Saturday, May 18, 2024

Xưởng sản xuất ở Việt Nam đóng cửa vì dịch ảnh hưởng kỹ nghệ bán lẻ Mỹ

MANHATTAN, New York (NV) – Việc các nhà máy ở Việt Nam ngừng hoạt động vì dịch bùng phát có thể kéo dài đến năm 2022, và điều này tác động tồi tệ lên các nhà bán lẻ quần áo và giày dép, theo ngân hàng BofA Securities phân tích.

BofA Securities lưu ý vào cuối tuần qua rằng sự phục hồi ở Việt Nam diễn ra chậm hơn so với dự đoán của các nhà bán lẻ, đồng thời cho rằng các công ty đang quá lạc quan về việc này, theo CNBC đưa tin.

Dây chuyền sản xuất giày Nike ở Việt Nam. (Hình minh họa: Giao Thông)

Việc mở cửa trở lại của nền kinh tế ở miền Nam Việt Nam, nơi có nhiều nhà sản xuất quần áo và giày dép, diễn ra chậm hơn nhiều so với miền Bắc.

Việt Nam vừa trải qua một đợt gia tăng nghiêm trọng các ca nhiễm COVID-19 từ Tháng Bảy đến Tháng Tám vừa qua, dẫn đến một đợt đóng cửa khác. 

Việc tạm dừng sản xuất giáng một đòn mạnh vào các công ty phụ thuộc nhiều vào Việt Nam trong việc sản xuất như Adidas và Nike. Các công ty bắt đầu mở cửa trở lại nhưng tỷ lệ chích ngừa tại đây vẫn thấp hơn đáng kể so với các quốc gia khác.

BofA cho hay: “Hoạt động sản xuất có thể mất đến sáu tháng mới trở lại bình thường.”

Ngoài ra, các quy tắc vận hành nhà máy ở Việt Nam vẫn còn nghiêm ngặt và rất phức tạp, điều này có thể cản trở nhân viên quay trở lại làm việc.

BofA dự đoán: “Có một số trở ngại khiến hoạt động sản xuất khó có thể trở lại nhanh chóng, như là việc thiếu lao động kéo dài, chi phí nguyên liệu thô tăng và sự gián đoạn chuỗi cung ứng ở nhiều khu vực khác của Châu Á.”

Puma từng cảnh báo rằng tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, đặc biệt là ở Việt Nam, dẫn đến sự thiếu hụt sản phẩm của công ty này trong năm tới. Tuần trước, Adidas cho cắt giảm các sản phẩm năm 2021 do gián đoạn nguồn cung ứng.

Chủ đề này có thể được đưa ra trong một số cuộc họp sắp tới gần đây khi các nhà bán lẻ báo cáo thu nhập từng quý. (MPL) [qd]

MỚI CẬP NHẬT