NV) – Trong nhiều thập niên qua các nhà tội phạm học thấy ra rằng các vụ giết người, bạo lực súng đạn ở Mỹ tăng lên nhiều khi do thời tiết trở nên ấm áp. Các nghiên cứu gần đây cũng đi sâu hơn vào mối liên hệ chính xác giữa nhiệt độ và tỷ lệ tội phạm, theo bản tin hãng thông tấn AFP hôm Thứ Bảy, 4 Tháng Sáu.

Có hai giả thuyết lý giải về mối liên hệ giữa nhiệt độ cao hơn và tỉ lệ tội phạm súng đạn.

Hình ảnh các nạn nhân trong vụ nổ súng ở Uvalde, Texas. (Hình minh họa: Alex Wong/Getty Images)

Giả thuyết đầu tiên là từ ông David Hemenway, giáo sư chính sách y tế tại trường Harvard TH Chan School of Public Health. Ông cho rằng rõ ràng là khi thời tiết xấu, người ta ít ra đường. Khi đó các tay súng muốn nổ súng thì cũng chẳng có ai xung quanh để bắn.

Một giả thuyết khác gây nhiều tranh cãi hơn là bản thân nhiệt độ cao sẽ kích thích sự xung đột.

Ông Hemenway nói rằng từ lâu ông quan tâm đến mối liên hệ giữa nhiệt độ thời tiết và tỉ lệ phạm tội do định kiến về sự phân chia Bắc – Nam tại Mỹ và Ý, cũng như giữa các quốc gia Bắc Âu và Nam Âu (Địa Trung Hải).

Năm 2020, ông từng cùng có một bài nghiên cứu đăng tải trên Injury Epidemiology. Bài nghiên cứu tổng hợp dữ liệu từ Chicago Tribune để lấy số vụ nổ súng hằng ngày ở Chicago từ 2012 đến 2016, sau đó đối chiếu với nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió, chênh lệch nhiệt độ, lượng mưa hằng ngày.

Nghiên cứu cho thấy nếu nhiệt độ cao thêm 10 độ C, thì tỉ lệ các vụ bắn súng cao hơn 34% trong những ngày trong tuần và 42% trong những ngày cuối tuần hoặc ngày lễ. Hoặc nếu nhiệt độ cao hơn 10 độ C so với mức nhiệt độ trung bình, thì tỉ lệ xảy ra các vụ bắn súng cao hơn 33.8%.

Hay theo cách giải thích từ ông Hemenway, nhiệt độ không chỉ là yếu tố quan trọng nhất, nhưng điều chính là sự chênh lệch về nhiệt độ.

“Những vụ nổ súng sẽ diễn ra nhiều hơn trong những ngày thời tiết ấm của mùa Đông, chứ không phải những ngày nóng của mùa Hè,” ông cho biết.

Một nghiên cứu khác từ nhóm của bà Leah Schinasi thuộc trường đại học Drexel University và công bố trên tạp chí Journal of Urban Health năm 2017 tiến hành xem xét tội phạm bạo lực ở Philadelphia.

Bà chia sẻ rằng bà sống ở Philadelphia. Có những ngày bà đạp xe về trong thời tiết nóng và quan sát thấy mọi người có vẻ cáu kỉnh. Chính vì vậy bà muốn nghiên cứu rõ hơn, xem thử liệu vấn đề này có dẫn đến tỉ lệ phạm tội cao hơn vào những ngày nắng nóng hay không.

Nghiên cứu của bà phát hiện ra rằng tỉ lệ tội phạm bạo lực xảy ra thường xuyên hơn vào những ngày thời tiết ấm – từ Tháng Năm đến Tháng Chín – và cao nhất vào những ngày nóng nhất.

Trong khi đó, ở những tháng lạnh hơn (từ Tháng Mười đến Tháng Tư), khi nhiệt độ lên đến 21 độ C (71 độ F), tỉ lệ phạm tội bạo lực hằng ngày cao hơn 16% so với những ngày nhiệt độ 6 độ C (43 độ F) – mức nhiệt độ bình quân của những tháng lạnh.

Ông Hemenway tin rằng hai giả thuyết về mối liên hệ giữa nhiệt độ cao và tỉ lệ phạm tội đều có thể đúng.

Chẳng hạn, năm 2019, Cơ Quan Nghiên Cứu Kinh Tế Quốc Gia (National Bureau of Economic Research) từng công bố một nghiên cứu về ảnh hưởng của nhiệt độ đối với hành vi. Họ đặt sinh viên các trường đại học ở Kenya và California trong phòng nóng hoặc lạnh và tiến hành theo dõi. Kết quả cho thấy “sức nóng ảnh hưởng đáng kể đến việc các cá nhân sẵn sàng hủy hoại tài sản của những người khác.”

Tuy nhiên, ông Hemenway thừa nhận rằng khi nói đến vấn đề bạo lực súng đạn, nhiệt độ chỉ là một phần, còn rất nhiều tác nhân lớn hơn, ví dụ số lượng súng.

Trong năm 2020 ở Mỹ có khoảng 393 triệu khẩu súng được lưu hành, nhiều hơn số lượng người dân. Nhiều tiểu bang trong những năm gần đây còn nới lỏng hay vì siết chặt luật súng đạn.

Mặc dù vậy, thấy được mối liên hệ giữa nhiệt độ và tỉ lệ phạm tội vẫn mang ý nghĩa về mặt chính sách. Chẳng hạn giới chức có thể cho thanh niên tham gia nhiều hoạt động hơn để họ không đến những góc đường phố trong những ngày mùa Hè nóng nhất, hoặc tăng cường cảnh sát tuần tra dựa trên dự báo thời tiết.

Hay nói theo cách của ông Hemenway, “đó là một cách để giảm thiểu tác hại.” Tuy nhiên, theo ông, ngay cả khi không liên quan đến súng đạn, nhiệt độ cao cũng có thể dẫn đến các vụ đánh nhau và hành hung. Điều khác biệt là súng làm những vụ bạo lực trở nên đẫm máu và thương vong hơn. (V.Giang) [đ.d.]

 

 

MỚI CẬP NHẬT