Tuesday, April 30, 2024

Wisconsin sắp đưa lịch sử người Mỹ gốc Á và Hmong vào học đường

MADISON, Wisconsin (NV) – Học sinh trong các lớp học trên toàn tiểu bang Wisconsin có thể được yêu cầu học lịch sử về người Mỹ gốc Á và người Hmong theo dự luật lưỡng đảng mà Quốc Hội đồng thuận thông qua, phóng viên Kayla Huỳnh của tờ The Capital Times đưa tin.

Luật định tương tự được đề nghị trong những năm trước, nhưng hôm Thứ Ba, 20 Tháng Hai đánh dấu lần đầu tiên dự luật được đưa ra bỏ phiếu trong gần hai thập niên.

Dự luật sẽ sửa đổi luật hiện hành để bổ túc chương trình “Người Mỹ Gốc Hmong và Người Mỹ Gốc Á” ngoài các chương trình hiện có mà các trường học bắt buộc phải giảng dạy gồm có: Người Mỹ Da Đỏ, Người Mỹ Da Đen và Người Gốc Tây Ban Nha.

Lịch sử người Mỹ gốc Á và gốc Hmong đang được suy xét để đưa vào học đường tiểu bang Wisconsin (Hình minh họa: Element5 Digital)

Dân Biểu Đảng Cộng Hòa Patrick Snyder, người đại diện cho một quận thuộc khu vực Wausau, nơi có gần 10% cử tri là người Mỹ gốc Á, đưa ra dự luật tương tự vào năm 2022, nhưng nó chưa bao giờ nhận được phiên điều trần trước Ủy Ban Giáo Dục của Hạ Viện. Hàng chục người lên tiếng ủng hộ dự luật tại một phiên điều trần công khai hồi Tháng Năm sau khi các nhà lập pháp của cả Đảng Dân Chủ lẫn Đảng Cộng Hòa lại một lần nữa nói về dự luật vào năm ngoái.

“Dự luật này rất đơn giản: Nó giúp cho tất cả cảm thấy được công nhận,” Dân Biểu Đảng Dân Chủ Katrina Shankland cho biết trong một tuyên bố. “Người Mỹ Gốc Hmong và Người Mỹ Gốc Á đem lại giá trị to lớn cho tiểu bang Wisconsin, cùng những câu chuyện, kinh nghiệm và đóng góp của họ xứng đáng được ghi nhận trong các trường học của chúng ta.”

Năm ngoái, Cap Times nói chuyện với hơn 20 học sinh trung học Người Mỹ Gốc Á tại khu vực Madison, không ai trong số họ có thể ghi nhớ nhiều, nếu có, về lịch sử Người Mỹ Gốc Á mà họ học ở trường. Nhiều người cho biết việc bổ túc thêm chương trình lịch sử sẽ giúp họ cảm thấy gắn kết hơn với nền giáo dục và cộng đồng.

Khi Cap Times hỏi nhiều nhóm học sinh Người Mỹ Gốc Á ở các trường khác nhau rằng liệu họ có cảm thấy lịch sử của mình được trình bày trong lớp hay không, phần lớn tất cả đều trả lời bằng một câu trả lời đồng thanh là “không.”

Điều đó bất chấp dân số tăng lên trong ba thập niên qua tại các trường học của Madison. Trong năm học 1987-88, Học Khu Madison Metropolitan có 921 học sinh Á Châu – chỉ chiếm dưới 4.5% trong tổng số khoảng 20,700 học sinh của học khu. Năm học vừa qua, có 1,944 học sinh Á Châu, chiếm gần 8% trong tổng số khoảng 25,600 học sinh.

Điều đó làm cho dân số toàn học khu của học sinh Á Châu lớn hơn số học sinh ghi danh vào các trường trung học La Follette hoặc East.

Theo cuộc khảo sát về môi trường học sinh năm 2021-22 của học khu, những học sinh gốc Á trả lời họ là nhóm thiểu số không có nhiều khả năng “thấy lịch sử và văn hóa của họ có mặt trong trường học,” với 59% đồng ý hoặc hoàn toàn đồng ý với tuyên bố này. Chỉ có hai phần năm số người được hỏi không đồng ý.

Trong một bản ghi nhớ ngày 30 Tháng Ba nhằm tìm kiếm các nhà đồng bảo trợ dự luật, các tác giả của dự luật lưu ý với các đồng viện của họ rằng Wisconsin là nơi có dân số Người Mỹ Gốc Hmong lớn thứ ba so với bất kỳ tiểu bang nào và dân số Người Mỹ Gốc Á ở Wisconsin tăng 82% tính từ Cuộc Thống Kê Dân Số năm 2000.

Theo nghiên cứu của Tony DelaRosa, sinh viên tiến sĩ đại học University of Wisconsin-Madison, tám tiểu bang đã áp dụng các quy định về nghiên cứu Người Mỹ Gốc Á hoặc dân tộc cho các trường từ mẫu giáo tới lớp 12. Mười bốn tiểu bang khác, trong đó có Wisconsin, có nhiều liên minh ủng hộ việc thông qua chính sách.

Để dự luật trở thành luật định, Ủy Ban Giáo Dục Thượng Viện sẽ cần phải đưa nó ra bỏ phiếu. Nếu được thông qua, toàn bộ Thượng Viện sẽ bỏ phiếu cho luật định trước khi nó được đưa tới bàn làm việc của Thống Đốc Tony Evers. (TTHN)

MỚI CẬP NHẬT