Wednesday, May 15, 2024

5 nữ đạo diễn gốc Việt với 5 tâm tư đặc thù trong cộng đồng Việt Nam ở Mỹ

Đằng-Giao/Người Việt

ORANGE COUNTY, California (NV) – Năm nữ đạo diễn có phim trình chiếu trong chương trình “Little Saigon Stories” do Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) hợp tác với Thư Viện Công Cộng Orange County hôm 4 Tháng Ba là Kady Lê, Taylor Jordan, Jaime Trần, Terry Ngô, và Quyên Nguyễn-Lê, có năm tâm tư rất đặc biệt.

Năm đạo diễn (từ trái) Kady Lê, Taylor Jordan, Jaime Trần, Terry Ngô, và Quyên Nguyễn-Lê. (Hình: Nhân vật cung cấp)

Năm đạo diễn với những tâm tư đa dạng, tưởng như khác biệt, nhưng lại có chung một tâm trạng của những người cùng nguồn gốc và truyền thống.

Tất cả năm cuốn phim của năm nữ đạo diễn này đều được chiếu tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Viet Film Fest) trước đây.

“Little Saigon Stories” là một phần của chương trình lớn hơn của hệ thống thư viện Orange County, có tên là “OC Stories” (Câu Chuyện của Orange County) nhằm hoan nghênh sự đa dạng văn hóa trong quận hạt.

Năm tiếng nói qua năm phim của năm nữ đạo diễn gốc Việt là một niềm hãnh diện cho cộng đồng người Việt.

Đề tài khác hẳn nhau, năm đạo diễn cùng có chung một tiếng nói nghệ thuật của người gốc Việt.

“Nghệ thuật làm mọi người suy nghĩ tử tế, hành động tử tế,” đạo diễn Jaime Trần nói. “Hãy tử tế với nhau. Thông cảm cho nhau.”

Flyer quảng cáo buổi chiếu phim “Little Saigon Stories” có phim của năm nữ đạo diễn gốc Việt. (Hình: Facebook VAALA)

Kady Lê

Có thể nói người táo bạo và “dũng cảm” nhất là đạo diễn Kady Lê qua phim “Like Mother, Like Daughter” (2018).

Được sinh ra tại San Jose, nhưng Kady vẫn giữ được bản sắc văn hóa Việt.

“Like Mother, Like Daughter” là một câu chuyện đơn giản nhưng có những xung đột phức tạp.

Tết Nguyên Đán, một thanh niên gốc Việt giấu mẹ việc chuyển giới của mình, muốn mặc chiếc áo dài đầu tiên trong đời với hy vọng sẽ thuyết phục mẹ rằng đứa con trai tên Robert bây giờ tên Robin, là con gái của bà.

Kady cho biết cô không phải là người chuyển giới nhưng cô có thể hiểu được cảm giác bị gạt ra ngoài lề xã hội.

Cô chia sẻ: “Qua ‘Like Mother, Like Daughter,’ tôi muốn nói về việc phải có lòng can đảm để chọn lối sống cấp tiến khác với xã hội và phải có lòng trắc ẩn triệt để thì mới có được sự cảm thông.”

Kady Lê: “Phải can đảm lắm mới sống theo chính mình được.” (Hình: Kady Lê cung cấp)

Nhân vật Robin có những hành động thể hiện bản thân một cách chân thực đòi hỏi sự can đảm triệt để.

Mặc dù người mẹ có thái độ chống đối lối sống của con mình, nhưng sau đó bà được cảm hóa nhờ lòng trắc ẩn.

Có một thời lượng ngắn ngủi mà đạo diễn Kady khéo léo khơi dậy được ít nhất là hai lớp của sự đối chọi.

Bề mặt là sự sung đột giữa quan niệm về lựa chọn chuyển đổi giới tính của người mẹ nhưng tiềm ẩn bên dưới còn là là sự khác biệt giữa hai thế hệ.

Bản chất thuần Việt của Kady được bộc lộ qua lời tâm sự: “Tôi lấy cảm hứng từ chiếc áo dài là biểu tượng của nữ tính và truyền thống văn hóa của chúng ta.”

Kady tiếp: “Mặc dù nam giới cũng mặc áo dài, nhưng tôi luôn cảm thấy rằng có một điều gì đó hết sức đặc biệt đối với những cô gái Việt Nam trẻ khi được mặc áo dài vào dịp Tết.”

Tốt nghiệp đại học UCLA ngành phim, Kady lưu loát ngôn ngữ điện ảnh. Điều này được thể hiện qua cách mô tả hai mẹ con Robin.

Đầu phim, nhân vật Robin được quay một mình bằng camera cầm tay tạo cảm giác dao động, chưa an tâm trong lúc người mẹ được quay bằng camera nằm yên, tạo cảm giác khuôn khổ cứng ngắc. Sau cùng, hai mẹ con cùng đứng trong một khung hình cho thấy sự thông cảm và gần gũi.

Đâu đó trong “Like Mother, Like Daughter,” ẩn chứa hình ảnh Kady.

Cô tâm sự: “Mẹ con tôi gắn bó với nhau khi lựa chọn áo dài mỗi năm mặc dù quan hệ của chúng tôi có nhiều phức tạp.”

“Like Mother, Like Daughter” đem đến cho Kady hai kỷ niệm khó quên.

“Tôi đã khóc khi quay cảnh người mẹ vặn hỏi Robin lúc cô đang mặc áo dài lần đầu. Tôi không cầm được nước mắt,” Kady tâm sự.

Cô cười: “Và cảnh khó quay nhất là phần vào phim, lúc người mẹ làm gỏi cuốn tôm thịt. Lúc đó tôi thèm lắm, chỉ muốn ăn ngay.”

Đạo diễn Taylor Jordan có trái tim thuần Việt. (Hình: Taylor Jordan cung cấp)

Taylor Jordan

Mang hai dòng máu, nữ đạo diễn Taylor Jordan qua “Savory” (2021), “quạt lửa” được hương vị rất đặc thù Việt Nam.

Đây là một cuộc du hành về miền ký ức của một cô gái, trong khi tránh tuyết ở nhà bà ngoại, tình cờ gặp dịp suy ngẫm về tình cảm giữa cô và bà ngoại ngay sau khi cô ăn một món ăn quen thuộc ở nhà bà.

“Savory” lấy chất liệu tạo hình từ những kỷ niệm thời ấu thơ của người nữ đạo diễn.

“Là đứa con lai duy nhất trong gia đình (trước khi có em trai), tôi luôn cảm thấy mình như một người ngoài cuộc vì tôi không hoàn toàn là người da trắng hay người gốc Á,” cô tâm sự. ”Nhưng nhờ gần gũi với bà ngoại và các chị em họ mà tôi có được cảm giác an toàn với thân phận là một người Mỹ gốc Á của mình.”

Bà ngoại ảnh hưởng một phần lớn đến con người và cá tính cô, Taylor cho biết.

Sự chăm sóc ân cần của bà ngoại là cây cầu nối cho Taylor tìm được nguồn gốc Việt Nam của mình. Qua bà, cô tiếp nhận được văn hóa quê hương.

Bà mang cho cô một dòng suối mát để tuổi thơ của cô không cằn cỗi trong thời tiết mùa nóng xứ Texas.

Taylor tiếp: “Ẩm thực là một phần quan trọng trong di sản Việt Nam của tôi. Món ăn quen đưa tôi trở lại những ngày tôi ở với bà ngoại và những bữa ăn của bà làm tôi thoải mái trong những ngày Hè oi ả ở Texas.”

Thuở bé, đạo diễn Taylor mê coi phim hoạt họa Nhật. Hai phim gây ấn tượng sâu sắc nhất cho cô là “The Farewell” và “Spirited Away.”

“Tôi thích những phim giải quyết nỗi khổ đau và sự mất mát không thể tránh khỏi trong cuộc sống,” cô chia sẻ.

“Qua ‘Savory,’ tôi muốn bày tỏ lòng trân quý thoáng hoài niệm bảng lảng khó nắm bắt và chấp nhận sự mong manh này,” cô bày tỏ. “Phim của tôi chú trọng đến các chủ đề về thời gian, sự tĩnh lặng, và kiên nhẫn, giống như nấu ăn.”

Taylor nói: “Ngay từ đầu, tôi đã biết âm nhạc sẽ là một phần quan trọng cho ‘Savory’ và tôi muốn nó là linh hồn tạo nên cảm xúc cho phim.”

Cô tiếp: “Vì vậy, tôi liên lạc với một người bạn cũ, Victor Granados, hiện là một nhà soạn nhạc.”

Người bạn thời cấp hai này đã nhận lời soạn nhạc phim cho “Savary” và cô Taylor hoàn toàn hài lòng.

Cô nói: “Tôi nhớ mãi lần đầu tiên ráp nhạc vào phim. Thật tuyệt vời khi thấy phim và nhạc kết hợp với nhau.”

Cô Taylor muốn hình ảnh của “Savory” có nét mềm mại, hơi phai nhòa (như một kỷ niệm xưa) chứ không quá rực màu và sắc nét kiểu ống kính điện tử nên đã dùng “promist filter” để đạt hiệu ứng này.

Đạo diễn Taylor Jordan sinh ra và lớn lên tại Texas. Cô tốt nghiệp đại học Syracuse University ở New York, ngành nghệ thuật biểu diễn.

“Tôi muốn làm một cuốn phim về văn hóa Việt-Mỹ của mình. Trước xu hướng thù ghét người gốc Á, tôi cảm thấy có trách nhiệm phải kể câu chuyện về gia đình mình,” Taylor nói.

“Nghệ thuật làm mọi người tử tế với nhau hơn,” đạo diễn Jaime Trần nói. (Hình: Jaime Trần cung cấp)

Jaime Trần

Nữ đạo diễn Jaime Trần, qua “Iris” (2022), kể một câu chuyện mà rất đông người gốc Việt có thể cảm thông được ngay.

Một thiếu nữ gốc Việt gặp khó khăn khi phải lựa chọn giữa việc theo đuổi ước mơ của mình hay bị ép vào khuôn khổ truyền thống văn hóa của người cha nghiêm khắc.

May mắn cho nữ nhân vật này, trước khi bị ép buộc phải theo lời cha, cô khám phá một bí mật trong quá khứ của mẹ mình.

“Iris” là một câu chuyện riêng của đạo diễn Jaime Trần và nói về quan hệ giữa một đứa con gái với cha mình.

Tuy là chuyện riêng của cô Jaime nhưng “Iris” được thân nhân, bạn bè thuộc nhiều sắc tộc hưởng ứng và cảm nhận được.

“Cha tôi vừa qua đời. Tôi nhận tin mình đoạt giải nữ diễn viên vai phụ xuất sắc của Culver City Film Festival trong ‘Iris’ giữa đám tang cha tôi,” cô Jaime kể.

Qua “Iris,” đạo diễn Jaime muốn nhắc nhở mọi người, nhất là giới trẻ, rằng hãy sống theo khả năng của mình và không bao giờ hối hận.

“Tôi cũng muốn khuyên những người thuộc thế hệ đi trước nên đón nhận khả năng và ý muốn của con cháu tự quyết cho đời mình,” cô Jaime thổ lộ.

Cô Jaime không bao giờ quên được ngày đầu bấm máy quay “Iris,” cô cùng các thành viên đoàn phim nói với nhau, “Hãy làm cuốn phim này.”

“Iris” có lối kể chuyện đặc biệt là dùng độc thoại nội tâm, giúp khán giả gắn bó hơn với nhân vật.

Ngoài việc viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, Jaime Trần còn diễn xuất trong “Iris” nữa.

Trong thâm tâm, cô Jaime là một diễn viên yêu nghề. Cô từng tập luyện diễn xuất tại các nơi như Beverly Hills Playhouse và Margie Habor Studios.

Cô luôn cảm ơn mọi người, từ diễn viên đến đoàn phim, giúp cô thực hiện “Iris” một cách hoàn hảo.

Cô nói: “Thật vinh dự và hân hạnh được có một diễn đàn cho những người nói gốc Việt.”

Nữ đạo diễn Terry Ngô (bìa phải). (Hình: Terry Ngô cung cấp)

Terry Ngô

Mạnh dạn và cương quyết, nữ đạo diễn Terry Ngô nói lên lòng quả cảm của một phụ nữ không khuất phục trước tình hình thù ghét người gốc Á tại Hoa Kỳ.

Qua phim “Granny Boot Camp” (2022), Terry kêu gọi mọi người cùng đứng lên để tự vệ.

“Granny Boot Camp” kể về một bà cụ, hàng ngày đọc báo thấy những tin tức về sự căm ghét người gốc Á Châu. Bà sợ hãi, không dám ra khỏi nhà, cho đến khi được những đứa cháu động viên và giúp đỡ.

“Tôi nghĩ ra kịch bản cho ‘Granny Boot Camp’ vì tôi lo cho mẹ tôi phải sống trong thời buổi bất ổn này. Người ta sợ COVID-19 rồi đổ thừa cho người gốc Á.”

Cô nói: “Chúng ta phải đứng lên để chống lại sự thù ghét này.”

Cha mẹ và anh chị là thuyền nhân, nhưng cô Terry sinh ra và lớn lên ở New York.

Cô theo học diễn xuất ở đại học University at Buffalo rồi tốt nghiệp cao học ở đại học Emerson College.

Cô làm phim chỉ vì lòng yêu thích. Hiện đạo diễn Terry đang chuẩn bị hoàn tất thêm vài phim khác.

Đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê. (Hình: Facebook Quyên Nguyen-Le)

Quyên Nguyễn-Lê

Quyên Nguyễn-Lê là đạo diễn phim “Buổi Sáng Đi Qua Đại Lộ El Cajón” (2019).

Cô từng học nghệ thuật điện ảnh và văn chương tại đại học USC và học khoa học chính trị tại đại học Universidad Diego Portales, Chile.

Đây là phim tài liệu về Julie, một cô gái trẻ gốc Việt thuộc thế hệ thứ hai, là giám đốc tang lễ tại một nhà quàn ở City Heights, khu đông dân cư tị nạn thuộc thành phố San Diego, California.

Mặc dù đã quá quen thuộc với tang lễ, nhưng sau khi cha cô bất ngờ qua đời, Julie cảm thấy hụt hẫng và lúng túng như bất cứ ai. Julie tìm sự giúp đỡ từ cô Đỗ Thái Uyên, người đã từng làm quản lý tang lễ (và thuế) cho nhiều gia đình di dân Đông Nam Á từ thập niên 1980.

Cuốn phim cho thấy cận cảnh gia đình người tị nạn đau buồn như thế nào khi họ mất người thân ở xa quê hương.

Rất tiếc đạo diễn Quyên Nguyễn-Lê chưa tìm được thời gian cũng như sự thư thái để tham dự cuộc phỏng vấn với nhật báo Người Việt để chia sẻ những cảm nhận, tâm tư và kinh nghiệm quý báu trong quá trình thực hiện “Buổi Sáng Đi Qua Đại Lộ El Cajón.” [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT