Saturday, April 27, 2024

50 năm nỗi đau mất Hoàng Sa, 19 Tháng Giêng, 1974-2024

Trần Chí Phúc

ORANGE COUNTY, California (NV) – Thời gian thấm thoát đã 50 năm kể từ ngày 19 Tháng Giêng, 1974, cho đến hôm nay 19 Tháng Giêng, 2024, nỗi đau Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa vẫn nhức nhối trong lòng người dân Việt Nam.

Dâng hương tại Đài Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, Westminster, tưởng niệm các chiến sĩ Hải Quân VNCH hy sinh 50 năm trước. (Hình: Trần Chí Phúc)

Ngư dân Việt Nam ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế càng thấm thía nỗi đau ấy, vì họ không thể ra khơi đánh cá, vì vùng biển tính từ quần đảo Hoàng Sa tỏa rộng ra hàng trăm cây số đã thuộc về đế quốc Phương Bắc.

Nhớ lại 50 năm xưa, ngày 19 Tháng Giêng, 1974 là ngày 27 Tháng Chạp năm Quý Sửu, lúc đó, chỉ còn ba ngày nữa là người dân miền Nam Việt Nam đón Tết Giáp Dần. Không khí đón mùa Xuân mới đang tưng bừng thì cái tin quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc sau một trận hải chiến với Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa, phủ màu u ám lên thủ đô Sài Gòn và các tỉnh thành miền Nam.

Ba ngày sau trận hải chiến, xuất hiện một bài thơ tựa đề “Bài Thơ Cho Hải Đảo Hờn Căm” như là chứng tích ghi lại nỗi đau lịch sử, cho đến hôm nay đọc mà vẫn thấy cảm xúc dâng trào:

“Ơi Hoàng Sa, hỡi Hoàng Sa yêu dấu.
Đất đai ta một mảng cũng thịt xương.
Tổ quốc ta một tấc cũng tim gan.
Xương thịt đứt thì tim gan đau xót…
Chiều cuối năm một mối thù chưa trả.
Xuân sắp về trời bỗng nặng nề mưa.”
(Phạm Lê Phan, Gia Định, 22 Tháng Giêng, 1974, tức chiều 30 Tháng Chạp năm Quý Sửu).

Đồng bào ở một số tỉnh như Quảng Nam, Biên Hòa, và tại Sài Gòn biểu tình lên án Trung Quốc xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa. Các sinh viên Việt Nam Cộng Hòa du học tại Nhật cũng xuống đường tại thủ đô Tokyo phản đối Trung Quốc. Riêng miền Bắc Cộng Sản thì im lặng vì thần phục Bắc Kinh.

Năm mươi năm xưa, truyền thông đâu được phổ biến như hôm nay, hình ảnh về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 mà tôi biết là đoạn phim tài liệu chiếu ở rạp trước khi vào phim chính ghi lại mấy chục chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa bị Trung Quốc bắt làm tù binh, được trả tự do qua ngả Hồng Kông. Và sang Tháng Tư, 1975, thì thủ đô Sài Gòn thất thủ, rơi vào tay quân Bắc Việt Cộng Sản, chế độ Việt Nam Cộng Hòa cáo chung.

Từ trái, Lê Hương, Đoàn Cẩn, Lâm Dung, và Ngọc Quỳnh hợp ca bản “Ngụy Văn Thà Lời Thề Chiếm Lại Hoàng Sa,” sáng tác Trần Chí Phúc, tại Viện Việt Học, Westminster. (Hình: Chụp qua màn hình YouTube)

Năm mươi năm nhìn lại lịch sử thì hiểu rằng sau khi Tổng Thống Richard Nixon sang Trung Quốc bắt tay với Chủ Tịch Mao Trạch Đông năm 1972 để cùng chống lại sự bành trướng của Liên Xô, thì sau đó Hoa Kỳ đã làm ngơ để cho Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974.

Ngày hôm nay mới thấy rằng Hoa Kỳ đã tính toán chiến lược sai lầm để quần đảo Hoàng Sa lọt vào tay Trung Quốc. Đế quốc Phương Bắc này đang có tham vọng chiếm trọn Biển Đông và sự lớn mạnh của họ đang là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, với thế giới, và với Việt Nam.

Đọc những tài liệu về trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974 thì biết rằng Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng, nhưng thế lực của Trung Quốc quá mạnh cho nên chiến hạm Nhật Tảo bị chìm. Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, hạm trưởng chiến hạm, cùng 74 chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh.

Câu chuyện quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa bị Trung Quốc đánh chiếm năm 1974 tưởng đã mờ dần theo lịch sử. Nhưng quần đảo Hoàng Sa cũng là một nỗi đau đối với dân tộc Việt Nam, hiện đang sống trên mảnh đất hình chữ S, chạy dài từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau.

Những năm sau này, có một vài bài thơ của giới văn nghệ miền Bắc ca ngợi các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa như hai bài của Trần Mạnh Hảo. Bài “Bảy Mươi Tư Anh Hùng Năm Bảy Mươi Tư” có câu: “Các anh chết vì tổ quốc, năm bảy tư của bảy tư anh hùng,” và bài “Người Anh Hùng Họ Ngụy” có câu: “Người yêu nước không thể nào là Ngụy. Người chết vì nước như anh không thể nào là Ngụy. Nhưng anh là Ngụy Văn Thà, tên anh còn mãi với Hoàng Sa.”

Có một dạo, giới cầm quyền Hà Nội có nhắc tới trận hải chiến Hoàng Sa, người dân miền Bắc có làm lễ tưởng niệm các chiến sĩ hải quân hy sinh vì biển đảo, nhưng hiện tại thì ảnh hưởng của Bắc Kinh quá mạnh. Vì thế, chuyện Hoàng Sa, Trường Sa bị cấm đoán trên báo chí truyền thông.

Nhưng ở hải ngoại, nơi những người Việt Nam từng sinh sống dưới thời Việt Nam Cộng Hòa và những hậu duệ của họ, vẫn mãi nhớ trận hải chiến Hoàng Sa và sự hy sinh của những chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa.

Tối Thứ Bảy, 16 Tháng Giêng, 2016, tại Viện Việt Học, Westminster, Nam California, có đêm nhạc “Biển Đảo Cao Nguyên” và ca khúc “Ngụy Văn Thà Lời Thề Chiếm Lại Hoàng Sa,” do tôi sáng tác được hát lên tại đây https://www.youtube.com/watch?v=vvOmgAAM-50.

Dân Hà Nội biểu tình chống Trung Quốc và đòi lại Hoàng Sa. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Lời ca như sau: “Tôi viết tên anh Ngụy Văn Thà, cùng bao chiến sĩ đã hy sinh. Oai dũng năm xưa liều thân giữ đảo, những người con tổ quốc, trận tử chiến Hoàng Sa. Tôi viết tên anh, tôi viết tên các anh. Hoàng Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Hoàng Sa, Hoàng Sa quần đảo quê ta, từ ngày giặc chiếm, Biển Đông phong ba, tàu lạ cướp giết ngư dân đau thương. Hoàng Sa, Hoàng Sa là bản hùng ca, Hoàng Sa, Hoàng Sa lời thề còn vang, người người còn nhớ niềm đau quê hương, Tàu Cộng xâm lăng quần đảo thân yêu. Năm tháng trôi qua vẫn ghi lòng, lời thề cương quyết giữ non sông, sóng nước mênh mông còn ghi dấu vết, người chiến sĩ hải quân, trận tử chiến năm xưa. Hoàng Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, vang vang lời thề, chiếm lại Hoàng Sa.”

Trần Chí Phúc hát bài “Ngụy Văn Thà Lời Thề Chiếm Lại Hoàng Sa” https://www.youtube.com/watch?v=m72rWBjs9wI

Chiều Thứ Tư, 17 Tháng Giêng, tôi ghé thăm Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster, nơi đây có Đài Tưởng Niệm 74 Chiến Sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa, thắp nén nhang nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện lịch sử.

Lịch sử cứ trôi đi, trận hải chiến Hoàng Sa đã 50 năm, nhiều người thời đó đã qua đời, nhưng còn mãi  Đài Tưởng Niệm Hoàng Sa, còn lại những bài thơ, những bài hát để hậu thế nhớ hoài. “Hoàng Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, vang vang lời thề chiếm lại Hoàng Sa.” [đ.d.]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT