Monday, May 13, 2024

Nhân Văn Giai Phẩm nâng tinh thần tự do

Nhà văn Thụy Khuê ra mắt sách



 


Nguyên Huy/Người Việt


 


WESTMINSTER – Hai trăm cuốn sách, mỗi cuốn gần một ngàn trang khổ sách lớn, bìa cứng – “Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Ðề Nguyễn Ái Quốc” – của nhà văn, nhà biên khảo Thụy Khuê do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương phát hành, bán hết ngay trong buổi ra mắt sách tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào chiều 27 tháng 5.









Ðộc giả xếp hàng dài chờ xin được chữ ký của tác giả làm kỷ niệm sau khi mua được sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Ðây là buổi ra mắt sách do nhật báo Người Việt cùng nhà xuất bản Tiếng Quê Hương đồng bảo trợ tổ chức. Hơn ba trăm đồng hương tại Nam California đến tham dự đông chật phòng sinh hoạt của nhật báo Người Việt. Có rất nhiều trí thức, nhà văn, nhà báo, tham dự buổi ra mắt sách.


Ðiều đó không lạ vì tác giả, nhà văn, nhà biên khảo Thụy Khuê đã tạo được uy tín trong văn giới, truyền thông từ nhiều năm nay về những hoạt động văn học nghệ thuật nghiêm chỉnh của tác giả. Hơn nữa, nội dung cuốn sách được ra mắt hôm nay là nhắc lại “vụ Nhân Văn Giai Phẩm” đã gây chấn động tại miền Bắc và đưa đến hậu quả khốc liệt cho các văn nghệ sĩ trong nhóm.


Ðó là thời gian năm 1955 sau khi đất nước bị chia đôi. Gần cả hơn 50 năm sau đó không thấy được nhắc tới sau cuốn “Trăm Hoa Ðua Nở trên đất Bắc” của Hoàng Văn Chí xuất bản trong thời Ðệ I Cộng Hòa ở miền Nam.


Giới thiệu về tác giả, nhà văn Ðỗ Quý Toàn tức nhà báo Ngô Nhân Dụng, cho biết: “Tác giả Thụy Khuê là người đã trình bày những vấn đề văn học trên đài phát thanh quốc tế RFI từ mấy chục năm nay. Bà có những liên lạc khá mật thiết với những nhân vật tiếng tăm trong giới văn học nên những bài viết, biên khảo của bà được viết rất cẩn trọng, có nghiên cứu kỹ lưỡng. Nên bà đã là một nhà biên khảo chững chạc, nghiêm minh nhất của thế hệ chúng tôi.”


Phát biểu về cuốn sách này, nhà báo Ngô Nhân Dụng nhận định: “Hơn một nửa thế kỷ qua, đã không có một cuốn sách nào viết thêm về vụ Nhân Văn Giai Phẩm ngoài cuốn của Hoàng Văn Chí. Nên cuốn sách được ra mắt hôm nay đã là một cuốn sách được đón đợi. Chúng ta sẽ được sống lại cái thời gian 1955-1958 khi miền Nam đang xây dựng một thể chế tự do đối kháng với thể chế độc tài miền Bắc thì tại miền Bắc đã nổ bùng phong trào văn nghệ sĩ đứng lên đòi hỏi tự do, làm ngỡ ngàng mọi người dân miền Nam.”


Nhà báo Ngô Nhân Dụng cũng thú nhận khi ấy mọi người, nhất là giới trẻ, hầu như chỉ mang máng biết đến Nhân Văn Giai Phẩm là những số báo đặc san do một số những nhà văn nhà thơ, họa sĩ, nhạc sĩ tên tuổi từ trước thời Cách Mạng Tháng Tám sau khi kháng chiến trở về Hà Nội đã chủ trương sự tư do trong sáng tác, phê phán đường lối văn nghệ một chiều của chế độ… qua một vài bài thơ của Trần Dần “Tôi đi không thấy phố, thấy nhà, chỉ thấy mưa sa trên mầu cờ đỏ” hay của Phùng Quán “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét, không thể nói yêu thành ghét….”


Vẫn theo nhà báo Ngô Nhân Dụng thì “nay nhờ có Thụy Khuê mới biết thêm được nhiều chi tiết về những ý nghĩ, những tư tưởng trong thời gian đó để chúng ta mới hiểu là Nhân Văn Giai Phẩm không chỉ là đòi hỏi tự do cho văn nghệ sĩ mà là cho đất nước và dân tộc.”


Trước khi kết thúc bài giới thiệu tác giả và tác phẩm, nhà báo Ngô Nhân Dụng đề nghị “tác giả nên tiếp theo một cuốn tuyển tập những bài mà tác giả đã trích trong cuốn sách này” và tham khảo thêm với trong nước để “kể rõ thêm về thảm kịch con người trong chế độ cộng sản VN mà chỉ có người ở trong nước mới thấu hiểu được.”


Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, người được gọi là “Ngục Sĩ,” trong dịp này cũng phát biểu: “Nhân Văn Giai Phẩm khi ấy đã gây một tiếng vang vang dội khắp miền Bắc, nhưng tất cả đã nhầm lẫn khi đòi hỏi tự do vì chế độ cộng sản làm gì có tự do mà đòi. Nhờ cuốn sách này, với những chứng liệu mà chúng ta mới rõ Hồ Chí Minh là người dốt thực sự.”


Sau phần phát biểu của một số thân hữu, tác giả Thụy Khuê đã tâm tình với các độc giả đứng ngồi đông chật phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt. Bà nhắc nhớ đến những người bạn thiết, những bạn văn thế hệ trước như Mai Thảo, Ðỗ Ngọc Yến, Nguyễn Ðình Toàn, Võ Thắng Tiết, Nhật Tiến, những người đã gợi ý cho bà lao vào công việc văn học nghệ thuật để sau nhiều năm hoạt động bà đã nhận ra rằng “khi đã làm đúng được công việc văn học nghệ thuật thì chúng ta sẽ nối kết lại được với nhau không khó khăn gì.”


Tác giả cũng cho biết trong cuốn sách này bà đã gặp gỡ phỏng vấn nhiều người trong nước vào thời gian ấy cũng như đối chiếu nhiều nguồn khác nhau về một sự việc hay một sự kiện, kể cả việc thẩm định lời nói ngày nay với lời nói ngày xưa của một nhân vật.









Tác giả Thụy Khuê nói chuyện về công việc soạn thảo cuốn “Nhân Văn Giai Phẩm & Vấn Ðề Nguyễn Ái Quốc” trong dịp ra mắt sách. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Sau cùng tác giả kết luận, “Người viết nào cũng muốn đi tìm sự thật. Trong lãnh vực biên khảo chứng từ mới nói lên được sự thật nên trong nhiều năm qua tôi đã cố gắng thực hiện được việc đó trong cuốn sách này.”


Buổi ra mắt sách cũng được ban tổ chức giới thiệu cơ sở xuất bản Tiếng Quê Hương, một nỗ lực đáng ca ngợi của nhà văn Uyên Thao cùng một số anh chị em văn nghệ nay đã in và phát hành được 54 cuốn sách.


Nhà văn Uyên Thao có mặt trong dịp này cho rằng “những đóng góp của mình là mong đóng góp vào sự chuyển hóa trước tình trạng ‘trí não bị tê liệt’ ở trong nước, đóng góp để mong quê hương “người sống được quyền sống và người chết có được nấm mồ.”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT